Wednesday, April 24, 2024

Đồng hương Kiên Giang tưởng niệm anh hùng Nguyễn Trung Trực

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Trưa Chủ Nhật, ngày 25 Tháng Chín, đông đảo đồng hương đến tham dự Lễ Tưởng Niệm Anh Hùng Dân Tộc Nguyễn Trung Trực, lần thứ 148, do Hội Thân Hữu Kiên Giang Miền Nam California tổ chức tại trường McGarvin Intermediate, Westminster.

Ngoài đồng hương Kiên Giang, Rạch Giá còn có rất nhiều đồng hương của các tỉnh miền Tây Việt Nam đến tham dự trong tinh thần duy trì và bảo tồn văn hóa dân tộc Việt nơi xứ người, và cùng thắp nén hương tưởng niệm vị anh hùng dân tộc.

Trên đài tưởng niệm, một bàn thờ trang trọng đầy hoa quả với chân dung của ngài Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực, hai bên bàn thờ có hai câu đối “Hỏa Hồng Nhật Tảo Oanh Thiên Địa/Kiếm Bạt Kiên Giang Khấp Quỷ Thần.”

“Hai câu thơ này trích từ bài thơ ‘Điếu Nguyễn Trung Trực’ của thi sĩ Huỳnh Mẫn Đạt, tức Tuần Phủ Đạt, để nói lên mối cảm xúc của mình trước cái chết bi tráng của vị anh hùng đầy khí phách,” ông Huỳnh Thanh Hoàng, trưởng ban tổ chức, cho nhật báo Người Việt biết.

Ông nói thêm: “Từ lâu, những ngôi đình thờ vị thần này đều dùng hai câu thơ này để làm đôi liễn đối như một bản tuyên dương những chiến sử hiển hách trong suốt quá trình đấu tranh chống Pháp của ông Nguyễn Trung Trực, và cũng chính hai câu thơ này đã nói lên một phần đời của ông gắn liền với những đồng bào của tỉnh Kiên Giang, Rạch Giá.”

Đến giờ khai lễ, bên ngoài nơi tổ chức, ban nghi lễ tề tựu trước linh kiệu của vị thần Nguyễn Trung Trực. Đồng hương đứng dài hai bên để nghinh đón kiệu của ngài vào nơi hành lễ.

Tiếng trống ba hồi ngân vang, mọi người trang nghiêm trong Lễ Rước Kiệu Linh Thần.

Đồng hương thắp hương trước bàn thờ linh vị Nguyễn Trung Trực. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Đồng hương thắp hương trước bàn thờ linh vị Nguyễn Trung Trực. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Hôm nay, ngày 25 Tháng Chín, 2016, nhằm ngày 25 Tháng Tám Bính Thân, trong khuôn viên của hội trường McGavin, toàn ban quản trị Hội Thân Hữu Kiên Giang, cùng đồng hương tại Nam California, tề tựu về đây để làm lễ tưởng niệm vị anh hùng Nguyễn Trung Trực lần thứ 148. Chúng con xin được cung thỉnh linh tượng ngài vào bên trong lễ đài để chuẩn bị làm Lễ Tế Thần,” Ông Nguyễn Văn Thôi vừa đọc vừa khấn vái trước linh vị thần.

Ông Trần Văn Phú, hội trưởng, cùng hai ông Nguyễn Văn Thôi và Võ Hùng Hạnh đốt ba nén hương và khấn vái trước linh kiệu của ngài, và ban tế lễ cùng đồng khâm bái tam bộ nhất bái (ba lần). Đi trước kiệu là đoàn lân Quang Trung, rồi sau đó là ban tế lễ và đồng hương đồng thỉnh kiệu vào lễ đài.

Ông Tạ Duy Luân, điều khiển chương trình, giới thiệu quan khách tham dự, gồm nhạc sĩ Lam Phương, đồng hương Kiên Giang; ông Phạm Thuận, đại diện Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Nam California; ông Định Phương, hội phó Hội Tây Sơn Bình Định; ông Trần Nghĩa Đời, hội trưởng Hội Ái Hữu Gò Công; ông Sơn Rotha, đại diên Hội Ái Hữu Sóc Trăng; phái đoàn Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương; bà Diana Lee Carey, nghị viên Westminster; Bác Sĩ Jacqueline Trinh Ôn, đại diện Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn, và nhiều vị khác.

Ông Huỳnh Thanh Hoàng ngỏ lời chào mừng và chia sẻ, “Nhìn lại những chứng tích lịch sử để tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của vị anh hùng dân tộc với tấm gương trung hiếu, nghĩa khí vẹn toàn, chúng ta thấy ngài đáng được hậu thế đời đời ngưỡng mộ.”

“Ông Nguyễn Trung Trực, tên thật là Nguyễn Văn Lịch, và còn một tên khác là Nguyễn Văn Chơn, sinh năm 1838, gốc người huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, theo gia đình tản cư vào Nam và định cư tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Sinh ra trong một gia đình làm nghề chài lưới, từ thuở nhỏ ham học võ nghệ, lớn lên nổi tiếng trang thanh niên tuấn tú, võ nghệ cao cường, rất hiếu thảo, can đảm và thông minh,” ông Hoàng nói thêm.

Cũng theo ông Hoàng, vào những năm của hậu bán thế kỷ thứ 19, hoàn cảnh đất nước vô cùng đen tối, dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Xót xa cho vận nước, ông Nguyễn Trung Trực tham gia lực lượng kháng chiến của Quản Cơ Trương Công Định và được sung chức quản binh, chỉ huy nghĩa binh hoạt động ở vùng Cần Đước, Cần Giuộc, thuộc tỉnh Tân An.

Trong khí thế chiến đấu chống giặc ngoại xâm của sĩ phu và dân chúng miền Nam, ông Nguyễn Trung Trực đã ráo riết bố trí quân bị, tung ra những trận đánh du kích tại Tân An, là vùng đất mở đường cho sự nghiệp kháng Pháp của ông về sau. Trong thời gian này, ông đã ghi lại cho lịch sử Việt Nam một chiến công lẫy lừng và làm giặc Pháp khiếp sợ. Đó là trận đốt tàu Espérence tại vàm sông Nhựt Tảo, Tân An, vào ngày 11 Tháng Mười Hai, 1861.

Lễ Rước Kiệu linh vị từ bên ngoài lễ đài. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Lễ Rước Kiệu linh vị từ bên ngoài lễ đài. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Sau nhiều trận đánh, biết không thể nào tiêu diệt được ông và nghĩa quân, quân Pháp bắt mẹ của ông, rồi buộc ông ra đầu hàng. Sau khi được hung tin vị cận tướng Lâm Quang Ky vì mình mà hy sinh, và thân mẫu bị quân Pháp cấm cố, ông Nguyễn Trung Trực đau xót vô cùng. Sau nhiều ngày đêm suy tính, lượng định tình thế và lương thực, nhận thấy không nên kéo dài thêm tình trạng tuyệt vọng, ông Nguyễn Trung Trực quyết định ra đầu hàng để bảo toàn lực lượng.

Ngày 27 Tháng Mười, 1868, nhằm ngày 28 Tháng Tám Mậu Thìn, Pháp đưa ông ra pháp trường tại chợ Rạch Giá để hành quyết. Trước cảnh sinh ly tử biệt đầy đau thương này, đồng bào Kiên Giang/Rạch Giá đã ngậm ngùi thương tiếc và khóc cho người anh hùng dân tộc Việt Nam đầy nghĩa khí.

Chương trình được tiếp tục với Lễ Tế Thần, do ban quản trị Hội Thân Hữu Kiên Giang, đứng đầu là ông Trần Văn Phú, làm chủ tế. Sau đó, mọi người đến thắp hương trước bàn thờ linh vị của ngài.

Ông Phú phát biểu về ý nghĩa của Lễ Tưởng Niệm như sau: “Chúng ta được dịp sống lại lịch sử hào hùng của vị anh hùng dân tộc, và niềm tự hào về một anh hùng tài ba đầy khí phách với gương trung hiếu vẹn toàn của Nguyễn Trung Trực. Đối với đồng bào Việt Nam, ông không những là một vị thần linh, mà trong lãnh vực tôn giáo, ông còn được sự quý mến của những tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, bởi vì ông có triết lý sống trong đức tính trung, hiếu, tiết, nghĩa rất gần gũi với Phật Giáo Hòa Hảo.”

Ông nói thêm: “Từ lòng trung hiếu đến tấm gương anh hùng và tài năng quân sự, mà lịch sử đã có ghi, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi nghe chuyện kể, những người dân trong làng Tà Niên, thuộc tỉnh Kiên Giang, đan chiếu lót đường cho ông đi từ nhà giam cho đến pháp trường, trong ngày ông bị hành quyết, vì đó là tấm lòng thành kính ngưỡng mộ của dân chúng đối với vị anh hùng dân tộc. Lòng trung hiếu của ông còn được thể hiện là ông đã tự nộp mình để cứu mẹ, và để bảo toàn lực lượng nghĩa quân khỏi bị rơi vào tay giặc. Sự trung hiếu của ông còn được rõ nét, qua sự mua chuộc của giặc để được hưởng vinh hoa phú quý, nhưng ông đã thà chết vinh còn hơn sống nhục.”

Tiếp theo là lời phát biểu của quan khách. Sau đó, mọi người dùng cơm trưa do ban tổ chức khoản đãi, và thưởng thức chương trình văn nghệ do đồng hương đóng góp, với sự điều hợp của ông Phạm Hồng Biên.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT