Friday, April 19, 2024

Người Đà Lạt họp mặt, kể chuyện thành phố cao nguyên

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

STANTON, California (NV) – Đông đảo đồng hương và thân hữu Đà Lạt đã tổ chức buổi tiệc mừng Xuân mới trong không khí rộn rã, ấm áp tình thân vào trưa Chủ Nhật, 19 Tháng Ba tại nhà hàng Diamond Seafood Palace, Stanton.

Ca sĩ Anh Dũng và bà Minh Thi được mời làm người điều hợp chương trình.

Sau lời chào mừng của bà Nguyễn Thị Ngọc Tịnh, hội trưởng, gửi đến quan khách tham dự, màn múa lân của đoàn lân Thiếu Nhi-Thân Hữu Đà Lạt làm tăng thêm không khí tưng bừng của buổi hội ngộ đầu năm.

Khi nhắc đến Đà Lạt thì ai cũng đều biết là, nơi nầy có nhiều thắng cảnh đẹp và thơ mộng, như Thung Lũng Tình Yêu, thác Cam Ly, thác Datanla, núi Langbiang, Hồ Xuân Hương, Đồi Thông Hai Mộ, Đồi Cù, Lăng Mộ Nguyễn Hữu Hào, hồ Than Thở…, thành phố được bao phủ trong không khí lạnh, mát và trong lành.

Có mặt trong buổi họp mặt, cô Nguyễn Thị Kim Thoa, sanh ra ở Phan Rang, được cha mẹ đưa về Đà Lạt năm 1959, lúc cô chưa đầy một tuổi, cho biết, “Nhớ về Đà Lạt là phải nhớ Hồ Than Thở, nơi có chuyện tình rất kỳ bí của hai người trẻ yêu nhau, rồi không lấy nhau được, nên họ trầm mình dưới hồ này để tự tử, xem như là họ muốn được có bên nhau suốt kiếp dưới lòng hồ này. Vì thế, cảnh nơi đây tuy đẹp, nhưng phảng phất nét đẹp buồn sâu lắng.”

“Ngọn núi Langbiang rất cao nhưng không hùng vĩ, vì khi đứng từ đường Trần Hưng Đạo nhìn sang ngọn núi này thì xem giống như hình của một người phụ nữ đang nằm xõa tóc, trông rất lãng mạn và tuyệt! Đứng trên đỉnh núi này, người ta có thể nhìn toàn vẹn thành phố Đà Lạt,” cô nói thêm.

Nhắc đến Đà Lạt, cô Thoa, người sang Mỹ định cư từ năm 2011 còn nhớ đến lăng mộ Nguyễn Hữu Hào. Theo cô Thoa, lăng mộ này là nơi chôn cất ông Nguyễn Hữu Hào, cha của Hoàng Hậu Nam Phương. Đồi Thông Hai Mộ cũng được nằm gần đó. Hai thắng cảnh nầy cũng là một di tích để cho du khách đến thăm viếng.

Miên man trong ký ức về Đà Lạt, người phụ nữ này kể thêm, “Lúc còn nhỏ mới học cấp 1, mỗi lần Tết đến, bọn trẻ chúng tôi thường tập trung đi xuống Hồ Xuân Hương để ngắm nhìn mặt hồ trầm lặng, trong đó có nhà Thủy Tạ rất xinh xắn. Tôi thích nhất là được cưỡi ngựa trên bờ và đạp thuyền vịt dưới hồ. Gần đó có vườn Bích Câu Kỳ Ngộ, mà sau này người ta gọi là Vườn Hoa Đà Lạt. Tôi thích vào đây để ngắm rất nhiều loại hoa đẹp. Tuy xa Đà Lạt đã lâu, nhưng những kỷ niệm này lúc nào cũng nằm trong trí nhớ của tôi.”

Theo cô Kim Thoa, Hồ Xuân Hương bây giờ đã bị thay đổi nhiều về những kiến trúc mới, không còn vẻ đẹp thiên nhiên, thơ mộng như ngày xưa nữa. Cô nói, “Ấn tượng nhất trong thời thơ ấu của tôi là Đồi Cù, nhưng rất tiếc bây giờ không còn nữa mà đã trở thành một sân golf. Thời đi học, bè bạn học sinh chúng tôi rất hay chơi nghịch, cứ mỗi lần ‘cúp-cua’, tôi và vài bạn bè nữa trốn lên Đồi Cù để tung tăng, vui chơi trên từng Đồi 1, Đồi 2… Đặc biệt hơn nữa, vào ban đêm, thường có những buổi cắm trại của nhiều nhóm, họ có đốt lửa trại trên những Đồi Cù.”

“Trên xứ người, mỗi lần nhớ đến Đà Lạt, tôi nghĩ đến không khí trong lành, những con đường mà hai bên có những hàng cây thông. Khi đến mùa hoa thông nở, không khí Đà Lạt được phảng phất mùi hương của cây thông, rồi cũng nhớ đến mùa của hoa đào nở, rất đẹp. Nhắc đến Đồi Cù, thì cũng tội cho những người trẻ ở Đà Lạt sau này, vì họ không được hưởng những thú vui hồn nhiên trên đồi này nữa.” cô chia sẻ.

Bà Cung Xuân Mai, cháu của nhạc sĩ Cung Tiến, em của thi sĩ Cung Trầm Tưởng, được sanh ra và lớn lên tại Đà Lạt, cựu học sinh trường Nữ Trung Học Bùi Thị Xuân, Đà Lạt, cũng có mặt trong buổi họp mặt đồng hương. Theo bà Xuân Mai, nói đến Đà Lạt là phải nhắc đến Thung Lũng Tình Yêu, bởi từ trên cao nhìn xuống thung lũng này trông rất thơ mộng vì có hồ, có thông và hoa lá. Đây là nơi mà những đôi trai gái thường hẹn hò để gặp nhau, có lẽ vì thế mà người ta mới đặt tên cho hợp với ý nghĩa của không gian này.

“Tôi sống ở Đà Lạt từ còn bé cho đến lúc trưởng thành, nơi này đối với tôi có rất nhiều kỷ niệm, nhưng nhớ nhiều nhất là chiều chiều tôi và đứa em gái thường ra đồi thông gần nhà để học bài thi. Đó là hình ảnh làm tôi không quên được. Tuy Đà Lạt có rất nhiều cảnh thơ mộng, nhưng người yêu của tôi không ở Đà Lạt, mà ở Sài Gòn, lúc tôi vào học trường Văn Khoa, Sài Gòn, tôi đã gặp người yêu nơi đó, bây giờ cũng là ông xã của tôi,” bà Xuân Mai tâm sự.

“Tôi sang đây sống trên 25 năm rồi. Mỗi khi nhớ về Đà Lạt, thì lòng của tôi rất xao xuyến, vì nhớ đến nhiều kỷ niệm trong thời học trò, nhớ thầy cô, nhớ bè bạn cùng trường cùng lớp, và nhiều thắng cảnh đẹp ở nơi này,” bà Xuân Mai nói thêm.

Hội trưởng Nguyễn Thị Ngọc Tịnh, sang Mỹ từ năm 1979, hiện sống ở Anaheim. Sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, người cựu sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt này nhớ nhất là ngôi trường này vì “Viện Đại Học Đà Lạt có rất nhiều mối tình thơ mộng và lãng mạn, do trường nằm trên đồi, đến giờ tan học, các sinh viên từng cặp thường dắt dìu nhau đi trên đồi.”

Hội trưởng Hội Thân Hữu Đà Lạt Nguyễn Thị Ngọc Tịnh. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Hội trưởng Hội Thân Hữu Đà Lạt Nguyễn Thị Ngọc Tịnh. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Con gái Đà Lạt rất là mơ mộng. Ngày xưa có trường Võ Bị Quốc Gia VNCH và trường Chiến Tranh Chánh Trị, những sinh viên sĩ quan khắp nơi ở miền Nam về đây học. Có những sinh viên sĩ quan đã có gia đình rồi, nhưng họ thấy những cô gái đẹp và thùy mị ở Đà Lạt, thì họ vẫn đi theo, mà con gái Đà Lạt rất hiền, khi họ yêu những chàng trai sinh viên sĩ quan đó thì họ lại gặp nhiều khó khăn,” bà Ngọc Tịnh “tiết lộ.”

Chương trình họp mặt của những người con xứ hoa đào còn có phần văn nghệ đặc sắc dưới sự điều hợp của MC Anh Dũng.

Mời độc giả xem phóng sự: Người già học thi quốc tịch tại Little Saigon

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT