Saturday, April 20, 2024

Tiếng Việt Dấu Yêu (Kỳ 287)

Góc hoạt họa thiếu nhi

LTS: Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến quý độc giả và phụ huynh, góc Hoạt Họa Thiếu Nhi, một mục mới trên trang Tiếng Việt Dấu Yêu của nhật báo Người Việt, dành cho trẻ em sinh trưởng ở hải ngoại. Ðó là mục học Việt ngữ qua hình ảnh, với chú chó tên Boo và các nhân vật nhỏ trong sưu tập BBB (Meet BOO Berry Bandit) bằng song ngữ Anh-Việt. Người phụ trách là kỹ sư Huey Nguyenhuu, một cộng tác viên mới. Mọi ý kiến đóng góp, xin gởi về địa chỉ email: [email protected]

Nguyễn Việt Linh

Kính thưa quý phụ huynh,

Ba Bố con chúng tôi xin hân hạnh được giới thiệu đến quý vị và nhất là các thanh thiếu niên Việt Nam những mẩu chuyện hí họa về chú cún con “Boo”, Boo Berry Bandit (BBB).

Tôi là cựu quân nhân Hoa Kỳ gốc Việt, là một người tỵ nạn đến Mỹ đầu năm 1981. Sau khi giải ngũ với cấp bậc Ðại Úy Hải Quân ngành nguyên tử, tôi làm kỹ sư trong căn cứ Không Quân tại Los Angeles. Hai con tôi một trai, một gái đang học lớp 7 và lớp 4 tại Placentia Yorba Linda Unified School District.

Meet Boo Berry Bandit là một tác phẩm tinh thần của ba Bố Con. Mong quý vị thưởng thức những câu chuyện dí dỏm hàng ngày, hay dựa vào những tin tức nóng bỏng, hay những câu châm ngôn dạy dỗ con cái làm người.

Huey Nguyenhuu

Tái bút: Boo cũng xin chào quý vị. Quý vị có thể xem thêm câu chuyện chúng tôi tại: http://meetbooberrybandit.blogspot.com/

BB-0224-2a

BB-0224-3a

 



Tâm tình thầy cô

Người Việt Nam viết đúng chữ Việt Nam: Chuyện i (ngắn) và Y (dài) (Phần 2)

GS Trần Chấn Trí (University of California, Irvine)

Trong những tranh luận về tiếng Việt, nhất là về chính tả, hẳn chúng ta đã được đọc nhiều bài viết về cách dùng hai chữ cái “i” và “y” trong nhiều năm qua. Cuộc tranh luận này dường như còn lâu lắm mới đến hồi kết thúc. Bài viết này không nhằm đưa ra một tranh luận mới, mà chỉ xin đưa ra một cái nhìn chung và những dữ kiện khách quan về vấn đề này.

Người viết bài đã sinh hoạt trong Ban Ðại Diện các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California từ tám năm nay với các Khóa Huấn Luyện và Tu Nghiệp Sư Phạm hằng năm vào mùa Hè. Trong Khóa HLTNSP năm 2003, nhân nói chung về những điểm vô lý trong chính tả tiếng Việt, chúng tôi cũng có đưa ra một số nhận xét về cách dùng i và y một cách khái quát. Gần đây hơn, vào Khóa HLTNSP năm 2011, trong một lớp nói về cách phát âm phụ âm của học sinh Mỹ gốc Việt, chúng tôi cũng được vài khóa sinh hỏi về cách dùng hai chữ này. Chúng tôi đã dùng cách “khôi hài hóa” vấn đề và trả lời như sau:

Cách dùng i hay y là tùy theo sự việc mà từ ngữ diễn tả. Khi hai vợ chồng bỏ nhau mà làm thủ tục êm xuôi, nhanh chóng, thì viết là li dị; nếu thủ tục rườm rà, có nhiều tranh chấp, kéo dài thời gian, thì viết là ly dỵ. Người chữa bệnh lâu năm, có nhiều kinh nghiệm thì gọi là bác sỹ; kẻ mới ra trường y khoa, chưa có kinh nghiệm, thì gọi là bác sĩ. Cũng vậy, loại bánh baguette dài thì viết là bánh mỳ, còn loại bánh ngắn thì viết là bánh mì, v.v…. Cứ theo cách này, chúng ta sẽ tha hồ mà có muôn ngàn từ ngữ với i và y để diễn tả những khác biệt tinh tế về ý nghĩa của tiếng Việt.

Nhưng đấy chỉ là nói đùa cho vui mà thôi. Nếu nghiêm chỉnh mà nhìn vào vấn đề của i và y thì chúng ta thấy được những gì? Trước khi vào chuyện, chúng tôi xin được phép không đồng ý với một ý kiến là cách phát âm của i và y khác nhau. Theo ý kiến này, i đọc ngắn lại còn y đọc dài ra. Xin quý vị thử nghĩ, chúng ta có đọc ngắn chữ i trong chữ ti tiện và đọc dài chữ y trong chữ công ty không? Ðó là chưa nói đến có một số chữ mà xem ra viết với i hay y cũng đều được chấp nhận, không nhiều thì ít, như quí báu hay quý báu (hay lại theo cái kiểu, quí có nghĩa là quí in ít, còn quý là quý nhiều nhiều?!!), hoặc là lâm li hay lâm ly, v.v…

Khi bàn đến ngôn ngữ, nếu chúng ta có thể dẫn chứng một vài ngôn ngữ khác để rộng đường dư luận thì cũng là một điều hay. Không riêng gì tiếng Việt mà tiếng Anh xem chừng cũng khá lúng túng với i và y. Trong một cuộc trao đổi ý kiến với một đồng nghiệp của chúng tôi là Giáo Sư Lâm Lý Trí, ông đưa ra một ví dụ trong tiếng Anh mà tôi rất lấy làm tâm đắc. Ông bảo ngay trong chữ city của tiếng Anh cũng đã có hai chữ đó sống chung hòa bình với nhau. Chúng ta biết rằng tiếng Anh là thứ tiếng có trọng âm (stress), và trong chữ city vần đầu có trọng âm. Nhưng như vậy thì hóa ra vần ci- có trọng âm phải đọc chữ i kéo dài, còn vần -ty không có trọng âm thì phải đọc chữ y ngắn lại hay sao? Và như vậy thì ngược với ý kiến trong tiếng Việt mà chúng tôi đã nêu trên.

Có quý vị sẽ bảo, Nhưng không thể lấy tiếng Anh hay một thứ tiếng nào khác để chứng minh một điều trong tiếng Việt! Ðiều này có thể đúng mà cũng có thể không đúng. Các ngôn ngữ trên thế giới có liên quan với nhau về nhiều mặt. Hẳn quý vị có biết một ngân hàng lớn ở Mỹ đã lấy tên là Citibank với chữ i, như vậy đủ chứng tỏ là i cũng thay thể y được, mà cách đọc của chữ mới này có khác với cách đọc của chữ city đâu?

Ðặc tính thứ nhì của chính tả là tính ước lệ (conventionality). Sau khi đã tùy tiện quy ước một dấu hiệu nào đó trong cách viết là để biểu hiện cho một âm, một vần, một chữ nào đó trong tiếng nói, những người cùng dùng chung một ngôn ngữ đồng ý với nhau về quy ước đó và cứ như vậy mà áp dụng. Tính ước lệ cũng thấy trong nhiều lãnh vực khác, như các bảng chỉ dấu hiệu đi đường.

Chúng ta đã quá quen với những bảng dấu hiệu đó và chỉ hiểu mỗi dấu hiệu theo một nghĩa duy nhất (theo ước lệ), mà không thể, hay không muốn hiểu theo một nghĩa nào khác nữa. Lấy ví dụ như tấm bảng mà chúng ta hiểu rằng “Thường có nai băng ngang” để cẩn thận trong khi lái xe trên những con đường ở vùng quê.

Biết được hai đặc tính của chính tả nói chung rồi, bây giờ chúng ta nhìn lại nguồn gốc của chính tả tiếng Việt. Chúng ta ai cũng biết là mẫu tự tiếng Việt dựa vào mẫu tự La-tinh, do một số nhà truyền đạo đem đến nước ta trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ. Những nhà truyền giáo này nói tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Bồ Ðào Nha, tiếng Tây Ban Nha, v.v… cho nên những quy ước trong chính tả tiếng Việt phần lớn dựa vào quy ước chính tả trong những thứ tiếng đó. Có những quy ước hợp lý, cũng có những quy ước vô lý, nên chính tả tiếng Việt thừa hưởng cả hai loại quy ước đó.

Trước hết, chúng ta cần trả lời câu hỏi có tính chất căn bản, i và y là nguyên âm hay là bán nguyên âm? Xét qua cách cấu tạo vần trong tiếng Việt, và cách thể hiện những vần đó qua chính tả, chúng ta phảii trả lời là i có thể dùng như nguyên âm và cũng có thể dùng như bán nguyên âm; y cũng vậy, vừa dùng như nguyên âm, vừa như bán nguyên âm trong chính tả tiếng Việt.

Lấy ví dụ, i được dùng như nguyên âm trong những chữ đi, si, chia, chịu, v.v… Nó được dùng như bán nguyên âm trong những chữ như hai, coi, tươi, v.v…

Về phần y, chữ cái này được dùng như nguyên âm trong những chữ ý, quý, ỷ lại, v.v… và được dùng như bán nguyên âm trong những chữ nguyên, yên, hay v.v…

Rắc rối thật, phải không quý vị? Chẳng trách gì có một số người muốn bỏ phứt chữ y đi, để “tiếng Việt càng ngày càng trong sáng” hơn! Thế nhưng sẽ có những người “bảo thủ” bắt bẻ, Nếu bỏ y đi thì tính sao với những chữ như thúy, tận tụy, phát huy, v.v…?!!! Bỏ thì thương, vương thì tội, rõ ràng là thế.

Nếu xét qua những thứ tiếng như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, là những thứ tiếng mà chính tả được dựa vào để làm nên chính tả tiếng Việt, chúng ta sẽ thấy những thứ tiếng này cũng dùng i và y, có khi là nguyên âm, có khi là bán nguyên âm, y hệt như trong chính tả tiếng Việt vậy. Chẳng hạn như trong tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp, có quy luật là hễ âm /i/ viết thành một chữ riêng biệt thì phải viết với y (và tiếng Việt của chúng ta cũng y như thế!).

Ví dụ: María y Juan (Maria và Juan – tiếng Tây Ban Nha)

Ça y est! (Vậy đó! Xong rồi – tiếng Pháp)

Hay trong tiếng Tây Ban Nha, i và y đều có thể dùng như bán nguyên âm trong những trường hợp khác nhau. Ví dụ như trong chữ bien (nghĩa là hay, tốt đẹp), i được dùng như bán nguyên âm (tựa như chữ biên trong tiếng Việt vậy). Còn trong chữ huyen (có nghĩa là họ chạy trốn), y được dùng như bán nguyên âm (tựa như chữ huyên trong tiếng Việt).

Tuy nhiên, nhập gia thì tùy tục, khi vào đến chính tả tiếng Việt, ngoài những nét tương đồng với các thứ tiếng gốc La-tinh nói trên, i và y cũng được dùng theo một số quy ước riêng chỉ áp dụng cho tiếng Việt. Ðể tóm tắt một cách có hệ thống, sau khi quan sát cách dùng i và y trong chính tả tiếng Việt, chúng ta có thể thấy có những quy luật chính tả sau đây:

I. Cách dùng chữ i. Chữ i được dùng trong những trường hợp sau:

1. Dùng như nguyên âm đơn theo sau một phụ âm: mi, đi, phi, thi, mít, thịt, v.v…

2. Dùng như nguyên âm chính trong một nhị trùng âm: chia, chịu, quít, quì, v.v…

3. Dùng như bán nguyên âm đầu trong một nhị trùng âm: tiếc, kiếm, thiệp, v.v…

4. Dùng như bán nguyên âm sau trong một nhị trùng âm: hai, mái, coi, hơi, cúi, v.v…

5. Dùng như bán nguyên âm đầu trong một tam trùng âm: chiếu, tiêu, kiểu, v.v…

6. Dùng như bán nguyên âm sau trong một tam trùng âm: cười, tuổi, chuối, v.v…

(Còn tiếp phần 2)


 

Viện Việt-Học thành lập Ban Hợp Xướng Thiếu Nhi

Kim Ngân

Là một phần của Ban Học Vụ Viện Việt-Học, Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Viện Việt-Học (CLBVNVVH) ra đời, và dưới đó, Câu Lạc Bộ Học Sinh Sinh Viên Thanh Niên (CLB HSSVTN) được thành hình để giới thiệu văn hóa Việt đến các bạn trẻ Việt, gốc Việt.

CLB HSSVTN, từ ngày được chào đời vào năm 2010, đến năm 2016 đã thành lập Ban Hợp Xướng Thiếu Nhi (BHXTNVVH) với mục đích tạo môi trường cho các em thiếu nhi làm quen với âm nhạc Việt Nam, đặc biệt để các em có dịp trau dồi tiếng Việt, học tiếng Việt qua lời ca, tiếng hát.

Dưới sự điều hợp tổng quát của cô Nguyễn Hoàng Anh, chủ nhiệm CLB HSSVTN, và với sự chăm sóc lớp học trực tiếp của cô Nguyễn Dzuyên Hà, BHXTN đã trải qua 2 học kỳ trong năm 2016 và đã gặt hái thành quả vô cùng khích lệ. Bắt đầu khai giảng lớp thanh nhạc cấp I, từ 21 Tháng Sáu đến 6 Tháng Chín, và lớp thanh nhạc cấp II, từ 13 Tháng Chín đến 16 Tháng Mười Hai, 2016, cả hai lớp đều được nhạc trưởng Trần Chúc cố vấn, và do các thầy cô dạy thanh nhạc trực tiếp hướng dẫn: cô Tú Lan và thầy Cris Law.

Chương trình giảng dạy gồm: căn bản nhạc lý “nốt” nhạc, nhịp điệu…, luyện giọng, tập những bài hợp xướng tiếng Việt và tiếng Anh.

Từ ngày thành lập, các em đã tham gia các chương trình văn nghệ của Viện Việt-Học do CLB Văn Nghệ VVH tổ chức, kể cả chương trình do chính CLB HSSVTN thực hiện.

Từ khi tham gia BHXTN, các em trình diễn tự tin hơn, sử dụng giọng và phát âm đúng cách hơn, nhất là khi các em hát các nhạc phẩm tiếng Việt. Trước sự hưởng ứng của ba mẹ và các em học sinh, BHXTN cấp III sẽ được khai giảng vào mùa Xuân 2017: Ngày 3 Tháng Ba, 2017, với các chi tiết:

  1. Mỗi khóa học: 4 tháng.
  2. Hạn tuổi học-viên: 7 đến 17 tuổi.
  3. Ngày giờ học: Thứ Sáu hằng tuần từ 6:00PM – 7:30PM
  4. Thời gian khóa học: Từ Thứ Sáu, 3 Tháng Ba đến Thứ Sáu 7 Tháng Bảy, 2017.
  5. Hạn chót ghi danh: 1 Tháng Ba, 2017.

BHXTN mời gọi sự hưởng ứng của các bậc mẹ cha của nhiều em thiếu nhi hơn nữa, để một ngày không xa, chúng ta sẽ có thêm một thế hệ tiếp nối vừa đọc và hát được tiếng Mẹ, vừa hiểu được văn hóa Việt qua những lời ca tiếng nhạc vốn thiết tha chuyên chở tình người Việt Nam hiền hòa, không ngừng ngợi ca cái đẹp của văn hóa gốc rễ của các em, và không ngừng hy vọng cho một tương lai tươi sáng cho quê hương Việt Nam.

Liên lạc: Viện Việt-Học / Institute of Vietnamese Studies, 15355 Brookhurst St., Suite 222, Westminster, CA 92683. Ðiện thoại: (714) 775-2050. E-mail: [email protected].

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT