Friday, March 29, 2024

‘Hát cho nhau nghe,’ niềm vui của người Việt cao niên tại Little Saigon

Ðằng-Giao/Người Việt

LITTLE SAGON, California (NV) – Phong trào “hát cho nhau nghe” càng ngày càng lan rộng trong cộng đồng Việt Nam tại Little Saigon, nhất là giới cao niên. Mỗi cuối tuần có nhiều địa điểm cùng đáp ứng nhu cầu “hát hay, hay hát” của những cư dân này. 

Hội Cao Niên Á Mỹ

Chỉ tại Hội Cao Niên Á Mỹ thôi đã có hai chương trình hàng tuần. Thứ Bảy có “Hát Cho Nhau Nghe,” từ 12 giờ 30 trưa đến 4 giờ chiều, do bà Vi Trâm đảm trách. Chủ Nhật, từ 1 giờ trưa đến 5 giờ 30 chiều có “Vui Hát” do ông Trần Cao Sơn, 70 tuổi, điều khiển.

“Chương trình này có lợi cho nhiều phía. Tôi thì có dịp chơi lại nhạc cụ cho đỡ nhớ, quý vị đến tham gia thì có dịp vừa giải trí, vừa luyện giọng nữa,” ông Sơn nói.

Theo giải thích của ông, âm nhạc là một nhu cầu tự nhiên của mọi người. Sở dĩ những người lớn tuổi thích ca hát vì trước đây, họ có thể vì bận rộn với công việc, hoặc có thể vì họ mắc cỡ, nên không tham gia. Bây giờ, đến một hạn tuổi nào đó, họ cảm thấy tự tin và bạo dạn hơn.

Bà Trương Thị Cẩm, cư dân Westminster, đồng ý với lời giải thích này.

Bà nói: “Lúc trước, khi còn khoảng 50 tuổi, hai vợ chồng tôi rất thích nhạc, nhưng chỉ ngồi nghe bạn bè hát karaoke thôi chứ chưa bao giờ tham dự. Cứ tưởng tượng cảnh tôi cầm cái microphone trong tay là tôi đã ngượng nóng mặt rồi. Bây giờ, trên 60 tuổi, chúng tôi thấy ca hát là một điều rất tự nhiên, cho nên tuần nào vợ chồng tôi cũng đi hát. Vui lắm.”

Chồng bà, ông Nguyễn Văn Phúc, nói: “Từ hồi còn trẻ, tôi luôn ca hát mỗi khi đang tắm. Nhưng chỉ vài năm nay, tôi mới dám hát trước mặt người khác. Bây giờ, hát mà không có người nghe, tôi thấy thiêu thiếu làm sao ấy. Mà ca hát rất lành mạnh. Tôi thấy thoải mái tinh thần. Trong lúc hát, mình quên đi những phiền toái của cuộc đời.”

Ở đây, khi đến giờ hát, lúc nào người muốn hát cũng phải đợi khá lâu mới đến phiên mình, nhưng người đợi không hề quản ngại chuyện này. Trong lúc đợi, họ nghe người khác hát, vừa thưởng thức, vừa rút tỉa kinh nghiệm.

Ông Jack Nguyễn, cư dân Westminster, nói: “Cuối tuần, nếu các con tôi không hẹn về nấu nướng, ăn uống ở nhà tôi thì tôi đi hát nghêu ngao cho vui. Có tuần tôi đi bốn, năm nơi trong một ngày. Mỗi nơi có một cách tổ chức riêng. Ở đây, ai đến trước, ghi tên lên bảng trước, thì hát trước. Chỗ khác thì hễ tìm được vài người hợp ca thì lên trước. Nói chung, chỗ nào cũng vui thôi.”

Vừa hát, vừa nghe, vừa khiêu vũ tại Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt. (Hình: Ðằng-Giao/Người Việt)

Có những người khác, cũng chạy hết từ chỗ này sang chỗ khác trong cùng một ngày. Cũng chỉ để hát thôi, nhưng họ thích thay đổi không khí. Muốn vậy, họ phải đóng tiền hội viên ở nhiều nơi.

Bà Tina Trần, cư dân Santa Ana, vừa cười, vừa nói: “Tôi sợ ở một chỗ mà lên hát nhiều lần thì kỳ, nên chạy qua chỗ khác cho người ta không chán nghe mình. Có hôm tôi chạy cả năm chỗ khác nhau. Chỗ nào tôi cũng là hội viên.”

Ông Trương Hồng Vịnh, cư dân Westminster, nói: “Ca sĩ chuyên nghiệp mà chạy ‘show’ thì có tiền, tụi tôi chạy ‘show’ thì tốn thêm tiền. Nhưng vui và rẻ hơn đánh bài nhiều.”

Ðiểm đặc biệt, ở Hội Cao Niên Á Mỹ, ở 220 Hospital Cir., Westminster, CA 92683, người ta có thể tham dự bằng nhiều cách: Ðóng tiền hàng năm, hàng tháng hay từng ngày.

Ông Nguyễn Tiêu, cư dân Garden Grove, nói: “Ðóng theo năm là rẻ nhất. Nhưng cứ vài tháng, các con tôi ở xa lại mua vé máy bay mời tôi lên thăm, nên lại phí tiền hát. Thôi, cứ hát ngày nào, tôi trả ngày ấy cho nó tiện.” 

Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt

Tại Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt, 7621 Westminster Ave., Westminster, CA 92683, người ta cũng đến hát, nhưng lại có một không khí khác. Cứ đến Thứ Bảy, từ 10 đến 12 giờ 30 là các hội viên lại tề tựu về để vui vẻ ca hát.

Bà Tuyết Long, đại diện ban tổ chức, nói: “Ở đây, ngoài việc ‘hát cho nhau nghe,’ chúng tôi còn thành lập một ban hợp ca, là Nhóm Ngàn Thương. Thêm nữa, chúng tôi còn có ‘line dancing.’ Rất nhiều người thích môn này.’”

“Line dancing” là khiêu vũ tập thể, ai cũng tham gia được chứ không cần phải có đôi, có cặp như khiêu vũ thông thường, theo bà Tuyết Long.

Bà Nguyễn Kim Phượng, cư dân Hawthorne, tuần nào cũng xuống sinh hoạt tại đây.

Bà nói: “Tôi không bỏ tuần nào cả. Vì tôi thích không khí gia đình ở đây. Mọi người cùng giúp đỡ nhau, từ chuyện ca hát đến những chuyện khác, như an ủi, khuyên bảo nhau khi có ai gặp chuyện buồn bực.”

Cũng vậy, bà Kathy Nguyễn, cư dân Diamond Bar, tuần nào cũng xuống đây để vừa hát, vừa gặp người quen.

“Một công hai việc cho tiện. Tôi coi đây như một đại gia đình. Không về, tôi sẽ nhớ,” bà nói.

Vì chồng bà Tuyết Long là ông Nguyễn Văn Long, từng trông coi Hội Việt Nam Tương Tế từ nhiều năm nay, nên việc quản trị Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt không là chuyện khó khăn.

Là cựu trung tá Tổng Tham Mưu, ông Long có một số đông cựu chiến hữu đến câu lạc bộ để ủng hộ.

Nhưng nhìn phần đông những người đồng trang lứa ở tuổi trên dưới 70 ca hát, nhảy nhót vui đùa bên nhau, không ai có thể tin được họ lớn tuổi như vậy.

Hai tiếng hát yêu đời tại Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt. (Hình: Ðằng-Giao/Người Việt)

Một hội viên khác chia sẻ: “Tôi tên Cung Xuân Mai. Tôi gọi nhạc sĩ Cung Tiến là chú và gọi nhạc sĩ Cung Trầm Tưởng là anh. Bởi vậy, tôi rất thích ca hát. Ðúng như những người khác nhận xét, câu lạc bộ này là nơi cho mọi người đến để ca hát và khiêu vũ, nhưng còn có một sự thân mật đặc biệt. Vì vậy, ai đã tới đây sinh hoạt là sẽ tới hoài.”

Ngoài ra, vùng Little Saigon còn nhiều địa điểm để đáp ứng nhu cầu “hát hay, hay hát” của đồng hương.

Những địa điểm ca hát khác

Ở cạnh quán cá Mỹ Vân, 10131 Westminster Ave., #214, Garden Grove, mỗi Thứ Sáu và Thứ Bảy, từ 8 giờ tối đến 12 giờ đêm, những người thích ca hát trẻ tuổi hơn về đây để hát cho nhau nghe và hát cho thực khách cùng thưởng thức. “Dĩ nhiên có nhiều người thích hát lắm, mặc dù con số không nhiều như tôi muốn,” nhạc sĩ Nam Hưng nói.

Ông cho hay, ngoài việc tập dượt cho “ca sĩ” để hát hàng tuần, ông còn hướng dẫn, luyện tập cho người yêu nhạc để trình diễn vào những dịp đặc biệt như Ðại Lễ Phật Ðản.

Những nơi khác như Câu Lạc Bộ Vui Ca Cộng Ðồng, 14351 Euclid St., #1R, Garden Grove, hay lớp hát cho nhau nghe Minh Trường, cũng cho thấy, phong trào “hát cho nhau nghe” tại Little Saigon ngày một gia tăng.

“Hát cho nhau nghe” là một phong trào có tính chất hết sức cộng đồng.

“Hồi xưa chúng tôi hẹn nhau hát karaoke cho vui, nhưng chỉ hát riêng với nhóm bạn bè. Bây giờ có mấy câu lạc bộ này, ai cũng là bạn hết,” bà Tina Lê, cư dân Huntington Beach, nói.

Ông Nguyễn Quang Tuyến, cư dân Fountain Valley, nói: “Khoảng 25 năm trước, mỗi lần vợ chồng tôi mời bạn bè đến nhà tiệc tùng văn nghệ thì mấy người hàng xóm lộ vẻ hậm hực ra mặt. Bây giờ, mỗi lần đi ca hát, chúng tôi rủ họ đi cùng.”

Vợ ông, bà Linda Nguyễn, chen vào: “Có khi mình chưa kịp gọi điện thoại, họ gọi mình rồi.”

Ðiều này cũng nói lên rằng các vị cao niên trong cộng đồng Việt Nam ở Little Saigon đang có một đời sống sinh hoạt rất lành mạnh và yêu đời chứ không còn sống một cách buồn chán và ủ rũ như trước đây.

——————
Liên lạc tác giả: [email protected]

Cụ ông 88 tuổi lặn lội tặng cơm người nghèo Tây Ninh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT