Tuesday, April 23, 2024

Tiếng Việt Dấu Yêu (Kỳ 288)

LTS: Tòa soạn trân trọng giới thiệu với quý độc giả và phụ huynh, góc Hoạt Họa Thiếu Nhi, một mục mới trên trang Tiếng Việt Dấu Yêu của nhật báo Người Việt, dành cho trẻ em sinh trưởng ở hải ngoại, học Việt ngữ qua hình ảnh bằng song ngữ về chú chó tên BOO trong sưu tập BBB. Người phụ trách là kỹ sư Huey Nguyenhuu, một cộng tác viên mới. –Nguyễn Việt Linh

*Kể từ số báo tới, chúng tôi kính mời phụ huynh tích cực tham gia Góc Hoạt Họa Thiếu Nhi bằng cách gởi hình của các con em, kèm theo tên và cho biết em đã làm được điều gì có tiến bộ và đáng khen, ở nhà hay ở trường. Hình của các em sẽ được gia đình BBB giới thiệu, mỗi em một lần, đứng một bên với chú chó tên BOO, trong góc nhà danh dự. Mục đích để khuyến khích tinh thần học hỏi, làm việc tốt của các em.

*Mọi hình ảnh và bài viết cho trang TVDY hay Góc Hoạt Họa Thiếu Nhi, xin gởi về email: [email protected]

Góc Hoạt Họa Thiếu Nhi

Kính thưa quý phụ huynh,

Ba bố con chúng tôi xin hân hạnh được giới thiệu đến quý vị và nhất là các thanh thiếu niên Việt Nam những mẩu chuyện hí họa về chú cún con “Boo,”, Boo Berry Bandit (BBB).

Tôi là cựu quân nhân Hoa Kỳ gốc Việt, là một người tỵ nạn đến Mỹ đầu năm 1981. Sau khi giải ngũ với cấp bậc đại úy Hải Quân ngành nguyên tử, tôi làm kỹ sư trong căn cứ Không Quân tại Los Angeles. Hai con tôi một trai, một gái đang học lớp 7 và lớp 4 tại Placentia Yorba Linda Unified School District.

Meet Boo Berry Bandit là một tác phẩm tinh thần của ba bố con. Mong quý vị thưởng thức những câu chuyện dí dỏm hàng ngày, hay dựa vào những tin tức nóng bỏng, hay những câu châm ngôn dậy dỗ con cái làm người.

Huey Nguyenhuu

Tái bút: Boo cũng xin chào quý vị. Quý vị có thể xem thêm câu chuyện chúng tôi tại:

http://meetbooberrybandit.blogspot.com/

BB-1

BB-2

BB-3

BB-4

 



Em Viết Văn Việt

Những bài viết của học sinh các trường Việt ngữ

  1. Nhằm tạo một diễn đàn cho các em tập viết tiếng Việt, Ban Biên Tập trang Tiếng Việt Dấu Yêu kêu gọi quý phụ huynh và quý thầy cô khuyến khích các em viết văn, diễn tả bằng tiếng Việt những cảm nghĩ và ước vọng trong đời sống của các em. Ước mong nơi đây một sân chơi được mở ra và khu vườn văn hóa Việt sẽ được quý phụ huynh và quý thầy cô góp tay vun trồng, khuyến khích.
  2. Trong các bài nhận được và chọn để đăng, chúng tôi cố ý giữ nguyên văn những gì các em viết. Vì thế, khi đọc đến những ngôn từ, lỗi chính tả và sai văn phạm, chúng tôi mong được phụ huynh và thầy cô chia sẻ và sửa chữa cho các em tại nhà hay trong lớp học.
  3. Tất cả các bài viết dưới dạng MSWord, font Unicode; và hình ảnh dạng .jpg, xin gởi về địa chỉ email: [email protected] (Xin đừng gởi dạng .pdf vì không tiện cho việc layout).

Trân trọng cảm ơn quý vị.

Nguyễn Việt Linh

Ðặt câu với hai mệnh đề dùng các từ sau:

Vui vẻ, buồn rầu, mạnh khỏe, bịnh viện, bác sĩ, y tá, dược sĩ.

Thu Vân, Lớp 7

1- Mỗi buổi chiều gia đình em ăn cơm chung tại phòng ăn và cả nhà rất vui vẻ.

2- Hôm qua,điểm toán em chỉ được điểm C nên mẹ em rất buồn rầu.

3- Bà nội em ốm, ba em phải đưa bà vào bịnh viện.

4- Cả nhà , ai cũng mong bà nội mạnh khỏe.

5- Trong bịnh viện có nhiều bác sĩ và ai cũng tận tâm.

6- Các y tá giúp đỡ người bịnh và họ rất tận tâm.

7- Trong bịnh viện cũng có tiệm thuốc, các dược sĩ làm việc rất chăm chỉ.

–––––––————-

Nghỉ học mùa Xuân

Minh Thu Trần, Lớp Năm

Em sắp được nghỉ mùa Xuân một tuần, nhưng em khôn thít.

Ba má em đi làm, em ở nhà một mình buồn lắm. Bà nội khôn nói chuyện với em, khôn đưa em đi chơi, bà chĩ bắt em ra vườn trồng hoa với bà. Em ngồi chơi game thì bị bà la . Bà khôn thít em nói chuện với bạn.

Ba thì nói em phải học thêm, ôn môn toán và anh văn. Em khôn muốn học vì em học ở trườn nhiều rồi, nên trườn mới cho nghỉ học mà.

Em muốn có bạn để nói chuyện và dởn với bạn cho vui.



Tâm Tình Thầy Cô
 

Người Việt Nam viết đúng chữ Việt Nam: Chuyện i (ngắn) và Y (dài) (Phần 2)

GS Trần Chấn Trí (University of California, Irvine)

II. Cách dùng chữ y

Chữ y được dùng trong những trường hợp sau:

  1. Dùng như nguyên âm trong những chữ chỉ có nguyên âm (không có phụ âm trước hay sau): y, ỷ, ý, v.v.
  2. Dùng như nguyên âm chính trong một nhị trùng âm có chứa bán nguyên âm /w/ (biểu hiện bằng chữ u): quý, thúy, lũy, suýt, v.v.
  3. Dùng như bán nguyên âm đầu trong một nhị trùng âm trong những chữ không bắt đầu bằng một phụ âm: yến, yếm, yết, v.v.
  4. Dùng như bán nguyên âm đầu trong một tam trùng âm trong những chữ không bắt đầu bằng một phụ âm: yêu, yểu, yếu, v.v.
  5. Dùng như bán nguyên âm thứ nhì trong một tam trùng âm: nguyên, quyết, chuyện, v.v.
  6. Dùng như bán nguyên âm sau trong một nhị trùng âm: hay, đây, xay, v.v.
  7. Dùng như bán nguyên âm sau trong một tam trùng âm: quay, xoay, quậy, v.v.

Quan sát cách dùng của i và y, chúng ta thấy y dùng nhiều hơn i trong một trường hợp, và có vài cách dùng của hai chữ cái này có vẻ trùng hợp nhau. Ðó là lý do một số người muốn giản lược cách dùng, gộp hai thành một là vậy.

Tuy nhiên, có trường hợp i và y được “giao phó” cho một nhiệm vụ là phân biệt cách phát âm. Nhìn vào cách dùng (4) của i và cách dùng (6) của y, chúng ta thấy cấu trúc vần như nhau, nghĩa là nguyên âm + bán nguyên âm. Nếu đem hai chữ hai và hay ra so sánh, chúng ta sẽ thấy “nhiệm vụ” của i và y quan trọng như thế nào. Tuy hai chữ hai và hay khác nhau ở cách viết i và y, sự thật là chỗ khác nhau trong cách đọc không phải ở i và y, mà là ở cách đọc chữ a đứng trước. Vô hình trung, có một quy ước như thế này:

-Khi a có i theo sau, ta có nguyên âm a đọc mở, hơi dài, như trong chữ tai, sai, cai, v.v.

-Khi a có y theo sau, ta có nguyên âm ă đọc ngắn lại, như trong chữ tay, say, cay, v.v.(viết là a mà kỳ thực là đọc như ă).

Một công dụng khác của i và y là giúp phân biệt hai loại nhị trùng âm cùng dùng chữ u trong chính tả, nhưng có khi u là nguyên âm, có khi là bán nguyên âm. Lại thêm một quy ước về i và y nữa. Quy ước đó như sau:

-Trong một nhị trùng âm mà u là nguyên âm và i là bán nguyên âm, nhị trùng âm đó sẽ viết là ui: cúi, túi, lui, v.v.

-Trong một nhị trùng âm mà u là bán nguyên âm và i là nguyên âm, nhị trùng âm đó sẽ viết là uy, thúy, quý, lũy, suy, v.v.

Nên nhớ, đây cũng chỉ là những quy ước thôi, và quy ước nào cũng có thể sửa đổi. Tuy nhiên, qua các quy ước này, chúng ta cũng có thể thấy là i và y khá có ích trong việc giúp phân biệt cách phát âm hay sự khác nhau giữa nguyên âm và bán nguyên âm.

Ðọc đến đây, chắc sẽ có một số quý vị phàn nàn, Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!

Nhưng câu chuyện này đi đến đâu? Giải quyết thế nào?

Xin thưa, quan điểm của chúng tôi là không sửa đổi, cải cách gì cả. Khi viết, chúng ta nên theo đa số, cách nào nhiều người dùng hơn thì chúng ta dùng (nếu chúng ta không muốn lập dị). Chúng ta cũng có thể tham khảo một số từ điển của những tác giả có uy tín để làm điểm tựa. Ðành rằng cách dùng i và y phô ra nhiều điểm không hợp lý, nhưng còn biết bao nhiêu điều chưa hợp lý trong chính tả tiếng Việt đang chờ được giải quyết nữa? Xin đơn cử một ví dụ, chỉ với một âm /k/ mà chính tả tiếng Việt cần đến ba chữ cái là c, k và q để biểu hiện. Tại sao không viết kon ká thay vì con cá nếu cách nào cũng có thể đọc ra cùng một âm /k/? Hay tại vì cách viết kon ká có vẻ “khó koi”?!! Nếu phải cải cách cách dùng ba chữ cái phụ âm này (chỉ dùng một chữ k cho tất cả các trường hợp), chắc chúng tôi sẽ viết ra một câu chuyện nhỏ như sau: Kô Kúk kwa nhà anh Kường rủ anh đi kâu ká. Anh Kường kẹt phải đi làm kiếm tiền nuôi lũ kon kòn nhỏ nên phải kiếu từ. Kô Kúk nghĩ anh Kường kiếm kớ không muốn kwen kô. Phen này kô Kúk kwuyết chinh phục trái tim khô kứng kủa anh Kường, để không hổ mặt giới hồng kwuần nhi nữ! Về ngôn ngữ, chúng tôi quan niệm là nó cũng bất toàn như biết bao điều bất toàn khác chung quanh chúng ta. Chúng tôi thường nghĩ đến việc cải cách chính tả như việc phái nữ (và cả phái nam) thích sửa sắc đẹp. Sửa xong cái mũi rồi, thấy đôi mắt chưa được to cho lắm, phải sửa thêm mắt. Sửa mắt rồi, thấy đôi môi chưa được chúm chím, lại phải bơm môi. Chuyện sửa sắc đẹp chắc cũng chẳng khác chi chuyện dài i và y, phải không quý vị? Thôi thì trời sinh sao để vậy. Cái đẹp lâu bền chính là cái đẹp tự nhiên.

*** 

Cô hiệu trưởng ốm

Cành Hồng 

Trời mưa hai tuần nay, thầy cô và học sinh thay nhau ốm. Trường vắng vẻ hẳn, và tôi phải phụ trách hai lớp.

Hôm nay tôi đến trường, học sinh nhốn nháo, quý thầy cô đang cố gắng ổn định trật tự. Tôi vội bước nhanh về phòng thầy cô, vừa lúc tiếng còi hụ của xe cứu thương vang trong sân trường.

Cô hiệu trưởng đang chuẩn bị lễ chào cờ đầu tháng, bỗng nhiên ngất xỉu ngã xoài dưới đất, mọi người đỡ cô và gọi xe cứu thương.

Cô được đưa vào nhà thương, các em vào lớp học. Các em nhao nhao hỏi thăm, tôi không thể trả lời vì tôi cũng không biết gì nhiều hơn các em.

Các em muốn được nghỉ học hôm nay để tôi đưa các em đi thăm cô hiệu trưởng.

Các em cho rằng tội nghiệp cô, cô làm vất vả cả tuần lễ, cuối tuần cũng không được nghỉ. Tội nghiệp cô, mình phải thăm và săn sóc cô, tội nghiệp cô, vì bây giờ không có ai bên cạnh cô.

Tôi trấn an các em, cho các em biết cô hiệu trưởng được các bác sĩ, y tá tận tâm săn sóc chu đáo. Các em yên tâm, cô hiệu trưởng sẽ khỏe ngay thôi…

Cả thầy và trò đều lơ là với bài vở…

Tôi trông chờ tiếng chuông tan học… Tôi ra xe, Hồng Lan và Hồng Phượng níu tay đòi đi theo tôi thăm cô hiệu trưởng (các em giỏi quá, biết được tôi tính đi thăm cô hiệu trưởng). Tôi không dám đưa các em đi vì ba mẹ các em sẽ đến ngay. Các em mếu máo nhờ tôi nhắn lại là các em thương cô ấy lắm…

Thương các em tôi quá, hiếm thấy một chân tình như thế.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT