Friday, April 19, 2024

11 cách giúp bạn bớt căng thẳng trước cuộc phỏng vấn xin việc

NEW YORK, New York (NV) – Dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng, từ việc tập dợt trả lời câu hỏi đến tìm hiểu và nắm vững thông tin công ty tuyển dụng, nhưng bạn vẫn hồi hộp và muốn tìm cách lấy lại vẻ tự tin trước cuộc phỏng vấn xin việc. Nhằm giúp những ai rơi vào tình trạng này, trang The Muse vừa công bố 11 phương pháp giúp bạn thư giãn đầu óc, giảm căng thẳng và lo toan, cùng lúc giử vững phong độ trước các cuộc phỏng vấn.

1. Tản bộ
Không khí trong lành sẽ giúp bạn thoải mái đầu óc hơn trước khi phỏng vấn. Nếu cuộc phỏng vấn của bạn qua điện thoại, bạn có thể vừa tản bộ vừa trả lời phỏng vấn. Nếu đây là cuộc phỏng vấn trực tiếp, bạn có thể dành vài phút để đi bộ vòng khuôn viên công ty để đầu óc được khuây khỏa.

2. Áp dụng phương pháp S.T.O.P
Đây là một phương pháp được nhiều người sử dụng trong những tình huống đau đầu và căng thẳng.
S= ngừng việc đang làm và tập trung vào những suy nghĩ.
T= hít thở sâu.
O= ghi nhận những cảm nhận trong đầu, cảm xúc và suy nghĩ của bạn. Tại sao bạn có những cảm nhận như thế.
P= tiếp tục công việc, cùng lúc kết hợp những cảm xúc và suy nghĩ trong hành động của mình.

Phương pháp này giúp bạn thả lỏng cơ thể và để cả cảm xúc và suy nghĩ trong những việc bạn làm. Ngoài ra, phương pháp S.T.O.P giúp bạn cảm thấy tự tin hơn để vượt qua được những trở ngại trước mắt.

3. Chuẩn bị cho trường hợp tệ nhất
Dù nỗi sợ hãi lớn nhất của bạn là gì thì bạn nên nhớ rằng luôn có giải pháp cho mọi vấn đề. Nếu tính xa và suy nghĩ trước những trường hợp có thể xảy ra, bạn có thể phần nào đó yên tâm hơn khi biết rằng mình đã chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng đối phó với những trường hợp tệ nhất có thể xảy ra.

4. Ghi chú cho bản thân
Bạn có thể sử dụng điện thoại di động hoặc ghi lại những thông tin cần chú ý như: địa chỉ công ty, tên người tuyển dụng, ngày giờ phỏng vấn, ba ý chính bạn muốn truyền tải đến người tuyển dụng, danh sách câu hỏi và những thứ khác. Sau khi lập danh sách, bạn sẽ cảm thấy bớt lo lắng và sẵn sàng cho ngày phỏng vấn.

5. Lên kế hoạch cho sau cuộc phỏng vấn
Bạn có thể lên kế hoạch sau cuộc phỏng vấn như ăn ở một nhà hàng nào đó, dắt thú cưng đi dạo hoặc ngay cả xem phim trên Netflix thay vì phải hồi hộp lo lắng về cuộc phỏng vấn. Bằng cách này, bạn sẽ mong có điều gì tuyệt vời để làm và quên đi sự bồn chồn của bản thân.

6. Tâm tình với bản thân
Khoa học chứng minh, khi nói chuyện với bản thân sẽ giúp bạn điềm tỉnh lại và giúp thúc đẩy bản thân hơn. Hãy tự nhủ với bản thân những lời như: Bạn là một người thông minh, bạn hoàn toàn phù hợp với cho vị trí họ đang tuyển dụng, bạn sẽ hoàn thành buổi phỏng vấn thật tốt. Nói lớn, nhanh và đầy tự tin những câu trên sẽ giúp bạn lấy lại tinh thần một cách nhanh chóng.

7. Gọi một người bạn
Không gì tuyệt vời bằng một lời động viên từ một người bạn thân hoặc người trong gia đình. Nếu như bạn quá hồi hộp, lời động viên đến từ người xung quanh sẽ giúp bạn hưng phấn và tự tin hơn trước cuộc phỏng vấn.

8. Nghe nhạc
Những bài nhạc có tông hoặc cường độ nhanh sẽ giúp “nạp” thêm năng lượng và hứng thú vào đầu bạn, thay vì những ý nghĩ tiêu cực.

9. Mỉm cười
Mỉm cười có thể tăng sự tự tin bản thân, cùng lúc, lấy được thiện cảm từ nhà tuyển dụng. Ngoài ra, một nụ cười có thể thay đổi tông và không khí của buổi phỏng vấn.

10. Sử dụng sự lo lắng
Bằng việc sử dụng một góc nhìn khác, bạn có thể biến sự hồi hộp của bản thân thành một vũ khí giúp bạn vượt qua thử thách trước mắt. Thay vì nghĩ theo hướng tiêu cực, “Tôi thấy hồi hộp cho cuộc phỏng vấn,” bạn có thể nghĩ rằng, “Tôi hào hứng và mong đợi đến buổi phỏng vấn.” Phương pháp này biến sự lo lắng, từ cản trở, thành thế mạnh của bạn và tạo kết quả tốt hơn.

11. Nhớ rằng đây chỉ là một cuộc trò chuyện
Cuối cùng, bạn nên nhắc bản thân rằng đây chỉ là một cuộc đối thoại giữa bạn với một (hoặc hai) người về nghề nghiệp của bạn trong tương lai. Một biên tập viên tại Muse cho biết, “Cũng như bạn rất muốn nhà tuyển dụng nhận mình, họ cũng hi vọng rằng bạn là người mà họ luôn tìm kiếm.”

Áp lực không chỉ trên bạn mà trên cả người tuyển dụng. Hãy nhớ rằng, bạn cũng là người đặt câu hỏi và cần được sự trả lời, vì vậy nhà tuyển dụng cũng có áp lực tạo một ấn tượng tốt với bạn trong buổi phỏng vấn. (Kh.L.)

MỚI CẬP NHẬT