Wednesday, April 24, 2024

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ: Xin visa vào Mỹ sẽ bị xét gắt gao hơn

WASHINGTON, DC (NV) – Chính phủ Donald Trump nay tạo khó khăn cho hàng triệu du khách vào Mỹ qua việc đòi hỏi phải qua các biện pháp kiểm soát an ninh mới trước khi cấp visa cho họ, theo các doanh gia thường xuyên tới Mỹ cũng như thân nhân của những người sinh sống ở Mỹ.

Bản tin của tờ New York Times hôm Thứ Năm cho hay các công điện ngoại giao do Ngoại Trưởng Rex Tillerson gửi tới tất cả các tòa đại sứ Mỹ trên toàn thế giới hồi tuần qua ra lệnh cho họ phải tăng cường việc kiểm tra an ninh trên mọi mặt.

Đây là chỉ dấu đầu tiên của việc “thanh lọc gắt gao” mà Tổng Thống Donald Trump hứa hẹn trong thời gian tranh cử.

Các quy định mới này thường không áp dụng cho 38 quốc gia, kể cả phần lớn các quốc gia Âu Châu và các đồng minh lâu năm như Úc, Tân Tây Lan, Nhật và Nam Hàn, những quốc gia mà công dân của họ có thể nhanh chóng được nhận vào Mỹ theo chương trình miễn visa.

Trong khi đó, không một quốc gia nào ở vùng Trung Đông hay Phi Châu ở trong chương trình này. Trong năm 2016, chính phủ Mỹ cấp hơn 10 triệu visa cho du khách ngoại quốc.

Tổng Thống Trump và các giới chức an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc không chờ đợi lệnh giới hạn được thi hành mà yêu cầu giới chức các tòa đại sứ phải xem xét kỹ càng lý lịch những người xin visa vào Mỹ để coi họ có là mối đe dọa an ninh cho quốc gia hay không, theo bốn công điện được gửi đi trong thời gian từ 10 Tháng Ba tới 17 Tháng Ba, bản tin của New York Times cho biết.

Việc xem xét kỹ càng hơn này gồm cả việc yêu cầu những người xin visa trả lời các câu hỏi chi tiết về lý lịch của họ đồng thời cũng vào các trang mạng xã hội mà họ là thành viên để xem là người này có bao giờ ở trong khu vực do ISIS kiểm soát hay không.

Ông Trump thường bày tỏ sự lo ngại của ông với mối đe dọa “khủng bố Hồi Giáo quá khích” từ thành phần di dân. Tuy nhiên, hiện chưa rõ thành phần nào sẽ chịu sự điều tra gắt gao hơn vì các công điện của ông Tillerson để cho giới chức an ninh ở các tòa đại sứ tự quyết định.

Tuy vậy, nếu nhìn tổng quát những biện pháp đưa ra, các giới chức tòa đại sứ và những người hỗ trợ di dân đều cho rằng sẽ có thêm nhiều người bị bác đơn xin visa vào Mỹ, cùng là sẽ kéo dài hơn thời gian quyết định đối với những người bị coi là phải điều tra thêm, có khi nhiều tháng hay cả vài năm.

Có nhiều lý do chính đáng để điều tra thêm một số người nộp đơn xin visa vào Mỹ, gồm cả liên hệ với thành phần tội phạm hay khủng bố. Tuy nhiên, những người hỗ trợ di dân nói rằng họ lo ngại rằng sẽ có người bị để ý chỉ vì tên hay quốc tịch của họ.

“Điều này chắc chắn sẽ làm chậm thêm tiến trình cấp visa và tạo thêm khó khăn cho những người nộp đơn,” theo lời ông Greg Chen, một người thuộc Hiệp Hội Luật Sư Di Trú Mỹ.

Các công điện của ông Tillerson, được hãng thông tấn Reuters loan tải trước nhất, cũng nói rõ rằng chính phủ Trump muốn có sự chú ý kỹ càng hơn tới các trường hợp có thể là mối đe dọa an ninh khi quyết định ai được cấp visa.

“Các giới chức tòa đại sứ chớ nên ngần ngại khi bác đơn của những người là mối lo ngại an ninh,” theo công điện của ông Tillerson. Ông nhấn mạnh thêm là “Tất cả các quyết định về visa đều liên quan tới an ninh quốc gia.”

Trong thời gian tranh cử, ông Trump hứa hẹn sẽ cấm mọi người theo Hồi Giáo vào Mỹ cho tới khi chính phủ có thể hiểu tường tận về những gì đang xảy ra. Sau đó, ông tránh việc cấm hoàn toàn người theo Hồi Giáo nhưng hứa hẹn sẽ có “thanh lọc gắt gao” đối với những người muốn tới Mỹ.

Biện pháp đầu tiên của Tổng Thống Trump về việc này là đưa ra sắc lệnh di trú nhằm tạm thời ngăn không cho người tị nạn và những người mà ông gọi là “kẻ xấu,” phần lớn từ các quốc gia Hồi Giáo, tới Mỹ. Tòa án liên bang chặn sắc lệnh đầu tiên đưa ra chỉ ít ngày sau khi ông Trump nhậm chức. Sắc lệnh thứ nhì, tuy có chút ít sửa đổi, cũng bị tòa án ra phán quyết ngăn chặn.

Tuy vậy, hôm 6 Tháng Ba, cùng ngày ông Trump ký ban hành sắc lệnh thứ nhì, ông cũng viết một chỉ thị cho ngoại trưởng Mỹ, bộ trưởng Bộ Tư Pháp, và bộ trưởng Bộ Nội An là phải “thi hành các thủ tục cần thiết” để gia tăng việc thanh lọc liên quan đến visa.

Các giới chức chính phủ Mỹ cho hay các công điện từ ông Tillerson ở trong các biện pháp thi hành lệnh từ ông Trump. Ông Mark Toner, một phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mỹ, nói rằng các biện pháp này nhằm “nhận diện một cch hiệu quả hơn những người có thể đe dọa nước Mỹ.”

Phần lớn những người muốn vào Mỹ, vì lý do thăm viếng gia đình, thương mại hay du lịch đều phải xin visa. Các giới chức tòa đại sứ Mỹ có thể bác đơn đối với những người bị nghi ngờ là mối đe dọa an ninh, có hành động lừa đảo hay dự tính sẽ ở lâu hơn thời gian cho phép.

Bản công điện dài bảy trang ông Tillerson gửi đi hôm 15 Tháng Ba cho thấy rõ rằng tiến trình cấp visa vào Mỹ sẽ trở nên khó khăn hơn và mất nhiều thời gian hơn ở các tòa đại sứ trên khắp thế giới.

Nội dung của công điện hôm 15 Tháng Ba này đề nghị những gì cần tìm hiểu từ người xin visa có thể gồm: những nơi người xin từng đến ở ngoại quốc, địa chỉ và nơi làm việc trong 15 năm qua, tất cả các số điện thoại và địa chỉ email từng sử dụng cùng là những trang mạng xã hội mà người xin từng là thành viên trong năm năm qua.

Một công điện khác, gửi hai ngày sau đó, yêu cầu giới chức tòa đại sứ khoan hỏi về tin tức di chuyển và nơi làm việc trong 15 năm cho tới khi Bộ Ngoại Giao có sự chấp thuận từ Văn Phòng Ngân Sách và Điều Hành Tòa Bạch Ốc, cơ quan có nhiệm vụ chấp thuận mọi luật lệ mới của chính phủ.

Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng yêu cầu các giới chức tòa đại sứ trì hoãn hay dời ngày phỏng vấn nếu người xin visa không thể cung cấp các dữ kiện đòi hỏi. Ông Tillerson cũng công nhận trong các công điện của mình rằng việc thanh lọc chặt chẽ hơn sẽ tạo ra “tình trạng ùn tắc hồ sơ.”

Dù vậy, ông cũng đề nghị là mỗi giới chức không nên duyệt xét hơn 120 hồ sơ xin visa mỗi ngày.

Ông Chen, thuộc Hiệp Hội Luật Sư Di Trú Mỹ, thắc mắc là làm sao một người thực hiện 120 cuộc phỏng vấn mỗi ngày—nghĩa là khoảng 5 phút mỗi cuộc phỏng vấn—có thể cải thiện mức độ an ninh cho tiến trình cấp visa.

“Rõ ràng là họ nhiều phần không thể có được các tin tức cần thiết cho thấy một người có là mối đe dọa an ninh quốc gia hay không chỉ trong một khoảng thời gian phỏng vấn ngắn ngủi như vậy,” ông Chen nói. (V.Giang)

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Sáu, ngày 24 tháng 3 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT