Friday, March 29, 2024

Trước 1975, sân khấu cải lương vắng bóng ‘Lục Vân Tiên’

Ngành Mai/Người Việt

Sân khấu cải lương miền Nam Việt Nam trước năm 1975 người ta không thấy thi phẩm “Lục Vân Tiên” của thi hào Nguyễn Ðình Chiểu được dàn dựng. Dù rằng câu chuyện này đã có trong dĩa hát, trong cuốn bài ca và cả trên màn ảnh rộng.

Trong khi đó, “Kim Vân Kiều” của thi hào Nguyễn Du lại được trình diễn rất nhiều ở các đoàn hát lớn như Út Bạch Lan-Thành Ðược, Kim Chung, và ban Bích Thuận trên truyền hình.

Vậy do đâu mà “Lục Vân Tiên” lại vắng bóng trên sân khấu? Nếu như chúng ta theo dõi, tìm hiểu một cách cặn kẽ thì sẽ biết “Lục Văn Tiên” tuy vắng bóng ở Sài Gòn, nhưng lại xuất hiện trong mật khu, người sống bên kia chiến tuyến từng đi coi vở hát “Kiều Nguyệt Nga” của soạn giả Ngọc Cung.

Vở này được soạn giả Ngọc Cung soạn từ thời kháng chiến chống Pháp, được hát nhiều lần trong chiến khu. Sau Hiệp Ðịnh Genève 1954 Ngọc Cung tập kết ra Bắc, và tuồng được đạo diễn Lưu Chi Lăng (cũng đi tập kết) dàn dựng cho đoàn cải lương Nam Bộ trình diễn ở miền Bắc. Thời gian chiến tranh nổi lên ở miền Nam, soạn giả Ngọc Cung trở về miền Nam, dĩ nhiên là hoạt động trong mật khu.

Có lần tại Ngã Tư Quốc Tế, có người hỏi nghệ sĩ lão thành Năm Châu, rằng tại sao cải lương không thấy hát tuồng “Lục Vân Tiên,” thì ông trả lời một câu thật chí lý: Tuồng đã hát trong mật khu, nếu giờ đây mình soạn lại cho trình diễn thì chắc chắn sẽ bị phê bình là tuồng dở quá. Các tờ báo thiên tả sẵn sàng đánh phá, chê đủ thứ nói rằng làm hư danh phẩm “Lục Vân Tiên,” như họ từng làm với cuốn phim màu “Lục Vân Tiên” của Tống Ngọc Hạp trước đây.

Năm 1957, cuốn phim màu “Lục Vân Tiên” đầu tiên được ra đời. Ðây là phim màu Eastman A Color do nhà sản xuất Tống Ngọc Hạp thực hiện, đồng thời giữ luôn vai chánh Lục Vân Tiên, đóng cặp với Thu Trang (hoa hậu hội chợ Thị Nghè) vai Nguyệt Nga.

Tống Ngọc Hạp ngoài phần thủ vai chánh còn kiêm viết kịch bản, kiêm đạo diễn và soạn nhạc (nghe nói có đạo diễn người Nhật làm cố vấn). Còn Thu Trang thì vai chánh kiêm hóa trang viên, kiêm thơ ký đạo diễn. Nguyễn Tấn Giàu quay phim kiêm nhiếp ảnh viên và kiêm phụ đạo diễn. Tóm lại việc thực hiện phim rất ít người, kể cả tài tử trong phim cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ngày 30 Tháng Tư, 1975, cán bộ văn nghệ trong mật khu về tiếp quản các cơ sở văn hóa ở Sài Gòn, và tuồng “Kiều Nguyệt Nga” được trình diễn ở rạp Hưng Ðạo, do Thanh Vy, cô đào trẻ đẹp đất Thăng Long đóng vai Kiều Nguyệt Nga.

Dưới đây là bài vọng cổ “Vân Tiên-Nguyệt Nga” của soạn giả Quang Phục, được hãng dĩa hát Sài Gòn thu thanh.

Vân Tiên: (than)
Tiểu Ðồng ôi, đôi mắt cậu nhức nhối, trông cả màn trời đen tối, không còn thấy được ánh thái dương. Ôi đời ta mãi đã mang sầu hận đoạn trường, làm sao trở lại quê hương điếu tang từ mẫu.

Ca Vọng Cổ:
1) Muốn trọn niềm hiếu thảo, đứa con yêu dấu, mẹ chết chưa chôn, con thì phải chịu đui mù… mang nặng khối hận trường chôn sâu dưới nấm mộ ngàn thu, đã lỡ bước công danh, bỏ công đèn sách học hành, tưởng đâu trở lại gia đình để lo cho tròn câu hiếu thảo.

2) Mấy năm dồi mài kinh sử, nay thầy ta cho hạ san đem tài năng giúp ích nước non, cho toại chí anh hùng, nào ngờ đâu hy vọng đã tan tành như nước cuốn bèo trôi. Trời ôi, tuổi thiếu niên này có làm chi nên tội, mà ông nỡ đọa đày cho khổ lụy sầu thương.

Tiểu Ðồng:
3) Cậu ôi, cháu khuyên cậu đừng buồn, đừng rầu, đừng sầu, đừng giận, chẳng qua là số phận phải lao đao lận đận, để tôi lo tâm kiếm thuốc thang, hay là thầy phù, thầy pháp, thầy bói, thầy khoa, à, hay mắc bịnh tà, mà hay là bà cố bà hồng quở, hay cậu có duyên có nợ với bà công chúa Thủy Tề, nay đến ngày bả rước cậu đem về.

Kim Liên:
Ca Vạn Huê Trường Hận.

Cô ôi, nợ duyên dù ngang trái, khuyên cô chớ sầu tư mà vóc liễu phải hao mòn… khổ hại đời cô.
Dù cho tình ái dở dang,
Buồn than chẳng ích lợi gì,
Cậu Vân Tiên cũng đã thác rồi,
Dằn cơn sầu đau, đời cô tương lai còn dài,
Còn thiếu chi anh tài,
Dù cô sầu thương, người yêu cũng không còn.

Vì nợ duyên đã phũ phàng,
Ðành nát ngọc tan vàng,
Trống điểm canh tàn, xin cô vào phòng nghỉ an.

Ca Vọng Cổ:
4) Kim Liên em ôi, ta nằm trên trướng gấm nệm hoa, còn người yêu ta lại nằm dưới hố đất vàng… vắng lạnh hoang tàn giữa bãi tha ma, ai lại chẳng thiết tha vì hạnh phúc, đài trang xuân tan vỡ, ta lạnh lùng bỡ ngỡ chẳng biết nhớ thương ai, đón gió yêu hoa cho khỏi xót xa sầu lụy bấy nhiêu ngày.

5) Gió trăng ôi, mi có khóc thương giùm người bạc mệnh tài hoa, và hiểu nỗi khổ đau lòng của người đang ôm ấp mộng tình lý tưởng. Nhạn ôi mi có bay về hải lý xa xôi, cho ta gởi bầu tâm sự, để trút hết đoạn tơ lòng cho ta dứt hết niềm thương, khỏi mang nặng khối tình trường ly hận và khỏi phải lận đận trong bể hận trường tình.

Giới nhi khoa khuyên đừng cho trẻ em uống nước trái cây

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT