Thursday, March 28, 2024

Hội Từ Bi Phụng Sự tổ chức lễ thiền định vào Tháng Bảy tại Long Beach

Đằng-Giao/Người Việt

ANAHEIM, California (NV) – Lúc 10 giờ sáng Thứ Sáu, 16 Tháng Sáu, Hội Từ Bi Phụng Sự có buổi họp báo tại Trung Tâm Từ Bi Phụng Sự, Anaheim, để công bố việc sẽ phối hợp với đại diện các tôn giáo khác để tổ chức buổi lễ thiền định vào Tháng Bảy tại Long Beach, California.

Buổi lễ thiền định có tên “Thiền Định Cho Tôn Giáo Hài Hòa” sẽ bắt đầu từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều Chủ Nhật, 8 Tháng Bảy, tại Long Beach Convention Center, 100 S. Pine Ave., Long Beach, CA 90802.

Trong buổi họp báo, ngoài Thầy Hằng Trường, sáng lập viên Hội Từ Bi Phụng Sự, còn có Linh Mục Alexei Smith, Ủy Viên Liên Tôn Tổng Giáo Phận Los Angeles; ông Mohammed Zafarullah, lãnh đạo tinh thần Cộng Đồng Hồi Giáo Ahmadiyya ở vùng Chino, California; và Tiến Sĩ Phillip Clayton, giáo sư kiêm nhà thần học Thiên Chúa Giáo.

Sở dĩ các vị lãnh đạo tinh thần này ngồi lại với nhau để chuẩn bị buổi “Thiền Định Cho Tôn Giáo Hài Hòa” là vì tình hình thế giới càng lúc càng có nhiều bạo động, nạn phân biệt chủng tộc… Đây là lúc chín mùi để các tôn giáo bày tỏ thái độ đối với nền hòa bình chung cho thế giới với tín đồ của mình.

Thiền, không phải chỉ là sinh hoạt riêng của Phật Giáo như nhiều người tưởng, mà vẫn là phương thức tu tập của nhiều tôn giáo khác.

“Tín đồ Thiên Chúa Giáo vẫn phải suy niệm về cách sống của mình. Đây là một cách để nhận định lại con người mình để cải thiện chính mình,” Linh Mục Smith cho hay.

Ông Zafarullah cũng xác nhận rằng thiền là một phần quan trọng của Hồi Giáo.

Ông nói: “Tín đồ Hồi Giáo cũng có lúc phải tĩnh tâm, nghiền ngẫm là mình từ đâu đến đây, và rồi sẽ đi đâu.”

Ông Clayton cho hay, trong Tin Lành, sự yên lặng cũng là một phần rất quan trọng.

“Mỗi khi thảo luận một vấn đề nào mà tình hình căng thẳng, chúng tôi tạm ngưng rồi mới quay lại vấn đề này,” ông nói. “Thời gian tĩnh tâm này để mọi người nhìn nhận được ý kiến của người khác là hợp lý.”

Vì các lãnh đạo tinh thần này nhìn thấy được sự tương đồng của nhiều tôn giáo nên cùng đồng ý sự kiện này là cần thiết để các tín đồ có cơ hội tiếp xúc với các tín đồ thuộc tôn giáo khác.

Thầy Hằng Trường nói: “Tôi mong có một ngày, tín đồ Phật Giáo có thể am tường về các giáo điều cũng như phương cách tụng niệm của Công Giáo hay Hồi Giáo như họ hiểu về Phật Giáo vậy.”

Ông Clayton nói: “Lần đầu tiên có buổi thiền trà, tôi mong mọi người sẽ tham dự đông đảo để lần sau, và lần sau nữa, chúng ta sẽ phải tìm nơi rộng rãi hơn mà tổ chức. Hòa bình thế giới sẽ không ngoài tầm tay chúng ta nếu số người tham dự ngày càng gia tăng.”

Linh Mục Smith nói: “Sự thanh thản cho bản thân, chúng ta chỉ tìm được trong tim.”

Ông Zafarullah đồng ý: “Hòa bình không phải ở thế giới chung quanh mà ngay ở trong chúng ta.”

Từ điểm tương đồng này, tín đồ của các tôn giáo khác nhau sẽ tìm thấy những điểm giống nhau khác. Từ đó dẫn đến cảm thông và chấp nhận.

Buổi thiền trà vào ngày 8 Tháng Bảy tại Long Beach nhằm mục đích tạo sự cảm thông giữa những cộng đồng tôn giáo dị biệt.

“Tôn giáo có thể khác nhau về lý tưởng và giáo nghĩa, nhưng tín đồ thì vẫn là con người với những giá trị nhân bản tương tự và với một con tim chan hòa tình thương,” thầy Hằng Trường nói. “Nhất là trong tim, ai cũng rung cảm với lòng nhân từ biết hy sinh, với tình thương bác ái biết quan hoài và luôn rung cảm với những nỗi khổ tràn đầy khắp trần thế.”

Khi được hỏi tại sao thiền trà lại đem lại sự cảm thông giữa các tôn giáo, Thầy Hằng Trường giải thích: “Trong thiền trà, tất cả đều có tánh chất tượng trưng. Tách trà tượng trưng cho thân thể. Nước tượng trưng cho tình thương vĩnh hằng, lúc nào cũng tồn tại trong mỗi người chúng ta mà nhà Phật gọi là lòng đại bi, lòng tha thứ không điều kiện.”

Từ lâu, Phật tử hiểu rằng nước không màu, không sắc, cũng không mùi vị nên tượng trưng cho sự tĩnh lặng của thiền định thâm sâu.

Thầy tiếp: “Trà tượng trưng cho tâm tình vui buồn, ghen lẫy giận ghét… và tất cả tư tưởng tốt xấu, quan điểm đúng sai, thành kiến và định kiến… tất cả sắc thái của tâm tư.”

Theo Thầy, trà có nhiều mùi vị nhiều màu sắc thì tâm tư con người cũng nhiều sắc thái.

Chính những sắc thái và mùi vị của trà làm ta quên mất bản tánh ‘ướt’ của nước; cũng thế, chính những cảm xúc bất đồng, quan niệm dị biệt, tín ngưỡng khác nhau đã làm ta quên đi bản chất đại bi, tình thương giống nhau, sẵn có trong mỗi người chúng ta.

Thầy tiếp: “Như thế, trong ngày ‘Thiền Định Cho Tôn Giáo Hài Hòa’ chúng ta sẽ trình bày một phương thức có tánh chất nhẹ nhàng nhưng rất cách mạng, biểu hiện hai trụ cột Bi Trí của nhà Phật, đem lại sự nối kết của tâm linh cần thiết cho một xã hội nhiễu nhương ngày nay.”

“Mỗi tôn giáo bạn cũng sẽ cống hiến một phương thức thiền định tương tự để giúp chúng ta thông hiểu thông điệp sâu sắc về tình thương của tôn giáo họ. Nếu thật sự cộng đồng chúng ta ai cũng hướng tới sự phát triển Đại Bi-Đại Trí, tình thương bác ái và sự tĩnh lặng nội tại, thì chắc chắn hòa bình bên trong và bên ngoài sẽ chóng đạt tới,” Thầy kết.

Mọi chi tiết, liên lạc: Nguyễn Mỹ Hạnh (951) 807-4300, hay email: [email protected].

Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Ba, ngày 20 tháng 6 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT