Thursday, March 28, 2024

Tác giả Ngọc Cường và tác phẩm thứ hai, ‘Hệ Lụy’

Nguyên Huy/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Sau khi ra mắt tác phẩm đầu tiên, “Bèo Giạt,” tại nhật báo Người Việt vào năm 2014, tác giả Ngọc Cường cảm thấy có sự thôi thúc phải viết tiếp và ông đã hoàn tất được tác phẩm thứ hai, “Hệ Lụy,” sẽ được ra mắt vào lúc 2 giờ chiều Thứ Bảy, 29 Tháng Mười, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster.

Tác giả cho biết, ông bắt đầu viết từ năm 11 tuổi. Khi ấy ông có người chú là nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam khuyến khích ông viết nhật ký tương tự như Ann Frank, nhưng sau đó tự cảm thấy mình không có tài nên đã bỏ không đi tiếp được con đường văn học nghệ thuật.

Sau này, khi về hưu, trải qua hơn nửa thế kỷ sống cũng nhiều truân chuyên, ông nhìn thấy được những góc cạnh của cuộc sống, những “hệ lụy” mà dù ta có muốn hay không cũng vẫn phải chấp nhận.

Ông cho biết “Hệ Lụy” là một tuyển tập 10 truyện ngắn và một tiểu luận về văn nghệ. Mười truyện ngắn trong đó có một đoản kịch. Nhân vật trong các truyện ngắn và đoản kịch là những người có những ràng buộc vô hình không thể thoát ra được nhưng lại là những nhân chứng của những ràng buộc ấy nên ông viết ra mà không nhằm đưa đến một kết luận nào.

Giải thích về những hiện tượng ấy sẽ tùy độc giả tìm ra một kết luận. Người viết chỉ là một nhân chứng.

Tác giả cũng cho biết thêm: “Năm nay tôi đã 69 tuổi, đã trải qua nhiều buồn vui trong cuộc sống. Những buồn vui ấy cho tôi những cảm xúc để viết, viết ra chỉ với một mục đích tạo niềm vui cho người đọc. Nhưng tôi nghĩ người viết phải có trách nhiệm với độc giả nghĩa là văn chương nghệ thuật không phải là và cũng không thể là phương tiện để cho người viết phù trợ cho một tư tưởng, một lý thuyết nào. Nghệ thuật phải được đặt ra ngoài mọi lãnh vực chính trị, mọi chủ trương, chủ thuyết.”

“Với tôi, tôi tin con người là tốt, tính bản thiện và những hệ lụy cũng sẽ được lọc qua cái tốt ấy để con người chung sống với nhau nên tôi theo cụ Nguyễn Du viết Truyện Kiều cũng để ‘mua vui cũng được một vài trống canh,’” ông cho biết.

Nói thế, chỉ là một sự nhún nhường. Trong lần ra mắt cuốn “Bèo Giạt,” nhà văn Bùi Bích Hà có nhận định rằng, ông đã thành công đưa được đời thường của những con người bình thường có cuộc đời cũng bình thường để nói lên những biến cố từ 30 Tháng Tư, 1975 như một cú trời giáng lên dân tộc Việt Nam để mọi người tan tác, bơ vơ, lạc lõng. Sinh khí trong những câu chuyện của “Bèo Giạt” đã đánh động được tâm thức người đọc.

Cũng vậy, Bác Sĩ Tôn Thất Niệm, con rể trong gia đình Nguyễn Tường của tác giả, nhận định: “Tác giả Ngọc Cường không phải là một nhà văn, nhưng niềm khắc khoải ưu tư về sự sống vẫn luôn luôn hiện hữu trong nội tâm. Nó đã chọc thủng màn vô minh để đi sâu vào vô thức con người.”

Trở lại với buổi ra mắt sách “Hệ Lụy,” tác giả cho biết, ban đầu ông đặt tên là “Thân Phận,” nhưng nhà xuất bản Người Việt cho biết đã có một tập thơ cũng do Người Việt xuất bản trùng tên, nên ông đã chọn tên mới là “Hệ Lụy” cho tác phẩm của mình.

Các thân hữu của tác giả là nhà văn Trịnh Thanh Thủy, nhà văn Ngũ Lang và nhà báo Cao Xuân Hải sẽ giới thiệu tác giả và tác phẩm. Một chương trình ca nhạc giúp vui sẽ do nữ nghệ sĩ Từ Dung, một người thân trong gia đình Nguyễn Tường, và cô Bích Lưu, từ San Jose xuống, và Trần Ngọc Ðắc phụ trách một chương trình ca nhạc tình cảm với những khúc tình ca quen thuộc.

Tác giả Ngọc Cường cũng cho biết ông là một cựu quân nhân trong QLVNCH, xuất thân khóa 8/68 Thủ Ðức.

Ông kể: “Khi ấy đang theo học văn khoa và luật khoa ở Sài Gòn, nhưng không tìm được con đường cho mình đi nên đã tình nguyện vào quân đội. Sau 30 Tháng Tư, 1975, như hàng trăm ngàn quân nhân VNCH khác, tôi phải vào tù cải tạo, trải qua những năm tháng khốn cùng nhất của sự sống mà trước đó không ai có thể mường tượng ra nổi.”

Một mất mát lớn lao trong thời gian này là tác giả đã mất một đứa con thương yêu là Bích Ngọc, nên khi viết ông đã lấy bút danh là Ngọc Cường, chắp cùng tên ông thay vì Nguyễn Tường Cường, để nhớ đến người con.

Phải chăng những năm tháng ngục tù cải tạo cũng là những “hệ lụy” mà ông phải chấp nhận?

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT