Thursday, March 28, 2024

Trung Đông khủng hoảng, 6 nước Ả Rập cắt quan hệ ngoại giao với Qatar

DUBAI, United Arab Emirates (AP) – Saudi Arabia và các cường quốc khác trong thế giới Ả Rập hôm Thứ Hai bất ngờ loan báo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar và tìm cách cô lập quốc gia giàu có năng lượng này, cũng là nơi đặt một căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ, cáo buộc chính quyền Qatar hỗ trợ khủng bố và liên minh với Iran.

Hành động này đưa Qatar vào tình trạng hỗn loạn và gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất trong vùng Vịnh Ba Tư kể từ cuộc chiến 1991 với Iraq đến nay.

Qatar, nơi có khoảng 10,000 quân Mỹ đồn trú và sẽ tổ chức giải Bóng Tròn Thế Giới 2022, chỉ trích hành động này là sự vi phạm chủ quyền của Qatar. Trong thời gian qua, Qatar thường xuyên bác bỏ các cáo buộc cho rằng họ hỗ trợ các nhóm quá khích và gọi cuộc khủng hoảng hiện này hoàn toàn là do “các tin tức bịa đặt gây ra.”

Saudi Arabia đóng cửa biên giới với Qatar, cửa ngõ chuyên chở thực phẩm vào quốc gia vùng Vịnh bé nhỏ này, khiến dân chúng lo sợ kéo đi mua sạch những gì có bán ở siêu thị.

Bahrain, Ai Cập, Saudi Arabia và UAE khởi sự rút nhân viên ngoại giao của họ khỏi Qatar và các hãng hàng không trong vùng cho hay họ sẽ tạm thời ngưng các chuyến bay tới thủ đô Doha của Qatar.

Chính quyền được quốc tế công nhận ở Yemen, dù rằng hiện không làm chủ thủ đô và chỉ kiểm soát một phần nhỏ lãnh thổ trong cuộc nội chiến hiện nay, cũng tuyên bố cắt liên lạc ngoại giao, cùng với Maldives và một trong số các chính quyền đang đối đầu với nhau ở Libya.

Hành động này diễn ra chỉ hai tuần sau khi Tổng Thống Donald Trump viếng thăm Saudi Arabia và loan báo ý định cải thiện quan hệ với cả Riyadh và Cairo để đối phó với khủng bố và ngăn chặn Iran.

Ngoại Trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng hành động của các quốc gia Ả Rập là do sự hiểu lầm có từ lâu nay và kêu gọi các phía liên hệ hãy nhanh chóng giải quyết khác biệt.

Saudi Arabia cho hay quyết định cắt liên lạc ngoại giao với Qatar là do quốc gia này “hỗ trợ các nhóm khủng bố và giáo phái có âm mưu gây sự bất ổn trong khu vực,” như nhóm Hồi Giáo Huynh Đệ, al-Qaeda, ISIS và các nhóm khác có sự hỗ trợ của Iran trong khu vực phía Đông của vương quốc Saudi Arabia.

Bộ Ngoại Giao Ai Cập cáo buộc Qatar có thái độ thù nghịch với Cairo và “mọi nỗ lực nhằm kêu gọi Qatar ngưng hỗ trợ khủng bố đều thất bại.”

Các quốc gia vùng Vịnh ra lệnh cho dân của họ rời khỏi Qatar và cho người dân Qatar 14 ngày để trở về nước. Các quốc gia này cũng cho hay sẽ trục xuất các nhà ngoại giao Qatar.

Các quốc gia nói trên cũng cho hay sẽ cắt các nguồn chuyên chở bằng đường hàng không và đường biển.

Qatar Airways, một trong các hãng hàng không chính trong khu vực, ngưng các chuyến bay tới Saudi Arabia, UAE, Ai Cập và Bahrain “cho tới khi có thông báo mới.”

Qatar nói rằng các quốc gia láng giềng “không có lý do chính đáng” để  có hành động như vậy đối với mình, nhưng cho hay dân Qatar sẽ không bị ảnh hưởng.

Qatar là nơi có căn cứ không quân al-Uedeid, nơi đặt bộ chỉ huy tiền phương của Bộ Chỉ Huy Trung Bộ Mỹ (USCENTCOM), có khu vực trách nhiệm trải dài từ Trung Đông sang tới Trung Á.

Phát ngôn viên CENTCOM, Thiếu Tá Adrian J.T. Rankine-Galloway, cho hay không có thay đổi gì về sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Qatar và kêu gọi các quốc gia trong vùng có biện pháp giảm căng thẳng và có giải pháp chung cho an ninh khu vực. (V.Giang)

TT Putin chối không nói chuyện với Tướng Flynn

MỚI CẬP NHẬT