Thursday, March 28, 2024

Cựu học sinh Chân Phước Liêm đại hội toàn cầu

Tiếp nối chương trình, anh Vũ Ngọc Bội và chị Nguyễn Thị Thập nói về lược sử hình thành của trường, trong khi một slide show được chiếu trên màn hình rộng trên sân khấu cho thấy những hình ảnh xưa thật thân quen của trường, những sinh hoạt của các học sinh, cả những lần họp mặt tại Mỹ.

Mở đầu chương trình văn nghệ, tất cả cựu nam sinh Chân Phước Liêm lên đồng ca bài “Vó Câu Muôn Dặm,” sáng tác Văn Phụng, nói lên lý tưởng nam nhi của thời chinh chiến tung hoành ngang dọc bốn phương.

Tiếp tục chương trình là các ca khúc “Bức Họa Ðồng Quê,” “Lá Xanh Mùa Hè,” “Hờn Anh Giận Em,” do các ca sĩ “cây nhà lá vườn” trình bày.

Thầy Ngọc Anh được mời lên nói về cảm tưởng, và ông nói rằng từ khi còn đi dạy dưới mái trường Chân Phước Liêm, cho đến bây giờ, tình thầy trò vẫn như ngày nào.

Ông cũng cảm ơn ban tổ chức đã cộng tác với nhau để mang lại không khí thân thương ngày hôm nay, và mong rằng tình thầy trò, tình bằng hữu, sẽ còn mãi mãi về sau trong những lần đại hội kế tiếp.

Kế tiếp, để tỏ lòng tri ân của học trò, các giáo sư được mời lên sân khấu để nhận những bó hoa, những món quà nồng thắm nghĩa thầy trò và những tràng pháo tay vang dội. Và nhạc phẩm “Xin Còn Gọi Tên Nhau,” sáng tác Trường Sa, được anh Hoàng Hải hát, để kính tặng thầy cô.

Có lẽ chương trình vui nhộn nhất đêm nay là tiết mục mừng thọ các cựu học sinh 60 tuổi trở lên. Các bạn đồng môn năm xưa nay mái đầu đã bạc, nhưng vẫn ra sân khấu nhận những món quà lưu niệm và hăng say cùng nắm tay ca múa trong nền nhạc “60 Năm Cuộc Ðời,” sáng tác Y Vân, trong tiếng vỗ tay hòa nhịp của các khóa đàn em.

Có một tiết mục độc đáo trong phần văn nghệ do ba cựu học sinh Ðoàn Liên, Mai Hậu và Vũ Phong, trình diễn. Ðó là hoạt cảnh “Ba Bà Mẹ Chồng” với phong cách Bắc, Trung, Nam, gây những tràng cười thoải mái.

Trong phần kế tiếp, chị Ðỗ Thanh Nga, từ Việt Nam sang tham dự đại hội, có lời phát biểu.

Cùng chụp hình lưu niệm với thầy cô. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Cùng chụp hình lưu niệm với thầy cô. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Chị cho biết rất cảm động khi được dự một đại hội trong tình bằng hữu, nghĩa thầy trò, tuy xa cách bao nhiêu năm mà vẫn giữ một tấm lòng.

Chị cũng cảm ơn tất cả các mọi người trong ban tổ chức cố gắng giữ gìn truyền thống Chân Phước Liêm và chúc mọi người thật nhiều sức khỏe để gặp nhau lần tới.

Hai chị Kim Quế và Huỳnh Dung, từ Canada bay sang, cũng ngỏ lời cảm ơn ban tổ chức đại hội đã làm hết sức mình để cựu học sinh Chân Phước Liêm có được một dịp gặp gỡ như thế này.

Không khí thật sống động làm gợi nhớ lại những kỷ niệm đẹp, những mối tình thời học sinh, những tấm lòng cao cả của thầy cô lo cho các thế hệ học trò được nên người, mà mọi học sinh, dù ở bất cứ nơi đâu sau này, đều không thể quên.

Chương trình dạ tiệc còn kéo dài với tiết mục âm nhạc và dạ vũ.

Chân Phước Liêm là một trường trung học tư thục nhỏ, nằm trên đường Phan Thanh Giản cũ ở quận Gò Vấp, gần Ngã Ba Chú Ía và sau lưng Tổng Y Viên Cộng Hòa. Thành lập năm 1961, trường do các linh mục dòng Ða Minh và dòng Chân Phước Liêm điều hành.

Trường có các lớp từ lớp 6 đến lớp 12, với khoảng gần 1,000 học sinh, có mục đích phụng sự xã hội là chính vì khu vực này ngày xưa là vùng ngoại ô nghèo ở Sài Gòn với nhiều tệ nạn xã hội. Các linh mục muốn dạy dỗ các em thanh thiếu niên ở đây nên người, tránh xa những cạm bẫy xấu và các ngài cũng ví von rằng ngôi trường này như một đóa sen, tuy nở trong bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, ngược lại còn lan tỏa hương thơm cho cả khu vực.

Với những chương trình giúp đỡ cho các học sinh nghèo hiếu học, những học bổng cho các hoc sinh giỏi, trường Chân Phước Liêm đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ học sinh làm rạng danh cho ngôi trường, góp sức vào việc xây dựng xã hội Việt Nam cũng như khi di tản sang Mỹ.

Sau năm 1975, cùng với vận nước nổi trôi, Chân Phước Liêm tuy đã mất tên trường nhưng các thế hệ cựu học sinh vẫn tiếp nối truyền thống tốt đẹp trong những lần đại hội.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT