Thursday, April 18, 2024

Tiếng Việt Dấu Yêu (Kỳ 293)

LTS: Tòa soạn trân trọng giới thiệu với quý độc giả và phụ huynh, góc Hoạt Họa Thiếu Nhi, một mục mới trên trang Tiếng Việt Dấu Yêu của nhật báo Người Việt, dành cho trẻ em sinh trưởng ở hải ngoại, học Việt ngữ qua hình ảnh bằng song ngữ về chú chó tên BOO trong sưu tập BBB. Cộng tác viên phụ trách là kỹ sư Huey Nguyenhuu. – Nguyễn Việt Linh

*Kể từ nay, chúng tôi kính mời phụ huynh tích cực tham gia Góc Hoạt Họa Thiếu Nhi bằng cách gởi hình của các con em, kèm theo tên và cho biết em đã làm được điều gì có tiến bộ và đáng khen, ở nhà hay ở trường. Hình của các em sẽ được gia đình BBB giới thiệu, mỗi em một lần, đứng một bên với chú chó tên BOO, trong góc nhà danh dự. Mục đích để khuyến khích tinh thần học hỏi, làm việc tốt của các em.

*Mọi hình ảnh và bài viết cho trang TVDY hay Góc Hoạt Họa Thiếu Nhi, xin gởi về email: [email protected]

Góc hoạt họa thiếu nhi

Kính thưa quý phụ huynh,

Ba Bố con chúng tôi xin hân hạnh được giới thiệu đến quý vị và nhất là các thanh thiếu niên Việt Nam những mẩu chuyện hí hoạ về chú cún con “Boo,” Boo Berry Bandit (BBB).

Tôi là cựu quân nhân Hoa Kỳ gốc Việt, là một người tỵ nạn đến Mỹ đầu năm 1981. Sau khi giải ngũ với cấp bậc Đại Úy Hải Quân ngành nguyên tử, tôi làm kỹ sư trong căn cứ Không Quân tại Los Angeles. Hai con tôi một trai, một gái đang học lớp 7 và lớp 4 tại Placentia Yorba Linda Unified School District.

Meet Boo Berry Bandit là một tác phẩm tinh thần của ba Bố Con. Mong quý vị thưởng thức những câu chuyện dí dỏm hàng ngày, dựa vào những tin tức nóng bỏng, hay những câu châm ngôn dậy dỗ con cái làm người.

Huey Nguyenhuu

Tái Bút: Boo cũng xin chào quý vị. Quý vị có thể xem thêm câu chuyện chúng tôi tại: http://meetbooberrybandit.blogspot.com/

Góc danh dự với BOO

 


Em viết văn Việt

Những bài viết của học sinh các trường Việt ngữ

1-Nhằm tạo một diễn đàn cho các em tập viết tiếng Việt, Ban Biên Tập trang Tiếng Việt Dấu Yêu kêu gọi quý phụ huynh và quý thầy cô khuyến khích các em viết văn, diễn tả bằng tiếng Việt những cảm nghĩ và ước vọng trong đời sống của các em. Ước mong nơi đây một sân chơi được mở ra và khu vườn văn hóa Việt sẽ được quý phụ huynh và quý thầy cô góp tay vun trồng, khuyến khích.

2-Trong các bài nhận được và chọn để đăng, chúng tôi cố ý giữ nguyên văn những gì các em viết. Vì thế, khi đọc đến những ngôn từ, lỗi chính tả và sai văn phạm, chúng tôi mong được phụ huynh và thầy cô chia sẻ và sửa chữa cho các em tại nhà hay trong lớp học.

3-Tất cả các bài viết dưới dạng MSWord, font Unicode; và hình ảnh dạng .jpg, xin gởi về địa chỉ email: [email protected] (Xin đừng gởi dạng .pdf vì không tiện cho việc layout).

Trân trọng cảm ơn quý vị.

Nguyễn Việt Linh

***

Đi học trễ
Diệu Nguyễn (Lớp Tám)

Hôm nay trời mưa và lại còn lạnh nữa. Không biết me kêu em mấy làn nhưn mà khi em thức đã 8 giờ rưỡi. Em chỉ đủ thì giờ đánh răng, rửa mặt vội vàng, thay quần áo và chạy ra xe. Mẹ em đã nổ máy xe, chờ em  rồi.

Em vừa tới cổng chuà thì em nghe chuôn ren, vậy là em đã trễ học. Cô luôn nhắc nhở chúng em phải đi học đúng giờ. Phải tập thói quen, làm gì cũng phải đúng giờ. Ai đi trễ kệ hộ, chúng em không được bắt chướt họ.

Cô thường nói là cô không còn sống nhiều nữa vì cô già rồi, cô muốn trước khi cô chết không ai còn nói câu: “…không đi trễ thì không phải là Người Việt Nam.” Hôm nay em đi trễ, chắc cô buồn lắm. 


Tâm tình thầy cô

‘Gia’ và ‘Da’ đọc như thế nào?
Trần C. Trí
(University Of California, Irvine)

Hệ thống chính tả của bất cứ thứ tiếng nào có sự liên quan giữa chữ viết và cách phát âm đều cố gắng giữ mối quan hệ giữa dấu hiệu và âm được mật thiết chừng nào hay chừng ấy. Tuy nhiên, không thể nào không có những trường hợp mà chính tả đi một đường và cách phát âm đi một nẻo. Trong phạm vi nhỏ bé của bài này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến hai phụ âm đầu trong tiếng Việt có cùng một cách phát âm như nhau là gi– và d-, ví dụ như trong hai chữ giàydày. Trong một số trường Việt ngữ, có nhiều thầy cô đọc hai chữ trên đây khác nhau để giúp cho các em học sinh phân biệt được ý nghĩa và chính tả. Phụ âm gi– thì các thầy cô đọc là [z] (như trong những chữ tiếng Anh zone, zero v.v…), còn phụ âm d– các thầy cô đọc là [j] (như trong những chữ tiếng Anh young, year, v.v…). Về mặt thực dụng, việc phân biệt cách đọc hai phụ âm đầu này là có ích vì nó giúp cho học sinh nhận ra chữ, hiểu nghĩa và viết đúng. Tuy nhiên, sự phân biệt này chỉ thấy trong các lớp học tiếng Việt mà hoàn toàn không có trong thực tế. Nói một cách tổng quát, trong đa số phương ngữ miền Bắc ngày nay, cả hai phụ âm đầu này đều được phát âm là [z], còn trong đa số phương ngữ miền Nam, hai phụ âm đầu này đều được phát âm là [j]. Xin mở ngoặc ở đây là các chữ dùng trong ngoặc vuông chính là những dấu hiệu ngữ âm quốc tế được dùng trong ngành ngữ âm học và âm vị học.

Trong lúc giảng dạy tiếng Việt, chúng tôi thường được các em sinh viên hỏi tại sao hai chữ viết khác nhau mà lại đọc giống nhau. Một số em đã học tiếng Việt ở các trường Việt ngữ lại bảo rằng thầy cô của các em đọc hai chữ khác nhau chứ không đọc giống nhau như chúng tôi. Chúng tôi trả lời các em bằng cách trước hết lấy một ví dụ trong tiếng Anh. Thứ tiếng nào cũng có những chữ đồng âm, khác nghĩa, có lúc chính tả giống nhau (như can – danh từ – nghĩa là ‘cái lon,’ mà can – động từ – nghĩa là ‘có thể’), có lúc cả chính tả cũng khác nhau (như site – danh từ – có nghĩa là ‘chỗ, nơi,’ còn cite – động từ – nghĩa là ‘trích dẫn’). Sinh viên gốc Việt ở đây nói tiếng Anh là chính, nên mỗi lần chúng tôi đưa ra một ví dụ tiếng Anh tương tự như trong tiếng Việt để các em hiểu và dễ liên tưởng đến tiếng Việt, các em dễ chấp nhận trường hợp của tiếng Việt hơn.

Trở lại với hai phụ âm đầu gi– và d-, nếu chấp nhận rằng trên thực tế, hai âm này đọc giống nhau (Bắc giống nhau theo một kiểu, Nam giống nhau theo một kiểu), thì những từ ngữ có hai phụ âm đầu này có thể tạo thành những cặp chữ đồng âm, dị nghĩa và khác luôn cả chính tả nữa: gia đình/da dẻ; giày dép/dày dặn; dây thừng/giây phút, v.v… Những từ ngữ thuộc loại này thường ẩn chứa một nguyên nhân lịch sử lý thú. Ngày xưa chúng được phát âm khác nhau nhưng lâu ngày chày tháng, chúng bị gộp thành một cách phát âm giống nhau. Lấy lại một ví dụ trong tiếng Anh với cặp chữ site/cite, hai chữ này đều có nguồn gốc từ hai chữ La-tinh situscitāre. Chữ s– trong tiếng La-tinh đọc là [s], nhưng chữ c– trong tiếng La-tinh lại đọc là [k]. Trải qua nhiều trăm năm của những biến đổi ngôn ngữ, hai phụ âm đầu [s] và [k] đã trở thành [s] cho cả hai chữ tiếng Anh gốc La-tinh này .

Còn gi– và d– trong tiếng Việt thì sao? Hai phụ âm đầu này cũng trải qua một quá trình biến đổi tương tự như trường hợp nêu trên. Trong tiếng Việt thời xưa ở miền Bắc, phụ âm đầu gi– được phát âm là [ʒ] (như chữ ‘s’ trong các chữ tiếng Anh Asia, measure, television, etc.), còn phụ âm đầu d– được phát âm là [z] (như zoo, zero, zest, v.v…). Chính vì thế mà khi các vị cố đạo người Âu châu nghe hai âm khác nhau này, họ đã dùng hai cách viết khác nhau để phân biệt. Ngày nay, có thể còn một số ít các nơi ở miền Bắc còn giữ được sự phân biệt này, nhưng đa số người nói đã nhập hai âm lại thành một là âm [z].

Khi tiếng Việt theo chân những người Việt tiến về phương nam, có lẽ những người này không còn giữ sự phân biệt giữa hai phụ âm gi– và d– nữa, mà chỉ còn có một lối phát âm [z] cho cả hai. Có một điểm thú vị là từ Huế trở vào, người Việt không dùng âm [z] nữa mà thay thể nó bằng âm [j] (như chữ ‘y’ trong các chữ tiếng Anh you, yarn, yam, v.v… – đây là sự biến đổi cách phát âm bằng cách dùng phần giữa lưỡi thay vì phần đầu lưỡi cho âm xát). Nói tóm lại, hai phụ âm đầu gi– và d-, một là cùng phát âm là [z] cả (như ở miền Bắc), hai là cùng phát âm là [j] cả (như ở miền Nam). Nếu cố tình phát âm sao cho hai âm này khác nhau thì đó chỉ là một cách phát âm “nhân tạo,” không tự nhiên, không phải là tiếng Việt trong thực tế.

Như vậy thì sẽ có những thầy cô nêu thắc mắc: Nếu cách phát âm khác nhau giúp cho học sinh phân biệt chính tả, tại sao lại không nên dùng? Xin thưa, trong lớp các em có thể viết đúng chính tả nhờ cách này, nhưng khi ra ngoài thực tế, các em chỉ nghe có một cách phát âm cho cả hai cách viết. Khi nghe chữ mới có một trong hai phụ âm này cũng chịu, không biết phụ âm nào là phụ âm nào. Vả lại, chúng ta cũng có thể giúp các em phân biệt hai lối chính tả bằng cách dựa vào ý nghĩa của từ ngữ. Ví dụ, ‘giày’ để mang vào chân thì viết là gi-, còn ‘dày’ có nghĩa là ‘không mỏng” thì viết là d-. Lâu dần các em sẽ quen. Tiếng Anh cũng dùng lối dựa vào nghĩa để phân biệt chính tả của những chữ đồng âm. Ví dụ “ở đó” thì viết là there, “họ là” thì viết là they’re và “của họ” thì viết là their.

Tóm lại, dạy một ngôn ngữ nói chung, và tiếng Việt nói riêng, là truyền đạt tất cả những nét tự nhiên, sống động của nó. Nếu phải dùng một phương pháp để hỗ trợ việc dạy và học mà biến một phần nào đó của ngôn ngữ trở thành giả tạo, gượng gạo thì chúng ta đã vô tình làm mất đi một chút vẻ đẹp của tiếng Việt.

 

Chị và em
Cành Hồng

Ba tuần nay, lớp tôi có thêm hai học sinh mới: Hồng 10 tuổi hơn Hùng, em trai 1 tuổi. Hai chị em ruột cùng học một lớp.

Hùng tuy là em nhưng lại lớn hơn chị. Hồng hiền, nhường nhịn em, chăm học nhưng Hùng lại hay bắt nạt chị và nghịch nhiều hơn học.

Buổi học đầu tiên, Hùng không cho chị dùng sách giáo khoa chung với em, tôi can thiệp cũng không được (tôi quay lên bảng là Hùng xô chị ra). Tôi phải lên văn phòng mua cuốn sách mới cho Hồng. Hồng chưa dùng đuợc 5 phút đã bị Hùng giành lấy. Hùng nói với tôi rằng Hùng thích cuốn sách của Hồng vì cuốn sách đó mới hơn. Hồng đã nhường sách cho Hùng.

Tuần thứ hai, Hồng nhắc Hùng vào lớp đúng giờ sau giờ chơi, Hùng vùng vằng và đá vào chân chị, Hồng nhìn tôi và im lặng vào lớp.

Tuần này, ngoài sân, Hùng đấm vào ngực Hồng và Hồng tát lại Hùng, tôi chạy lại chỉ kịp kéo Hùng ra không cho đá Hồng.

Hồng khóc, kể lể Hùng đánh Hồng đau quá, nên Hồng mới đánh lại Hùng. Tôi nói Hồng phải nhường em. Hồng khóc lớn thêm và nức nở: “Ở nhà ba má bắt em nhường hoài, Hùng ăn hiếp và đánh em, bây giờ Hùng đánh em nữa, cô cũng nói em phải nhường.” Tôi phân trần là tôi không bênh vực Hùng nhưng các em không được đánh nhau trong trường. Nếu ai đánh em, em méc tôi, tôi sẽ phân xử.

Hồng tròn mắt nhìn tôi và hỏi: “Cô có xử thật không?” Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Cô xử thật chứ! Em không tin cô à?”

Hồng kể rằng, ở nhà ba mẹ luôn luôn bắt Hồng nhường em, khi em có lỗi, ba mẹ nói sẽ xử, nhưng sau đó làm ngơ, và có lúc Hùng có lỗi mà còn đánh Hồng thật đau, ba má cũng làm ngơ. Hồng thắc mắc thì bà nội bảo: “Hồng là chị, phải nhường em, đau một chút đâu có sao! Hùng là con trai mà.”

Hồng phải làm nhiều việc trong nhà, trong khi Hùng suốt ngày chỉ chơi game và iPad. Hùng được quyền chơi vì là con trai.

Tội nghiệp cô bé, tôi hứa với Hồng chút vào lớp tôi sẽ là “quan tòa” và nếu thật Hùng có lỗi, Hùng phải xin lỗi Hồng và hứa không được đánh chị, nhưng Hồng cũng không được đánh em. Hồng nhắc tôi: “Cô phải công bằng!” rồi cô bé lau nước mắt, chạy vào lớp.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT