Thursday, April 25, 2024

Chuyện người phụ nữ trong án lệ phá thai Roe v. Wade

Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

Nhân vật chính trong án lệ mang tính cách lịch sử của Tối Cao Pháp Viện về quyền tự do phá thai – “Roe chống Wade” – bà Norma McCorvey, vừa qua đời hôm 18 Tháng Hai, ở tuổi 69.

Thật ra chẳng mấy ai biết đến cái tên Norma McCorvey, mà chỉ biết Jane Roe, biệt danh pháp lý của Norma trong vụ tranh tụng ấy.

Chào đời tại Louisiana năm 1947 rồi lớn lên ở Texas, cuộc đời bà Norma McCorvey có nhiều rắc rối và tội lỗi ngay từ thời niên thiếu. Lấy chồng năm 16 tuổi, nhưng chỉ ở chung được hai tháng, từ đó trở thành dân vô gia cư sống ngoài đường phố, ngủ chung với phụ nữ cũng như đàn ông rồi có mang. Norma làm mọi việc để kiếm sống và vướng mắc vào đủ mọi tệ trạng xã hội từ rượu đến ma túy.

Bà mẹ Norma bắt đứa con gái đầu tiên đem về nuôi, đứa con trai thứ nhì được ông bố nhận. Năm 1969, ở tuổi 22, Norma có bầu lần thứ ba và không muốn sinh con lần nữa. Nhưng luật tiểu bang Texas cấm phá thai trừ khi sinh mạng của người mẹ bị nguy hiểm. Norma không ở trường hợp ấy và không có tiền để đi Mexico phá thai hay nhờ một bác sĩ tư trợ giúp.

Bạn bè đề nghị Norma khai gian là bị cưỡng hiếp và như thế có thể được phép phá thai. Âm mưu này thất bại vì không có hồ sơ cảnh sát xác nhận việc ấy.

Đến khi dành dụm được đủ tiền để tìm tới một bệnh viện phá thai bất hợp pháp ở Dallas thì nơi này vừa bị cảnh sát khám phá và đóng cửa. Qua cửa sổ, Norma còn nhìn thấy những dụng cụ dơ bẩn, những con gián chạy khắp nơi trên sàn nhà đầy vết máu khô. Cái mà Norma cầu mong mà không thể có được là một bệnh viện phá thai đủ điều kiện vệ sinh.

Vào thời điểm này, Norma McCorvey gặp hai nữ luật sư, Sarah Weddington và Linda Coffee, cảm kích về ý muốn của họ về tranh đấu sửa đổi luật lệ phá thai ở Texas. Lúc đó, Norma mang cái thai trong bụng đã được năm tháng, và bằng cố gắng cuối cùng, Norma ký một bản khai có tuyên thệ trước tòa (affidavit) với hy vọng có một chánh án thông cảm cho phép phá. Nỗ lực không có kết quả, và hai nữ luật sư giúp Norma nạp đơn khởi tố tại tòa liên bang khu vực Bắc Texas. Nguyên đơn Norma dùng biệt danh là Jane Roe và bị cáo là Henry Wade, biện lý Dallas County, đại diện cho tiểu bang Texas.

Ngày 17 Tháng Sáu, 1970, hội đồng gồm ba chánh án tòa liên bang đồng thuận phán quyết luật của Texas là vi hiến vì vi phạm quyền riêng tư của nguyên đơn chiếu theo Tu Chính Án số 9 Hiến Pháp Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tòa từ chối ban hành án lệnh chống việc áp dụng luật Texas của cơ quan công lực. Cả hai bên đều kháng cáo, sự việc được đưa lên Tối Cao Pháp Viện và tới cuối năm 1971, cơ quan tư pháp này mới chấp nhận phân xử.

Qua giai đoạn kiện tụng kéo dài ấy, Norma đã sinh đứa con thứ ba và một lần nữa đem cho người khác làm con nuôi. Trong nỗi thất vọng và chán nản, Norma cũng chẳng quan tâm gì với vụ kiện Roe v. Wade nữa, không bao giờ ra khai trước tòa, và chỉ biết về phán quyết cuối cùng của Tối Cao Pháp Viện qua báo chí giống như mọi người khác.

Ngày 22 Tháng Giêng, 1973, chín thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, với số phiếu 7-2, ra phán quyết giải thích rằng: “Theo tinh thần Tu Chính Án số 14 Hiến Pháp Hoa Kỳ, người phụ nữ có quyền phá thai.”

Quyền này được dùng trong suốt thời gian mang thai, tuy nhiên, Tối Cao Pháp Viện lại cho phép các tiểu bang tùy nghi ấn định hạn kỳ, trong ba tháng đầu, tháng thứ hai hay tháng thứ ba, theo ý niệm là khi nào cái thai có khả năng tồn tại độc lập (viability).

Án lệ Roe v. Wade là đề tài gây tranh cãi và chia rẽ sâu xa trong xã hội Mỹ hơn 40 năm qua cho đến nay vẫn chưa dứt, và có thể là không bao giờ dứt.

Thăm dò dư luận của Gallup năm 2014 nói rằng 50% dân Mỹ tin phá thai là hợp pháp trong một số tình huống, 20% tin là hợp pháp trong mọi hoàn cảnh, và 21% cho là bất hợp pháp trong mọi trưởng hợp.

Những thăm dò khác cho biết số người tán thành bao giờ cũng cao hơn số phản đối án lệ Roe v. Wade, tuy nhiên, từ năm 1973 đến nay, mức chênh lệch giảm dần.

Rất nhiều yếu tố tác động đến quan niệm của người dân về việc phá thai bao gồm khoa học, chính trị, xã hội và đáng kể nhất là tín ngưỡng. Phái cấp tiến và các chính quyền Dân Chủ chấp nhận hoặc linh động dễ dãi trong khi phái bảo thủ, ảnh hưởng tôn giáo và các chính quyền Cộng Hòa với chừng mực khác nhau đều chống đối.

Mới đây, một thư luân lưu của tổ chức Kế Hoạch Hóa Gia Đình gởi đến các thành viên, nhắc nhở rằng sẽ có nhiều khó khăn và hạn chế dưới thời chính quyền Trump-Pence. Theo văn thư này, Tổng Thống Donald Trump có thể không có đường lối khắt khe lắm về phá thai, nhưng Phó Tổng thống Mike Pence là người đã có thành tích chống quyền của phụ nữ từ thời làm thống đốc Indiana. Thêm nữa, có nhiều phần tử cực đoan trong Quốc Hội do đảng Cộng Hòa nắm đa số sẽ tìm cách gây khó khăn.

Điểm nên biết là cá nhân Norma McCorvey, biệt danh Jane Roe, chẳng giải quyết được gì với án lệ của Tối Cao Pháp Viện, nhưng người phụ nữ này bỗng nhiên bị nhiều người thù ghét. Trong thập niên 1980, Norma tìm được việc làm ở một bệnh viện phá thai hợp pháp tại Dallas, thường xuyên đối diện với những người biểu tình chống phá thai gọi bà là kẻ giết con trẻ. Các thân chủ của bệnh viện cũng chẳng coi bà là bạn vì không ai bận tâm nghĩ tới hoàn cảnh khó khăn khốn khổ của Norma ngày trước. Norma McCorvey trước sau vẫn là con người cô đơn.

Với tâm trạng không bình an ấy, năm 1995 Norma đảo ngược quan điểm sau lần đến nhà thờ xưng tội với một mục sư. Từ người ủng hộ quyền tự do phá thai, Norma McCorvey trở thành nhà hoạt động chống phá thai. Bà tham gia các cuộc vận động tranh cử chống lại ứng cử viên Barack Obama và điều trần trước Quốc Hội bênh vực việc cấm phá thai.

Trong nhiều năm, bà McCorvey sống chung với một phụ nữ đồng tính, rồi sau đó, bà cải đạo từ Tin Lành sang Công Giáo và từ bỏ đồng tính luyến ái. Bà McCorvey cũng viết sách, cuốn tự truyện “Tôi Là Roe,” và tham gia một số công tác từ thiện.

Theo nhận định của ông Flip Benham, mục sư đã giải tội cho Norma McCorvey, thì thật ra người phụ nữ này chẳng có một lý tưởng hay mục tiêu cao xa nào hết. Bà chỉ là người dân đường phố, bị hoàn cảnh đưa đẩy chứ không chủ động, để kiếm sống thì có thể chấp nhận trả lời phỏng vấn, quảng cáo cho một chuyện gì đó, và cũng như sẵn sàng làm bất cứ việc gì khác miễn là có tiền.

Bây giờ thì cả hai nhân vật chính trong vụ án Roe chống Wade đều đã về bên kia thế giới.

Ông Henry Wade chết năm 2001 vì bệnh Parkinson.

Bà Norma McCorvey qua đời vì chứng trụy tim ở Katy, một thành phố trong vùng đại đô thị Houston-The Woodlands-Sugar Land, Texas.

Không vì ý muốn, giống như cuộc đời của mình, bà McCorvey để lại cho hậu thế cái án lệ sẽ còn gây nhiều mâu thuẫn lâu dài trong xã hội Mỹ.

MỚI CẬP NHẬT