Thursday, April 18, 2024

Trung Quốc tự tin có sức mạnh ‘ăn trùm’ ở Biển Đông

BẮC KINH (NV) .- Trung Quốc tự thấy đã đủ sức mạnh ăn trùm trên Biển Đông mà các nước khác ám chỉ cả Mỹ cũng không thể tranh giành, theo một bài viết của tạp chí nội bộ của Quân đội Trung Quốc.

Bài viết này được hãng tin Kyodo của Nhật đề cập hôm Thứ Hai sau nhiều lần Bắc Kinh gồm cả ông chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố không quân sự hóa Biển Đông. Điều này cho thấy Bắc Kinh tuyên bố tuyên truyền che đậy trong khi họ ráo riết xây dựng và võ trang cho các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và các đảo ở quần đảo Hoàng Sa.

Tác giả của bài viết trên báo “Quân đội giải phóng” của Trung Quốc là một nhóm các sĩ quan của Hạm đội Nam Hải mà mọi người hiểu nhiệm vụ chính yếu của họ là duy trì và bảo vệ sự hiện diện ‘ăn trùm’ của Trung Quốc trên Biển Đông.

Bài báo không giấu giếm chủ trương của Trung Quốc khi nói các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp tại quần đảo Trường Sa (cướp của Việt Nam) đã giúp nước này đạt được lợi thế an ninh chiến lược hơn hẳn trên Biển Đông .

“Tuy bị đe dọa bởi các dự án này, các nước tuyên bố chủ quyền và các nước khu vực lân cận không thể khiêu khích xung đột quân sự hoặc leo thang dẫn đến chiến tranh vì họ được chuẩn bị quá kém.” Bài trên báo Quân đội Trung Quốc viết.

Bài viết cho rằng một cuộc khủng hoảng quân sự trên Biển Đông nhiều phần có thể xảy ra nhưng nổ lớn thành một cuộc chiến tranh hoặc xung đột quân sự toàn diện thì nguy cơ nhỏ.

Về sự đối đầu với lực lượng Mỹ trên Biển Đông, bài viết cho rằng trong khi Hoa Kỳ duy trì quan điểm trung lập đối với các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở khu vực thì họ cũng “thiếu cả khả năng và ý chí để giao tranh quân sự hay khai chiến với chúng ta”.

Trong khi Trung Quuốc cũng tìm đủ cách ngăn ngừa khủng hoảng quân sự nhưng cũng sẽ nhân có khủng hoảng xảy ra mà phản công khi bị kẻ thù tấn công và tận dụng mọi phương tiện cần thiết để “đánh địch chỗ nào địch bị tổn hại” và “dạy chúng bài học”.

Để duy trì thế ăn trùm ở khu vực, bài viết trên đề nghị hai cách tiếp cận. Thứ nhất, vẽ một lằn vạch rất rõ trên cát về quản lý khủng hoảng quân sự. Các phương tiện có thể sử dụng gồm cả việc ngăn chặn các nước láng diềng chiếm thêm các vị trí , xua đuổi các nước khác bằng cách ngăn cấm các hoạt động thường xuyên của họ trên biển như đánh cá hoặc dò tìm dầu khí.

Thứ hai, chuẩn bị đối phó với một cuộc chiến kéo dài hầu duy trì lợi thế chiến lược lâu dài bằng sự kiên nhẫn và có kế hoạch lâu dài. Theo thời gian thì sức mạnh sẽ nghiêng về phía Trung Quốc, bài báo đó viết. Quân đội sẽ “chiến đấu từ phía sau lực lượng dân sự và kềm chế không bắn trước nhưng cũng chuẩn bị để chiến đấu trường kỳ” hầu bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia.

Bài báo cho thấy chủ trương bá quyền bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông được hậu thuẫn với khả năng quân sự phát triển vượt bậc đang giúp cho lực lượng của họ tự tin hơn, hung hăng hơn. (TN)

Hà Nội phó thác quy hoạch hai bờ sông Hồng cho Trung Quốc

MỚI CẬP NHẬT