Friday, April 19, 2024

Thành lũy Vladimir Putin

Hùng Tâm/Người Việt 

Lãnh tụ Nga cố thủ và bành trướng, tại sao?

Với truyền thông Hoa Kỳ, việc ứng cử viên Donald Trump lại vừa cải tổ ban tranh cử khi bổ nhiệm thêm hai người khác mới là biến cố đáng chú ý. Nó cho thấy những khó khăn của một nhân vật vừa lên tới đỉnh sau Ðại Hội Cộng Hòa thì tuột dốc vì lối phát ngôn thiếu suy nghĩ và nội dung thiếu tập trung của chương trình tranh cử. Nhìn ra ngoài, cũng truyền thông Hoa Kỳ loan tin Liên Bang Nga đã lần đầu tiên kể từ năm 1979 trực tiếp hợp tác với Iran khi sử dụng căn cứ Không Quân Hamedan tại vùng Tây Bắc xứ này cho phi vụ không tập của oanh tạc cơ Tu-22M3 Backfire trên chiến trường Syria và cản trở nỗ lực của Hoa Kỳ tại Trung Ðông.

Biến cố ấy khiến nhiều người bình luận là trong khi Hoa Kỳ còn lúng túng với cuộc tranh cử quá lạ kỳ và Tổng Thống Barack Obama đang trau chuốt di sản của mình trước khi ra về thì một đối thủ là Tổng Thống Vladimir Putin cứ lừng lững đi lên và bành trướng ảnh hưởng của Liên Bang Nga. Sự thật lại không đơn giản như vậy. Kỳ này, hồ sơ Người Việt trình bày bối cảnh của những động thái chính trị của Vladimir Putin.

Cuộc thanh trừng của Putin

Tuần qua, tổng thống Nga đã lấy những quyết định gây kinh ngạc cho giới quan sát. Ông giải nhiệm và cho xuống cấp nhân vật thân tín nhất của mình là Sergei Ivanov. Báo chí Mỹ dịch sai chức vụ của Ivanov là chánh văn phòng. Thật ra, Ivanov là kẻ thân cận, là đổng lý văn phòng với trọng trách của một bộ trưởng Phủ Tổng Thống.

Cùng lúc đó, một nhân vật thần thế thứ hai của Putin là chủ tịch tập đoàn năng lượng quốc doanh Rosneft là Igor Sechin cũng bị thuyên chuyển. Báo chí Mỹ giới thiệu sai nhân vật này và giải thích nguyên do là tình hình tài chánh sa sút của Rosneft. Thật ra, xuất thân từ lò St. Petersburg dưới trướng Putin, Igor Sechin có quan hệ gắn bó với hệ thống mật vụ FSB, tương tự như cơ quan FBI của Hoa Kỳ, và là khuôn mặt tiêu biểu của “cánh an ninh” siloviki trong hệ thống quyền lực Putin. Cầm đầu Rosneft, Sechin là cánh tay nối dài của FSB thọc vào lãnh vực kinh doanh để cân bằng quyền lực của “cánh tài phiệt.” Và cả Ivanov lẫn Sechin đều thuộc về cánh siloviki, rất có thế lực trong bộ máy an ninh và quân đội.

Vài tuần trước, Putin còn cách chức ba tổng trấn và chỉ định ba cận vệ của mình lên thay! Ðưa cận vệ vào vị trí tổng trấn các tỉnh đã là điều lạ. Giải nhiệm hai nhân vật thân tín nhất của mình trong cánh an ninh là điều còn lạ hơn nữa.

Nếu theo dõi, ta còn thấy là từ Tháng Tư, Putin đã mời nguyên Bộ Trưởng Tài Chánh Alexei Kudrin vào ban tham mưu kinh tế của mình. Là chuyên gia kinh tế có uy tín, theo xu hướng thị trường và đã tiến hành cải cách khi làm tổng trưởng từ năm 2000 đến 2011, Kudrin đem lại hy vọng cho quần chúng và phe chủ trương cải cách sau khi kinh tế bị khủng hoảng vì dầu thô sụt giá từ năm 2014. Trước khi trở lại cộng tác với Putin trong vai trò phó chủ tịch Hội Ðồng Kinh Tế, Kudrin có nêu điều kiện về chính trị, chứ không nhất thiết cúi đầu xin ghế, lại còn đề nghị chánh sách yểm trợ đầu tư của tư doanh loại vừa và nhỏ để tìm đà phát triển và phải cải cách hệ thống luật lệ để khai thông ách tắc. Không nói ra, Putin thực tế tiến hành các đề nghị đó của Alexei Kudrin.

Tức là có chuyện gì đó đang xảy ra trong hệ thống quyền lực của Putin.

Ông giảm bớt ảnh hưởng của cánh siloviki có chủ trương quốc gia dân tộc rất mạnh, chấp nhận nhiều biện pháp cải cách có thể gây thiệt hại cho cánh tài phiệt, các tỷ phú đã làm giàu trong nền kinh tế nhuốm mùi tư bản nhà nước nhưng trung thành với cá nhân tổng thống, và ông mời các chuyên gia vào giải quyết hồ sơ nóng nhất của quốc gia, là kinh tế. Trong khi đó, Putin vẫn tập trung quyền lực vào trong tay để không phe nhóm nào có thể suy nghĩ về kỷ nguyên “hậu Putin.” Khi đó, ta cần nhớ là trong tháng tới, Liên Bang Nga sẽ bầu lại Thượng Viện là Hội Ðồng Liên Bang, và qua năm 2018, cử tri sẽ bầu lại tổng thống.

Bành trướng ảnh hưởng

Ra khỏi khu vực nội chính, Vladimir Putin cũng đã có ba động thái bất ngờ, ngoài việc hợp tác với Iran để bảo vệ chế độ Bashar al-Assad tại Syria. Trước hết là gây hấn tại Ukraine.

Liên Bang Nga tri hô là lực lượng đặc biệt của Ukraine tấn công bán đảo Crimea do Nga kiểm soát và lấy đó làm lý cớ đưa hỏa tiễn địa-không loại S-400 vào Crimea. Với tầm xa là 400 cây số, hỏa tiễn S-400 có thế bắn vào rất sâu trong lãnh thổ Ukraine, trong khi đó còn có tin là Nga đã đưa một lữ đoàn tác chiến vào vùng biên giới với Ukraine, nơi đang có những đơn vị thân Nga và chống Ukraine hoạt động. Tức là trong khi Liên Hiệp Âu Châu còn phải xoay trở với khủng hoảng nội bộ vì nạn khủng bố, di dân và việc Vương Quốc Anh đòi ly khai thì Putin đưa pháo sang sông. Các thủ đô Âu Châu đều lúng túng và chính quyền Ukraine tại Kyiv (Kiev là tên gọi bằng tiếng Nga) rơi vào thế kẹt, dân Ukraine chuẩn bị toàn quốc kháng chiến.

Biến cố thứ hai thì liên quan đến Hoa Kỳ. Putin vừa gặp Tổng Thống Recep Tayyip Erdogan của Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ Turkey để hàn gắn mâu thuẫn Nga-Thổ sau khi Thổ bắn hạ hai máy bay của Nga vào năm ngoái. Ngay sau khi hội kiến Erdogan tại Moscow, Putin điện thoại cho Tổng Thống Serzh Sargsyan của Cộng Hòa Armenia để báo tin buồn: Nga yêu cầu Armenia trao trả một phần của khu vực tự trị Nagorno-Karabakh cho Cộng Hòa Azerbaijan.

Truyền thông Mỹ ít theo dõi chuyện này nên nhiều người không hiểu rằng Armenia là đồng minh chí thiết của Nga, là cựu thù của xứ Thổ Turkey vì vụ dân Thổ đã tàn sát một triệu rưỡi người Armenia vào năm 1915 (vụ “diệt chủng Amenia”) và tranh chấp chủ quyền với Azerbaijan vì khu vực Nagorno-Karabakh. Bây giờ, vì muốn cải thiện quan hệ với Turkey, thành viên của Minh Ước NATO và cột trụ tại khu vực Trung Ðông với cuộc nội chiến Syria và sự hiện hữu của tổ chức khủng bố ISIL, Putin bỏ rơi một đồng minh cố cựu là Armenia. Trong khi đó, chưa ai biết Erdogan đã đáp lễ Putin theo kiểu gì. Chỉ thấy quan hệ giữa Mỹ-Thổ thêm căng thẳng sau vụ đảo chánh hụt vào tháng trước, và nhiều chính khách Mỹ nêu vấn đề về vai trò của xứ Thổ trong Minh Ước NATO, hay trong cuộc chiến chống khủng bố ISIL.

Ai cũng nghĩ như các bình luận gia Mỹ rằng Putin đang bành trướng ảnh hưởng vào Trung Ðông qua việc hợp tác với Iran và Turkey.

Sự thật lại không hẳn như vậy. Liên Bang Nga có thả quân vào Syria từ năm ngoái, nhiều hơn lính Mỹ, và nay có thêm căn cứ không quân của Iran để từ đó bay thẳng vào Syria qua con đường ngắn hơn. Nhưng Hoa Kỳ có căn cứ Không Quân Incirlik trên lãnh thổ của Turkey và Bộ Chỉ Huy Ðệ Ngũ Hạm Ðội tại Bahrain. Và trong toàn vùng, Hoa Kỳ vẫn có nhiều tiền trạm tại cả chục nước Hồi Giáo, kể cả xứ Saudi Arabia, một cường quốc đối thủ của các giáo chủ Iran.

Cái “hơn” của Putin là cho thấy quyết tâm để thuyết phục các đồng minh trong khi Chính quyền Obama thì chỉ muốn vừa đánh vừa đàm làm các đồng minh phân vân do dự. Nhưng thật ra, cái kém và mối nguy của Putin cũng nằm trong những biến động vừa qua…

Nhược điểm của Putin

Tổng Thống Putin vừa thanh lọc hàng ngũ trong trung tâm quyền lực và củng cố ảnh hưởng trên hệ thống lãnh đạo hàng tỉnh. Ðối ngoại, ông nhượng bộ nhiều đối thủ và hy sinh cả đồng minh rồi gây hấn tại Ukraine. Ai cũng có thể thấy ra quyết tâm hay ý chí của ông, và nhắc tới đặc tính độc tài của người có quá nhiều quyền hạn. Tính chất “hợp lý” ấy được truyền thông Hoa Kỳ nhắc nhở, luôn tiện so sánh cá tánh của Putin với những phát biểu của Donald Trump.

Thật ra, ông Trump chẳng có toàn quyền và nếu đắc cử thì vẫn phải thỏa hiệp với Lập pháp và bị Tối Cao Pháp Viện chi phối. Sáng kiến “xây tường” với Mexico không có hy vọng vì phải qua cơ chế cho phép chi tiền là Hạ Viện, những sáng kiến độc đáo kia cũng thế, sẽ còn gây tranh luận và chưa chắc đã thành hình. Nếu như ông thắng cử, với chữ Nếu vĩ đại.

Putin không bị kẹt như vậy, nhưng ông vẫn lãnh đạo một quốc gia dân chủ nửa vời nên sẽ phải ra tái tranh cử. Và dù được 80% quần chúng ủng hộ, ông vẫn không thể giải quyết được một vấn đề thuộc thẩm quyền của mình mà vẫn vượt tầm tay: kinh tế Nga chưa ra khỏi tình trạng lệ thuộc vào xuất cảng loại sản phẩm đang mất giá trên thị trường là dầu khí, nguyên nhiên vật liệu.

Vài tháng nữa, ông kỷ niệm 100 năm cuộc Cách Mạng Tháng Mười của nước Nga vào năm 1917 với thông điệp gì? Sự vĩ đại của Chủ Nghĩa Cộng Sản Xô Viết hay Chủ Nghĩa Dân Tộc Nga La Tư?

Khi cố khôi phục ảnh hưởng đã mất của Liên Xô, Putin tiến vào Georgia năm 2008 và Ukraine năm 2014 và vừa gây thêm khủng hoảng tại Ukraine mà chẳng đạt thêm thắng lợi nào, ngoài cái tiếng là người hùng. Quần chúng có thể tạm quên nạn đói khi thấy an ninh quốc gia bị đe dọa, nhưng an ninh quốc gia theo kiểu Putin là xây thêm vùng trái độn quân sự ngoài biên vực thì chẳng tiến thêm một bước. Quân đội Nga chưa có khả năng đó và việc chiếm đóng để “ổn định” Ukraine là cơn ác mộng tương tự như vụ phiêu lưu vào Afghanistan năm 1979.

Vì vậy, quần chúng có thể thất vọng. Nhưng điều ấy không quan trọng bằng tâm lý của các phần tử ưu tú trong chính trường và ngoài thị trường.

Trong chính trường, chưa ai dám manh nha nghĩ khác, nhưng Putin vẫn sợ. Vì các tài phiệt mất tiền trên thị trường thì có thể mất niềm tin. Thành phần ưu lo cho an ninh và cánh siloviki thì không quên rằng họ thất vọng với Tổng Thống Boris Yeltsin mà đưa Putin lên cầm quyền từ năm 1999 rồi lãnh đạo từ năm 2000 đến nay. Trong nội bộ hai thành phần cột trụ của hệ thống Putin, các nhân vật đều thường xuyên tranh đoạt quyền lực và ảnh hưởng với nhau nhưng cùng chấp nhận vai trò cần thiết của Putin. Nếu ông không làm nên việc thì chuyện chỉnh lý có thể tái diễn. Chưa ai nghĩ đến kịch bản đó, trừ Putin!

Chính là sự sợ hãi và quyết định “tiên hạ thủ” của ông mới làm các nhân vật quyền thế kia hãi sợ. Họ sẽ có phản ứng tự vệ rất chính đáng!

Kết luận ở đây là gì?

Putin hay Tập Cận Bình không thể tạo ra phép lạ kinh tế. Chế độ độc tài cho phép họ tập trung quyền lực vào trong tay, nhưng càng tập trung càng gánh thêm loại trách nhiệm không có giải pháp. Thanh trừng nội bộ là kết quả!

Nếu Putin không hoàn tất nhiệm kỳ trước mùa tái tranh cử vào năm 2018 thì ta đừng ngạc nhiên.

MỚI CẬP NHẬT