Thursday, March 28, 2024

‘Góp Lá Mùa Xuân’ tỏa sáng ở Little Saigon

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Những cảm xúc, những giai điệu đẹp và ca từ ấm áp tình người, những tràng pháo tay nồng nhiệt trong đêm nhạc “Góp Lá Mùa Xuân” chan hòa tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster, lúc 7 giờ chiều Chủ Nhật, 28 Tháng Năm.

Ðó là không khí đêm nhạc do Fortitude Educational Foundation tổ chức, để gây quỹ cho Trung Tâm Bảo Trợ và Nuôi Dưỡng Trẻ Mồ Côi và Khuyết Tật Hướng Dương (Hướng Dương), tại tỉnh Bình Dương, Việt Nam, do “Thầy Giáo Làng” Nguyễn Thế Vinh quản trị, với mục tiêu cao cả là bảo bọc tất cả những học sinh nghèo khuyết tật được ăn học đầy đủ.

Cô Nguyễn Phương Anh, hội trưởng Fortitude Educational Foundation, cho biết: “Ðây là một hội từ thiện với mong muốn tất cả con em chúng ta có một nền giáo dục, có học vấn tốt đẹp, nhất là các em nhỏ khuyết tật nghèo khổ tại Việt Nam, trên toàn thế giới, cũng như ở Mỹ.”

“Hội có bốn mục tiêu: 1) Xây trường, làm cầu, giếng nước tại Việt Nam để giúp các em học sinh nghèo có điều kiện đi học. 2) Giúp $10,000 học bổng cho những em học sinh lớp 12, ở Mỹ và Việt Nam, vừa học giỏi vừa thích làm việc từ thiện. 3) Tại Mỹ, hội nấu ăn cho người vô gia cư, làm những chương trình giúp việc học cho những trẻ em nghèo. 4) Bảo trợ hoàn toàn cho Hướng Dương,” cô Phương Anh cho biết tiếp.

Ðây cũng là dịp hội ngộ giữa thính giả Little Saigon và bộ ba ca nhạc sĩ khuyết tật đến từ trường Hướng Dương gồm Thế Vinh, Phương Dung, và Thủy Tiên, với ước mơ nhỏ bé là mang lại hạnh phúc cho những trẻ em nghèo khuyết tật tại quê nhà.

Chương trình còn có sự góp sức của các ca sĩ Kim Thoa, Kim Yến, Nguyễn Ðức Cường, qua dòng nhạc của Lam Phương, Huỳnh Anh, Nguyễn Ánh 9, Anh Bằng, Phạm Mạnh Cương, với ban nhạc gồm Quốc Phong (guitar), Quốc Võ (piano), Khương Nguyễn (keyboard), Dũng Nguyễn (âm thanh), và LIV Production (ánh sáng).

Mở đầu đêm diễn, nữ ca sĩ Phương Dung, trong gương mặt rạng rỡ với đôi nạng bước lên sân khấu, trong ca từ vui tươi và giọng hát ngọt ngào, cống hiến hai nhạc phẩm “Quê Hương Ba Miền” (Thanh Sơn), và “Về Quê Ngoại” (Hàn Châu), nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt của khán thính giả.

Phương Dung trong nhạc phẩm “Quê Hương Ba Miền.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Thế Vinh tiếp nối với nhạc phẩm hòa tấu “Rồi Mai Tôi Ðưa Em” (Trường Sa), sau đó với Thủy Tiên hát “Diễm Xưa” (Trịnh Công Sơn). Cặp đôi này chinh phục hoàn toàn thính giả qua tiếng đàn guitar đầm ấm và tiếng kèn harmonica réo rắt của Thế Vinh, cùng giọng ca điêu luyện của Thủy Tiên.

“Nhìn Thế Vinh đánh đàn chỉ bằng một tay, lại vừa thổi kèn harmonica, tôi không thể hiểu nổi làm sao mà âm thanh lại ngọt ngào hòa quyện theo đuổi nhau đến thế. Tôi là người biết chơi guitar cổ điển, vừa móc lên bằng ngón tay trỏ, vừa gảy xuống bằng ngón cái rất khó, lại càng khó hơn khi Thế Vinh dùng tay trái. Tôi chỉ muốn nhắm mắt để nghe âm thanh trong suốt vô ngần của Thủy Tiên, nhưng lại vừa muốn mở mắt ra để xem kỹ thuật chơi nhạc của Thế Vinh. Thật quá tuyệt vời!” anh Phúc Trần, một thính giả trẻ ở Westminster, nói một cách thán phục.

Cô Trang Ngọc, cư dân Garden Grove nhận xét: “Chỉ có ý chí mạnh mẽ mới vượt qua được hoàn cảnh khó khăn về thể chất. Các nghệ sĩ khuyết tật này còn có cả tấm lòng đến với những cảnh đời khốn khó.”

“Rất xúc động và không ngạc nhiên khi kỹ thuật âm nhạc của họ đã hoàn toàn chinh phục mọi người. Họ đã trải qua những khổ đau nên biết cách chia sẻ nỗi đau của những người bất hạnh khác. Thật đáng khâm phục!” cô Ngọc cho biết tiếp.

Trong phần tâm tình với khán giả, Thế Vinh, Phương Dung và Thủy Tiên lần lượt chia sẻ bằng những lời mộc mạc.

“Mỗi tháng, để nuôi một học sinh, cần khoảng $90 tại trường Hướng Dương. Ðêm nay, Vinh chỉ dám xin cô bác anh chị có lòng giúp bao nhiêu thì cho, nếu có tiền nhiều, sẽ nuôi được nhiều em hơn. Mỗi năm đi một vùng, năm nay Vinh sẽ nhận các em học sinh nghèo khuyết tật từ miền Tây và Ðồng Nai, hy vọng sẽ nhận thêm khoảng 20 em,” “Thầy giáo làng” Thế Vinh cho biết.

Lời tự sự của Thế Vinh khiến cả thính phòng xúc động.

Anh kể: “Năm 4 tuổi, ba của Vinh thuộc Sư Ðoàn 23, ông mất tích ở Kom Tum năm 1974, bảy năm sau mẹ cũng qua đời. Vinh được ông bà ngoại nuôi, phải đi chăn bò để kiếm sống, chẳng may té gãy tay phải, bị hoại tử phải cưa cụt cánh tay.”

Chật vật lắm, khi Vinh từ Phan Thiết vô Sài Gòn học và tốt nghiệp đại học. Hiểu được nỗi khổ của các em mồ côi khuyết tật, Vinh đem những kinh nghiệm mình đã trải qua để giúp các em tìm được một tương lai tốt hơn. Thế Vinh phải tự xin tiền khắp nơi để nuôi các em ăn học.

Từ trái, Thủy Tiên, Thế Vinh, Phương Dung, và MC Trâm Anh tâm tình cùng khán giả. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Năm 2006, Vinh lên Bến Cát, Bình Dương, để dạy cho các em học sinh. Gặp những em mồ côi, bị dị tật và nghèo, Vinh dạy miễn phí, còn cho thêm mỗi em 500,000 đồng/tháng, để có thể sống và theo học. Ðến nay có nhiều em đã tốt nghiệp đại học và có việc làm.

Hướng Dương cũng hoạt động suôn sẻ được bảy năm.

Ngay ngày đầu thành lập, trường đã có một trang web để công khai tất cả các chi tiêu tài chánh, mọi người đều có thể xem qua trang web: www:huongduong.edu.vn

Anh Thế Vinh cũng khoe: “Hiện nay Hướng Dương có 31 em được qua Nhật tiếp tục học, một em qua Úc, và một em qua Mỹ.”

Phương Dung di chuyển với đôi nạng, cho biết lúc nào cũng tươi cười, thật hồn nhiên đôn hậu. Cô đã đi khắp nẻo đường để đem tiếng hát của mình giúp đỡ những hoàn cảnh nghiệt ngã khác.

Cô cho biết hồi nhỏ, khi lê la khắp các bệnh viện để chữa trị bệnh teo cơ chân, ba của cô thường đàn cho cô hát. Trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, càng trưởng thành hơn, hành trang của cô là niềm đam mê ca hát, theo cô suốt cuộc hành trình đem lại hạnh phúc cho mọi người.

Câu nói của Phương Dung làm mọi người cảm động nhất là: “Cuộc sống không bao giờ có đường cùng, và vượt qua được chính mình mới là động lực lớn nhất.”

Còn Thủy Tiên, thành công qua dòng nhạc Trịnh Công Sơn, cho biết kinh nghiệm vượt qua gian khổ để hát được như ngày hôm nay.

Năm 4 tuổi, cô bị chứng bệnh hoại tử, ăn lan từ cổ họng đến môi, để lại thẹo rất lớn, cơ môi bị co lại, phát âm bị méo mó làm ảnh hưởng luôn tới giọng hát.

“Bằng tình yêu văn nghệ, em phải tập hát trong cái lu, để nghe được tiếng vọng của mình. Từ đó tập chỉnh sửa dần, giọng nói đỡ hơn. Vì em hát trong ca đoàn nhà thờ, nhờ có được vài giải thưởng ca nhạc, lại được các giảng viên thanh nhạc chỉ cho em gò lại những chữ phát âm cho đúng, lại còn ngân rung và luyến láy, nên em hát được. Hát nhiều thì kinh nghiệm nhiều, giọng cũng mở ra được tròn hơn,” Thủy Tiên tâm sự.

Cô thêm: “Ðó là may mắn trời ban, nên sau khi đoạt giải hát nhạc Trịnh Công Sơn, có một người thuyết phục em nên ra ánh sáng, hát ở phòng trà mới đúng. Ban đầu còn e ngại, nhưng sau khi tham gia, những tràng pháo tay tán thưởng nồng nhiệt làm em tự tin nhiều hơn, em chính thức tham gia ca nhạc từ lúc ấy.”

Thủy Tiên nói rằng: “Những người nghèo khuyết tật, đều cần phải vươn lên, xin mọi người hãy giúp thêm nhiều cơ hội nữa để các em vượt qua mặc cảm.”

Cả thính phòng rộn ràng lên khi MC Trâm Anh cho biết số tiền quyên góp chưa chính thức là gần $23,000 trong đó có $3,100 trên facebook của Fortitude Educational Foundation.

Hy vọng sau chuyến đi này, Thế Vinh sẽ mang về thật nhiều tình yêu thương của khán thính giả Little Saigon dành cho mái ấm Hướng Dương, để thấy rằng vẫn còn nhiều tấm lòng, nhiều vòng tay nhân ái cho các trẻ em nghèo khuyết tật tại quê nhà.

Mọi đóng góp cho Hướng Dương, xin quý vị hảo tâm ghi chi phiếu: Fortitude Educational Foundation, P.O. Box 357, San Marcos, CA 92079. Memo: Huong Duong.

Ngưng lướt mạng có thể dẫn đến cao huyết áp

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT