Thursday, March 28, 2024

‘Tuổi trẻ kỳ cựu’ triển lãm và hát hùng ca tưởng niệm Tháng Tư Đen

Linh Nguyễn/Người Việt

 

WESTMINSTER, California (NV) – Sau hơn một tháng chuẩn bị để tưởng niệm ngày 30 Tháng Tư, buổi triển lãm tranh chủ đề “Ra Đi” và hát hùng ca do Lớp Vẽ Cao Niên Người Việt (VSAC) tổ chức, tưng bừng diễn ra từ 1 giờ đến 5 giờ chiều Thứ Tư, 19 Tháng Tư, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt ở Westminster.

Thành viên nam nữ của VSAC là các vị cao niên, tuổi trẻ nhất là khoảng lục tuần, trong đồng phục áo thun trắng tự vẽ, đeo logo của lớp và mặc quần lính trận, xếp hàng trên sân khấu để hát các bản hùng ca, dưới sự hướng dẫn của thầy Ngô Văn Quy, cũng mặc quân phục, đầu đội nón bêret xanh lá cây, đi giày bốt đờ sô.

Chào tay kiểu nhà binh. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Chào tay kiểu nhà binh. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Tiếng bà Minh Hiếu, trưởng lớp, giới thiệu ban nhạc gồm nhạc sĩ Quý Tống với đàn keyboard.

Bà Lan Lê, một học viên, giới thiệu nhạc sĩ Võ Tá Hân với cây đàn tây ban cầm, và Bác Sĩ Nguyễn Thị Nhuận, là hai người thầy tình nguyện phụ trách dạy hát cho lớp vẽ.

“Hôm nay thầy Hân sẽ cùng chúng ta trình diễn hai bài ‘Hoàng Sa Dậy Sóng’ và ‘Hào Khí Tuổi Trẻ’ do chính thầy sáng tác,” bà Lan vừa dứt lời, mọi người vỗ tay cổ võ.

Tiếng nhạc trổi lên, hòa với tiếng đàn guitar thu hút mọi người.

Các thầy cô của lớp VSAC. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Các thầy cô của lớp VSAC. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Hoàng Sa! Đây là miền đất quý cha ông để lại, luôn là dấu tích Việt Nam muôn đời… mãi là miền đất chủ quyền Việt Nam…” và những lời trong bài hát nói lên hào khí tuổi trẻ, được hát tiếp theo, như “Tuổi trẻ hôm nay theo ánh dương tìm về, cùng nhau chung sức xây dựng lại giang san. Theo gót cha anh hiến thân này cho đất nước…” khiến người nghe không ngờ lại phát ra từ những học viên cao tuổi, nhưng đầy nhiệt huyết của tuổi Xuân ngày nào.

Tiếp theo là phần trình bày bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” và bài “Đáp Lời Sông Núi,” do cô Nhuận hướng dẫn.

Thầy Quy, sau đó, điều khiển bài “Thề Không Phản Bội Quê Hương” và bài “Tôi Yêu”

Kế đến, ban hợp ca VSAC hợp ca hai bài “Xuất Quân” và bài “Con Đường Vui,” trước khi mọi người đồng ca với ban hát bài “Việt Nam Việt Nam.”

Bà Helen Nguyễn khoe tác phẩm "Vượt Biển Tìm Tự Do." (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Bà Helen Nguyễn khoe tác phẩm “Vượt Biển Tìm Tự Do.” (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Trước đó, trong phần đầu, bà Helen Nguyễn mời cô Lê Thuý Vinh dạy vẽ lên sân khấu để nói về buổi triển làm tranh với đề tài “Ra Đi,” gồm những bức tranh nói lên những tội ác của CSVN sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, cảnh các chiến sĩ VNCH bị tù đày với hàng rào kẽm gai, cảnh góa phụ mất chồng, đầu chít khăn tang, tay cầm tấm thẻ bài; hay cảnh vượt biển trước làn sóng dữ.

Ông Phúc Phạm, trong “Ban Hành Động” của lớp vẽ, cho biết: “Tuy cô Vinh mới chỉ hướng dẫn lớp học được hai lần trong tháng qua, nhưng chúng tôi học được từ cô rất nhiều.”

Ông cho biết buổi triển lãm có khoảng 30 bức tranh, tác giả gồm cô giáo Vinh và các họa sĩ của lớp vẽ cao niên.

“Mọi người đến từ 10 giờ sáng để treo tranh và chuẩn bị tập dợt các bài hát để khi trình diễn không phụ lòng của các thầy và cô bỏ nhiều thời gian hướng dẫn chúng tôi,” bà Minh Hiếu nói với nhật báo Người Việt.

Sau lời chào mừng của bà Minh Hiếu, ông Phúc ngỏ lời cám ơn tất cả các thầy cô dạy hát, như thầy Ngô Văn Quy, thầy Võ Tá Hân; dạy vẽ như cô Lê Thúy Vinh; và cô Mai Trần dạy nhảy “line dancing.”

Trong phần đầu, cả lớp vẽ mặc đồng phục áo đen, tự thiết kế hình ảnh trên áo.

Sau phần văn nghệ, mọi người thưởng thức các món ăn bên nhau, trong không khí vui vẻ.

Có người đề nghị cô giáo Vinh mai mốt dạy đến phần vẽ “tranh không mặc áo quần.” Lập tức ông Thành xung phong, giơ tay: “Tôi cởi áo trước nghe!”

Tiếng mọi người trầm trồ: “Tuổi ‘8 bó’ mà bụng ‘six packs’ hay à nhe! nhưng xin can, đừng cởi phần dưới!”

Một học viên kỳ cựu khác, chị Huệ Đặng, phụ trách ban ẩm thực cùng với bà Minh Hiếu, chia sẻ: “Lần này chúng tôi đặt mua thức ăn, dành thời giờ và sức lực cho chương trình hát hùng ca. Chỉ tội cho anh Thành, chồng chị Minh Hiếu, là người phải đem hết thực phẩm đến!”

Ông Phúc góp ý: “Tuy mệt thật, nhưng lần này chúng tôi coi như thành công, vì nhờ cô Nhuận mà chúng tôi đã hát được bài quốc ca Hoa Kỳ bằng tiếng Anh!”

Ông Chu Quang Cẩm, 78 tuổi, cư dân La Palma, một học viên mới đến sinh hoạt với lớp vẽ, tâm sự: “Đây là lớp học rất tốt cho người lớn tuổi. Trong cuộc sống, lúc này là lúc cần có bạn bè, sinh hoạt chung. Ngồi nhà một mình rất nguy hiểm cho sức khỏe.”

Một số cựu nữ sinh trường Marie Curie hợp nhau lại, hát những bản nhạc tiếng Pháp, như “Frère Jacques” rồi bật tiếng cười hồn nhiên của những “người trẻ sống lâu năm!”

Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Sáu, ngày 21 tháng 4 năm 2017

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT