Thursday, March 28, 2024

Little Saigon: Tuổi già và những tiếng ca

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Tất cả những viện dưỡng lão quanh khu Little Saigon, từ Westminster đến Garden Grove, đến Santa Ana, đến Anaheim, đến Fountain Valley đều nghe giọng hát của bà. Bà là Nguyễn Quỳnh Hoa.

Định cư tại California từ năm 1980, bà bắt đầu đi ca hát giúp vui cho những vị cao niên tại viện dưỡng lão nằm trên đường Main, Santa Ana.

“Khi đó còn đi làm nên tôi chỉ có cuối tuần là rảnh thôi, đến ca cho các cụ vui mà chính mình cũng thấy vui,” bà nói.

Đến năm 2012 khi về hưu, thay vì dùng thời gian để nghỉ ngơi, giải trí hoặc đi du lịch như nhiều người cùng tuổi, bà lại dùng thời gian này để quay lại những viện dưỡng lão, đem lời ca, tiếng hát giúp vui cho các cụ. Bà kể: “Ngay từ hồi mới qua đây, tôi đã có ý định hát cho những người lớn tuổi vì các cụ vừa phải xa quê hương, qua đây lây lất sống một cuộc sống thầm lặng, gần như tách biệt với xã hội chung quanh mà lại còn không được gần con cháu nữa, tội lắm.”

Vẫn biết thời đại này băng đĩa nhạc không thiếu, các cụ muốn nghe bất cứ lúc nào thì chỉ cần bấm nút một cái là có đúng bài mình thích ngay, nhưng bà Quỳnh Hoa cũng hiểu sự hiện diện của mình giải quyết cho các cụ một nhu cầu quan trọng hơn: Nhu cầu cần được tiếp xúc với người quen, nhu cầu được người quen đến thăm.

Bà Kelly Trần, nhân viên phòng sinh hoạt tại Mission Palms Health Center, Westminster, nói: “Ở đây ngày nào cũng có văn nghệ chỉ trừ Thứ Tư và Thứ Năm thôi, vậy mà mấy cụ cũng trông mong. Có bà cụ đã ngoài 90 mà hễ có văn nghệ là cụ có mặt.”

Ông Trần Trọng, một bệnh nhân bị liệt hai chân, ở đây trên 10 năm, nói: “Nhóm nhạc của cô Quỳnh Hoa được kể là nhất nhì ở đây. Tùy bữa mà tôi thích nhóm nào. Bữa nào thích nhộn nhịp, hào hứng thì tôi thích nhóm Thanh Mỹ, em của ca sĩ Thanh Thúy, bữa nào chỉ muốn nghe nhạc êm êm thì tôi thích nhóm của cô Quỳnh Hoa. Nói chung là nhóm nào hát thí tôi cũng lên nghe hết.”

“Nếu không ai vào đây tổ chức văn nghệ thì chắc là cuộc đời tụi tôi buồn tẻ và cô đơn lắm. Có văn nghệ, mình vừa được thưởng thức, vừa được giết thì giờ. Nhưng điều an ủi cho tôi nhất là khi biết rằng xã hội bên ngoài vẫn còn những người nhớ đến những người như tôi.”

Ý muốn được xã hội nhớ đến không phải là ý muốn riêng của ông Trọng.

Mời độc giả xem video: Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 28 tháng 9 năm 2016

Bà Muội Lý, cư dân Westminster, nói: “Thường thì nhóm nhạc của cô Quỳnh Hoa hát tại đây (Mission Palms Health Center) mỗi Thứ Ba hàng tuần là từ Thứ Hai mẹ tôi đã mong ngóng như trông đợi người thân vậy. Mà nói thật, mẹ tôi không phải là bệnh nhân ở đây. Cách nay hai năm, bạn mẹ tôi vào Mission Palms nằm. Mẹ tôi vào thăm bạn, tình cờ nghe cô Quỳnh Hoa hát rồi cứ tới Thứ Ba là đòi vô đây. Bà bạn mẹ tôi đã qua đời lâu rồi mà mẹ tôi cứ đòi vào nghe nhạc. Ở đây gần như ngày nào cũng có văn nghệ, nhưng mẹ tôi chỉ muốn nghe nhóm nhạc của bà Quỳnh Hoa thôi.”

Bà nói thêm: “Mỗi khi đẩy xe lăn đưa mẹ tôi vô nghe nhạc, tôi ngại lắm vì chương trình văn nghệ này là cho bệnh nhân của Mission Palms, không phải cho mẹ tôi. Mấy cô làm việc tại đây không nói gì cả nhưng tôi vẫn rất ngại. Chỉ vì thấy mẹ tôi tuần nào cũng nôn nao đợi chờ, đòi mặc áo đẹp đi nghe nhạc nên phải xin nghỉ mỗi Thứ Ba để chiều cụ. Mấy tuần rồi em trai tôi từ Chicago qua thăm nên mẹ tôi mới chịu ở nhà.”

Phải hơn một năm đưa mẹ đi nghe nhạc, bà Muội Trần mới khám phá ra một điều trớ trêu là mẹ bà thích được sự quan tâm của người ngoài, một điều mà hai vợ chồng bà không thể nào hiểu được. “Mẹ tôi lạ lùng lắm, con cháu thì không nhắc đến, chỉ luôn luôn nói về người ngoài. Tụi tôi ráng mà làm lơ cho êm nhà, êm cửa chứ trong lòng cũng thấy buồn,” bà tâm sự. “Cũng may mà nhà tôi ở ngay sát bên Mission Palms nên tôi mới đẩy mẹ tôi qua nghe nhạc ‘ké’ chứ không thì bà sẽ nhắc cả ngày.”

Bà hạ giọng: “Mấy tháng trước mẹ tôi nói một câu làm tôi rớt nước mắt luôn. Hôm đó, tôi vừa thay áo cho cụ đi ngủ, bà nói, ‘Khi mẹ mất thì đem cái áo len màu tím cho mấy cô ca sĩ ở viện dưỡng lão.’ Đêm đó tôi thức trắng mà khóc. Tôi chăm lo cho mẹ tôi hàng chục năm nay không nề hà chi cả nhưng bà không nghĩ đến tôi mà đi lo cho ‘mấy cô ca sĩ’ thôi. Hỏi ai mà không buồn.”

Về phần bà Quỳnh Hoa, việc chính là ca hát cho các cụ nghe, nhưng bà luôn luôn vui vẻ giúp các cụ những việc khác. “Khi thì tôi đẩy xe lăn đưa các cụ về phòng, khi thì tôi rót ly nước cho các cụ uống. Chỉ cần việc nho nhỏ như vậy thôi mà khi mình làm, người già họ thấy vui vì được chăm sóc,” bà nhận xét.

Tìm được niềm vui trong lòng qua nỗi vui mình đem đến cho người khác, vẫn biết công việc này không dễ dàng nhưng bà lại gặp những khó khăn, những trở lực khác.

“Tôi đến hát giúp vui cho các bác ở Mission Palms tại Westminster vào Thứ Ba của tuần thứ hai và thứ tư trong tháng, còn đến hát cho các bác ở Garden Grove Convalescent Hospital tại Garden Grove vào Thứ Tư của tuần lễ thứ nhất và thứ ba. Mỗi lần như vậy, tôi phải bỏ tiền túi ra mà trả cho ban nhạc. Ít nhất là $50. Đó là giá thiện nguyện đó.”

Vị chi mỗi tháng bà phải bỏ ra $200 chỉ để đem những phút giây giải trí thoải mái đến cho các vị cao niên.

“Nếu không nhờ sự giúp đỡ của chồng tôi là Nguyễn Minh Trì và các con cũng như các bạn bè của tôi, tôi không thể làm công việc xã hội này. Nếu không có sự đóng góp tài chánh của những người này, tôi không thể làm gì để giúp các cụ. Này nhé, tiền ban nhạc mỗi năm là $2,400. Tiền mua áo quần cho những người vô gia cư giúp chùa, tiền bánh trái nừng sinh nhật các cụ trong viện dưỡng lão. Tổng cộng mỗi năm, tôi phải bỏ ra $5,000.”

Bà nói nhỏ: “Làm cho những người gần đất xa trời vui là tôi vui trong lòng rồi. Tôi không tiếc công, không tiếc của chi cả. Nhưng thỉnh thoảng, nghe có người nói lén sau lưng rằng tôi ‘bon chen’ hay ‘chỗ nào cũng có mặt’ là tôi thấy buồn. Nhưng cứ nghĩ đến hững gương mặt tươi tắn của các cụ là tôi quên được tất cả.”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT