Thursday, March 28, 2024

Bắn hỏa tiễn vào Syria chỉ là một hành động tượng trưng

Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

Trong buổi họp báo sáng Thứ Sáu, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc tuyên bố với các phóng viên về cuộc tấn công bằng hỏa tiễn bình phi vào một phi trường ở Syria: “Tôi nghĩ hành động đêm qua của tổng thống là rất kiên quyết và rõ ràng, về điều mà tổng thống nhận thấy cần phải làm.” Phát ngôn viên Sean Spicer nói tiếp: “Trước hết và trên hết, ông tin rằng chính quyền Assad phải tuân hành những thỏa thuận về việc không sử dụng vũ khí hóa học. Đó là một tiêu chuẩn tối thiểu cho toàn thế giới.” Tuy nhiên, ông Spicer từ chối trả lời câu hỏi là sau vụ tấn công, tổng thống có sẽ cho phép hành động nào khác ở Syria hay không.

Suốt sáu năm của cuộc nội chiến ở Syria, đây là lần đầu tiên Mỹ trực tiếp dùng vũ lực chống chế độ Tổng Thống Bashar al-Assad. Rất nhiều thắc mắc đặt ra về phản ứng bất ngờ của Tổng Thống Donald Trump, người luôn luôn được chú ý và gánh chịu không ít chỉ trích, về những việc ông làm hay dự tính làm. Sau đây là một số điểm chính.

1-Hải Quân Mỹ đêm Thứ Năm phóng 59 hỏa tiễn Tomahawk nhắm vào phi trường căn cứ không quân Shayrat, được coi là nơi đã xuất phát cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 4 Tháng Tư vào thị trấn Khan Sheikhoun của quân nổi dậy. Sau cuộc oanh kích dữ đội này, liệu Mỹ còn có kế hoạch sử dụng vũ khí gì hay mở chiến dịch nào khác ở Syria hay không? Câu trả lời cho đến bây giờ có lẽ là không.

Quyết định đột ngột của Tổng Thống Trump được xem chỉ nhằm răn đe chính quyền Syria và xác định trước dư luận trong nước cũng như thế giới thái độ cương quyết của Mỹ. Năm 2013, khi Syria dùng đạn pháo hóa học, khác với vụ vừa qua dùng bom thả bằng máy bay, Tổng Thống Barack Obama không tự ý sử dụng biện pháp quân sự mà xin ý kiến Quốc Hội và cơ quan lập pháp này không chấp thuận.

Cuối cùng, năm 2013, Mỹ và các nước đồng minh chỉ bằng biện pháp ngoại giao để buộc Syria phải thỏa thuận giao nạp toàn bộ vũ khí hóa học. Nhưng nếu như vụ oanh tạc làng Khan Sheikhoun vừa rồi là bằng bom hóa học, thì rõ ràng Syria không giao nạp hết kho vũ khí hóa học đúng theo thỏa hiệp với quốc tế.

Hành động ở Syria của ông Trump thể hiện được tính tích cực hơn phương cách đối phó của ông Obama, người mà ông vẫn thường xuyên phê phán và tìm cách xóa bỏ hoàn toàn mọi việc còn tồn tại từ chính quyền này. So sánh đầy đủ hơn, người ta thấy ông Trump đang cần có một hành động để chứng tỏ khả năng của mình sau nhiều việc làm vấp váp. Còn ông Obama tìm cách thoái thác sự can thiệp bằng cách bằng cách “đá trái banh” qua Quốc Hội.

Ông Obama không bao giờ muốn đưa nước Mỹ dính dáng vào cuộc chiến phức tạp ở Syria và người ta tin rằng ông Trump cũng sẽ dừng lại ở chỗ đó.

Trong lời phát biểu ngắn gọn chỉ 3 phút ở Mar-a-Lago, nơi ông vừa tiếp Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Thống Trump giải thích vụ oanh kích là “lợi ích cốt lõi về an ninh của nước Mỹ là ngăn ngừa và răn đe việc sử dụng rộng rãi các loại vũ khí hóa học.”

Cuộc oanh kích phi trường Shayrat được hai khu trục hạm từ ngoài khơi Địa Trung Hải thực hiện. Nhiều lần, từ chiến tranh vùng vịnh năm 1991 đến nay, các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn bình phi chứng tỏ rất thành công. Tuy vậy, hỏa tiễn Tomahawk chỉ mang được một lượng thuốc nổ tương đối nhỏ, không thể bằng máy bay chiến đấu. Nhưng nếu dùng đến máy bay chiến đấu hay lực lượng bộ chiến thì tổn thất nhân mạng cho quân Mỹ sẽ là điều không thể tránh được. Chưa có dấu hiệu gì cho thấy Tổng Thống Trump muốn tiếp tục chiến dịch quân sự loại ấy.

2-Mỹ muốn nhắm tới mục tiêu gì? Sử dụng hỏa tiễn Tonmahawk là sự lựa chọn dễ dàng và đơn giản nhất để đạt những mục đích có giới hạn nói trên, và chỉ tới thế thôi.

Ngoại Trưởng Rex Tillerson gọi cuộc oanh kích là phản ứng có chừng mực để trả lời cho Syria về sự vi phạm thỏa hiệp quốc tế. Mới tuần trước, ông nói rằng, quyết định số phận Assad là trách nhiệm của người dân Syria.

Theo lời bà Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, “loại bỏ quyền lực của Assad không phải là một mục tiêu ưu tiên bây giờ.”

Ông Sean Spicer cũng bày tỏ cùng quan điểm ấy khi nói rằng “cần phải chấp nhận thực tế chính trị trên diện địa.”

Những tuyên bố của các giới chức như vậy cho thấy chính quyền Trump không có ý can dự sâu hơn vào vụ khủng hoảng Syria và chưa có kế hoạch sẵn sàng nào trong lúc này.

3-Quyền hạn sử dụng quân lực Mỹ ở nước ngoài sẽ là một vấn đề tranh luận phức tạp. Tổng Thống Donald Trump cũng như những người tiền nhiệm nhiều lần cho tấn công vào một mục tiêu trên lãnh thổ quốc gia khác mà không cần sự chấp thuận của Quốc Hội. Tuy nhiên, hành động ấy phải có lý do và mục tiêu rõ ràng, đồng thời chỉ trong thời gian giới hạn. Mặc dầu hầu hết các nhà lập pháp ít nhiều tán thành ý nghĩa việc tấn công Syria bằng hỏa tiễn Tomahawk, nhưng nhiều người hoài nghi về tính cách pháp lý của hành động.

Thượng Nghị Sĩ Rand Paul (Cộng Hòa-Kentucky) nói là tổng thống cần thảo luận với Quốc Hội để được phép sử dụng quân lực theo quy định trong Hiến Pháp. Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) cho rằng hành động quân sự ở Syria chỉ hợp pháp nếu là để bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ, và tổng thống nên trình bày và giải thích cho Quốc Hội cùng dân chúng.

Bốn năm trước, ông Donald Trump đã tweet đi ý kiến giống như thế khi Tổng Thống Barack Obama muốn oanh kích Syria để trừng phạt việc dùng vũ khí hóa học.

Dân Biểu Nancy Pelosi (Dân Chủ-California), trưởng khối thiểu số Hạ Viện, đồng ý “oanh kích bằng hỏa tiễn Tomahawk là sự trả lời thích đáng có chừng mực cho chế độ Assad về việc dùng vũ khí hóa học.” Nhưng bà đề nghị Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan gọi các dân biểu đang nghỉ hè về họp thảo luận nếu chính quyền tiếp tục có những hành động quân sự khác.

Thượng Nghị Sĩ Mike Lee (Cộng Hòa-Utah) cho là Syria không đánh Mỹ, nên nếu tấn công vào Syria, tổng thống cần được sự chấp thuận của Quốc Hội.

Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) hoan nghênh cuộc oanh kích và không đòi hỏi cần thảo luận ở Quốc Hội. Năm 2013, ông là người bỏ phiếu chống đề nghị oanh kích của Tổng Thống Obama.

4-Sự kiện ông Donald Trump can thiệp ở Syria có lẽ là một hành động trái chủ trương không dính dáng nhiều vào thế giới, để dồn nỗ lực vào việc xây dựng lại nước Mỹ. Nhưng đó là lập luận thời tranh cử, bây giờ, ở vị trí tổng thống, ông phải đối diện với những thực tế hoàn toàn khác và có liên hệ ràng buộc lẫn nhau, thì sự chuyển đổi lập trường là cần thiết và hợp lý, đừng nên nhận định phê phán căn cứ trên những điều từ thời gian trước. Sau Syria, người ta sẽ dần dần hiểu rõ hơn phương hướng hành động của ông về mọi vấn đề từ đối ngoại, quân sự đến kinh tế, mậu dịch và di dân.

5-Theo Fox News, oanh kích Syria là sự nhắn gởi một tín hiệu mạnh mẽ cho Bắc Hàn, Trung Quốc và Nga. Đánh giá ấy có phần chủ quan và quá đơn giản. Mặc dầu lên tiếng phản đối mạnh mẽ, coi hành động này là “vi phạm trắng trợn công pháp quốc tế,” điện Kremlin không có phản ứng cụ thể gì khác hơn để gây thêm phức tạp cho mối quan hệ Mỹ-Nga đang được coi là trên bước dần dần cải thiện dưới chính quyền Donald Trump.

Đối với Bắc Hàn, từ trước đến nay, chưa có sự cảnh cáo hay biện pháp trừng phạt nào có hiệu quả làm thay đổi động thái của chế độ cộng sản độc tài cực kỳ khắt khe ấy. Còn nếu cho rằng đây là sự chứng tỏ Tổng Thống Trump sẽ thực thi lời cam kết đơn phương hành động nếu Bắc Kinh không triển khai thêm áp lực với Bắc Hàn, thì lập luận này là quá ngây thơ. Không phải dễ dàng để khích động giới lãnh đạo Bắc Kinh bằng một vài hành động giản dị như thế.

Hơn nữa, Chủ Tịch Tập Cận Bình đang ở Mar-a-Lago, Florida, cuộc thảo luận và những sự đồng ý giữa hai nhà lãnh đạo mới là chuyện quan trọng mà người ta sẽ hiểu rõ hơn trong ít ngày tới. Tân Hoa Xã hôm Thứ Sáu loan tin hai nhà lãnh đạo đồng ý cuộc tiếp cận đầu tiên này là “thân thiện, rất tích cực và có kết quả,” “hai nước cam kết sẽ mở rộng sự hợp tác có lợi ích hỗ tương và quản lý những xung khắc dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.”

Kết luận, việc tấn công bằng 59 hỏa tiễn Tomahawk vào mục tiêu duy nhất là phi đạo của một căn cứ không quân chỉ là một hành động mang tính tượng trưng. Nó tạo được điểm tốt cho Tổng Thống Donald Trump nhưng chưa có thành quả gì khác hơn. Tình hình cuộc nội chiến Syria sẽ không thay đổi, chính quyền Bashrar al-Assad vẫn tiếp tục được sự yểm trợ của Nga và Iran. Hành động ấy cũng không có ảnh hưởng gì tới cuộc chiến chống ISIS mà hiện nay Mỹ chưa có một chiến lược mới nào khác thời chính quyền Obama.

Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi đừng nên có sự leo thang quân sự, và tuyên bố: “Những biến cố như thế này chỉ củng cố thêm sự tin tưởng của tôi là không thể giải quyết cuộc xung đột ở Syria bằng cách nào khác hơn là giải pháp chính trị.”

MỚI CẬP NHẬT