Friday, April 19, 2024

Miễn học phí không có nghĩa đi học không tốn tiền

Lê Tâm (theo AP)

Đề nghị được đưa ra mới đây để cho sinh viên theo học hệ thống đại học công lập ở New York được miễn trả học phí, khiến dư luận hoan nghênh, nói rằng điều này sẽ giúp có nhiều người được đi học hơn.

Nhưng chính các sinh viên hệ thống đại học nơi đây, tuy không muốn tạo hiểu lầm là họ không biết ơn người trả thuế, nhanh chóng chỉ ra một sự thật rõ ràng là: miễn học phí không có nghĩa là đi học không tốn tiền.

Một thí dụ điển hình là nữ sinh viên đại học Brooklyn College, cô Florencia Salinas, người tuy có học phí chi trả hoàn toàn qua học bổng và các món tiền cho không hoàn lại, vẫn sẽ mắc nợ khoảng $50,000 khi tốt nghiệp. Hay trường hợp của sinh viên năm thứ ba, Avery Edwards, tại đại học Buffalo State College, người cũng có sự trợ giúp tài chánh tương tự nhưng khi tốt nghiệp năm tới sẽ nợ khoảng $20,000.

Đó là vì tiền học phí, vào khoảng $6,500 mỗi năm, chỉ bù đắp được chừng 1/3 các chi phí bình thường của một sinh viên đại học bốn năm tại New York. Tiền ăn, ở, là hai món chi tiêu cao nhất, vào khoảng $13,000 một năm, sau đó tiền sách vở và lệ phí chiếm khoảng $3,000 nữa.

Các món chi phí đó sẽ không được trả theo đề nghị của Thống Đốc Andrew Cuomo, vốn sẽ chỉ trả phần khác biệt giữa học phí và tiền trợ giúp tài chánh khi theo học tại các trường State University of New York hay City University dành cho các sinh viên học toàn thời và từ các gia đình có tổng số lợi tức hàng năm là $125,000 hay ít hơn.

Các sinh viên được hãng thông tấn AP phỏng vấn nói rằng bất cứ sự giúp đỡ nào về học phí đều có ích cho họ, tuy nhiên họ cũng muốn được giúp trả các chi phí khác khi đi học đại học.

“Dĩ nhiên là cha mẹ tôi sẽ phải trả ít tiền hơn. Và tôi cũng sẽ phải trả ít tiền hơn,” theo lời Nigel Peters, một sinh viên năm thứ hai tại đại học Buffalo State College, thuộc hệ thống đại học gồm 64 trường State University of New York và 24 trường City University of New York.

Nhưng liệu đó có “đủ” không? Câu trả lời của Peters là “Không, hoàn toàn không.”

Cha mẹ của nam sinh viên 19 tuổi ở khu Queens này phải làm việc thêm giờ để Peters và hai người em gái không phải quá lo lắng vấn đề tài chánh khi còn đang đi học. Mẹ của anh, đang làm hai việc trong lãnh vực kế toán và bán lẻ, nay vừa kiếm thêm việc thứ ba. Anh cho hay họ kiếm nhiều tiền hơn mức tối thiểu để có trợ giúp tài chánh, nhưng vẫn cần phải làm thêm để có thể cho anh và hai người em gái đi học.

Peters nói rằng không phải trả học phí là điều tốt, nhưng ngay cả trong trường hợp này, anh vẫn phải làm việc với mức lương tối thiểu trong thời gian rảnh và mượn thêm tiền để chi trả cho các chi tiêu khác.

Đề nghị của Thống Đốc Cuomo vẫn còn đang chờ quốc hội tiểu bang New York chấp thuận. Trong khi đó trên nước Mỹ đang ngày càng có nhiều chương trình tương tự được đưa ra nhằm giải quyết vấn đề nợ tiền đi học đại học nay lên tới $1.2 ngàn tỉ.

Thống Đốc tiểu bang Rhode Island, bà Gina Raimondo, đề nghị miễn học phí hai năm đại học cộng đồng hay hai năm cuối của đại học bốn năm. Trong khi đó chương trình của ông Cuomo chỉ áp dụng để trả học phí sau khi các nguồn tài trợ khác đều dùng hết.

Giới sinh viên thuộc gia đình có lợi tức thấp cho hay chương trình như của ông Cuomo, trong khi giúp thêm cho gia đình trung lưu, chẳng cải thiện được gì cho họ vì họ đã không phải trả học phí. Họ cũng cảnh cáo rằng giới sinh viên từ các gia đình nghèo có thể sẽ bị thiệt thòi vì tiền trợ giúp từ chương trình Pell của chính phủ liên bang nay phải trả cho học phí thay vì các món chi phí khác.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT