Thursday, March 28, 2024

Hải Quân Mỹ điều tra vụ một thủy thủ không chào quốc kỳ

WASHINGTON, DC (NV) – Hải Quân Mỹ mở cuộc điều tra về vụ một nữ thủy thủ không chào quốc kỳ khi quốc thiều nổi lên trong cuộc thượng kỳ tại Pearl Harbor, Hawaii.

Fox News trích lời phát ngôn viên Hạm Đội Thái Bình Dương nói rằng, cấp chỉ huy trực tiếp của nữ thủy thủ là người quyết định có xử phạt cô hay không, sau khi cô không chịu chào lá quốc kỳ vào hôm 19 Tháng Chín.

Nữ thủy thủ bị điều tra là Trung Sĩ Nhất Janaye Ervin, chuyên viên tình báo thuộc Hải Quân Trừ Bị.

Cô được bổ nhiệm làm việc tại Trung Tâm Yểm Trợ Hành Quân ở North Island, California.

Gần đây, cô được điều đến Hawaii để thực tập trong hai tuần lễ.

Cô Ervin giải thích hành động của mình trên mạng xã hội Facebook và bài này sau đó đã được lấy xuống.

Bấy giờ cô viết: “Tôi cảm thấy mình như bị thôi miên để phải hát về ‘miền đất tự do’ trong khi tôi biết rằng điều đó chỉ áp dụng đối với một số người Mỹ. Tôi sẽ hân hoan nghiêm chỉnh chào lần nữa khi mà TẤT CẢ NGƯỜI MỸ đều được tự do như nhau.”

Cô cho biết cô bị hăm sẽ bị tống giam vì hành động này.

Hồi đầu năm nay, cầu thủ quarterback Colin Kaepernick của đội football San Francisco 49ers gây chú ý cả nước Mỹ khi từ chối đứng nghiêm chào khi bài quốc ca trổi lên trước trận đấu.

Từ đó, nhiều lực sĩ khác trên khắp Hoa Kỳ cũng có hành động phản đối tương tự mỗi khi chào quốc kỳ.

Cẩm nang Hải Quân nói rằng mọi thủy thủ mặc đồng phục đều phải chào kính mỗi khi cử quốc ca. Họ phải hướng mặt về phía quốc kỳ, hoặc nếu không nhìn thấy lá cờ, thì phải hướng về phía bản quốc thiều được trổi lên.

Thủy thủ nào không chào kính quốc ca có thể bị truy tố chiếu theo điều 92 trong quân luật của Hải Quân.

Trong khi đó, theo USA Today, Tổng Thống Barack Obama lên tiếng ủng hộ cầu thủ Kaepernick cùng các lực sĩ khác, những người chỉ quì xuống khi đang cử quốc ca.

Tuy nhiên, tổng thống nhắc nhở họ nên thấy rằng việc phản đối đó có thể gây tác động đến gia đình những người hy sinh trong chiến đấu.

Tổng thống nói: “Một điều tôi thấy trong nền dân chủ của nước Mỹ là nó có thể làm cho chúng ta phật lòng, nhưng nó vẫn là hệ thống ưu việt nhất mà chúng ta có được.”

Ông nói, ông hiểu được sự bất mãn của những người chống đối, những người bênh vực cho quyền tự do biểu lộ tư tưởng. (TP)

MỚI CẬP NHẬT