Friday, March 29, 2024

Có dấu hiệu TPP hồi sinh mà không có Mỹ

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bộ trưởng Thương Mại của 11 nước từng ký Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đồng ý tiến hành các thảo luận để làm sống lại thỏa hiệp dù không có Mỹ tham dự.

Cuộc họp ở Hà Nội hôm Chủ Nhật, 21 Tháng Năm, cấp bộ trưởng Thương Mại của 11 nước đã ký vào bản TPP được sự đồng thuận để họp tiếp và tìm cách hồi sinh lại một hiệp định đã được ký từ Tháng Hai, 2016, nhưng bị khựng lại khi Tổng Thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút ra khi ông vừa bước chân vào Tòa Bạch Ốc hồi Tháng Giêng đầu năm nay.

“Chúng tôi tập trung nỗ lực tìm phương thức tiến hành hiệp định với 11 nước,” Bộ Trưởng Thương Mại New Zealand Todd McClay nói trong cuộc họp báo sau khi hội nghị kết thúc. “Các nước sắp đưa ra những đề nghị để làm thế nào tiến hành TPP vào Tháng Mười Một.”

“TPP là bộ quy tắc thương mại phẩm chất cao cho khu vực Á Châu-Thái Bình Dương. Nó sẽ giúp gia tăng xâm nhập thị trường cho các nhà xuất cảng và lợi ích trên diện rộng cho các nền kinh tế,” ông McClay phát biểu trong cuộc họp báo và được sự đồng thuận của tất cả các thành viên tham dự cuộc họp TPP bên cạnh cuộc họp của tổ chức APEC.

Nhật và New Zealand là hai nước tích cực nhất trong việc vận động tái khởi động TPP dù chỉ còn có 11 nước (TPP11) thay vì 12 nước gồm cả Hoa Kỳ như trước. Dù các đối tác vẫn mở rộng cơ hội để nước Mỹ quay lại, tuy nhiên, cũng có mặt trong cuộc họp báo, đại diện thương mại Hoa Kỳ tái xác nhận Hoa Kỳ vẫn không thay đổi lập trường trong khi vẫn tiếp tục duy trì mậu dịch với các nước TPP11.

Cuộc họp cấp cao sẽ được tổ chức tại Nhật những tháng tới đây để tìm giải pháp tiến hành TPP11. Các nước tham dự cũng đồng ý kêu gọi mọi việc phải được hoàn tất trước khi có cuộc họp thượng đỉnh APEC dự trù diễn ra tại Đà Nẵng vào các ngày 10 và 11 Tháng Mười Một.

Hồi Tháng Hai, chuyên viên kinh tế tài chính của ngân hàng HSBC ở Hồng Kông cho rằng khi Mỹ rút ra thì TPP khó còn cơ hội tồn tại. Lý do ai cũng nhìn thấy là thị trường Mỹ không còn, thị trường của 11 nước còn lại dù rộng lớn cũng bị giảm đến 60%.

Một số nước có ý định đề nghị sửa đổi một số điều khoản để thích nghi với hoàn cảnh mậu dịch đã bị thay đổi. Như vậy, liệu có đàm phán lại hay chỉ sửa đổi thật ít để không làm mất thêm nhiều thời giờ đàm phán nữa, hoặc giữ nguyên, hiện chưa có dấu hiệu nào rõ rệt.

Khi các nước đồng ý ký TPP, một số nhà phân tích cho rằng Việt Nam là một nước được hưởng lợi nhiều nhất. Nền kinh tế của Việt Nam trông nhờ vào hàng hóa, sản phẩm của các công ty ngoại quốc đầu tư xuất cảng nên người ta thấy Hà Nội cố gắng ký hiệp định thương mại với mọi nơi. (TN)

MỚI CẬP NHẬT