Thursday, March 28, 2024

TT Trump công du ngoại quốc trong lúc Washington có nhiều rối rắm

WASHINGTON, DC (NV) – Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Sáu khởi sự chuyến công du kéo dài chín ngày qua năm nơi, bắt đầu với chặng dừng đầu tiên ở Saudi Arabia, với mục đích đoàn kết thế giới Hồi Giáo chống lại khủng bố, trong lúc vấn đề liên hệ với chính phủ Nga đang có nguy cơ nổ lớn hơn.

Các biến chuyển hàng ngày của vấn đề này lại càng tăng thêm nhu cầu phải có chiến thắng ngoại giao, nhưng các giới chức Tòa Bạch Ốc cũng có vẻ không muốn tạo ra quá nhiều trông đợi từ dư luận, theo tờ USA Today.

Các chuyên gia chính trị cho rằng các vấn đề nội bộ ở Mỹ sẽ không cho ông Trump thế vững mạnh mà ông mong muốn.

“Comey là người điên khùng”

Ngay sau khi chiếc máy bay Air Force One chở Tổng Thống Donald Trump rời khỏi căn cứ Andrews Air Force Base, Maryland, nhật báo The New York Times tường thuật rằng, trong buổi gặp gỡ hai nhà ngoại giao Nga, Ngoại Trưởng Sergey Lavrov và Đại Sứ Sergey Kislyak, trong Phòng Bầu Dục Tòa Bạch Ốc, ông Trump nói với họ rằng, cách chức Giám Đốc FBI James Comey làm giảm “áp lực lớn” đối với ông, dựa theo tài liệu ghi lại nội dung buổi gặp mặt.

“Tôi mới đuổi người đứng đầu FBI. Ông là người điên khùng, thật sự điên khùng,” ông Trump nói, theo tài liệu cho biết.

Tài liệu này được một giới chức Mỹ đọc cho nhật báo NYT nghe.

“Tôi bị rất nhiều áp lực vì vụ Nga. Bây giờ nó biến mất rồi.”

Ông Trump còn nói thêm: “Tôi không bị điều tra.”

Cuộc đối thoại này xảy ra một ngày sau khi ông Trump cách chức ông Comey.

Điều này cho thấy, ông Trump đuổi ông Comey chủ yếu vì FBI điều tra vụ liên hệ giữa ủy ban vận động tranh cử của ông Trump và người Nga.

Tổng Thống Trump cũng từng nói tương tự như vậy trên truyền hình, nhưng Tòa Bạch Ốc thường phản bác lại, và không cho đó là lý do ông Comey bị đuổi.

Trong cuộc họp báo với Tổng Thống Juan Manuel Santos của Columbia tại Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Năm, 18 Tháng Năm, Tổng Thống Trump lại nói ông cách chức ông Comey qua đề nghị của Thứ Trưởng Bộ Tư Pháp Rod Rosenstein.

Tài liệu của Tòa Bạch Ốc có phát biểu của ông Trump dựa trên những gì ghi chép được trong Phòng Bầu Dục và từng được chuyển cho các nhân viên.

Một giới chức đọc nội dung phát biểu của ông Trump cho NYT, và một giới chức khác xác nhận nội dung này.

Ông Sean Spicer, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, không phản bác lại nội dung phát biểu của tổng thống.

Trong một tuyên bố, ông Spicer nói rằng ông Comey đã tạo ra sức ép không cần thiết đối với công việc ngoại giao của tổng thống đối với nước Nga, liên quan đến các vấn đề như Syria, Ukraine, và ISIS.

“Bằng cách đứng yên và chính trị hóa cuộc điều tra liên quan tới hành động của Nga, ông James Comey tạo ra áp lực không cần thiết vào khả năng làm việc và thương thuyết với Nga,” ông Spicer nói. “Cuộc điều tra nên được tiếp tục, và rõ ràng, vụ cách chức ông Comey không làm cuộc điều tra chấm dứt. Một lần nữa, vấn đề thật sự ở đây là an ninh quốc gia của chúng ta bị hủy hoại vì các cuộc nói chuyện riêng tư và rất bảo mật bị tiết lộ.”

Cuộc gặp gỡ giữa ông Trump và hai nhà ngoại giao hàng đầu của Nga trong Tòa Bạch Ốc cũng tạo ra tranh cãi hồi tuần trước, khi mọi người biết rằng tổng thống Mỹ tiết lộ tin tình báo, do Israel cung cấp, cho người Nga.

Một giới chức thứ ba, cũng được biết nội dung cuộc nói chuyện, lên tiếng bênh vực Tổng Thống Trump, nói rằng nhà lãnh đạo Hoa Kỳ sử dụng chiến thuật thương thuyết khi nói với ông Lavrov về “sức ép” mà ông phải chịu. Giới chức này có ý nói rằng, ông Trump làm như vậy để khuyên ông Lavrov là Nga nên nhún nhường – trong vấn đề Syria, Ukraine, và các vấn đề khác – bằng cách nói rằng vụ người Nga bị tố cáo dính dáng vào bầu cử tạo ra khó khăn chính trị rất lớn đối với Tổng Thống Trump.

Tòa Bạch Ốc “trong tầm ngắm”

Cũng hôm Thứ Sáu, nhật báo The Washington Post tường thuật, dựa trên nguồn tin mật có liên hệ đến vấn đề, rằng một giới chức cao cấp của ông Trump đang bị coi là “người bị để ý” (person of interest) trong cuộc điều tra của giới công lực, về chuyện các cộng sự trong ban vận động tranh cử của ông có phối hợp với Nga để tạo ảnh hưởng kết quả bầu cử 2016 hay không.

Ngoài ra, theo CNN, trích nhiều nguồn tin, nói rằng các giới chức Nga khoe khoang trong các cuộc đối thoại trong thời gian có cuộc bầu cử Mỹ rằng họ tạo được quan hệ chặt chẽ với Tướng Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng Thống Trump, và tin rằng họ có thể dùng ông để ảnh hưởng tổng thống và các phụ tá của ông.

Tổng Thống Donald Trump và Đệ Nhất Phu Nhân Melania rời Tòa Bạch Ốc để ra căn cứ Andrews Air Force Base. (Hình: Alex Wong/Getty Images)

Các cuộc đối thoại này làm cho giới chức tình báo lo ngại, phải giới hạn việc chuyển giao thông tin mật cho ông Flynn, CNN dẫn lời các giới chức chính quyền hiện nay và trước đây cho biết.

“Tình trạng này vô cùng nguy hiểm, ngay từ đầu,” CNN trích lời một cựu giới chức chính quyền Barack Obama nói. “Đó là cách mà người Nga nói về ông Flynn.”

Một cựu giới chức khác nói rằng ông Flynn bị coi là có vấn đề đối với an ninh quốc gia.

Các cuộc đối thoại này bị tình báo Mỹ bắt được, cho thấy người Nga coi ông Flynn là một đồng mình, các nguồn tin cho biết, theo CNN.

Quan hệ này được thành hình trong năm 2016, vài tháng trước khi ông Flynn nói chuyện qua điện thoại với đại sứ Nga tại Washington, DC hồi Tháng Mười Hai, rồi sau đó nói dối Phó Tổng Thống Mike Pence, và bị buộc phải từ chức.

Tuy nhiên, các giới chức nhắc nhở rằng, có thể người Nga phóng đại chuyện này trong lúc nói chuyện.

Luật sư của ông Flynn từ chối trả lời phỏng vấn của CNN.

CNN cũng cho biết, hôm Thứ Sáu, các luật sư Tòa Bạch Ốc bắt đầu nghiên cứu luật lệ liên quan đến trường hợp tổng thống bị hạch tội.

Ông Comey sẽ lên tiếng

Trong khi đó, Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện cho biết, ông James Comey đồng ý sẽ ra điều trần công khai trước ủy ban này, sớm nhất là sau Ngày Chiến Sĩ Trận Vong.

Tuy nhiên, ủy ban này chưa cho biết chính thức này nào. Theo dự trù, ông Trump sẽ trở lại Washington, DC trước hoặc trong ngày lễ này.

Trước đó, ủy ban này có yêu cầu ông Comey điều trần trong phòng kín cửa, nhưng ông không chịu, và chỉ muốn điều trần công khai.

Ngoài ủy ban này, Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện cũng muốn mời ông Comey ra điều trần, nhưng chưa biết công khai hay kín cửa, và cũng chưa biết ông có chịu hay chưa.

Ngoài ra, Dân Biểu Will Hurd (Cộng Hòa-Texas), thành viên Ủy Ban Thanh Tra Hạ Viện, nói với CNN rằng ông Comey có thể sẽ lên tiếng vào tuần tới.

“Tôi tin khá chắc chắn là ông Comey sẽ ra điều trần. Và buổi điều trần này có thể xảy ra sớm nhất là ngày 24 Tháng Năm,” Dân Biểu Hurd nói với CNN.

Ông Hurd cũng không đồng ý với phát biểu của Tổng Thống Trump là vụ bổ nhiệm ông Robert Mueller, cựu giám đốc FBI, làm điều tra viên đặc biệt là “làm hại đất nước chúng ta.”

“Bổ nhiệm điều tra viên đặc biệt là để bảo đảm với người dân Mỹ rằng quý vị có thể hài lòng với kết quả, cho dù nó sẽ ra sao,” Dân Biểu Will Hurd nói. “Chúng ta phải bảo đảm việc này được làm đúng, để chúng ta không phản ứng, để chúng phải kiềm chế, và để chúng ta có tất cả sự kiện và tự hào về công cuộc điều tra.”

Trở lại chuyến công du

“Những vấn đề chính trị nội bộ của Tổng Thống Trump nay là mối quan tâm lớn lao,” theo lời ông Jim Phillips, một giới chức cao cấp ở viện nghiên cứu Heritage Foundation, khi nói với tờ USA Today.

“Tôi nghĩ vị thế của Tổng Thống Trump ở Mỹ chắc chắn là yếu tố trong sự nhận định của đồng minh ngoại quốc và cách thức họ liên hệ với ông.”

Hôm Thứ Hai, ông Trump sẽ đến Jerusalem để thảo luận về tiến trình hòa bình Israel-Palestine, một vấn đề gây khó khăn cho tất cả các tổng thống Mỹ trong mấy thập niên gần đây.

Nhưng ông Trump đến Israel trong khi có sự tin tức nói rằng ông tiết lộ các tin tức tối mật do tình báo Israel cung cấp cho phía Nga, cũng như việc Washington không chịu công nhận Jerusalem nằm trong lãnh thổ Israel, theo USA Today.

Và sang đến ngày Thứ Tư, Tổng Thống Trump bay tới Rome để gặp Đức Giáo Hoàng Francis.

Nhưng ngay ở Vatican, ông Trump sẽ đối diện với vị giáo hoàng không đồng ý với ông về chính sách liên quan tới di trú và người tị nạn.

Cho đến nay, Tòa Bạch Ốc chưa loan báo về việc có cuộc họp báo nào trong thời gian ông Trump có chuyến công du này. (V.Giang, Đ.D.)

MỚI CẬP NHẬT