Tuesday, April 23, 2024

Ðạo đường Aikido Tenshinkai tưởng niệm GS Ðặng Thông Trị

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Trong không khí trang nghiêm ấm cúng, lễ tưởng niệm 21 năm ngày giỗ Giáo Sư Ðặng Thông Trị diễn ra tại đạo đường Aikido Tenshinkai Westminster vào lúc 10 giờ sáng Chủ Nhật, 16 Tháng Mười, cùng lúc lễ thăng cấp cho 66 môn sinh với sự tham dự của các giáo sư, môn sinh, và gia đình.

Mở đầu là phần thắp hương tưởng niệm, do Giáo Sư Ðặng Thông Phong chủ trì và phần mặc niệm của các giáo sư, môn sinh và quan khách.

Trong diễn văn khai mạc, Giáo Sư Phong ôn lại tiểu sử của Giáo Sư Ðặng Thông Trị.

Ông cho biết, Giáo Sư Ðặng Thông Trị sinh ngày 17 Tháng Mười Một, 1928 tại Thừa Thiên-Huế, được gia đình cho luyện tập võ nghệ từ lúc thiếu thời, trong đó có các môn Thiếu Lâm và Quyền Anh, học từ vị đệ nhị chưởng môn Hàn Bái Ðường là sư phụ Vũ Bá Oai và người anh rể là Bác Sĩ Nguyễn Anh Tài.

Năm 1949, Giáo Sư Trị sang Pháp theo học ngành tội phạm học tại viện đại học Paris. Ở Pháp, ông tập thêm môn Nhu Ðạo, rồi chuyển sang Hiệp Khí Ðạo (Aikido) và nhanh chóng nắm vững môn này.

Năm 1958, Giáo Sư Trị về nước và phục vụ tại Nha Thanh Niên Sài Gòn. Ông cũng là người đầu tiên trong lịch sử giới thiệu Hiệp Khí Ðạo đến quần chúng Việt Nam trong một buổi biểu diễn tại Hội Võ Thuật Hàn Bái Ðường.

Năm 1960, cố giáo sư thành lập Hội Hiệp Khí-Nhu Ðạo Việt Nam. Sau khi được ông Cao Xuân Vỹ, tổng giám đốc Nha Thanh Niên, mời chịu trách nhiệm cho hai môn Hiệp Khí Ðạo và Nhu Ðạo trong tư cách là chuyên viên của nha. Ngoài việc huấn luyện tại Ðạo Ðường Trung Ương, Giáo Sư Trị còn dạy tại Ðoàn Thanh Nữ Cộng Hòa, Trung Tâm Huấn Luyện Thanh Niên Nguyễn Trãi, sân vận động Cộng Hòa. Sau này ông còn được vị thầy Hiệp Khí Ðạo khi còn ở Pháp, võ sư Mutsuro Nakazono, hỗ trợ trong công tác huấn luyện.

Sau sáu năm, Giáo Sư Trị thiết lập xong nền móng căn bản cho môn Hiệp Khí Ðạo tại Việt Nam. Tháng Mười, 1964, ông sang Monterey, California, dạy Nhu Ðạo và Hiệp Khí Ðạo, theo lời mời của một hội võ thuật địa phương. Ông cũng dạy võ tại Sở Cảnh Sát Monterey và có một đạo đường riêng ở Sacramento, nơi ông còn dạy thêm nhiều môn võ khác.

Ðạo đường Aikido Tenshinkai trong buổi lễ tưởng niệm. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Ðạo đường Aikido Tenshinkai trong buổi lễ tưởng niệm. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trước khi qua đời ngày 12 Tháng Mười, 1995, Giáo Sư Ðặng Thông Trị viết ba quyển sách giá trị là “Beginning Tai Chi” (Thái Cực Quyền Sơ Cấp), “Beyond the Known” (Bên kia điều đã biết), và “Toward the Unknown” (Hướng về điều chưa biết). Cả ba quyển này đều do nhà xuất bản Tuttle Publishing ấn hành.

Tiếp theo, Giáo Sư Ðặng Thông Phong cùng tất cả môn sinh tiến lên quỳ trước bàn thờ Tổ Sư Morihei Ueshiba và Giáo Sư Ðặng Thông Trị, cùng hướng lòng tưởng nhớ đến vị thầy kính mến.

Nhân dịp này, Giáo Sư Phong cũng có lời nhắn nhủ đến tất cả môn sinh Tenshinkai mấy điều:

-Suốt đời không rượu chè, không hút xách cờ bạc. Thầy Trị chỉ chú tâm vào việc trau dồi, rèn luyện để làm gương cho môn sinh noi theo, mong sao cho họ nhanh chóng tiến bộ. Thầy Trị đã sống trong sạch để cống hiến trọn cuộc đời cho Hiệp Khí Ðạo nói riêng và võ đạo nói chung.

-Nên noi gương theo thầy Trị để sống một cuộc sống trong sạch, để hun đúc một khí phách can trường, để luôn bồi đắp trong tâm hồn một tình thương yêu dành cho mọi người và cần phải luôn nhớ và áp dụng tôn chỉ của Hiệp Khí Ðạo vào cuộc sống, đó là tình thương, hòa bình, và hài hòa.

Ông Phong cũng nhắc nhở môn sinh luôn chia sẻ kiến thức đã học được với lớp đàn em, góp phần giúp nhanh chóng hấp thụ những nguyên tắc căn bản của môn võ Hiệp Khí Ðạo, nhất là tích cực góp phần trong công việc huấn luyện.

Ngay sau lễ tưởng niệm là lễ thăng cấp cho các môn sinh. Trong dịp này có 60 em thiếu nhi từ nhập môn được lên các đai vàng, cam, xanh lá cây và xanh dương, và sáu em lớn được thăng cấp huyền đai.

Buổi lễ thăng cấp được tổ chức trang nghiêm và cảm động, khi tất cả các môn sinh được lên cấp đều chứng tỏ bản thân mình đã đạt được những căn bản của võ học, vượt qua được hết tất cả những kỹ thuật chuyên môn trong quá trình chuyên cần luyện tập, và đạt kết quả trong kỳ thi lên đai.

Tất cả các môn sinh được thăng cấp tuần tự tiến lên cung kính chào vị giáo sư chưởng môn, nhận được bằng chứng nhận và đai lên cấp cho các em nhỏ, và “hakama” (một loại váy tập võ màu đen) cho các võ sinh đai đen với bảy nếp gấp tượng trưng cho bảy đức tính: dũng, nhân, nghĩa, lễ, thành tín, trung tín, và lòng danh dự.

Từ trái, Giáo Sư Ðặng Thông Phong, con trai, và phu nhân. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Từ trái, Giáo Sư Ðặng Thông Phong, con trai, và phu nhân. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Em Christina Hân Lương, đại diện các môn sinh, trong phần phát biểu cảm tưởng, tỏ lòng biết ơn giáo sư chưởng môn, vị thầy kính mến đã hết lòng dìu dắt em, từ một cô gái không biết gì về võ thuật, thành người như ngày hôm nay. Em cũng cảm ơn cha mẹ lắng nghe nguyện vọng và cho phép em đến với Hiệp Khí Ðạo trong suốt sáu năm qua, đồng thời luôn ở bên em và ủng hộ việc học võ.

Những bó hoa nồng thắm được dâng lên vị thầy kính mến trong niềm vui và lòng biết ơn của các môn sinh hiện diện.

Tiếp theo là phần biểu diễn Hiệp Khí Ðạo với các đòn thế từ cấp thấp đến cao. Tất cả môn sinh đều thi thố hết tài năng và kỹ thuật đã được hướng dẫn tập luyện. Các đòn thế uyển chuyển mềm mại nhưng đầy uy lực được các em trình diễn đẹp mắt, nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt của quan khách và gia đình các võ sinh đến tham dự, và đây cũng là niềm hãnh diện của các bậc phụ huynh được chứng kiến thành tích rèn luyện của con em mình.

Ðặc biệt, hôm nay cũng là ngày sinh nhật của bà Hồ Thị Nhàn, phu nhân của giáo sư chưởng môn, người mà đa số môn sinh của ông trước giờ chỉ biết qua tên gọi thân thương là “Cô” mà thôi. Cô Nhàn luôn là người vợ, người bạn đời chung thủy của ông.

Sau biến cố 1975, vì là sĩ quan QLVNCH, ông bị đi tù và cô đã hy sinh tìm cách đưa con nhỏ vượt thoát tìm tự do. Cô luôn là người hỗ trợ mạnh nhất cho ông và là sức mạnh thúc đẩy ông đi đến thành công, trong đó có thành công của Tổng Cuộc Tenshinkai.

Nhận được sự bàn giao của bào huynh là Giáo Sư Ðặng Thông Trị từ năm 1964 tại Việt Nam, đạo đường Aikido Tenshinkai Westminster do Giáo Sư Ðặng Thông Phong tiếp nối và phát triển tại Mỹ đến ngày hôm nay. Sau hơn 26 năm hoạt động với hàng ngàn môn sinh, cùng với đà phát triển, tổng cuộc đã thành lập thêm một đạo đường nữa tại Fountain Valley để đáp ứng với nhu cầu ngày càng có đông con em người Việt ở Orange County ghi danh học võ.

Ông Nguyễn Toàn, cư dân Westminster, cho biết năm nay ông đã 80 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh nhờ tập luyện thân thể hàng ngày. Ông cho biết tập Hiệp Khí Ðạo rất tốt cho người lớn tuổi, những động tác nhẹ nhàng và tính thân thiện trong môn võ này giúp ích rất nhiều cho người cao niên, nhất là về tinh thần, tránh được nhiều tâm bệnh, bệnh hay quên, lú lẫn, cả giới trẻ cũng vậy, nhất là trong cuộc sống bận rộn như hiện nay. Ông còn cho biết đến Hè này sẽ cho đứa cháu nội 8 tuổi của ông đến học.

Hiệp Khí Ðạo còn được gọi là “Võ Tình Thương” vì nó không chủ trương tấn công, không đánh thẳng tay mà chỉ mượn lực của đối phương mà ra chiêu thức, đòn thế thường dùng nguyên tắc vật lý xoay tròn rất khoa học. Ðối phương càng đánh mạnh bao nhiêu càng dễ bị té ngã bấy nhiêu, nhất là những đòn thế khóa tay, đẩy bật ra xa. Môn võ này rất thích hợp cho phái nữ, để tự vệ trong những trường hợp bị bắt cóc hoặc tấn công bất ngờ, vị giáo sư chưởng môn cho biết.

Ðạo đường Aikido Westminster tọa lạc tại 8562 Westminster Blvd., Westminster, CA 92683, điện thoại (714) 894-1003.

Mọi chi tiết có thể liên lạc qua email [email protected] hoặc vào trang web www.tenshinkai.com.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT