Friday, April 19, 2024

Cải lương kiệt quệ mà đờn ca tài tử vẫn sống

Ngành Mai

Vừa qua gặp soạn giả Yên Lang tại Little Saigon, ông cho biết do đọc báo thấy buổi hội ngộ đờn ca tài tử sắp diễn ra từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều Chủ Nhật, 9 Tháng Mười, tại hội trường nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, nên rất vui mừng và hoan nghênh ban tổ chức đứng ra làm chuyện này.

Soạn giả Yên Lang cho rằng, buổi hội ngộ là một việc mà giới đờn ca tài tử mong đợi. Một người bạn của chúng tôi khi xưa đi ca hát trong các buổi sinh hoạt đờn ca tài tử, cũng nhận định cải lương có thể chết, nhưng đờn ca tài tử vẫn sống dài dài.

Vì sao như vậy? Hiện tình hoạt động cải lương và đờn ca ở trong nước cho người ta có cái nhìn thực tế rằng, cải lương dù có kiệt quệ nhưng đờn ca tài tử chẳng ảnh hưởng gì.

Bởi vì trong khi rạp cải lương thưa dần khán giả, thì các nhóm đờn ca tài tử lại ngày một nhiều hơn. Ðiều ấy có nghĩa, tiếng đờn, câu ca vọng cổ vẫn thu hút người nghe, thì dĩ nhiên đờn ca tài tử vẫn tồn tại, nếu không nói là ngày một lớn mạnh.

Hiện nay hoạt động cải lương ở trong nước hầu như tê liệt, nếu có đoàn hát nào đó thì chỉ trên danh nghĩa mà thôi. Xác gánh nằm một chỗ chờ thời, hư hao dần, trang phục đồ hát cũng thế. Còn đào kép thì mạnh ai nấy đi tìm phương sinh sống, tùy theo nghề nghiệp, khả năng riêng của từng người.

Lâu lâu nếu cơ quan văn hóa, tức chính quyền trợ cấp tiền cho tổ chức hát gọi là “Hội Diễn,” thì đào kép tập trung lại trình diễn vài hôm, xong trở lại tình trạng cũ. Nói chung vẫn còn một vài gánh cải lương, tuy không rã hẳn, nhưng có khi suốt cả năm chẳng hát được một lần.

Do đâu có sự trái ngược giữa cải lương và đờn ca tài tử? Giới khán giả sành điệu cho rằng cải lương bây giờ không hay như trước, bởi vì tuồng tích không đáp ứng yêu cầu thưởng thức nghệ thuật.

Nguồn lực soạn giả giỏi cạn kiệt thì đâu có kịch bản hay như ngày xưa, nên khán giả ít dần, cải lương thu hẹp dần rồi đưa tới chỗ tàn tạ. Nói chung tình trạng cải lương hiện nay như căn bệnh trầm kha không thuốc chữa, cải lương không chết hẳn nhưng đã hết cựa quậy. Nói theo soạn giả Yên Lang thì cải lương như “cái thi hài biết thở” vậy!

Thế nhưng tại sao một bộ môn nghệ thuật từng có một thời kỳ vàng son oanh liệt, rồi giờ đây lại bi đát như thế?

Có gì đâu, hát thì dở, còn tuồng tích thì chỉ lấy tuồng cũ hát vài trích đoạn, mà vé thì bán giá cao, không phù hợp với túi tiền của đại đa số khán giả bình dân, bà con lao động, nông dân ở đồng quê rất mê cải lương, nhưng họ là người kiếm đồng tiền rất khó. Thay vì đến rạp, họ ngồi nhà hay ở tiệm cà phê coi cải lương trên truyền hình, thoải mái hơn mà lại không tốn tiền.

Trong khi đó, đờn ca tài tử hoàn toàn miễn phí.

Ở hải ngoại cũng chẳng hơn gì, trên danh nghĩa cũng có tên một, hai đoàn nhưng cũng không thấy hát, bởi nếu tổ chức hát sẽ bị lỗ là cái chắc. Ðến ngày cúng tổ thì hát vài trích đoạn rồi nghỉ xả hơi dài hạn, mà không biết bao lâu, có người nói đợi đến cúng tổ năm sau.

Sau khi đờn ca tài tử được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thì ở Bạc Liêu (quê hương nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cha đẻ bản vọng cổ) đã tổ chức buổi lễ rất lớn, vinh danh những người xuất thân từ Bạc Liêu đã góp phần làm rạng rỡ vùng đất được mệnh danh là cái nôi của cổ nhạc.

Tóm lại người ta có thể nói rằng đờn ca tài tử hiện nay được đa số công chúng mến mộ hơn cải lương, và nơi đâu có người dân miền Nam sinh sống, ở đó có đờn ca tài tử. Ðờn ca tài tử là nghệ thuật dân gian, muốn hay không, nó vẫn tồn tại với nhân gian.

Xưa nay đi nghe đờn ca tài tử ở đâu cũng miễn phí, thì dĩ nhiên buổi họp mặt này cũng vậy thôi. Ban tổ chức hân hoan chào đón tri kỷ tri âm đồng điệu về họp mặt.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT