Saturday, April 20, 2024

Ái hữu ‘Ban Mê Thuột – Darlac’ hội ngộ mừng Xuân Đinh Dậu

Linh Nguyễn/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Hội ái hữu “Ban Mê Thuột – Darlac” tưng bừng hội ngộ Xuân Đinh Dậu lúc 11 giờ sáng Chủ Nhật, 26 Tháng Hai, tại nhà hàng Grand Garden ở Westminster.

“Nhân dịp năm mới, chúng tôi hân hạnh đón mừng các đồng hương tham dự buổi hội ngộ hôm nay,” bà Hàn Thị Liên Hương, hội trưởng, chào mừng mọi người trong phần diễn văn khai mạc.

“Được tín nhiệm trong vai trò hội trưởng, chúng tôi luôn biết ơn các bậc tiền bối có công thành lập hội và xin nguyện cố gắng cùng ban chấp hành, dưới sự hướng dẫn của ban cố vấn, để điều hành hội theo đúng tôn chỉ và mục đích đã được đề ra,” bà nói thêm.

Nghi lễ tưởng niệm trước bàn thờ tổ quốc. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Nghi lễ tưởng niệm trước bàn thờ tổ quốc. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Bà cho biết tình trạng nội bộ về nhân sự, mỗi năm lại thêm một số cao niên qua đi với thời gian.

“Vì thế chúng tôi mong các anh chị hội viên, với tuổi trẻ nhiệt huyết hãy mạnh dạn tham gia, lãnh trách nhiệm để tiếp nối thế hệ cha ông, phát triển hội,” bà hội trưởng kêu gọi.

Sau đó bà giới thiệu các bậc cao niên trên 80 tuổi lên sân khấu nhận các bó hoa tươi đẹp, thể hiện lòng biết ơn và để chúc thọ các bậc trưởng thượng trong hai thập niên qua, từng đóng góp nhiều công sức, ngày nay vẫn một lòng gắn bó với hội.

Cụ John Thìn Trần, 95 tuổi, cùng quý cao niên nhận hoa và đại diện phát biểu đáp từ: “Người Việt chúng ta kính trọng người già, vì sẽ được họ để phước cho. Tôi năm nay 95 tuổi. Tôi chúc quý vị sẽ sống thọ hơn tôi 20 năm, chứ không phải chỉ bằng tuổi tôi bây giờ!”

Mọi người vỗ tay, cảm kích lời chúc tốt lành của vị trưởng lão.

Bà hội trưởng tiếp tục giới thiệu ban cố vấn và ban chấp hành nhiệm kỳ 2016-18.

Giáo Sư Lê Đình Sinh (phải) cùng ban hợp ca Ban Mê trong bài Ly Rượu Mừng. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Giáo Sư Lê Đình Sinh (phải) cùng ban hợp ca Ban Mê trong bài Ly Rượu Mừng. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Tiếng trống bỗng vang lên dồn dập, hai con lân màu đỏ và vàng, thuộc đoàn lân Anê Thành của thanh niên thánh thể nhà thờ Thánh Linh, từ hai bên tiến lên sân khấu.

Mọi người lấy ra các phong bao màu đỏ lì xì cho lân để lấy hên. Các em nhỏ vừa sợ, vừa muốn lại gần làm quen với con lân.

Trước đó, sau phần nghi thức chào quốc kỳ và trong phần mặc niệm, ban tổ chức kêu gọi mọi người dành một phút để tưởng các đồng hương đã ra đi, và đặc biệt để tưởng nhớ cụ Nguyễn Hữu Xảo.

“Cụ Nguyễn Hữu Xảo, thọ 96 tuổi, cựu dân biểu VNCH, khóa 2 thời đệ nhị Cộng Hòa, đồng sáng lập hội ái hữu, vừa được an táng ngày Chủ Nhật hôm nay,” ông Nguyễn Xuân Kế, cựu hội trưởng, nói vắn tắt về người quá cố trong phút mặc niệm.

Buổi hội ngộ nổi bật với nghi thức tưởng niệm, do các thành viên ban cố vấn và ban chấp hành trong trang phục dân tộc phụ trách, với chiêng, trống, hương đèn trong bầu không khí trang nghiêm.

Ông Nguyễn Ngọc Thiệp (ban cố vấn) kêu gọi ủng hộ sách để gây quỹ. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Ông Nguyễn Ngọc Thiệp (ban cố vấn) kêu gọi ủng hộ sách để gây quỹ. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Sau đó, cựu Giáo Sư Lê Đình Sinh điều khiển ban hợp ca Ban Mê cùng hát bài “Ly Rượu Mừng” của Phạm Đình Chương khiến không khí tưng bừng, nhộn nhịp.

Ngòai ra còn có các giáo sư khác hiện diện, như Trần Đại Hiền, Võ Thị Như Huyền, Nguyễn Thụy Vân, Phạm Thị Kim Loan, và Trần Thị Thái.

Giáo Sư Trần Thị Thái, cư dân Garden Grove, cho biết: “Năm nào tôi cũng chờ đợi dịp này để gặp lại thầy cũ, như cô Nguyễn Thụy Vân dạy tôi Anh văn, và các học trò cũ, hay đồng hương Ban Mê Thuột. Hôm nay trời mưa làm tôi nhớ chốn cũ nhiều hơn nữa.”

Bà Nguyễn Ánh Tuyết, cư dân Garden Grove, cùng tâm trạng: “Tôi nhớ những ngày mưa tầm tã ở Ban Mê Thuột ngày xưa. Tôi ở trong ban văn nghệ và rất hãnh diện về hội.”

Ông Nguyễn Ngọc Thiệp, đại diện ban cố vấn, kêu gọi mọi người ủng hộ mua sách “Hồi Ức Sài Gòn,” tác phẩm thứ hai, sau cuốn “Hồi Ức Ban Mê,” cùng tác giả Nguyễn Ngọc Chính, một đồng môn trường Trung Học Ban Mê Thuột với ông, một nhà báo nghỉ hưu, hiện còn ở lại Việt Nam.

“Tác giả tình nguyện tặng số tiền bán sách để giúp cho các cho các bạn đồng sự trước dạy Trường Sinh Ngữ Quân Đội ở Sài Gòn, một số nay phải bán vé số để kiếm sống,” ông Thiệp nói với nhật báo Người Việt.

Chương trình cũng có phần lì xì mừng tuổi cho các em nhỏ, xen kẽ với phần văn nghệ phụ diễn. Hầu hết các bài hát đều do đồng hương góp phần trình diễn.

Bà Tôn Nữ Lệ Ngọc đơn ca bản “Tôi chưa có mùa Xuân” của Châu Kỳ.

Ông Vĩnh Anh, cựu hội trưởng hai nhiệm kỳ, phụ trách đánh trống phần tế lễ, cho biết ông hiện là cố vấn cho hội cùng với ông Thiệp và nhiều người khác.

Ông Nguyễn Xuân Kế, 77 tuổi, cư dân Fountain Valley, cho biết: “Tôi qua Mỹ năm 1975 và đồng sáng lập Hội Ái Hữu Ban Mê Thuột với cụ Nguyễn Hữu Xảo năm 1992. Tôi làm hội trưởng năm nhiệm kỳ đầu, suốt 15 năm. Lúc đầu còn ít người, chúng tôi gặp nhau ở Mile Square Park, Fountain Valley. Bảy năm sau, đồng hương Ban Mê Thuột đến đông hơn, chúng tôi từ đó bắt đầu tổ chức ở nhà hàng.”

Ban Mê Thuột trước 30 Tháng Tư 1975 có bốn quận, gồm Lạc Thiện, Buôn Hô, Phước An và Hòa Bình, và có cả người Kinh lẫn người Thượng, với nhiều sắc dân như Ê Ðê, Bana, H’mong…

Cũng trước 1975, thị xã Ban Mê Thuột nằm trên quốc lộ 14, chạy dài từ phía Nam là tỉnh Quảng Ðức, nối tiếp với Vùng III Chiến Thuật. Phía Bắc là tỉnh Phú Bổn chạy dài đến Pleiku. Phía Tây là một dãy rừng già tiếp giáp với biên giới của Cambodia và Lào. Vì thế, Ban Mê Thuột được xem là cái rốn của vùng cao nguyên.

—–

Liên lạc tác giả: [email protected]

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT