Thursday, March 28, 2024

Tàu Mỹ không vào vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines

WASHINGTON, DC (NV) – Vì nhờ vả Trung Quốc đối phó Bắc Hàn, chính quyền Trump giảm thiểu hoạt động tuần tiễu các vùng biển tranh chấp, dấu hiệu để Bắc Kinh lấn tới khống chế khu vực Biển Đông.

Qua các sự kiện đã và đang diễn ra, các nước đồng minh và đối tác của Mỹ ở khu vực nên suy nghĩ các giải pháp nào thích hợp cho mình để bảo vệ lợi ích quốc gia, thay vì trông cậy vào cái dù Washington tuy rất lớn nhưng nhiều khi không mở ra để che nắng cho người khác.

Theo một bài phân tích của báo New York Times, sáu tuần lễ trước đây, Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương xin lệnh từ cấp trên cho phép chiến hạm đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của bãi đá ngầm Scarborough, khu vực Philippines tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

Hải Quân Mỹ có lý do hữu lý để tin rằng lời đề nghị được chấp thuận. Vì khi vận động tranh cử tổng thống hồi năm ngoái, ứng cử viên Donald Trump chê Tổng Thống Barack Obama là yếu đuối trong việc bảo vệ các vùng biển quốc tế trên Biển Đông, nơi Trung Quốc gấp rút bồi đắp bảy đảo nhân tạo và các căn cứ quân sự đang thành hình để khống chế toàn bộ khu vực.

Khi ông Rex Tillerson điều trần tại Thượng Viện hồi Tháng Giêng vừa qua để được chuẩn thuận làm ngoại trưởng, ông đã kêu gọi không cho Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo ở Trường Sa, Việt Nam. Ông còn ví hành động của Trung Quốc ở Trường Sa như hành động Nga cướp khu vực Crimea của Ukraine mấy năm trước. Giới quan sát thời sự, và cả các nước đang tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc, nhìn thấy dấu hiệu Hoa Kỳ sẽ hành động mạnh mẽ hơn để chống lại tham vọng bá quyền bành trướng của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, thay vì chấp thuận lời đề nghị hồi Tháng Ba và hai đề nghị trước đó hồi Tháng Hai, Ngũ Giác Đài đã từ chối đề nghị của Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương.

Theo New York Times, một số viên chức Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ nhìn nhận, hơn 100 ngày kể từ khi ông Donald Trump trở thành tổng thống, ngược với những lời tuyên bố cứng rắn của cả ông Trump và ông Tillerson, không thấy có chiếc chiến hạm nào đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo Trung Quốc ở Trường Sa hiện đã trở thành các căn cứ quân sự khổng lồ trang bị hỏa tiễn tầm xa. Khu vực Scarborough hoặc khu vực quần đảo Hoàng Sa cũng không hề thấy tin tức dấu hiệu chiến hạm Mỹ.

Cũng theo báo này, quyết định không thách đố Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp tiêu biểu cho chủ trương của chính phủ Trump ngày càng muốn nhờ tay của Bắc Kinh giúp đỡ đối phó với tham vọng nguyên từ và phi đạn tầm xa của Bắc Hàn. Nhờ vả chỗ này phải nhân nhượng chỗ khác.

Hiện người ta không biết đích xác là ai, hoặc chính Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis hay Tham Mưu Trưởng Liên Quân Joseph F. Dunford, hoặc một trong các phụ tá của hai ông này đã bác bỏ lời đề nghị của Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương. Các viên chức của Bộ Quốc Phòng cho hay Tòa Bạch Ốc không liên can đến cái lệnh bác bỏ.

Hồi Tháng Hai, tin tức rộ lên khi nhóm tàu đặc nhiệm với mẫu hạm USS Carl Vinson rời căn cứ tại San Diego, California, tới biển phía Tây Thái Bình Dương. Một số tin tức nói nó cùng các chiến hạm hộ tống tới tuần tra Biển Đông. Báo chí Bắc Kinh nhao nhao lên chửi bới, đe dọa Mỹ đừng có xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, và họ có đủ sức đối phó với bất cứ hành động thách đố nào.

Nhưng đến nay, chưa thấy có dấu hiệu nào là đoàn tàu Vinson hoặc những chiến hạm khác “tuần tra” Biển Đông như viên chức Ngũ Giác Đài nhìn nhận dù mẫu hạm Vinson có đi ngang qua Biển Đông, đến Singapore, tới tập trận ở vùng biển nước Úc rồi ngược lên phía Tây Bắc, tập trận với quân đội Nhật và Nam Hàn.

Theo nhận xét của ông Andrew L. Oros, tác giả quyển sách mới xuất bản “Japan’s Security Renaissance” (Phục Hưng An Ninh Nhật Bản) được New York Times kể lại, đối với nước Mỹ, đối phó với chương trình phát triển hỏa tiễn tầm xa và bom nguyên tử của Bắc Hàn bây giờ quan trọng hơn nhiều so với việc phải lựa chọn một vài chuyến “tuần tra tự do hải hành.” Dù vậy, ông cho là chính phủ Trump vẫn theo dõi sát các diễn tiến trên Biển Đông. (TN)

Facebook mướn nhân viên để “lọc” thông tin độc hại

MỚI CẬP NHẬT