Thursday, March 28, 2024

Little Saigon: Xa quê hương vẫn quan tâm đờn ca tài tử

Quốc Dũng/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Buổi họp mặt giới đờn ca tài tử lần đầu tiên tổ chức tại Little Saigon vào sáng Chủ Nhật, 9 Tháng Mười, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster, tuy không đông tài tử giai nhân tham dự, nhưng đón được khá nhiều bạn tri kỷ tri âm đồng điệu quan tâm đến nghệ thuật này.

Ông Lê Quang Thế, trưởng ban tổ chức, cho biết: “Đây là lần đầu tiên Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải Ngoại tổ chức buổi họp mặt đờn ca tài tử. Lý do là vì vừa qua chúng tôi có trở về Việt Nam để tìm hiểu thêm về đờn ca tài tử sau khi loại hình này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Chúng tôi mong muốn sau buổi họp mặt này sẽ tạo một phong trào đờn ca tài tử tại hải ngoại.”

Ông Ngành Mai, hội trưởng, cho hay: “Hôm nay không có cây đờn nào hết, nhưng là dân đờn ca tài tử thì không cần đờn cũng có thể hát được, không trở ngại gì hết. Mục đích của chúng tôi là như vậy, vì nếu mướn người đờn thì sẽ như cải lương, không còn là tài tử nữa. Đờn ca tài tử có điểm chính là bất cứ mọi giới ai thích thì cứ vào, không từ chối ai hết. Mọi người hát vì yêu thích thú vui tao nhã này, nên không bao giờ đặt chuyện tiền bạc, công cán hay câu nệ về trang phục khi tham gia đờn ca tài tử.”

Đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể thứ tám của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa đại diện của nhân loại và được bảo vệ ở cấp độ quốc tế, thể hiện sự trân trọng và ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam. Bởi vì phạm vi của nghệ thuật này tương đối nhỏ, chủ yếu trong sinh hoạt gia đình, tại đám cưới, đám giỗ, sau khi thu hoạch mùa vụ, và thường được biểu diễn vào những đêm trăng sáng ở xóm làng. Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại này được công nhận vào ngày 5 Tháng Mười Hai, 2013.

Soạn giả Yên Lang, chia sẻ: “Tôi là soạn giả cải lương nên biết chút ít về đờn ca tài tử, bởi vì sự nghiệp của tôi bắt đầu từ năm 1960, còn bộ môn cải lương đã thành hình từ những năm 1917-1918, trong khi nhạc tài tử có trước đó nữa.”

“Nhạc tài tử bắt nguồn từ đâu, bây giờ chưa ai xác định rõ ràng được, và chưa có quyển sách nào tra cứu một cách minh bạch được. Chỉ biết rằng vào khoảng thời gian vua Hàm Nghi rời kinh thành để kêu gọi kháng chiến chống thực dân Pháp thì có một số trung thần theo vua, trong đó có ông Nguyễn Quang Đại, tự Ba Đợi, là một người coi về nhạc lễ của triều đình Huế. Ông vào định cư ở Đồng Nai, rồi sau về miệt Cần Giuộc, Cần Đước lập đội cổ nhạc để tập luyện,” ông nói.

Mời độc giả xem video Điểm tin buổi sáng Thứ Hai, ngày 10 tháng 10 năm 2016

“Sau đó ông lập bộ môn tài tử dạy cổ nhạc ở miền Cần Đước, Chợ Lớn, Quận Tám… và cùng thời gian này ở miền Tây có ông Trần Quang Quờn cũng là một nhạc sĩ lỗi lạc lập khối cổ nhạc ở miền Tây. Đến khoảng năm 1900, lúc đó nhạc tài tử thành hình và đờn ca nổi tiếng khắp nơi thì ở Mỹ Tho có ông Nguyễn Tấn Triều, Bạc Liêu có ông Lê Tài Khị, tự Hai Khị, lập ban cổ nhạc và dần dần thành hình các hội chơi cổ nhạc tài tử,” ông nói tiếp.

Soạn giả cho hay: “Thời điểm đó đờn ca tài tử phát triển mạnh là vì trong những ngày khai hoang, lập ấp, người dân quê sau công việc đồng áng, cày cấy ban ngày thì chiều về uống trà, tụ tập nghỉ ngơi để nói chuyện. Mà nói chuyện không thì buồn, nên đờn ca tài tử nổi lên với mục đích chỉ để phục vụ nghe chơi với nhau giữa một số người trong một hoàn cảnh nhất định. Dần dà thu hút thêm những đối tượng khác cùng tham gia và không gian cũng mở rộng hơn.”

“Vì vậy mà lúc đầu chỉ có đờn, sau xuất hiện hình thức ca bên cạnh hình thức đờn, nên gọi nôm na là đờn ca. Còn ‘tài tử’ có nghĩa là người chơi nhạc có biệt tài, giỏi về cổ nhạc, chứ không có nghĩa là nghiệp dư,” ông nói thêm.

Soạn giả Yên Lang nói về đờn ca tài tử Nam Bộ. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
Soạn giả Yên Lang nói về đờn ca tài tử Nam Bộ. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Qua các tài liệu ghi chép lại thì đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật xuất xứ từ nhạc cung đình Huế, nên bài bản dựa trên các bài có sẵn của ca nhạc Huế rồi cải biên, sáng tác ra nhiều loại bài bản mang âm hưởng quê hương, hoặc dựa theo các tác phẩm, tích truyện phổ thông thời bấy giờ. Vì vậy đây là loại nhạc “tâm tấu” (tâm tình của người xa xứ), mang tính ngẫu hứng sáng tạo.

Nghệ sĩ tài tử Quế Anh cho biết: “Tôi không hát sân khấu, chỉ đi hát tài tử. Tôi thích đờn ca tài tử từ khi còn bé, nhưng không có cơ hội phát huy. Tới lúc 12 tuổi có bao nhiêu tiền thì tôi dành hết tiền quà bánh để mua bài ca. Tới 16 tuổi thì được quyền tự do chút, nên tôi đi tới nhà văn hóa để học hỏi. Hôm nay đang làm việc nhưng nghe có buổi đờn ca tài tử này nên xin chủ đi vài tiếng để tham dự, và hát thật hăng để phục vụ các tài tử giai nhân có mặt tại đây.”

Bà Trương Thị Đào, cư dân Garden Grove, tâm sự: “Tôi đến buổi họp mặt này để ủng hộ cho nền nghệ thuật nước nhà và ôn lại những bản nhạc ngày xưa, thời thập niên 1940, 1950. Tôi biết đờn ca tài tử từ lúc 6-7 tuổi, hồi thập niên 1950. Bởi vì lúc đó tôi hay theo mấy ông chú coi đánh đờn. Mấy ông chú tôi quê ở Gò Công đi đờn cho mấy gánh lớn ở Sài Gòn, nhưng cứ vào dịp hội hè mỗi năm, nhất là ra Tết người ta chưa làm nông, khắp xóm lúc nào cũng có đờn ca tài tử vui lắm nên mấy ông chú về chơi nhạc.”

“Cứ vào dịp hội hè thì dân trong xóm, trong làng tự tập và hát thôi. Vì vậy mà tôi thích lắm các bản như Tôn Tẫn Giả Điên, Tống Tửu Đơn Hùng Tín, Tần Quỳnh Khóc Bạn… Thời đó đờn ca tài tử cũng có khi hát tuồng, như Phạm Công Cúc Hoa, Lâm Sanh Xuân Nương… nữa,” bà cho hay.

Ông Vũ Trần, cư dân Westminster, nói: “Mình là kẻ xa xứ nên nhớ quê hương, mà đờn ca tài tử thì gắn liền với quê hương đất nước của mình. Tôi nhớ không khí ngày xưa vào những buổi đờn ca tài tử ở quê mình, vào buổi tối họp nhau, đêm trăng ngồi trên sân phơi lúa, rồi bạn bè tụ họp đờn ca vui lắm. Đờn ca tài tử hay cải lương tôi đều thích, vì đó là cổ nhạc nên dễ vào lòng mình lắm. Âm nhạc vốn đã hay rồi, nhưng cổ nhạc thì gần với mình hơn. Trong khi cải lương phải có tuồng tích, kịch bản, đạo diễn… thì đờn ca tài tử lại tự do hoàn toàn, chỉ cần ngồi trên một bộ ván hoặc chiếu để biểu diễn với phong cách đờn ca thảnh thơi, lãng đãng. Có lẽ vì vậy mà đờn ca tài tử được thế giới công nhận hơn so với cải lương.” (Quốc Dũng)

—–

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT