Thursday, April 25, 2024

Phụ tá của Trump thường xuyên liên lạc với Nga

WASHINGTON, DC (AP) – Chính quyền Tổng Thống Barack Obama biết có những liên lạc thường xuyên giữa cựu Trung Tướng Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng Thống Tân Cử Donald Trump, với đại sứ Nga tại Hoa Kỳ, bao gồm liên lạc vào ngày mà ông Obama ký lệnh trừng phạt Moscow để trả đũa vụ tin tặc Nga xâm nhập vào hệ thống điện toán của Mỹ, một giới chức cao cấp của Mỹ cho biết hôm Thứ Sáu.

Một ngày sau khi Tổng Thống Obama thông báo trục xuất 35 giới chức Nga khỏi Hoa Kỳ, Tổng Thống Vladimir Putin của Nga nói ông không có dự định trả đũa phía Mỹ. Sau đó, Tổng Thống Tân Cử Donald Trump đã ca ngợi ông Putin, gọi quyết định của ông là “rất khôn ngoan.”

Chuyện giới chức chính quyền sắp nắm quyền tại Mỹ có những thảo luận với chính phủ nước ngoài là bình thường.

Tuy nhiên, có nhiều liên lạc vào ngày 29 Tháng Mười Hai, 2016 – ngày mà Tổng Thống Obama trừng phạt Nga – gây thắc mắc là liệu ban chuyển quyền của ông Trump có cố vấn cho Nga trong việc phản ứng với Mỹ hay không.

Ông Sean Spicer, phát ngôn viên của ông Trump, nói rằng Tướng Flynn và Ðại Sứ Sergey Kislyak có nói chuyện qua điện thoại, vào khoảng thời gian ông Obama thông báo lệnh trừng phạt, mặc dù nói rằng cuộc đối thoại xảy ra vào ngày 28 Tháng Mười Hai, một ngày trước khi vị tổng thống Mỹ đưa ra quyết định.

“Cuộc nói chuyện tập trung vào các chuẩn bị để ông Trump và ông Putin có thể nói chuyện qua điện thoại, sau ngày tuyên thệ tổng thống, và họ chỉ trao đổi thông tin làm thế nào để ấn định ngày giờ cho cuộc nói chuyện này,” ông Spicer nói với giới truyền thông hôm Thứ Sáu. “Chỉ có vậy thôi, chứ không có gì khác.”

Tuy nhiên, Washington Post và CNN nói ông Flynn liên lạc ông Kislyak vào ngày 29 Tháng Mười Hai, chứ không phải ngày 28.

Lâu nay, ông Trump thường xuyên kêu gọi cải thiện quan hệ Mỹ-Nga, hiện đang xuống mức thấp nhất dưới thời Tổng Thống Obama. Tại cuộc họp báo ở Trump Tower hôm Thứ Tư, ông Trump nói: “Nếu ông Putin thích Donald Trump, tôi coi đó là một tài sản, chứ không phải là trách nhiệm pháp lý, bởi vì chúng ta có một quan hệ khủng khiếp với Nga.”

Các liên lạc của Tướng Flynn với đại sứ Nga được nhà bình luận David Ignatius của nhật báo The Washington Post đề cập đầu tiên. Giới chức Hoa Kỳ, người tiết lộ tin này với AP, không được quyền xác nhận các liên lạc giữa ông Flynn và ông Kislyak một cách công khai, và yêu cầu được ẩn danh.

Giới chức này nói rằng ông Flynn và ông Kislyak cũng có liên lạc với nhau vào lúc khác.

Ông Spicer nói rằng họ chỉ trao đổi những lời chúc Giáng Sinh qua texting hồi cuối năm qua.

Hiện chưa biết tại sao các giới chức Mỹ biết chuyện ông Flynn và ông Kislyak liên lạc với nhau. Ông Kislyak là đại sứ tại Mỹ kể từ năm 2008. Việc Hoa Kỳ theo dõi các liên lạc của giới chức Nga tại Mỹ là chuyện bình thường.

Kể từ khi ông Trump thắng cử tổng thống hồi Tháng Mười Một năm ngoái, Tướng Flynn có nói chuyện với nhiều giới chức ngoại quốc. Ông Steve Bannon, chiến lược gia cao cấp của ông Trump, cũng như ông Jared Kushner, con rể và sẽ là cố vấn cao cấp của ông Trump, cũng thường xuyên liên lạc với giới chức chính quyền nước ngoài.

Thượng Viện điều tra vụ tin tặc Nga

Hôm Thứ Sáu, 13 Tháng Mười Hai, Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện cho biết sẽ mở một cuộc điều tra lưỡng đảng liên quan vụ các cơ quan tình báo Nga đột nhập vào các hệ thống email trong cuộc bầu cử Mỹ, và mức độ của cuộc điều tra này bao gồm phỏng vấn các giới chức trong chính quyền Barack Obama và Donald Trump, theo đài truyền hình NBC.

“Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là phải có một sự hiểu biết thấu đáo mức độ hoạt động của tình báo Nga ảnh hưởng tại Hoa Kỳ,” Thượng Nghị Sĩ Richard Burr (Cộng Hòa-North Carolina), chủ tịch ủy ban, và Thượng Nghị Sĩ Mark Warner (Dân Chủ-Virginia), phó chủ tịch ủy ban, cho biết qua một bản tuyên bố.

Cuộc điều tra sẽ bao gồm “bất cứ tin tình báo nào liên quan giữa Nga và các cá nhân có liên quan đến các cuộc vận động chính trị,” tuyên bố cho biết tiếp.

Ủy ban này dự trù “phỏng vấn các giới chức cao cấp của cả hai chính quyền đang chuyển giao quyền hành, bao gồm trát đòi chất vấn nếu cần, để thực hiện các cuộc điều tra.”

Cuộc điều tra này được thông báo sau khi các cơ quan tình báo Mỹ kết luận rằng chính phủ Nga nhiều phần đứng đằng sau một chiến dịch bí mật nhằm can thiệp vào bầu cử Mỹ và tấn công tin ttặc vào các tổ chức của đảng Dân Chủ.

Tuyên bố của hai thượng nghị sĩ Burr và Warner còn cho biết thêm là “ủy ban sẽ điều tra tới nơi tới chốn dựa trên các thông tin tình báo.” (Ð.D.)

MỚI CẬP NHẬT