Thursday, March 28, 2024

Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy ra mắt sách ‘Trong chết, cười… ngặt nghẽo’

Nguyên Huy/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Trưa Thứ Bảy, 27 Tháng Năm, tại Phòng sinh hoạt Nhật báo Người Việt, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đã tổ chức buổi ra mắt quyển “Trong chết, cười… ngặt nghẽo.” Đây là tập II trong toàn truyện “Ở tù cộng sản-Đố ai không cười” của bà.

Tập “Trong chết, cười… ngặt nghẽo” dầy 530 trang do nhà xuất bản Sao Khuê ấn hành.

Sau nghi thứ chào quốc kỳ Mỹ-Việt, ông Nguyễn Tấn Lạc, cựu Đốc Sự Hành Chánh VNCH khai mạc buổi ra mắt sách của nhà văn Trần Khải Thanh Thủy.

Ông giới thiệu ngắn gọn về nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, người mà hầu hết cộng đồng người Việt hải ngoại đều đã biết hoặc nghe nói tới. Đây là một cây bút phản kháng nổi tiếng ở trong nước trước khi được nhận lãnh qua Hoa Kỳ. Tiếng nói phản kháng của nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đã đưa bà vào tù ra khám trong chế độ không chấp nhận bất cứ một tiếng nói nào khác tiếng nói của đảng Cộng Sản. Đồng thời tiếng nói phản kháng đó cũng đưa cuộc sống của bà và gia đình bà vào hoàn cảnh khó khăn không lối thoát. Dù vậy, chúng nhưng vẫn không dập tắt được tiếng nói của nữ tác giả này.

Hai nhà văn Chu Tất Tiến và Trần Phong Vũ lần lượt giới thiệu về tác phẩm mới “Trong chết, cười… ngặt nghẽo.”

Nhà văn Chu Tất Tiến nhận định, trong nước hiện nay, trừ những Đảng viên Cộng sản và những thân quyến của đảng viên cầm quyền thì còn đến hơn 70 triệu người đang phải sống trong chế độ cộng sản Việt Nam. Họ phải chịu biết bao bất công, uất ức. Ai về thăm quê hương mà bỏ những con đường lớn, đi vào các ngõ hẻm là thấy ngay cảnh xã hội khác, điêu linh, khổ cực, chịu đựng mọi đàn áp, bất công, trù dập. Nên đã có những tiếng nói phản kháng cất lên, đặc biệt là trong giới trẻ.

Nhà cầm quyền cộng sản đã dùng đủ mọi biện pháp để dập tắt những tiếng nói này, nhưng tuổi trẻ vẫn không im tiếng dù đã ở trong tù. Nhà văn Chu Tất Tiến hướng về phía tác giả sách nói: “Trong những tiếng nói bất khuất kiên cường đó có nhà văn Trần Khải Thanh Thủy. Hôm nay nhà văn Trần Khải Thanh Thủy ra mắt tập II của bộ sách ‘Ở tù cộng sản-Đố ai không cười’ để đưa đến người đọc hải ngoại những chuyện cười ở trong ngục tù cộng sản đã phản ảnh khuôn mặt Đảng và nhà nước CSVN, chế độ CSVN. Đồng thời cũng là phương cách tập hợp anh em lại với nhau để cùng nhau vượt thoát khổ ải, chờ ngày trở lại tự do tiếp tục công việc đã làm. Vì chính những tiếng nói này đã dẫn đến những cuộc biểu tình của người dân bốn tỉnh miền trung, liên tục nhiều tháng nay, có khi đến cả hàng chục ngàn người. Chúng tôi hết sức ca ngợi và ngưỡng mộ tinh thần của những tiếng nói này.”

Nhà văn Trần Phong Vũ xác nhận: “Khi tôi đọc tác phẩm này, tôi nhận ra rằng đây không phải là một cuốn hồi ký về ngục tù cộng sản, mà đây là một cuốn truyện cười, cười ở trong ngục tù cộng sản. Tiếng cười ở đây là những tiếng cười ngạo nghễ, châm biếm những chuyện thật trong xã hội cộng sản mà người dân Việt đang phải chịu đựng đã hài hước hóa.”

Nhà văn Trần Phong Vũ phân tích: “Cười từ đầu sách đến cuối sách, đặc biệt là chuyện cười nào cũng nhuốm tính chất tiếu lâm về bộ mặt của chế độ. Cười để quên đi cảnh ngục tù chỉ vì lòng yêu nước, thương nòi. Cười cũng là để quần tụ nhau mà vượt lên hoàn cảnh. Cho nên những chuyện cười của nhà văn Trần Khải Thanh Thủy có nhiều dạng thức khác nhau không giống bất cứ một tác phẩm cười nào khác. Tính chất chính trị và thực tế ngoài đời đã lột bộ mặt giả trá của chế độ. Nó cũng là những lời lên án mạnh mẽ. Đọc Trần Khải Thanh Thủy không phải để mua vui như đọc các truyện cười đã có, mà đọc để phân vân suy tưởng đến khi nào thì người dân Việt mới hết cười vì ở Việt Nam, ngoài những nhà tù được người dân gọi là tù trong thì còn ở tù ngoài là nhà tù trải ra trên toàn đất nước Việt Nam.”

Phút khai mạc trong buổi ra mắt sách của nhà văn Trần Khải Thanh Thủy. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Sau những lời giới thiệu sách của hai nhà văn Chu Tất Tiến và Trần Phong Vũ, tác giả Trần Khải Thanh Thủy xuất hiện.

Trong chiếc áo dài nền nã của người phụ nữ Việt và bằng một giọng nói miền Bắc thâm trầm, lôi cuốn, tác giả “Trong chết, cười… ngặt nghẽo” cho biết về những nguyên nhân bà viết về tập truyện cười ở trong tù. Bà nhận xét người Việt mình rất thông minh lại hay khôn vặt. Cái khôn vặt ấy thấy trong cả dân tộc không phân biệt một miền nào. Họ đã dùng cái khôn vặt ấy để sáng tạo những chuyện cười để đả phá chế độ, lãnh đạo. Nên chuyện cười dân gian Việt Nam hiện nay cũng là những tiếng nói phản kháng. Có điều những tiếng nói này thì nhà cầm quyền không truy bắt được trong khi nó cứ lan rộng phổ cập đến mọi người dân. Tác giả giải thích những chuyện cười trong nhà tù, trong chế độ cộng sản thường dựa trên những câu thơ của các tác giả nổi tiếng nhiều người đã thuộc lòng như bài Hai Sắc Hoa Ti Gôn chẳng hạn hay những câu ca dao, tục ngữ mà ai cũng biết.

Tác giả tâm sự: “Trong bất cứ một hoàn cảnh nào, từ chính trị, văn hóa đến xã hội tôi cũng nhìn ra được sự buồn cười ở tầng lớp quan chức cao cấp hoặc lãnh đạo Đảng. Cụ thể như Lê Khả Phiêu, một kẻ vô luân, đĩ điếm dùng cả máy bay trực thăng để chơi gái mà lại đi nói chuyện đạo đức. Tên ăn cắp có hạng như Nguyễn Tấn Dũng lại là trưởng ban chống tham nhũng, dạy mọi người phải biết bảo vệ của công. Đỗ Mười giữa tuổi đời 80 còn ngỏ lời cầu hôn với Tiến sĩ Toán học Hoàng Xuân Sinh v.v… Do có óc hài hước nên tôi đã không ngần ngại hướng mũi dùi vào đó trong những sáng tác thơ văn nên bị nhà nước rất ghét và rắp tâm cho tôi vào tù. Nay đã thoát được ra hải ngoại được sự yêu thương đón tiếp nồng nhiệt của cộng đồng người Việt hải ngoại đã là những khích lệ cho tôi tiếp tục cất lên những tiếng nói cho người dân trong nước.”

Trong dịp này, nhà tranh đấu Điếu Cầy Nguyễn Văn Hải cũng đưa ra nhận xét: “Tiếng cười trong nhà tù là cách để người tù giữ tinh thần, làm cho cuộc sống tù đầy nhẹ nhàng thu hút được sự đồng cảm của anh em. Nó cũng là cách hóa giải cuộc sống tù đầy mà vượt lên chờ ngày ra ngoài đi tiếp con đường chưa đến đích.”

Quí độc giả muốn có sách xin liên lạc với tác giả (916)248.3414 hay email: [email protected].

MỚI CẬP NHẬT