Thursday, March 28, 2024

Người Việt Nam Tồi Tệ – Lâm Nhược Trần

    Thông tin từ Việt Nam trong ít nhất một hai chục năm qua, ngày càng dày đặc, dù là trên báo lề phải hay lề trái, dù là nhận định của người sống trong nước hay người ở nước ngoài về thăm quê hương, đều cùng nhau đồng ý một điểm: xã hội Việt Nam hiện đang trong tình trạng xuống cấp, ngày càng trầm trọng. Một nhận xét đồng loạt như vậy về sự suy thoái của phẩm chất con người, của nền giáo dục, nền y tế, về công cuộc làm ăn sinh sống, về đạo đức của quan và của dân v. v… thì không thể là những nhận xét vô căn cứ, nặng về cảm tính, mà là những lời báo động của những ai còn có lương tâm trước cái Xấu đang lấn dần cái Tốt, cái Ác đang thắng cái Thiện.

    Ai trong chúng ta cũng đều muốn tìm ra nguyên nhân của tình trạng này, nhưng suy cho cùng thì nguyên nhân sâu xa nhất chỉ có một: do sự toàn trị của đảng Cộng sản suốt mấy chục năm qua. Nói một cách khác, nếu không bị cái họa cộng sản thì đất nước chúng ta ngày hôm nay CHẮC CHẮN không đối diện với cái họa đang lao xuống vực thẳm như chúng ta đang chứng kiến.

    Những lời báo động từ Việt Nam trong nhiều năm qua cho thấy xã hội Việt Nam đang đứng trước nguy cơ suy sụp nền tảng tinh thần là có thật. Tốc độ suy sụp nhanh như một ngôi nhà bị mối mọt ăn ruỗng bên trong, đang từ từ khụy ngã. Nhưng mãi đến gần đây mới có người tổng hợp những mối lo ấy lại, trình bày trong một cuốn sách. Đó là cuốn sách độc giả đang cầm trên tay của tác giả Lâm Nhược Trần, có nhan đề “Người Việt Nam Tồi Tệ”. Dĩ nhiên tác giả đang sống và làm việc trong xã hội Việt Nam bây giờ, đã quan sát, chứng kiến từng bước băng hoại của xã hội, ghi lại và trình bày như một lời cảnh báo lớn cho tất cả chúng ta. Qua những trang viết, chúng ta thấy được đây đó chân dung của tác giả, là một nhà trí thức ở tuổi trung niên, đã du học, làm việc, định cư nhiều năm tại Hòa Lan và có dịp thăm viếng nhiều quốc gia trên thế giới, đang tham gia những công việc liên quan đến Văn hóa, Y tế, Giáo dục… tại miền Nam Việt Nam. Cả hai đều là những vốn sống quý báu giúp tác giả mạnh dạn cầm bút viết nên cuốn sách này.

    Phương pháp của tác giả là quan sát và cảm nhận các hiện tượng, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp của mình trong cuộc sống, hoặc qua các thông tin của các phương tiện truyền thông. Tiếp theo là phân loại, mô tả, mổ xẻ nguyên nhân và đưa ra các ví dụ cụ thể để chứng minh. Đôi khi tác giả mang các hình ảnh tích cực từ các xã hội lành mạnh trên thế giới mà mình đã sống qua so sánh với những tiêu cực trong đất nước mình như là một cách tô đậm thêm sự quái gở ngày càng phát sinh dày đặc trong xã hội Việt Nam.

    Tác giả đã áp dụng một phương pháp viết sát thực tế, “nói có sách mách có chứng” chứ không chỉ bắt nguồn từ các nhận thức trừu tượng. Nhiều chương sách cho chúng ta cảm tưởng như một phóng sự tâm lý xã hội. Nhiều chương như một nghiên cứu sâu về hiện tượng thành hình tội ác. Có chương lại giống một tùy bút mô tả cung cách và tâm lý của một “giai cấp mới” vừa nảy sinh. Chính nhờ lối xây dựng từng vấn đề, từng hiện tượng và lối viết đa dạng của tác giả mà khi gấp sách lại, người đọc có cảm tưởng như vừa được đối diện với một xã hội rộng lớn đầy sinh động, trong đó biết bao lớp người đang diễn vai trò của họ. Bi có, hài có, quan có, dân có, “đại gia” có, trộm cướp có… đủ mặt của một xã hội (định hướng xã hội chủ nghĩa), nhưng tất cả đều ngọ nguậy diễn trò trong một môi trường độc hại, thê thảm, mà mỗi động tác, mỗi ngôn từ của họ lại tô đậm sắc thái bi đát của một sự vong thân nếu so với con người bình thường lương thiện trong một xã hội chân chính.

    Nhưng dù đề cập những hiện tượng đã rất hiển nhiên, tác giả cũng đã tiên liệu những phản ứng của một bộ phận chỉ thích biện hộ và bao che cho những cái xấu của dân tộc mình, do tình trạng thiếu hiểu biết hoặc tự ái không đúng chỗ của họ. Ông cũng khẳng định một cách cương quyết và can đảm: “Là người hoàn toàn độc lập, tác giả không ngần ngại nhìn thẳng vào sự thật, viết lại những điều mắt thấy tai nghe, thể hiện đúng vai trò của một công dân chân chính, những ý kiến và cảm nghĩ riêng tư khó có thể tránh khỏi mang ít nhiều dấu ấn cá nhân, nhưng nó bao quát và xác đáng, tác giả sẽ cố gắng trình bày sự việc một cách vô tư, trung thực và khách quan nhất.” Với tinh thần ấy, tác giả đã thực hiện và trao cho chúng ta tác phẩm này.

    Trong những năm gần đây, đọc các lời than phiền, cảnh báo của một số truyền thông trong nước (lề trái và cả lề phải) về sự xuống cấp thê thảm của xã hội, tôi để ý nhiều cây bút đã không ngần ngại nhắc lại xã hội miền Nam trước 1975 như một mẫu mực đáng sống. Là một người lớn lên tại miền Nam, ngẫm lại tôi thấy nhận xét trên đây rất chí lý. Dĩ nhiên xã hội nào mà không có mặt trái của nó, tôi xin thành thật nói rằng xã hội miền Nam trước 1975 cũng không ra ngoài quy luật muôn đời tốt xấu lẫn lộn ấy. Nhưng cái xấu của xã hội miền Nam, bây giờ nhớ lại, tôi vẫn thấy là “cái xấu trong vòng lễ giáo”! Có tham nhũng không? – Có chứ. Nhưng người công chức họa hoằng có nhận tham nhũng thì chỉ trong một mức độ không phá vỡ đạo đức của một nền công quyền nghiêm minh, trí tuệ và lương tâm. Có xã hội đen không? – Đương nhiên là có, nhưng ở mức độ rất “nhân bản” tựa như trong cái đen ấy vẫn tồn tại những quy luật đạo đức điều khiển hành vi của các tay giang hồ một cách hoặc tiềm tàng hoặc có ý thức. Nghĩa là con người tại miền Nam trước kia không hề bị băng hoại và xã hội miền Nam là một xã hội lành mạnh. Sau 1975, đồng bào miền Nam vượt biên ra nước ngoài có thể hội nhập vào thế giới văn minh với đầy đủ tư cách đạo đức và học thức của một dân tộc có trình độ ngang ngửa với thế giới. Con người Việt Nam –hoặc thuộc bất cứ quốc gia nào– dễ bị xuống cấp, thậm chí mất tính người, khi phải sống trong chế độ cộng sản, từ nhỏ đã bị sự dối trá và bạo lực bao trùm và nhiễm sâu vào người.

    Vì thế bây giờ nghe nhắc đến xã hội miền Nam trước 1975, tôi có cảm tưởng như người ta đang nói tới một thời Nghiêu Thuấn nào đó. Nhắc lại để thấy cái tương phản của xã hội Việt Nam ngày hôm nay, đã sản sinh ra một lớp người đông đảo mà tác giả Lâm Nhược Trần gọi là “Người Việt Nam Tồi Tệ”.

Little Saigon, Nam California, 17 tháng Ba, 2016.
Phạm Phú Minh

 

Mua sách trên Người Việt Shop

 

MỚI CẬP NHẬT