Saturday, April 20, 2024

Nhạc trưởng Trần Chúc thuyết trình ‘Ngôn Ngữ Dẫn Xuất’ trong âm nhạc

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Ngôn Ngữ Dẫn Xuất” là chủ đề dành cho người yêu thích âm nhạc, do nhạc trưởng Trần Chúc thuyết trình lúc 4 giờ chiều Thứ Bảy, 10 Tháng Sáu, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster.

Nhạc trưởng Trần Chúc giải thích: “Trước 75, gọi là ‘Ðiều khiển’, sau này gọi là ‘Chỉ huy’, theo nghĩa của chữ ‘Conduct’ (tiếng Latin ‘cum+ducere’), có nghĩa là đi đầu, hướng dẫn, cùng nhau diễn xuất tâm hồn, tâm trạng của mình qua âm nhạc. Người nhạc trưởng làm những động tác diễn xuất, là những ngôn ngữ thật sự có hơn 200 năm rồi, tất cả dàn nhạc trên thế giới đều làm như vậy.”

Ngôn ngữ bàn tay người nhạc trưởng, khi chỉ huy dàn nhạc tay phải, tay trái, làm bộ điệu ra sao, tất cả đều có ngôn ngữ quy ước của nó. Nhưng cái chính vẫn là “cái hồn.”

“Ca nhạc trưởng nên thông thạo ngôn ngữ dẫn xuất để dễ dàng, minh bạch hướng DẪN ca sĩ, ca đoàn, dàn nhạc trong việc phát XUẤT biểu lộ và chuyên chở đến khán thính giả ý nghĩa, tâm tình của nhà soạn ca khúc, người soạn hòa âm phối khí. Khi dùng Ngôn Ngữ Dẫn Xuất ‘Quốc Tế’ thì ca viên, nhạc công Việt, Mỹ, Mễ, Phi,… dễ thông hiểu hơn, sự trình tấu êm xuôi, tốt đẹp và có hồn hơn,” ông Chúc nói tiếp.

Nhìn sự diễn tả của nhạc trưởng, nhạc công phải biết loại nhạc khí nào bắt đầu chơi, hay ca viên biết khi nào hát. Hùng hồn khi vào chữ đầu câu “Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại…,” hay ngắt như “bóp cổ người tình” khi hát “Anh Còn Nợ Em,” hoặc lả lơi tình tứ “Gởi bướm đa tình về hoa…” Hoặc khi nào chơi nhanh, hát nhanh, hát và chơi chậm lại. Khi nào chơi lớn, khi nào nhỏ…

Người Mỹ hay thắc mắc “Âm nhạc Việt Nam là gì?”, họ cứ nghĩ đó là nhạc của người Châu Á. Trong những dịp dẫn xuất những dàn nhạc, ca đoàn Mỹ, là cơ hội để diễn tả cho họ biết văn hóa Việt Nam phong phú như thế nào. Ông Chúc cho biết.

“Làm sao cho người Mỹ hiểu được ‘Xe Chỉ Luồn Kim’? Nếu một ca đoàn Mỹ hát bài này, sẽ hát theo kiểu bài bản, phát âm theo giọng opera Tây Phương, như thế sẽ không có hồn âm nhạc Việt Nam. Do đó cần phải học cách luyến láy, lả lướt khoan thai mới ra cái tinh túy hồn Việt Nam được. Người nhạc trưởng phải nắm vững căn bản luyện giọng,” ông Chúc nói thêm.

Ðể thực hành, nhạc trưởng Trần Chúc giải thích các nhịp trong âm nhạc, gồm 2/4, 3/4, 4/4, 3/8, 6/8… Và mọi người cùng nhau thực hành các nhịp đó theo bàn tay dẫn xuất của ông, sau vài lần thực hành, mọi người đều vui thích khi thấy mình hiểu và thực hành được. Một nhóm 6 người lên sân khấu thử thực hành theo điệu bộ của ngôn ngữ dẫn xuất do nhạc trưởng Trần Chúc thực hiện.

Cô Hồng Thanh, thuộc Ban Hợp Xướng Magnefica Choral, cho biết chỉ cần học trong chốc lát, mọi người có thể thực hành một cách dễ dàng. “Trong ca đoàn, chúng tôi rất quen thuộc trong việc hát bè theo hiệu lệnh của nhạc trưởng. Ai có nhiệm vụ, cứ giữ đúng tông của mình là được,” cô Thanh cho biết.

Cùng thực tập phát âm với nhạc trưởng Trần Chúc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Bà Mai Nguyễn, cư dân Garden Gorve, cùng một nhóm bạn cho biết có tham gia lớp nhạc tại gia đình người bạn vào ngày Thứ Bảy.

“Chúng tôi lớn tuổi rồi, làm sao có được những giây phút vui vẻ để sống với con cháu, bạn bè. Gặp nhau trong những dịp ca hát hội hè là tốt rồi, đó là niềm vui tinh thần lành mạnh, ở đâu có ca hát là tụi tôi đều tham gia hết mình,” bà Mai nói.

Hai vợ chồng ông bà Long Trần cũng đồng ý, cho rằng tập ca hát còn tốt hơn là rủ nhau đi ăn, sợ lắm rồi, ăn nhiều quá mập lại sinh thêm bệnh.

“Nãy giờ ngồi nghe tụi tôi rất thích, bây giờ mới hiểu tại làm sao mà cả một dàn nhạc, hay một ca đoàn, chỉ cần một ông nhạc trưởng làm dấu hiệu, tất cả ca viên đều hát theo răm rắp, âm thanh của từng nhạc cụ cũng rất chính xác.” Ông Long còn nói sẽ tham gia lớp nhạc để hát đúng bài bản hơn.

Bà Lan Phạm thì hiểu rằng, “Nói thiệt bây giờ mới biết tôi bị sai khi hát, vì muốn diễn tả hết mức ý của bài hát mà thường ngửa cổ lên, hóa ra âm thanh bị tắc lại, lên không nổi. Thật đơn giản mà bây giờ mới biết.”

“Những ông bà lớn tuổi hơi đâu còn mạnh nữa mà còn ngửa cổ lên làm sao hát được,” bà Lan nói.

Bà Quý Phạm, cư dân Westminster, đi học nhạc đã 3 tháng nay thì nói rằng: “Coi vậy chứ không dễ đâu. Tôi hát theo chỉ dẫn của thầy mà có được gì đâu? Có lẽ phải có năng khiếu nữa mới được. Nhưng không sao, người ta làm được thì mình làm được.”

Trên sân khấu, một nhóm các ca viên theo sự dẫn xuất của nhạc trưởng, làm tất cả những động tác phát âm từ giọng mũi, giọng ở cổ, và mọi người ngồi ở dưới đều làm theo. Người thì phát âm ồ ồ, người thì phát âm như “dế kêu,” mọi người cùng nhau hòa điệu nghe như một ban nhạc đang chơi nhiều nhạc cụ.

Tiếp theo, nhạc trưởng Trần Chúc ra hiệu bằng đôi bàn tay, mọi người đều cùng nhau hát bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” sáng tác Nguyễn Ðức Quang, hoặc trong bài “Việt Nam Việt Nam” sáng tác Phạm Duy, mọi người đều vào đúng nhịp ăn khớp với nhau thật hùng hồn.

Một chiều Thứ Bảy vui khi được nghe, được thực hành để biết thêm những kỹ thuật ca hát, rất thực tế mà chỉ cần học hỏi, để ý là mọi người đều có thể ca hát cho vui đời.

Nhạc trưởng Trần Chúc hiện đang phụ trách hướng dẫn Ban Hợp Xướng Viện Việt Học, và lớp thanh nhac sinh hoạt hàng tuần tại đây. Ông hiện là giám đốc âm nhạc và đồng sáng lập Ban Hợp Xướng Magnifica Chorale (từ 2005 đến nay), và Ban Hợp Xướng Viện Việt Học (2015 đến nay). Ông cũng là giám đốc âm nhạc giáo xứ San Gabriel Mission, Los Angeles. Ông đồng sáng lập Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi và là giám đốc âm nhạc (1989-2004). Ông từng là ca trưởng ca đoàn nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn, ca đoàn Trùng Dương trước 1975, và ca đoàn Học Viện An Phong Dòng Chúa Cứu Thế.

Ông Chúc cũng cho biết, đã viết xong phần hòa âm và hoàn tất CD cho nhạc phẩm “Việt Nam Minh Châu Trời Ðông” sáng tác Hùng Lân, do phòng thu chuyên nghiệp thực hiện phần thu âm và Viện Việt Học tổ chức thu hình tại viện, với sự trợ giúp của các thân hữu.

Bài “Việt Nam Minh Châu Trời Ðông” cùng với một số nhạc phẩm khác sẽ được trình diễn trong đêm nhạc “Dòng Giống Tiên Rồng” qua chương trình định kỳ của CLB Văn Nghệ Viện Việt Học, vào ngày 14 Tháng Mười 2017. Ông Chúc nói.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT