Thursday, April 18, 2024

Mosul, trận chiến trăm năm

Hùng Tâm/Người Việt

Thảm kịch của Mosul cũng là thảm kịch của Iraq và Trung Đông

Hai giờ sáng ngày Thứ Hai, 17 Tháng Mười, giờ địa phương, thủ tướng Iraq là Haider al-Abadi loan báo trên truyền hình quốc gia rằng chiến dịch Mosul đã bắt đầu. Xuất hiện bên tướng lãnh của Lực Lượng An Ninh Iraq (Iraqi Security Forces), ông nhắn gửi cư dân của Mosul, từ hai triệu tư nay chỉ còn 700 ngàn người, rằng nhờ Thượng Đế, họ sẽ được giải phóng để từ nay sống chung trong hòa bình, với lòng bác ái và hợp tác bình đẳng giữa mọi sắc tộc và giáo phái.

Ước nguyện đó cho Mosul là điều trái cựa không chỉ vì thành phố lịch sử này đã bị lực lượng khủng bố xưng danh Nhà Nước Hồi Giáo ISIS chiếm đóng và tàn phá từ ngày 10 Tháng Sáu, 2014. Số phận Mosul, thành phố quan trọng thứ nhì của Iraq sau Baghdad và có nhiều tài nguyên kể cả dầu khí, tóm lược bi kịch trăm năm của Iraq và của toàn khu vực Trung Đông. Nếu có được giải phóng, Mosul sẽ tái ngộ thảm kịch làm thời sự lại tóe máu.

Hồ sơ Người Việt sẽ tìm hiểu tại sao, như một bối cảnh của những bất ổn đã qua, và sẽ tới…

Một quốc gia giả tạo

Sau Thế Chiến I (1914-1918) và trên đà tan rã của Đế Quốc Ottoman thành hình từ năm 1299, quốc gia Iraq tuyên bố độc lập vào một năm Nhâm Thân cách nay 84 năm, năm 1932.

Sau đó là một chuỗi dài đảo chánh và nội chiến giữa các lãnh tụ Ả Rập tại Baghdad với sắc dân Kurd và sự xuất hiện của đảng Baath của dân Ả Rập thuộc hệ phái Sunni, theo khuynh hướng thế quyền và thân Liên Xô. Tình hình chỉ tạm “ổn định” – trong ngoặc kép – khi Saddam Hussein nắm quyền từ năm 1979. Tình trạng ổn định ấy bao trùm lên tám năm chinh chiến với Iran (1980-1988) làm đôi bên chết hơn triệu người và những cuộc tàn sát hay đàn áp người Iraq theo hệ phái Shia, người Kurd và mọi đối thủ chính trị của Saddam. Khi Liên Xô tan rã, Saddam còn đưa quân chiếm đóng Kuweit vào năm 1990 và bị Hoa Kỳ đẩy lui năm 1991.

Lần thứ nhì nước Mỹ vào Iraq là năm 2003, sau vụ khủng bố 9-11 năm 2001, lần này, chế độ Saddam Hussein sụp đổ. Nhiều người Mỹ chỉ mơ hồ biết Iraq là từ thời điểm 1991 nhưng ít biết rằng bên trong xứ này đã có nhiều vụ tàn sát, kể cả nội chiến giữa dân Kurd với nhau từ năm 1994 đến 1997. Tổng kết lại, 24 năm của thời đại Saddam (2003-1979) lại có vẻ ổn định nhất! Vì sau đó, quốc gia Iraq tan tành và chiến cuộc lan rộng khắp Trung Đông cho tới khi tổ chức ISIS xuất hiện năm 2014.

Mosul kết tụ những mâu thuẫn đẫm máu đó.

Vì những ước tính sai lầm về tình báo như nhiều quốc gia khác, Chính quyền George W. Bush khai mở chiến dịch Iraq từ năm 2003 để ngăn ngừa việc Saddam sử dụng và phổ biến võ khí tàn sát. Nhưng sau khi lật đổ chế độ độc tài và hiếu sát này thì Hoa Kỳ đổi mục tiêu: xây dựng dân chủ cho một vùng đa chủng tộc đã tồn tại nhờ ách độc tài. Ước mơ dân chủ kết tinh vào bản Hiến pháp do Hoa Kỳ góp phần soạn thảo với lời mở đầu là “Dân tộc Iraq chúng tôi sẽ chấp hành chế độ pháp quyền, sẽ thiết lập nền công lý và bình đẳng, và từ bỏ mọi chánh sách xâm lược…”

Năm 2005, bản Hiến Pháp được 79% dân chúng Iraq chấp nhận, báo chí lạc quan tường thuật như vậy. Sự thật thì chỉ có thành phần Shia và Kurd đồng ý, chứ đa số dân Iraq theo hệ phái Sunni lại chống, kể cả tỉnh Nineveh và thủ phủ là Mosul (55% chống). Tỉnh Anbar kế cận thì chống tới 96%, đây là nơi xuất hiện phong trào gây chiến và dẫn tới sự hình thành của “Nhà Nước Hồi Giáo Iraq.”

Tức là quốc gia Iraq có ba thành phần rất khó và không muốn sống chung: Sunni, Shia và Kurd. Chế độ Saddam Hussein đóng đai ba thành phần đó làm một, dưới sự cai trị của đảng Baath và người Sunni. Sau Saddam, cái đai bị đánh bung, dân Shia được Iran yểm trợ thì giết dân Sunni để trả thù trong khi dân Kurd muốn ly khai để thành lập một quốc gia thống nhất của người Kurd tại Iraq, Syria, và Turkey, rồi tổ chức ISIS xuất hiện.

Lần này, trong chiến dịch giải phóng Mosul khỏi sự chiếm đóng của ISIS, lực lượng an ninh Iraq là ISF giương cờ lãnh đạo, nhưng chiến đấu kịch liệt nhất là Lực lượng Dân quân Peshmerga của người Kurd. Và đằng sau là sự yểm trợ của Hoa Kỳ mà vẫn bị cột tay vì chỉ giữ vai trò cố vấn.

Mời độc giả xem video Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 19 tháng 10 năm 2016

Nhưng mầm tai họa tại Mosul thì vẫn còn nguyên vẹn:

1)ISIS kiểm soát được Mosul là nhờ một số người Sunni chưa từng quên họ là nạn nhân của dân Shia và Kurd sau khi Saddam bị lật đổ; 2) ISIS không dễ dàng tháo chạy mà đã chuẩn bị chiến tranh du kích ngay trong thành phố; 3) trong khi chính quyền Iraq tại Baghdad quy định rằng chỉ có lực lượng ISF là có thẩm quyền tiến vào Mosul; 4) dù lực lượng này không có khả năng quân sự; 5) chung quanh còn có xứ Turkey theo hệ phái Sunni và Iran theo hệ phái Shia cũng công khai hay kín đáo can thiệp vào Mosul; 6) và liên bang Nga cùng chế độ Bashar al-Assad tại Damascus của xứ Syria cũng chòm chõm theo dõi như cú dòm nhà ma, xem liên quân quốc tế giải quyết vụ ISIS ra sao…

Vì vậy, Mosul sẽ tắm máu mà sau đó vẫn là xung đột giữa các sắc tộc, hệ phái và cường quốc lân bang.

Nếu chỉ xung đột về chính trị thì là điều may, nhưng hơi khó. Xung đột chính trị thì đã xảy ra trên cấp độ toàn quốc khi Thủ Tướng al-Abadi quyết định bãi chức ba phó tổng thống thuộc các hệ phái và chủng tộc thiểu số. Quyết định ấy vào năm 2015 đã bị Tối Cao Pháp Viện Iraq bác bỏ vào tuần qua. Hãy tưởng tượng đến chính trường hay hội đồng hàng tỉnh của Mosul trong tương lai.

Thật ra, thảm kịch của Mosul đã khởi sự sớm hơn và chưa có thể kết thúc.

Mosul là của những ai?

Mọi chuyện của Iraq có thể khởi sự từ Mosul, không, từ thành phố Lausanne của Thụy Sĩ vào năm… 1922.

Năm đó, Đế Quốc Ottoman đã tan rã vì đứng cùng phe Áo-Phổ trong Thế Chiến I. Các nước đồng minh chiến thắng liền cùng nhau làm thịt – chia vùng – khu vực cai trị của Ottoman. Là cường quốc kế thừa di sản thu hẹp của đế quốc đã tiêu vong, xứ Turkey dưới sự lãnh đạo của Mustafa Kemal Attaturk cố gắng giữ lại cho mình từng phần đất đang bị xé vụn, và kịch liệt tranh đấu chống lại âm mưu của các cường quốc Âu Châu, dẫn đầu là Đế Quốc Anh.

Do thành quả của các nước Âu Châu, Thỏa Ước Thành Sèvres năm 1920 chính thức chia lại lãnh thổ của Đế Quốc Ottoman cho các cường quốc thắng trận lẫn các sắc dân Hy Lạp, Kurd và Armenia. Năm 1922, Mustafa Kemal phái Ngoại Trưởng Mustafa Ismet Pasha tới Lausanne để đàm phán lại với ngoại trưởng Anh là Lord George Nathaniel Curzon việc vẽ lại bản đồ khu vực, và đòi giữ Mosul trong lãnh thổ của Turkey nằm tại hướng Bắc. Quan điểm của Anh là vì sao Mosul có đa số là dân Ả Rập lại thuộc về xứ Turkey của dân Thổ? Quan điểm của Mustafa Kemal là Turkey hết còn là một đế quốc mà chỉ là một quốc gia không có tham vọng xâm lược và dân Thổ cùng người Ả Rập đã từng chung sống với nhau trong nhiều thế kỷ.

Cuộc tranh luận tại Lausanne kéo dài mà không kết quả: Thỏa Ước Lausanne năm 1923 ngả theo quan điểm của Anh, sau này được tiền thân của Liên Hiệp Quốc là Hội Quốc Liên xác nhận năm 1926. Turkey không giữ nổi Mosul mà chỉ được một ít đền bù về kinh tế.

Cho tới ngày nay, Turkey vẫn coi Mosul thuộc xứ Iraq là khu vực mà mình phải kiểm soát vì có dân theo hệ phái Sunni như mình, lại có dân Kurd cứ đòi ly khai và dân Shia được cường quốc đối thủ là Iran yểm trợ. Khi Iraq bị khủng hoảng từ năm 2003 và Iran bành trướng thế lực cùng sự xuất hiện của ISIS, Turkey bèn trực tiếp can thiệp vào Mosul.

Thủ Tướng al-Abadi của Iraq nhiều lần lên tiếng rằng Turkey phải rút quân và tránh xâm phạm lãnh thổ Iraq. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Turkey không chỉ gác qua một bên lời phản kháng của Thủ Tướng al-Abadi. Ông công khai thách thức quan điểm của Iraq và hôm 17 vừa qua còn nói thẳng trên đài truyền hình Hurriyet, rằng “Vì sao chúng tôi không được vào Mosul? Không ai nên mơ tưởng là chúng tôi sẽ rút!” Mấy ai hiểu nổi những mâu thuẫn đa diện như vậy?

Một cách cụ thể thì lực lượng ISF của Iraq làm được gì nếu dân quân Shia do Iran yểm trợ sẽ vào đe dọa dân Sunni tại Mosul? Và Turkey nhân đó đưa dân quân người Thổ vào bảo vệ dân Thổ đang bị bao vây tứ bề tại Mosul thì Iraq nói sao và làm được gì?

Hóa ra thành phố Mosul còn là địa bàn tranh chấp giữa Cộng Hòa Hồi Giáo Iran thuộc sắc tộc Ba Tư theo hệ phái Shiite và xứ Turkey thuộc sắc dân Thổ, theo hệ phái Sunni cũng của Hồi Giáo. Ở giữa thì có dân Kurd cũng theo Hồi Giáo, nhưng phân nửa muốn liên kết với Turkey, phân nửa thì đòi ly khai để lập ra một quốc gia thống nhất với người Kurd tại Syria, Iraq, Turkey…! Sự xuất hiện của các lực lượng khủng bố Hồi Giáo như al-Qeada hay ISIS phải được đặt trong bối cảnh sâu xa và phức tạp này của địa dư và lịch sử.

Kết luận ở đây là gì?

Nền văn minh Hồi Giáo đang bị khủng hoảng. Các nước Hồi Giáo không nói chuyện về văn minh văn hóa sâu xa như vậy mà phải ưu lo cho sự toàn vẹn lãnh thổ. Mosul nằm ở nếp gấp giữa nhiều quốc gia, hệ phái hay sắc tộc và không thể có điều kiện gieo mầm dân chủ hoặc sống chung trong tình bác ái. Súng sẽ còn nổ, máu sẽ còn đổ, nhưng Mosul không được nhắc tới trong cuộc tranh luận của cuộc tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ. Chuyện quá xa và không ăn phiếu.

MỚI CẬP NHẬT