Thursday, March 28, 2024

Y Lý Yếu Chỉ

Y Ly Yeu Chi_FTHAY LỜI TỰA

Lý thuyết Đông y bắt đầu từ quyển Hoàng Đế Nội Kinh. Nói một cách tổng quát, ngày nay Hoàng Đế Nội Kinh bao gồm cả Linh Khu, Tố Vấn, và Nạn Kinh. Linh Khu bàn về châm cứu; Tố Vấn là Kỳ Bá trả lời những câu hỏi của Hoàng đế; Nạn Kinh bàn về 83 điều khó giải quyết. Hỏi rằng, Nội Kinh có do Hoàng đế viết không? – Có nhiều người cho rằng không do một mình Hoàng đế viết, mà do nhiều nhà sau đó thêm thắt vào. Tuy vậy, Hoàng Đế Nội Kinh được xuất hiện trước đời Hán. (Vì rằng, Trọng Cảnh-196, đời Hán Vũ Đế, trong quyển Thương Hàn Luận, bàn về những bệnh cảm hàn, có nhắc đến Hoàng Đế Nội Kinh).

Sau Hoàng Đế Nội Kinh, có Trọng Cảnh viết quyển Thương Hàn Luận bao gồm những bài thuốc đã được giải thích và sửa đổi văn từ qua nhiều thời đại. Ngày nay, Thương Hàn Luận không còn, chỉ còn lại những bài thuốc trong Thiên Kim Dược Phương. Ngoài Thương Hàn Luận, Trọng Cảnh còn để lại bộ sách Kim Quỹ Yếu Lược gồm ba quyển: quyển trên bàn về bệnh thương hàn; quyển giữa luận về bệnh lặt vặt; quyển dưới chép lại các phương thuốc và cách trị bệnh đàn bà.

Trọng Cảnh là người đầu tiên lập ra phương thang. Phải nói rằng, Trọng Cảnh là con người vô tiền khoáng hậu trong y học Đông phương. Với Nội Kinh, Nạn Kinh, và Kim Quĩ Yếu Lược, thường được gọi chung thành Nội Nạn Thương Kinh là kim chỉ nam cho nền y học Đông phương.

Sau Trọng Cảnh, có Hoa Đà đời Hậu Hán, rồi các danh y xuất hiện tùy từng thời đại. Ở Việt Nam ta cũng có nhiều danh y, nhưng chỉ có Tuệ Tĩnh và Hải Thượng là nổi tiếng hơn cả.

Lý thuyết Đông y từ khởi thủy cho tới nay vẫn thống nhất. Đông y quan niệm con người với trời đất là MỘT (nhân sinh tiểu thiên địa: con người là một trời đất nhỏ). Ý rằng cái gì trời đất có thì con người đều có vì trời là CHA (càn), đất là MẸ (khôn).

Trời có Lục dâm: phong, hàn, thấp, táo, thử, nhiệt (thử và nhiệt có thể coi như tả hỏa).

Đất có Ngũ hành; thổ, kim, thủy, mộc, hỏa.

Vũ trụ có Lục khí gồm tam âm và tam dương.

Tam âm: Thái âm, Quyết âm, Thiếu âm.

Tam dương: Thái dương, Thiếu dương, Dương minh.

Lục khí được gọi là 6 khí Gia Lâm (từ ngoài đến trái đất có thể gọi là năng lượng vũ trụ).

Trời, đất và lục khí hợp lại thành như sau:

– Thái âm thấp thổ; Thiếu âm quân hỏa; Quyết âm phong mộc; Thái dương hàn thủy; Thiếu dương tướng hỏa; Dương minh táo kim.

Tất cả đó với nguyên lý âm dương tạo thành vạn vật và con người. Cũng từ đó, con người có thủy hỏa, khí huyết, lục phủ và ngũ tạng. Lại có 12 kinh lạc đi vào lục phủ ngũ tạng. 12 kinh gồm tam âm tam dương ở tay (thủ) và tam âm tam dương ở chân (túc). Âm đi vào tạng, dương đi vào phủ. Tạng âm liền với phủ dương như:

Thủ Thái Âm – phế liền với Thủ dương minh- đại trường; Thủ Thiếu Âm – tâm liền với Thủ thái dương- tiểu trường; Thủ Quyết âm – tâm bào lạc liền với Thủ thiếu dương- tam tiêu.

Túc Thái Âm – tỳ liền với Túc dương minh- vị (dạ dày); Túc Thiếu Âm – thận liền với Túc thái dương- bàng quang (bong bóng); Túc quyết âm – can liền với Túc thiếu dương (đởm: túi mật).

Mỗi tạng mỗi phủ đều có khí của Lục khí, dâm của Lục dâm, và hành của ngũ hành như tạng tỳ được Túc Thái Âm thấp thổ chi phối (Thái âm của Lục khí, thấp của trời, và thổ của đất). Vì thấp thổ nên tỳ ẩm ướt, vì ướt nên ưa ráo; vị được Túc dương minh táo kim chi phối. Vì táo kim nên khô ráo, vì khô ráo nên vị ưa ướt. Như phủ đại trường được Thủ dương minh táo kim chi phối, vì táo kim khô ráo, dễ bị táo bón nên đại trường ưa nhuận (không khô).

Với lý thuyết trời đất và người là một thì những gì có trong qui luật của trời đất đều có trong con người. Qui luật của trời đất là qui luật của quân bình. Mất quân bình thì có biến động. Trong con người mất quân bình âm dương, thủy hỏa, khí huyết thì có bệnh tật. Nhiệm vụ thầy thuốc là giữ cho được quân bình. Với kinh nghiệm về dược vật, kinh nghiệm về triệu chứng qua vọng, văn, vấn, thiết và trị liệu pháp bổ tả thăng giáng v.v… Đông y đã góp phần vào đời sống Đông phương mấy ngàn năm nay không phài là nhỏ. Tuy vậy, về lý thuyết như âm dương ngũ hành rất vi diệu nhưng khó truyền đạt, về sinh lý học quá tổng quát và cơ thể học lại quá giới hạn. Tôi nhớ, một lần người anh thứ tư của tôi là Lê Văn Khởi hỏi cha tôi:

– Tỳ ở đâu, và công năng của nó như thế nào?

Cha tôi trả lời:

– Tỳ là tạng thuộc âm, ngũ hành thuộc thổ; vị là phủ của tỳ thuộc dương, ngũ hành cũng thuộc thổ. Tỳ âm thổ, vị dương thổ. Tỳ là lá lách nằm sát vị (dạ dày) đập vào vị để tiêu hóa thức ăn.

Cha tôi nói đúng, tỳ giúp vị tiêu hóa thức ăn nhưng không nói tiêu hóa thế nào, và tỳ thật ra không phải lá lách mà là tụy tạng. Sinh lý quá tổng quát và định vị cơ thể học sai, thế mà chữa bệnh về tiêu hóa lại hiệu quả. Tương tự như vậy, những bệnh về khí huyết và thủy hỏa đều dựa vào triệu chứng pháp và trị liệu pháp theo lý thuyết Đông y, tôi đã kinh trị cho gia đình và bạn hữu cũng rất mực hiệu quả. Vì sao?

– Vì Đông y không dựa vào hình chất, mà dựa vào khí hóa, đặc biệt dựa vào dịch lý trong y học- gọi là y dịch (tôi đã giải thích trong sách này). Ví dụ: tỳ thuộc khí Thái âm thấp thổ thì có vị thuộc Dương minh táo kim đi kèm. Thấp của tỳ, có táo kim của vị hỗ tương. Khi chữa bệnh tỳ hoặc vị. thì phải tìm những vị thuốc đi vào kinh Thái âm hay kinh Dương minh v.v… Đó là điều khác hẳn Tây y- dựa vào hình chất- dựa vào sinh lý học và cơ thể học. Hai lý thuyết khác nhau, nhưng cùng một hiệu quả.

Năm 1983, tôi viết thư về quê hương hỏi anh thứ tư của tôi về y lý và trị liệu. Anh tôi đã trả lời cho tôi, bức thư đề ngày 22/8/1983 – Đất Tổ, nhiều lý luận. Cuối cùng, tóm lược mấy câu: “Mạch hoặc lớn, hoặc sác, hoặc hữu lực, thì trọng dụng quy thục. Mạch hoặc nhỏ, hoặc hoãn, hoặc trì, hoặc vô lực thì trọng dụng sâm truật. Hai trường hợp trên phải nghĩ đến tỳ kinh. Nếu mạch khẩn thì phải nghĩ đến thận kinh và phải dùng Bát vị hoặc Lục vị gia giảm. Tất cả đó là nguyên lý”. Dầu rằng trước đây, tôi hiểu âm mạch hoặc âm bệnh phải dùng dương dược; dương mạch hoặc dương bệnh phải dùng âm dược, thế mà vẫn lúng túng. Mãi tới khi đọc được mấy lời của anh, tôi, với Đông y, như một người “đáo bỉ ngạn”. Chỉ mấy câu thôi mà đầy đủ âm dương, thủy hỏa, và khí huyết.

Cha tôi về y học được chân truyền từ bên ngoại do hai ông cậu: Tôn Quang Giáp và Tôn Quang Sinh, cờ tướng cao từ ông cậu Tôn Quang Võ. Anh tôi được chân truyền từ cha tôi. Tôi thưở nhỏ được nghe lời bàn của cha chú về y học. Nay đã lớn mới được anh truyền đạt cái yếu lĩnh giản lược và thâm thúy nhất của Đông y, cũng thỏa mãn lắm rồi. Cha mất còn anh, anh mất còn lời của anh; đời tôi, trong cái đại bất hạnh mồ côi tình gia đình, quê hương từ nhỏ, phúc sao có cái rất may mắn lời cha anh còn văng vẳng trong tai.

Y lý Đông y chỉ có vậy. Nội kinh bảo: “Tri kỳ yếu lĩnh giả, nhất ngôn nhi chung. Bất tri kỳ yếu lĩnh man mác vô cùng: biết được yếu lĩnh thì một lời là đủ, không biết yếu lĩnh thì man mác vô cùng”

Câu nói của Nội kinh về y học tương tự câu nói của Khổng Tử về Nho giáo: “Ngô đạo: NHẤT, dĩ quán chi: đạo ta chỉ có MỘT mà quán thông tất cả”. Muốn giải thích cái NHẤT của ‘nhất ngôn nhi chung’ để quán triệt lý thuyết Đông y không phải dễ, phải tốn nhiều giấy mực.

Tôi, với hoài bảo từ buổi thiếu thời, ngót 40 năm nghiên cứu Tây y lẫn Đông y, cố gắng vận dụng hai thứ ngôn ngữ nhằm mục đích giải thích Đông y theo đường lối khoa học để may ra sử dụng được giá trị hỗ tương giữa hai lý thuyết KHÍ HÓA và HÌNH CHẤT hầu có lợi cho sự tiến bộ y học nói chung, Đông y nói riêng. Tất cả tôi gom thành một quyễn Y Lý Yếu Chỉ bao gồm Âm Dương Tân Giải, Ngũ Hành Thực Nghĩa, Lục Phủ Ngũ Tạng … Trị Liệu Pháp v.v… cộng thành 21 thiên, 85 chương. Thiên, có thiên lớn, thiên nhỏ. Chương có chương ngắn, chương dài, tùy đặc thù của mỗi thiên, chương.

Tôi, tư chất không được sáng sủa và thiếu trí nhớ nên mỗi khi chỉ một vấn đề hay một bài thuốc mà phải ghi lại nhiều lần, như thế để khỏi tìm lại sách vỡ, thành ra có vẻ trùng kiến. Tuy vậy, tôi không sửa đổi vì nghĩ có lợi cho người đọc thiếu óc cường ký như tôi. Hơn nữa, mỗi vấn đề hoặc mỗi bài thuốc mặc dầu giống nhau nhưng ý nghĩa và giá trị trị liệu khác nhau tùy cục bộ như ngũ tạng hay lục phủ hoặc toàn diện như khí huyết hay thủy hỏa. Ví dụ: bài Bổ Trung tôi dùng chữa phế khí không đủ, lại có khi dùng để chữa dương khí hạ hãm; bài Tứ Vật tôi dùng chữa tâm huyết không đủ và có khi dùng chữa can nhiệt v.v… Đó là chưa nói đến vấn đề gia giảm.

Nói mãi không thể hết được, biến hóa mãi không thể cùng được, chỉ biết rằng: “Tri kỳ yếu lĩnh giả, nhất ngôn như chung” từng đó thôi.

Tôi mong mỏi quí vị độc giả lượng thứ cho tôi những gì thiếu sót và hy vọng quyễn sách Y Lý Yếu Chỉ trong bộ Đông Y Tân Giải có chút ích lợi cho người học thuốc.

CẨN CHÍ

MD, Hoa Kỳ, Tiết Xuân Phân Nhâm Thìn 2012

Lê Văn Trực

 

Sách có bán tại các tiệm sách địa phương, tại tòa soạn Nhật Báo Người Việt hoặc trên online www.nguoivietshop.com

Nguoi Viet Shop
Mua sách trên Người Việt Shop

MỚI CẬP NHẬT