Tuesday, April 23, 2024

Tiếng Việt Dấu Yêu (Kỳ 286)

Học sinh trường Mỹ mừng Tết Việt



Tâm tình thầy cô

UCI ăn Tết

Trần C. Trí

Từ lúc chúng tôi vào khoa Ngôn Ngữ và Văn Chương Ðông Á của trường UC Irvine để bắt đầu chương trình tiếng Việt thì các chương trình khác trong khoa là tiếng Hàn, tiếng Hoa và tiếng Nhật đã có truyền thống tổ chức ngày hội đầu năm âm lịch từ trước đó lâu rồi. Thế là vào dịp Tết âm lịch đầu tiên của chương trình tiếng Việt tại UCI, chúng tôi liền bắt tay vào cùng tổ chức ngày lễ truyền thống đó với các chương trình bạn. Sự chuẩn bị cho mỗi ngày lễ như vậy thường bắt đầu từ nhiều tháng trước đó. Trong các cuộc họp, chúng tôi bàn thảo nội dung chương trình, thời gian, địa điểm, nhân sự, v.v… Mỗi kỳ lễ như vậy cần có một tờ chương trình với minh họa nhiều màu sắc, giới thiệu tên của năm âm lịch bằng từng thứ tiếng và các sinh hoạt của mỗi chương trình tại hội Tết, Tờ chương trình này sẽ được gởi đến nhiều tổ chức trong trường đại học và trong các cộng đồng địa phương để xin bảo trợ tài chánh. Ngoài ra còn có một tờ bích chương lớn vẽ bằng tay do các sinh viên trong khoa đóng góp.

Sinh viên UCI làm quen với trò chơi lắc bầu cua.
Sinh viên UCI làm quen với trò chơi lắc bầu cua.

Thấm thoát từ đó đến nay, chúng tôi đã cùng nhau tổ chức hội Tết mười bảy năm ròng rã. Lần mới nhất là vào mồng Ba Tết Ðinh Dậu năm nay (nhằm thứ Hai, 30 Tháng Giêng, 2017). Nội dung và hình thức của chương trình Tết mỗi năm mỗi phong phú hơn, nhờ có cô manager mới nhiệt tình, xông xáo, lúc nào cũng nghĩ ra những cái mới trong mấy năm gần đây. Ðịa điểm của LunarFest năm Ðinh Dậu (tên gọi thân mật của ngày hội Tết tại UCI) năm nay là một gian phòng rộng lớn, khang trang nằm trong trung tâm sinh viên của trường đại học. Giờ bắt đầu chính thức của lễ hội là 9 giờ sáng, nhưng từ 7 giờ mọi người đã tíu tít chuẩn bị, trang hoàng gian phòng và từng khu riêng của mỗi chương trình ngôn ngữ.

Năm nay, chương trình tiếng Hàn gồm hai sinh hoạt là xếp giấy và thử áo hanbok, chương trình tiếng Hoa có cắt giấy và thắt dây, chương trình tiếng Nhật có môn cắm hoa và thử áo kimono. Riêng chương trình tiếng Việt gồm hai sinh hoạt chính: sinh hoạt thứ nhất là Bầu Cua Tôm Cá, chia ra thành hai bàn. Tại bàn thứ nhất, sinh viên tham dự trò chơi rất được ưa thích vào ngày Tết này để thắng kẹo bánh. Tại bàn thứ hai, những ai thích thú với trò chơi có thể làm thủ công, tô màu, cắt dán một hộp đựng trò chơi này, một tấm bìa in hình sáu con vật của trò chơi và ba hột súc sắc, tất cả đều nhỏ xíu, xinh xinh để đem về làm kỷ niệm. Sinh hoạt thứ nhì có tính chất vừa về ngôn ngữ, vừa về văn hóa. Người tham dự quay một vòng quay “may mắn” để trúng một trong tám câu tiên đoán vận may trong năm mới. Ðiểm đặc biệt là các câu đó được viết bằng tay hoàn toàn bằng chữ Nôm như “Cha mẹ sống lâu”, “Bạn bè giúp đỡ”, “Việc làm tốt đẹp”, “Người yêu vừa ý”, v.v… Trên mỗi tờ giấy đó, bên cạnh hình minh họa, có phần chú thích bằng tiếng Việt ở dạng chữ La-tinh và phần lược dịch qua Anh ngữ. Ngoài ra còn có một phần giới thiệu tóm tắt về nguồn gốc của chữ Nôm cho người tham dự hiểu qua về lịch sử của hệ thống chữ viết này.

Gian hàng bói quẻ chữ Nôm đầu năm.
Gian hàng bói quẻ chữ Nôm đầu năm.

Những ai vẫn còn hiếu kỳ về tiếng Việt có thể xem hai tấm bích chương lớn dựng trước dãy bàn của chương trình tiếng Việt. Tấm thứ nhất giới thiệu tiếng Việt hiện đại với những chi tiết về nguồn gốc, bảng mẫu tự La-tinh, hệ thống thanh, hệ thống dấu giọng và dấu nguyên âm, những địa phương ngữ chính ở Việt Nam và bài thơ “Ông đồ già” làm minh họa. Xếp bên cạnh là tấm bích chương giới thiệu lịch sử và sự hình thành của chữ Nôm, những phương pháp tạo chữ Nôm theo ngữ âm, ngữ nghĩa và ngữ pháp.

Trong khi các bàn của những chương trình khác tương đối im lặng vì ai cũng cặm cụi cắt dán, thắt gút, cắm hoa hay thử y phục truyền thống thì tại các bàn của chương trình tiếng Việt lúc nào cũng náo nhiệt. Tiếng bánh xe may mắn quay lách tách vui tai, tiếng các hột súc sắc ròn rã trong cái tô bằng sành và những tiền ồ lên thích thú của những người chơi bầu cua khi thấy con vật của mình đặt đã xuất hiện trên các mặt súc sắc. Dường như không khí của mùa Xuân ở Việt Nam cũng nhẹ nhàng lan tỏa đâu đây. Ðặc biệt là lúc đồng hồ chỉ 12 giờ, giáo sư trưởng ban tổ chức Michael Fuller (tiến sĩ người Mỹ dạy văn chương Trung Hoa!) lên nói lời chúc Tết và sau đó có màn múa lân cổ truyền càng làm cho hương xuân thêm đậm đà.

Hội Tết Ðinh Dậu năm nay được xem như thật trọn vẹn, hơn hẳn những năm về trước. Ai cũng vui vẻ và hài lòng. Cô manager là người mãn nguyện nhất, thấy những chuẩn bị công phu của mình đã được đền đáp bằng sự thành công tốt đẹp. Chẳng thế mà chỉ vài ngày sau đó, cô đã gởi điện thư ra cho tất cả mọi người, thông báo về chương trình cho năm Mậu Tuất kỳ tới! Sự hăng say của cô cũng lây đến chúng tôi. Riêng cho chương trình tiếng Việt sang năm, để bắt chước cô manager, chúng tôi cũng hào hứng tính trước nội dung cho LunarFest thật sớm sủa. Sang năm, chúng tôi dự định sẽ có phần thử áo dài Việt Nam, nếm mứt Tết và trà Việt Nam cùng phần xin xâm đầu Xuân!

Giáo Sư Trần Chấn Trí (thứ hai từ trái) và các sinh viên tại Hội Tết Ðinh Dậu tại trường UCI.
Giáo Sư Trần Chấn Trí (thứ hai từ trái) và các sinh viên tại Hội Tết Ðinh Dậu tại trường UCI.


Em viết văn Việt

Những bài viết của học sinh các trường Việt ngữ

  1. Nhằm tạo một diễn đàn cho các em tập viết tiếng Việt, Ban Biên Tập trang Tiếng Việt Dấu Yêu kêu gọi quý phụ huynh và quý thầy cô khuyến khích các em viết văn, diễn tả bằng tiếng Việt những cảm nghĩ và ước vọng trong đời sống của các em. Ước mong nơi đây một sân chơi được mở ra và khu vườn văn hóa Việt sẽ được quý phụ huynh và quý thầy cô góp tay vun trồng, khuyến khích.
  2. Trong các bài nhận được và chọn để đăng, chúng tôi cố ý giữ nguyên văn những gì các em viết. Vì thế, khi đọc đến những ngôn từ, lỗi chính tả và sai văn phạm, chúng tôi mong được phụ huynh và thầy cô chia sẻ và sửa chữa cho các em tại nhà hay trong lớp học.
  3. Tất cả các bài viết dưới dạng MSWord, font Unicode; và hình ảnh dạng .jpg, xin gởi về địa chỉ email: [email protected] (Xin đừng gởi dạng .pdf vì không tiện cho việc layout).

Trân trọng cảm ơn quý vị.

Nguyễn Việt Linh

***

Tập đặt câu

Jimmy Trần, Lớp Bốn

-Chúng em ăn tết vui quá, em có nhiều tiền mừng tủi.

-Cô giáo em nói đừng có nói là lì xì,phải nói là mừng tủi.

-Ông bà nội mừng tủi em 200, vậy là em có đủ tiền mua iPad.

-Em vui quá, nhung mà em phải chờ tơi cúi tuần ba mới dẫn em đi mua.

-Trời mưa quá, mấy cây hoa Lan của bà nội bị hư, bà nội buồng, không ai mang hoa vào nhà cho bà, em mang vào cho bà, bà cám ơn em.

-Bây giờ thì hết Tết rồi, không ai mừng tủi nữa. Sao mình không mừng tủi mỗi tháng một lần?

–––—

Ðặt câu, mỗi câu có 3 mệnh đề nói về Tết Dương Lịch

Nu Nguyễn, Lớp Chín

1-Năm nay em được nghỉ Lễ Giáng sinh và Tết Tây 3 tuần, và em được đi chơi Las Vegas với ba mẹ nên em rất vui.

2- Cô em nói Tết Dương Lịch còn được gọi là Tết Tây và em thích gọi là Tết Tây hơn.

3-Tết Tây thì chúng em được nghỉ học nhiều ngày, nhưng Tết Ta thì không được nghỉ, nên em rất buồn.

4- Tết Tây đâu có vui bằng Tết Ta, em không có tiền mừng tủi, em cũng không được đi hội chợ nữa.

5-Em nghỉ Lễ Tết Tây được hơn một tuần rồi, và em sắp đi chơi một tuần, trở về nhà là em phải đi học lại.

6- Năm nay, em sẽ đón giao thừa tại Las Vegas, cả gia đình em rất vui và pháo bông ở đó rất đẹp.

7- Mẹ em nói chúng em không được vào xồng bài, mẹ dẫn chúng em đi coi đường và coi xiệc, chúng em sẽ được ăn thật nhiều.

8- Ba sẽ đưa cả nhà đi vào cái sa mạc gần đó, nhưng em không nhớ tên, em cũng chưa đi lần nào.

9- Ăn Tết Tây mà bà nội và cậu em lại muốn đi sa mạc , đâu có gì vui ở đó và trời lại lạnh muốn chết.

10- Nhưng má em nói ngoài đường thì đẹp, nó cũng vui lắm.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT