Wednesday, April 24, 2024

Chánh án ở Hawaii gia hạn án lệnh cấm thi hành sắc lệnh di trú

HONOLULU, Hawaii (AP) – Chánh Án Derrick Watson của tòa liên bang ở Hawaii hôm Thứ Tư gia hạn án lệnh cấm thi hành sắc lệnh di trú thứ nhì của Tổng Thống Donald Trump cho tới khi xử xong.

Hôm 15 Tháng Ba, ông Watson đưa ra án lệnh tạm thời không cho thi hành sắc lệnh này, do Tổng Thống Trump ký hôm 6 Tháng Ba.

Hôm 27 Tháng Giêng, ông Trump ký sắc lệnh di trú đầu tiên, cấm không cho cư dân bảy quốc gia có đa số dân Hồi Giáo vào Mỹ trong 90 ngày và ngưng chương trình tị nạn trong 120 ngày. Sắc lệnh này sau đó bị Chánh Án James Robart, thuộc tòa liên bang ở Seattle, chặn lại.

Trong sắc lệnh thứ nhì, Tổng Thống Trump bỏ bớt Iraq ra khỏi danh sách cấm.

Án lệnh của ông Watson ngăn cản liên bang áp dụng lệnh cấm cấp visa mới cho công dân sáu nước đa số Hồi Giáo – Somalia, Iran, Syria, Sudan, Libya, và Yemen – và đình chỉ chương trình nhập cư dân tị nạn.

Chính quyền liên bang nói rằng các biện pháp này nằm trong quyền hạn của Tổng Thống Donald Trump để bảo vệ an ninh quốc gia, và án lệnh của Chánh Án Watson là “sự vượt quá giới hạn chưa tùng thấy của ngành tư pháp.”

Trong khi đó, Chánh Án Watson đồng ý với đơn kiện của Hawaii cho là lệnh cấm ấy làm tổn hại nền kinh tế tiểu bang mà du lịch là nguồn thu nhập chính, đồng thời dựa trên căn bản kỳ thị chủng tộc và tôn giáo.

Bộ Tư Pháp không chấp thuận cho Hawaii kéo dài thời hạn án lệnh do Chánh Án Watson ban hành.

Tuy nhiên, bộ này nói là nếu chánh án đồng ý, họ sẽ thu hẹp phạm vi của sắc lệnh di trú, và chỉ giữ lại phần cấm visa cho công dân sáu nước.

Một ngày sau khi Chánh Án Watson ra phán quyết, Chánh Án Theodore Chuang của tòa liên bang ở Maryland cũng đưa ra phán quyết tương tự.

Tuy nhiên, hôm 24 Tháng Ba, Chánh Án Anthony Trenga của tòa liên bang ở Virginia ra phán quyết nói rằng sắc lệnh của ông Trump “nằm trong quyền hạn của tổng thống.”

Chính quyền Tổng Thống Trump khiếu nại quyết định của tòa Virginia lên Tòa Kháng Án khu vực 4 và tòa sẽ phân xử vào ngày 8 Tháng Năm.

Theo các chuyên gia pháp lý, nếu tòa này đồng ý với liên bang thì phán quyết cũng không ảnh hưởng tới Hawaii, nhưng sẽ tạo nên nứt rạn trong hệ thống tư pháp và khi ấy chỉ có Tối Cao Pháp Viện mới có thể giải quyết. (HC)

Mời độc giả xem phỏng vấn: Hạ Viện hoãn dự luật bảo hiểm y tế

MỚI CẬP NHẬT