Thursday, March 28, 2024

Nhóm Tiếng Xưa với đêm nhạc ‘ra đi, trở về, biệt ly, hội ngộ’

 

Linh Nguyễn/Người Việt

ANAHEIM, California (NV) – Chiều nhạc thính phòng với chương trình ca nhạc chọn lọc chủ đề “Sự ra đi, sự trở về, của biệt ly và hội ngộ,” do Nhóm Tiếng Xưa tổ chức trong vòng thân hữu, diễn ra lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, 16 Tháng Mười, tại Golden Sea Restaurant, Anaheim.

Cặp song ca Kim Tước (trái) và Vũ Anh. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Cặp song ca Kim Tước (trái) và Vũ Anh. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Với một sân khấu lộng lẫy và những người tham dự hầu như đều biết nhau từ lâu, chương trình bắt đầu đúng giờ với ban nhạc gồm Quốc Vũ (dương cầm), Hoàng Công Luận (vĩ cầm) và Vũ Anh Tuấn (bass và saxo).

“Chương trình hôm nay gồm những bản nhạc liên quan đến những sự hợp tan, những tình huống biến đổi trong đời sống và những tình cảm vui buồn thể hiện qua âm nhạc,” MC Mai Phương nói, trong lời chào mừng các thân hữu hiện diện.

Tiếng kèn saxo của Vũ Anh Tuấn réo rắt trổi lên hòa cùng với tiếng đàn vĩ cầm của nhạc sĩ Hoàng Công Luận, mở đầu chương trình.

Chị Thu Vân Nguyễn, trưởng nhóm, nhân cơ hội này cho biết về các thành viên Nhóm Tiếng Xưa.

“Chúng tôi mới thành lập được hai năm để chỉ sinh hoạt trong vòng thân hữu, làm bạn với người thích hát và chúng tôi cũng chọn người hát. Đặc biệt chúng tôi chỉ hát nhạc xưa, nhạc cổ điển ngoại quốc và vui chơi văn nghệ thôi,” chị Thu Vân nói với nhật báo Người Việt.

“Chúng tôi chỉ có gần 10 người thôi. Chúng tôi hát và mời các ca sĩ chuyên nghiệp khác, như hôm nay sẽ có các ca sĩ như Vũ Anh, Paolo và nhạc sĩ Ngô Tín. Một năm tổ chức hai lần,” chị nói thêm.

Nhạc Sĩ Ngô Tín với "Phủ Lấp Đời Nhau" và "Bão Trên Đỉnh Núi." (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Nhạc Sĩ Ngô Tín trình diễn đàn guitar với “Phủ Lấp Đời Nhau” và “Bão Trên Đỉnh Núi.” (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Đến đây MC Hồng Tước giới thiệu ca sĩ Vũ Anh, giọng Tenor với bài hát “Đoàn Lữ Nhạc” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận: “Chỉ có tình yêu, chúng ta mới thấu hiểu được sự hiện diện của chính mình trên những chuyến tàu ngược xuôi, ‘nhưng vẫn tiến bước lòng không nao’ hay ‘ra đi khơi mạch sống, ta hát vang…”

Rồi những nỗi đợi chờ được tiếp nối qua giọng hát của “người ca sĩ tài tử” Hồng Tước qua tác phẩm “Tình Cầm” của Phạm Duy, với “Ngày tháng tì bà vương ánh nguyệt; Mộng héo bên song vẫn đợi chờ.”

Danh ca Paolo của những thập niên 1960 và 1970 xuất hiện giữa tiếng vỗ tay chào đón vị khách mời của Nhóm Tiếng Xưa.

“Để cho thích hợp với chủ đề của chương trình, tôi xin trình bày bài ‘Speak Softly Love’ và ‘Ne Me Quitte Pas,’ đều là nhạc ngoại quốc. Hy vọng mọi người có thể quay lại với những tình cảm trong quá khứ khi nghe,” ca sĩ Paolo nói.

Nói với nhật báo Người Việt sau đó, ca sĩ Paolo tâm sự: “Trên 50 năm đi hát, đến giờ này tôi vẫn ‘một mình một ngựa’ vượt qua rất nhiều chông gai, để đi đến đâu tên tuổi Paolo vẫn làm cho khán giả quyến luyến, khó quên.”

“Tên thật của tôi là Ðào Thiệu Doãn, nhưng vì hát nhạc Pháp, Ý, Mỹ và muốn ‘bán’ mình theo ngoại quốc, nên ngay từ lúc ở Hà Nội tôi đã có tên là Paul, lúc vào Nam hát thì đổi theo tên của Ý là Paolo,” ông nói.

Một vị khách mời đặc biệt khác là nữ danh ca Kim Tước, từ lâu vắng bóng. Chị hát một bài xong nói chính chị cũng không nhớ tựa bài tên gì. Mọi người tỏ vẻ vui mừng chỉ cần nghe hát và không quan tâm đến tên bài hát. Sau cùng chị nói sẽ hát bài “Mưa Trên Phím Đàn” của nhạc sĩ Văn Phụng.

Chưa hết, đến khi ca sĩ Vũ Anh hát bài “Trở Về” của Châu Kỳ, nữ danh ca Kim Tước còn rón rén lên sân khấu, rồi hai người cùng hòa nhịp, hát chung, “như từng hát 50 năm trước.”

“Tôi cũng ngại hát lắm vì lâu lắm rồi mình không còn hát nữa, nhưng được sự ủng hộ và khuyến khích của các em, bạn bè thân hữu, hôm nay tôi hát cho quý vị nghe. Có quên thì bỏ qua nhé,” chị nói.

Trong số khách mời còn có nhạc sĩ Ngô Tín, được ái mộ khi anh phổ nhạc bài thơ “Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh?” của Trần Thị Lam.

Mời độc giả xem video Điểm tin buổi sáng Thứ Ba, ngày 18 tháng 10 năm 2016

Anh ngồi trên chiếc ghế dài trên sân khấu, vừa hát vừa đàn hai bài liền tiếp, “Phủ Lấp Đời Nhau” và “Bão Trên Đỉnh Núi.”

Mười ngón tay lướt trên phím đàn đưa mọi người chứng kiến đôi tình nhân gặp gỡ rồi chia tay.

“Ta xa nhau rất đỗi tình cờ…Mắt u sầu tiễn đưa,” hay “Em giờ xa mãi tận chân mây… Tình đến, tình say, tình xa, tình đau nát đời,” lời bài hát kèm theo tiếng đàn điệu Flamenco tiếp theo với bài “Bão Trên Đỉnh Núi.”

Chương trình nhạc có thể nói đã thu tóm được những khía cạnh khác nhau và tình cảm rất nhân bản của những giòng nhạc xưa.

“Thật phù hợp với tâm hồn của những thành viên của Nhóm Tiếng Xưa,” nhà văn Bùi Bích Hà chia sẻ. “Âm nhạc lúc nào cũng cần thiết.”

Chương trình cả hai phần được gói ghém để trình diễn gần ba giờ đồng hồ, đủ mọi thể điệu, nhưng vẫn chung tính cách của những dòng nhạc của những thập niên 1960, mà đa số thành viên của nhóm, như hoài vọng, như nắm víu với những kỷ niệm riêng của từng người trong quá khứ.

Chị Hồng Tước tâm sự: “Chúng tôi đến với nhau, những người cùng lứa tuổi, thích hát để cùng thưởng thức hơn là hát.”

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT