Thursday, March 28, 2024

Chính sách ngoại giao của Trump sẽ ra sao?

Nguyễn Văn Khanh

Bảy ngày trước khi nhậm chức

Chính sách ngoại giao Hoa Kỳ đã thật sự định hình hay chưa?

Nếu nghe những phát biểu được Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump đưa ra trong suốt thời gian vận động tranh cử cũng như qua Twitter sau ngày chiến thắng, câu trả lời là chưa. Nếu dựa vào những câu trả lời của người được ông Trump chọn giữ chức ngoại trưởng, câu trả lời cũng là… chưa nốt. Chẳng những thế, những lời tuyên bố được đưa ra với công chúng cho thấy vị tổng thống tương lai của Hoa Kỳ và vị ngoại trưởng được ông đề cử có quan điểm khác biệt với nhau trong nhiều lãnh vực, từ đường hướng xây dựng quan hệ ngoại giao, kinh tế, chính trị cho tới nhân quyền.

Những điểm vừa nêu được thể hiện thật rõ ở buổi điều trần trước Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viên hôm Thứ Tư vừa rồi, khi ông Rex Tillerson bị các vị thượng nghị sĩ Cộng Hòa lẫn Dân Chủ liên tục chất vấn suốt chín tiếng đồng hồ. Các câu trả lời ông Tillerson đưa ra xác nhận suy nghĩ của ông và của ông Trump khác biệt nhau khá rõ, chẳng hạn như ông Trump không tin khí hậu toàn cầu đang thay đổi, ông Tillerson lại bảo mọi người phải tiếp tay để bảo vệ mặt đất và môi trường; ông Trump cam kết sẽ có biện pháp cứng rắn với người Hồi Giáo, kể cả những người đang sinh sống ở Mỹ, ông Tillerson lại phản đối ý kiến cấm cửa không cho người Hồi Giáo vào Mỹ định cư.

Ngoài ra, ông Tillerson cho biết ông không phản đối Hiệp Đinh Đối Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP), không muốn Nhật lẫn Nam Hàn có võ khí nguyên tử, trong khi vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ lại cam kết với cử tri “sẽ xé bỏ TPP ngay ngày đầu tiên tôi làm việc ở Tòa Bạch Ốc,” cũng như muốn hai đồng minh tại Đông Bắc Á có võ khí nguyên tử để tự bảo vệ an ninh quốc phòng, “không phải trông đợi vào sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.”

Ngay cả chuyện xây dựng quan hệ với Nga, quan điểm của ông Trump và vị ngoại trưởng tương lai cũng khác nhau. Ông Trump ngợi khen Tổng Thống Nga Vladimir Putin là “người thông minh, khôn khéo,” nhiều lần tỏ ý cho thấy sẵn sàng bắt tay với Nga thay cho “chiến lược đối đầu mà tổng thống đương nhiệm Barack Obama đang thực hiện,” trong khi, theo lời ông Tillerson, “Nga ngày nay là một mối hiểm nguy, nhưng đó là điều đoán trước được vì họ đang nỗ lực gia tăng quyền lợi. Họ (Nga) đã xâm lăng Ukraine, chiếm Crimea, ủng hộ lực lượng quân sự Syria, bất chấp việc lực lượng này đang vi phạm nghiêm trọng quy luật chiến tranh. Đồng minh NATO của chúng ta hoàn toàn đúng khi đề phòng sự trỗi dậy của nước Nga.”

Vị ngoại trưởng tương lai của nước Mỹ cũng nói rõ kể cả khi bắt tay với Nga vì quyền lợi chung, chẳng hạn như tiêu diệt khủng bố, chính phủ Hoa Kỳ “vẫn phai có thái độ cứng rắn để bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ và của đồng minh, phải cho Nga thấy Hoa Kỳ luôn luôn giữ đúng những lời đã hứa với các nước đồng minh, và Nga phải chịu trách nhiệm về các hành động của họ.”

Trong cuộc điều trần, ông Tillerson cho hay ủng hộ những điều lệ cấm vận mà Hoa Kỳ đang áp dụng với Nga, và sau khi nhậm chức “sẽ nghiên cứu thêm những biện pháp cấm vận, chế tài khác.” Ông cũng báo trước sẽ đề nghị viện trợ võ khí cho Ukraine để quân đội nước này có thể chống cự lại sự xâm lăng của Nga, nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ chiến lược đồng minh NATO, trong khi Tổng Thống Đắc Cử Trump dọa sẽ rút quân về nước nếu những quốc gia đồng minh “không đóng góp” cho công cuộc chung.

Giám đốc tình báo quốc gia bác bỏ việc tiết lộ hồ sơ mật về Trump

Ngay chuyện ông Trump thường sử dụng trang mạng xã hội Twitter để đưa ra những lời phát biểu thường bị chỉ trích là thiếu cân nhắc hoặc gây chấn động cũng được các vị thượng nghị sĩ Cộng Hòa nói tới, xem đó là một trở ngại cho ông Tillerson khi làm việc trong cương vị ngoại trưởng cường quốc mạnh và quan trọng nhất thế giới. Trả lời câu hỏi của Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Todd Young về khó khăn này, ông Tillerson nói rằng nếu điều đó xảy ra, cách giải quyết của ông là nói chuyện trực tiếp với ông Trump. “Tôi có số điện thoại di động của ông, ông hứa là khi nào tôi gọi, ông sẽ trả lời,” nhắc lại điều ông nói ngay từ phần đầu của buổi điều trần “tôi không ngần ngại nói những gì tôi nghĩ với tổng thống.”

Điều đó ít nhiều, giúp hầu hết các vị dân cử Cộng Hòa lẫn Dân Chủ thành viên Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viên an tâm. Nhưng với bà Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Jeanne Shaheen, thắc mắc lớn nhất vẫn là chính sách ngoại giao thời Tổng Thống Trump được hoạch định như thế nào, được thi hành ra sao. Lên tiếng ở phần cuối của buổi điều trần, bà Shaheen nói “điều tôi mừng là nghe ông nói tới những giá trị và những điều căn bản nước Mỹ phải bảo vệ, nhưng điều tôi lo lắng là rất nhiều điều ông trình bày hoàn toàn trái ngược với những gì ông Trump tuyên bố.” “Vì thế,” vị dân cử đại diện cho tiểu bang New Hampshire nêu câu hỏi “không biết những giá trị nào, những điều căn bản nào sẽ được tân chính phủ Trump bảo vệ?”

MỚI CẬP NHẬT