Friday, April 19, 2024

Chuyến đi Mỹ lặng lẽ nhưng có ý nghĩa của thủ tướng CSVN

Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ theo lời mời của Tổng Thống Donald Trump và sẽ gặp nhà lãnh đạo Hoa Kỳ vào lúc 3 giờ chiều Thứ Tư, 31 Tháng Năm. Ông Phúc là nhà lãnh đạo duy nhất của Việt Nam đã gặp hai tổng thống Mỹ đương nhiệm cách nhau một năm. Lần trước, ông gặp Tổng Thống Barack Obama tại Hà Nội ngày 23 Tháng Năm, 2016.

Thông cáo của Tòa Bạch Ốc đưa ra hôm Thứ Ba, 23 Tháng Năm, cho biết Tổng Thống Trump muốn thảo luận về những bước tương lai nhằm củng cố bang giao giữa hai nước và tăng cường hợp tác khu vực với một trong những đối tác đối tác quan trọng nhất của Mỹ ở Ðông Nam Á.

BBC dẫn lời một thành viên Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ở Washington, DC cho rằng đối với ông Phúc, đi Mỹ là “cơ hội tốt để nâng cao vai trò cá nhân bằng việc kết thân với ông Trump.” Tổng Thống Trump đã nói chuyện qua điện thoại với nhiều nhà lãnh đạo thế giới như ông Phúc, nhưng ông Phúc là một trong số ít người được tổng thống mời đến gặp, mà mời bằng thư, do ông HR McMaster, cố vấn an ninh quốc gia, chuyển cho Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh.

Tờ South China Morning Post ở Hồng Kông chú ý đến sự kiện ông Phúc là nhà lãnh đạo ASEAN đầu tiên tới gặp chính quyền mới ở Washington, DC. Tờ báo nhắc lại rằng các giới lãnh đạo Việt Nam vừa mới qua thăm và thỏa thuận với Trung Quốc nhiều vấn đề từ ủng hộ “Nhất Ðới Nhất Lộ,” hợp tác hữu nghị trong tình đồng chí ở Biển Ðông, cho tới hội nghị Hiệp Ðịnh Ðối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực(RCEP) ở Hà Nội. Bây giờ không biết sẽ có những thay đổi gì trong cuộc nói chuyện của ông Phúc với ông Trump về những vấn đề ấy.

Tờ báo nói rằng Việt Nam mong muốn Mỹ có mặt mạnh mẽ hơn ở Châu Á trong khi Tổng Thống Trump tỏ ra muốn giảm vai trò và muốn Trung Quốc trợ lực trong sự đối phó với Bắc Hàn. Như thế, trong một thời gian nào đó, Trung Quốc sẽ rảnh tay hơn trong ý đồ bành trướng ở Ðông Nam Á và Việt Nam chắc chắn lo ngại điều này.

Hãng tin Bloomberg cho rằng Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phải thảo luận rất khó khăn với Mỹ để cố gắng duy trì những ưu đãi mậu dịch đã thụ hưởng thời chính quyền của Tổng Thống Obama. Trong một cuộc phỏng vấn của Bloomberg tại Hà Nội trước ngày lên đường đi Mỹ, ông Phúc nói rằng Việt Nam tôn trọng ý định của Tổng Thống Trump rút khỏi TPP, hiệp định mậu dịch mà trước đây Việt Nam rất tán thành và cổ vũ. Việt Nam và Mỹ đã ký kết thỏa hiệp mậu dịch tự do năm 2001 và nhiều thỏa thuận tiếp đó. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, hai bên đã có nhiều cuộc thảo luận để cải tiến và đẩy mạnh thi hành cơ chế hợp tác tương ứng với các quan tâm chung.

Theo lời ông Phúc, Việt Nam nhập cảng hàng tỷ đô la những loại sản phẩm đem lại công việc làm cho dân Mỹ như chế tạo máy bay, động cơ turbin và nông sản. Mậu dịch hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ từ gần số không khi Tổng Thống Bill Clinton bãi bỏ cấm vận năm 1994, nay lên tới $47 tỷ hồi năm 2016.

Theo Reuters, giới lãnh đạo ở Hà Nội muốn gia tăng hội nhập thị trường toàn cầu bằng việc trông vào Mỹ để giảm lệ thuộc kinh tế với Trung Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc chiếm 21% và Mỹ 14% trị giá mậu dịch quốc tế của Việt Nam. Tổng Thống Obama trong chuyến thăm viếng chinh phục hoàn toàn tình cảm dân chúng Việt Nam năm 2016 đã gỡ bỏ hạn chế bán vũ khí sát thương, cho phép tiến hành các cuộc diễn tập hỗn hợp của hải quân hai nước, và lần đầu tiên sau nhiều chục năm Mỹ đưa hai chiến hạm đến căn cứ hải quân Cam Ranh.

Chính quyền của Tổng Thống Trump muốn giảm vai trò của Mỹ ở nước ngoài, tuy vậy, trong Tháng Năm đã tỏ dấu hiệu cho biết sẽ tiếp tục áp lực Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền ở Biển Ðông qua việc chuyển giao cho Việt Nam sáu tàu tuần duyên nhỏ và một tàu tuần duyên lớn, đồng thời, cho khu trục hạm USS Dewey thực hiện chuyến hải hành tự do hàng hải đi gần vào đảo nhân tạo Vành Khăn trong vùng biển Trường Sa, hiện cho Trung Quốc chiếm đóng.

Ngoài ra, trong ngày ông Phúc nói chuyện với ông Trump, đại học Arizona State University chính thức ký kết đối tác lâu dài với Bộ Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam, nhằm phát triển nghiên cứu và mở các chương trình huấn luyện trong lãnh vực khoa học, kỹ sư, kỹ thuật, và sáng tạo (SETI) khắp Việt Nam, theo thông cáo báo chí của trường này cho biết hôm 30 Tháng Năm.

Trong cuộc phỏng vấn của Bloomberg, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc né tránh trả lời thẳng vào câu hỏi là Việt Nam có muốn Mỹ gia tăng hiện diện ở Biển Ðông hay không. Ông nói: “Chúng ta cần cùng nhau thảo luận với các bên liên hệ để bảo đảm là tất cả đều được thụ hưởng lợi ích về mọi hành động bảo đảm hòa bình trong khu vực.”

Ông Phúc cũng phủ nhận cáo buộc Việt Nam phá giá cá ba sa và tôm làm tổn hại cho các tiểu bang miền Nam nước Mỹ. Ông khẳng định: “Chúng tôi không gian dối trong bất cứ sản phẩm gì xuất cảng sang Mỹ và có đầy đủ bằng cớ chứng minh như thế.”

Ông Phúc hy vọng Mỹ tiếp tục đầy mạnh hợp tác với Việt Nam, đặc biệt về mậu dịch, và “chúng ta không chỉ là bạn mà là hai nước đối tác.” Cũng trong cuộc phỏng vấn của Bloomberg, ông Phúc bày tỏ sự tin tưởng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 6.7% năm nay.

Một chuyên gia kinh tế nói với BBC rằng “về mặt kinh tế Việt Nam chẳng mang lại lợi ích gì đáng kể cho Mỹ và có lẽ nằm ngoài những quan tâm trước mắt của chính quyền Trump.” Chuyên gia này cho là phái đoàn của Thủ Tướng Phúc chắc thừa hiểu Việt Nam không có một khoản nhượng bộ nào khả dĩ đổi lấy được một thỏa thuận có lợi từ phía Mỹ. Hơn nữa, Việt Nam cũng không có đủ uy tín để mời chào Mỹ trở lại TPP. Do đó, theo chuyên gia này, “Thảo luận thương mại Việt Mỹ nếu có sẽ chỉ mang tính chất xã giao, một vài thỏa thuận nào đó chỉ có tính hình thức.”

Như vậy, vì sao Tổng Thống Trump lại mời Thủ Tướng Phúc đến Washington, DC? BBC dẫn ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Hùng, giáo sư bang giao quốc tế đại học George Mason University và là một nhà nghiên cứu của CSIS, giải thích thắc mắc ấy. Ông Hùng cho rằng việc cá nhân ông Trump không mặn mà với Ðông Nam Á không có nghĩa là chính quyền Mỹ lơ là khu vực này, và dẫu cho phía Việt Nam có thể không đạt được nhiều kết quả trong mảng kinh tế, thương mại như mong muốn, thì ít nhất cũng đạt được những “thắng lợi ngoại giao” nhất định. Cả ông Trump và ông Phúc đều muốn có thắng lợi ngoại giao, do đó có lẽ “sẽ có sự dàn xếp trao đổi nào đó để ông nào cũng có thể tuyên bố với những người ủng hộ mình là thắng lợi.”

Theo ông Hùng, khác với những nhà lãnh đạo khác, ông Trump là người thích “ngoại giao cá nhân.” Nếu ông Phúc tạo được ấn tượng với ông Trump để ông ấy thích mình thì sẽ có lợi cho đất nước và đó là thắng lợi lớn của ông Phúc.

Trên bình diện “yếu tố ngoại giao” này, có thể suy đoán ra một điều khác. Tổng Thống Donald Trump cho đến ây giờ mới chỉ gọi điện thoại mời hay ngỏ ý mời qua Washington, DC ba nhà lãnh đạo ASEAN: Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Thống Rodrigo Duterte của Philippines, và Thủ Tướng Lý Hiển Long của Singapore.

Singapore là đối tác chiến lược chính của Mỹ ở Ðông Nam Á. Còn Philippines và Việt Nam đều có nhiều vấn đề gây tranh luận, nhưng lại có những điểm chung.

Trước hết, đây là hai nước Châu Á mà Tổng Thống Donald Trump sẽ đến vào Tháng Mười Một để tham dự hai hội nghị thượng đỉnh.

Cho nên, chuyện mời mọc như vậy có thể là Tổng Thống Trump muốn chuẩn bị cho các chuyến đi ấy.

Các tổng thống Mỹ tiền nhiệm, từ Bill Clinton, George W. Bush đến Barack Obama, đều được tiếp đón thân thiện khi đến Việt Nam. Ông Trump chưa bảo đảm được điều này và mặc dù vẫn công kích ông Obama về tất cả mọi việc nhưng buộc phải hiểu là ông Obama đã rất thành công trên cả hai mặt chính quyền cũng như quần chúng trong chuyến thăm năm 2016, cho nên ông Trump muốn chuẩn bị tốt hơn khi tới Việt Nam.

Mặt khác, Philippines và Việt Nam là hai nước ASEAN trực tiếp có những tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Ðông. Như thế, sự xích lại gần hai nước này có giá trị ngoại giao là một thông điệp nhắn gởi cho Bắc Kinh về chính sách bành trướng bá quyền khu vực. Tổng Thống Duterte gần đây đã công khai tỏ ý hướng thiên về phía Trung Quốc, nhưng Việt Nam thì khôn khéo hơn trong thế “đu dây.”

Vụ khu trục hạm USS Dewey vừa mới thực hiện chuyến hải hành đầu tiên đi vào gần đảo nhân tạo Vành Khăn dưới thời Tổng Thống Trump có một ý nghĩa đặc biệt là lời nhắn gởi đến cả Trung Quốc và Philippines.

Như vậy, về mặt kinh tế và mậu dịch, nếu Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc không đạt được nhiều kết quả đáng kể, chuyến đi Mỹ của ông vẫn có những ý nghĩa quan trọng khác cho cả hai phía Việt Nam cũng như Mỹ.

MỚI CẬP NHẬT