Thursday, March 28, 2024

Little Saigon: Tiễn đưa cố soạn giả Yên Lang về nơi an nghỉ cuối cùng

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Nhiều nghệ sĩ, quan khách và đồng hương đến dự tang lễ hỏa táng cố soạn giả Yên Lang diễn ra vào sáng Thứ Sáu, 16 Tháng Sáu, tại nhà quàn Peek Funeral Home, Westminster.

Trước giờ tang lễ, nghệ sĩ Hương Sỹ Nhân, từ San Diego nhắc đến những tác phẩm tuồng cải lương mà cố soạn giả đã cống hiến cho đời hơn 50 năm qua từ trong nước cũng như ở hải ngoại.

Nghệ sĩ Hương Sỹ Nhân cũng nhắc đến nhiều nghệ sĩ đã từng đóng các vai trong các vở tuồng của soạn giả Yên Lang nổi tiếng từ hơn năm thập niên qua, như Lệ Thủy vai Bảo Xuyên Quận Chúa; Minh Vương vai Tần Linh Sơn, trong vở tuồng “Đêm Lạnh Chùa Hoang”; Chí Tâm vai Ngô Phù Sai, trong vở “Tây Thi Gái Đất Việt”…

Tại tang lễ, nghệ sĩ Chí Tâm ngậm ngùi: “Trước hết, xin được chia buồn cùng chị Kiều Oanh, người đã sống đời với soạn giả Yên Lang từ mấy chục năm qua. Từ ngày Chí Tâm gia nhập sân khấu Kim Chung, thì tôi đã biết soạn giả Yên Lang và nghệ sĩ Kiều Oanh. Lúc đó, chị là một nữ nghệ sĩ trẻ đẹp trên sân khấu Song Kiều, anh Yên Lang là soạn giả chính của đoàn hát này và nhiều đoàn cải lương khác, nhiều nhất là đoàn Kim Chung.”

Theo Chí Tâm kể, trước 1975, khi đất nước ngập tràn binh lửa, soạn giả Yên Lang là một sĩ quan trong ngành Cảnh Sát Quốc Gia VNCH, nên ông ít có dịp sinh hoạt chung với các nghệ sĩ trên sân khấu. Tuy nhiên, mỗi khi được nghỉ phép, ông vẫn về với những đoàn hát để thăm anh chị em nghệ sĩ.

Và trước đó nữa, lúc các đoàn cải lương đang phồn thịnh, soạn giả Yên Lang đã soạn rất nhiều tuồng về kiếp hiệp rất có giá trị như “Máu Nhuộm Sân Chùa,” “Mùa Thu Trên Bạch Mã Sơn,”… và có một tuồng ông viết về xã hội, cũng rất thành công, đó là “Vòng Tay Buông Lỏng.”

Chí Tâm nói tiếp, “Cho đến hôm nay, Tháng Sáu, 2017, thì anh đã thật sự buông lỏng vòng tay, chia tay với chị; với tất cả những người thân thương trong gia đình, và để lại trong lòng tiếc nuối của biết bao nhiêu nghệ sĩ cùng khán giả. Tôi trong tinh thần người em văn nghệ, vô cùng thương tiếc anh, và xin cầu nguyện với chư Phật mười phương tiếp độ hương linh của anh được về cõi an lành. Xin chia buồn cùng gia đình tang quyến và các bạn đồng nghiệp. Tuy xác thân anh đã ra đi, nhưng tên tuổi của anh vẫn để lại trong lòng của hàng triệu khán giả và hàng trăm nghệ sĩ, luôn thương nhớ đến cố soạn giả Yên Lang.”

Truyện tình giữa cố soạn giả và nghệ sĩ Kiều Oanh, sau hơn 50 năm chung sống, bà chưa từng thố lộ với ai. Trong cuộc phỏng vấn ngắn, bà đã kể lại với phóng viên nhật báo Người Việt rằng, ngày xưa, soạn giả Yên Lang là một sinh viên, từ Bạc Liêu lên Sài Gòn đi học. Ba mẹ của bà là ông bầu Năm Thành và bà Chín Điệp của đoàn hát Song Kiều, lúc đó, bà là đào chánh của đoàn. Vì thấy ông là người đồng hương, học giỏi, lại làm thơ rất hay, nên ba của bà mới khuyến khích ông viết kịch bản.

Bà kể: “Thật sự mà nói, lúc đó anh Yên Lang chưa biết gì về những giai điệu của bài cổ nhạc, nhưng vì mến mộ tài năng của anh, nên má tôi mới nói với anh: ‘Kiều Oanh là đào chánh, nó có thể hướng dẫn con soạn những bài bản cổ nhạc để con có thể viết được kịch bản.’”

Nữ nghệ sĩ Kiều Oanh (ngồi xe lăn), vợ của SG Yên Lang và gia đình cùng thân quyến. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Từ đó, tôi đã hướng dẫn anh về những nhịp điệu của những bài cổ nhạc để anh soạn tuồng hát. Tuy vậy, lúc đó tôi vẫn trân trọng anh và gọi anh là thầy, vì anh là một soạn giả, còn tôi là đào hát chánh. Vở tuồng đầu tay của ảnh là ‘Manh Áo Quê Nghèo’ được trình diễn trên sân khấu của đoàn Song Kiều, tôi đóng vai Công Chúa Phượng Anh, Tấn Tài vai Vũ Lang. Lúc đó, chúng tôi chưa có tình cảm gì với nhau cả, mà chỉ biết tôn trọng nhau trên sân khấu nghệ thuật giữa người soạn giả và một đào hát chánh con của bầu gánh. Dần dần, vì mến mộ tài năng của anh, nên ba má tôi mới có ý kết hợp chúng tôi thành vợ chồng, với sự đồng ý của chúng tôi, ” bà cho biết thêm.

Rồi bà nói tiếp: “Hôm nay, tuy chồng tôi đã ra đi, dĩ nhiên là gia đình tôi rất đau buồn, nhưng sự kính trọng và yêu thương chồng của tôi vẫn là tuyệt vời trong lòng của tôi. Vì sau hơn mấy mươi năm chung sống, ngoài tình nghĩa vợ chồng, chúng tôi còn một tình cảm đặc biệt nữa, đó là tình thầy trò. Tuy anh đã rời xa chúng tôi, rời xa mái ấm đại gia đình của những nghệ sĩ cải lương, nhưng tôi rất hãnh diện được là vợ của một soạn giả đã có công đóng góp cho nền nghệ thuật cổ truyền của dân tộc Việt Nam, qua những tuồng cải lương có giá trị.”

Có mặt trong tang lễ, cô Mai Chân, đại diện Đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang, Nam California, tâm tình: “ Sự ra đi rất đột ngột của soạn giả Yên Lang, đoàn nghệ thuật của chúng tôi cũng như các anh chị em văn nghệ sĩ rất đau buồn. Ngoài sự ngưỡng mộ tài năng của chú qua những vở tuồng có giá trị, chúng tôi còn một thâm tình với chú là, trong mười năm nay, lúc nào chú cũng gắn bó với đoàn để hướng dẫn, dạy dỗ chúng tôi trên bước đường nghệ thuật để bảo tồn nền văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt tại hải ngoại. Sự ra đi của chú là một mất mát lớn đối với những khán giả đã từng mến mộ chú, nhất là đối với những nghệ sĩ từ trong nước đến hải ngoại.”

Ông Nguyễn Trường Quân, con trai trưởng của cố soạn giả ngỏ lời cảm ơn mọi người đến tham dự.

Thân nhân trong gia đình, quan khách, nghệ sĩ và đồng hương, đồng ngậm ngùi thương tiếc đưa cố soạn giả Yên Lang.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT