Thursday, April 18, 2024

Tổng Thống Trump vừa làm trái đất nóng thêm?

Hà Tường Cát/Người Việt

Câu trả lời là: Không, hoặc đúng hơn, chưa phải như vậy. Những chuyển biến trên trái đất diễn tiến từ từ qua một thời gian rất dài, không xảy ra nhanh chóng ngay trong thời đại của chúng ta.

Cần phải nhìn chuyện Mỹ rút khỏi thỏa hiệp quốc tế Paris về khí hậu trên tất cả các khía cạnh phức tạp liên quan đến nhiều lãnh vực từ khoa học đến chính trị, kinh tế và đạo lý.

Tại sao lo ngại trái đất nóng dần?

Căn cứ trên dữ kiện thống kê qua hàng thế kỷ, người ta nhận thấy nhiệt độ trung bình trên trái đất đang tăng dần theo thời gian. Nên chú ý rằng sự gia tăng ấy không phải là đột ngột và nhiều lắm, chỉ một vài độ trong hàng chục năm, nhưng hậu quả sẽ là những chuyển biến rất lớn lao ảnh hưởng đến sự sống của nhân loại như mực nước biển dâng cao vì lớp băng ở hai cực tan dần, và thiên tai bão lụt thường xuyên xảy ra.

Nghiên cứu khoa học cho biết khí hậu Ðịa Cầu ấm dần là do khí carbonic CO2 tập trung thành một vòng đai trên khí quyển, tạo tác động tương tự như lớp kính của một nhà ươm cây. ngăn chặn nhiệt năng của bức xạ ánh sáng Mặt Trời từ mặt đất thoát ra ngoài không gian, “Khí nhà kính” tăng nhanh vì khí thải công nghiệp phát sinh trong việc đốt năng lượng hóa thạch, than đá và dầu khí ngày càng nhiều từ khi thế giới phát triển kỹ nghệ. Ðúng nửa thế kỷ trước thỏa hiệp Paris, năm 1965, các nhà nghiên cứu khoa học đã trình lên Tổng Thống Lyndon B. Johnson bản báo cáo đầu tiên, cảnh giác về nguy cơ nhân loại đốt quá nhiều năng lượng hóa thạch.

Giới khoa học hiện nay đều đồng thuận rằng sinh hoạt của con người là nguyên nhân quan trọng nhất gây nên tình trạng Trái Ðất ấm dần, vì vậy cần hạn chế hay sửa đổi một số hoạt động công kỹ nghệ. Tuy vậy vì nhiều lý do này khác, vẫn còn những người tranh cãi không đồng ý với kết luận khoa học ấy và cho rằng mọi biến chuyển của Trái Ðất qua hàng triệu năm là theo chu trình tự nhiên ngoài khả năng can thiệp của con người.

Thăm dò dư luận cho biết chỉ có 48% dân Mỹ hiểu về biến chuyển khí hậu và tin đó là hậu quả do từ con người. Tổng Thống Trump, giám đốc cơ quan bảo vệ môi trường EPA Scott Pruitt và nhiều người Cộng Hòa đứng về phía đa số chưa tin kết luận của các nhà khoa học. Như vậy khi quyết định để Mỹ rút khỏi hiệp định khí hậu Paris, Tổng Thống Trump chắc chắn không tin rằng mình là người làm cho Trái Ðất nóng thêm.

Thỏa thuận quốc tế tại Paris năm 2015

Thỏa hiệp Paris là thành quả của hơn 20 năm thương lượng gay go giữa các nước, qua rất nhiều cuộc thảo luận quốc tế từ hội nghị thượng đỉnh địa cầu ở Rio de Janeiro năm 1992 rồi tiếp theo là các hội nghị Kyoto, Nhật; Copenhagen, Ðan Mạch; Cancun, Mexico… Tổng Thống Barack Obama, ông tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và Liên Âu đóng vai trò chủ động để đi đến thỏa thuận quốc tế ở Paris cuối năm 2015 sau khi đã thuyết phục được sự tán đồng của gần 200 nước trong đó có Trung Quốc, nước đứng đầu về khí thải gây ô nhiễm môi trường. Ông Obama nhìn nhận rằng thỏa hiệp còn nhiều khiếm khuyết sẽ cần phải điều chỉnh trong tương lai, nhưng “đây là cơ hội tốt nhất để cứu vãn hành tinh của chúng ta.”

Các quốc gia tham gia thỏa hiệp Paris chấp thuận giảm bớt lượng khí thải càng sớm càng tốt và đạt tới một giới hạn ấn định vào nửa sau của thế kỷ 21, để giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C và nỗ lực hạ mức này xuống dưới 1.5 độ C. Các quốc gia kỹ nghệ giầu mạnh hứa hẹn từ năm 2020 cung cấp $100 tỷ mỗi năm cho các nước đang phát triển để thực thi thỏa hiệp và cam kết tiếp tục hỗ trợ trong tương lai ít nhất đến năm 2025.

Tỏng Thống Donald Trump trong bài phát biểu hôm Thứ Năm nói rằng cho dù thỏa hiệp Paris được tất cả mọi nước thực thi đầy đủ thì cũng chỉ giúp giảm nhiệt độ toàn cầu 2/10 độ C vào năm 2100 và kết quả ấy là quá nhỏ. Tòa Bạch Ốc sau đó giải thích là dữ kiện này căn cứ theo một nghiên cứu của MIT, nhưng Giáo Sư Jake Jacoby đồng sáng lập chương trình nghiên cứu của MIT về khí hậu biến đổi, cho biết tài liệu này cũ và sai. Ông nói rằng nêu lên con số như vậy chỉ là thủ thuật tranh luận; thật ra thỏa hiệp Paris ấn định hạn chế mức gia tăng là 1.5 độ C vào năm 2040. Còn khoa học gia khí hậu Stefan Rahmstorf của Potsdam Institute ở Ðức lưu ý rằng cho dù nhiệt độ chỉ tăng thêm 1/10 độ, hậu quả tác động đến thời tiết cũng rất đáng kể.

Mỹ có thể rời bỏ thỏa thuận Paris vì Ðiều 28 cho phép các nước thành viên rút lui không bị biện pháp trừng phạt nào, và sự rút lui có giá trị 3 năm sau khi thỏa hiệp có hiệu lực áp dụng ở nước họ. Hiệu lực áp dụng tại Mỹ do chính quyền Obama chấp thuận là từ ngày 4 Tháng Mười Một năm 2016, do đó tới 4 Tháng Mười Một năm 2020 sự rút lui của Mỹ mới là hoàn toàn. Như vậy trên lý thuyết nếu Mỹ rút lui không thi hành ngay trong 3 năm thì sẽ vi phạm luật pháp quốc tế, tuy nhiên tạp chí Scientific American giải thích rằng có một số kẽ hở để cho Tổng Thống Trump có thể rút khỏi thỏa hiệp hoặc chỉ gởi quan sát viên đến theo dõi các cuộc thương lượng nhưng không tham gia.

Ảnh hưởng chính trị quốc tế khi Mỹ rút khỏi thỏa hiệp Paris

Thế giới cần Mỹ trong cuộc chiến đấu chống lại sự thay đổi khí hậu, không có Mỹ nhân loại khó đạt tới các mục tiêu đề ra ở thỏa thuận Paris. Riêng nước Mỹ thải ra 17.8% tổng lượng khí thải carbonic toàn cầu, chỉ kém Trung Quốc 20.9%. Ðồng thời Mỹ cũng là nguồn tài trợ quan trọng nhất về vốn và công nghệ cho các nước đang phát triển, giúp các nước này tham gia nỗ lực chống nhiệt độ Trái Ðất gia tăng. Không có Mỹ, các mục tiêu đề ra trong thỏa hiệp Paris sẽ rất khó đạt được.

Khí carbonic (CO2) là một trong những nguyên nhân làm trái đất nóng dần lên. (Hình: Getty Images)

Rút khỏi thỏa hiệp Paris, nước Mỹ đã từ chối vai trò lãnh đạo thế giới, 195 quốc gia tham gia hiệp định sẽ phải trông vào sự lãnh đạo của Pháp, Ðức hay nước lớn nhất và kinh tế mạnh nhất là Trung Quốc. Ðứng bên ngoài cùng với nước Mỹ vĩ đại, chỉ có duy nhất Syria và Nicaragua.

Hôm Thứ Sáu, Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố với các phóng viên ở Berlin rằng “Trung Quốc kiên định những trách nhiệm của mình về khí hậu thay đổi.” Ông Cường sau đó đã bay đến Brussels, Bỉ, và lần đầu tiên Liên Âu cùng Trung Quốc đồng thuận đưa ra một tuyên bố chung cam kết thực thi đầy đủ thỏa thuận khí hậu Paris, giảm và giúp các nước đang phát triển giảm sử dụng các loại năng lượng hóa thạch, phát triển kỹ thuật năng lượng sạch và đóng góp $100 tỷ mỗi năm từ 2020 để giúp các nước nghèo hạ bớt lượng khí thải.

Chủ trương “Nước Mỹ Trước Hết” và chiều hướng cô lập hóa với thế giới của Tổng Thống Trump được cụ thể hóa rõ ràng nhất bằng quyết định này kể từ khi ông vào Tòa Bạch Ốc.

Toàn thế giới từ Ðức Giáo Hoàng Francis và Tòa Thánh Vatican cho tới các nhà lãnh đạo khối quốc gia phát triển G-7, đã công khai khuyến cáo ông Trump đừng nên rút khỏi thỏa hiệp khí hậu Paris. Cuối cùng quyết định của Tổng Thống Trump chứng tỏ Mỹ không coi trọng quan hệ với các nước đồng minh và không sẵn sàng hợp tác trong những vấn đề quốc tế.

Hành động ngang nhiên rút khỏi một thỏa hiệp quốc tế do Liên Hiệp Quốc bảo trợ được gần 200 nước ký kết cũng tạo nên hình ảnh xấu cho nước Mỹ và là tiền lệ ảnh hưởng đến tín nhiệm trong công tác đối ngoại tương lai.

Vì sao Tổng Thống Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa hiệp Paris?

Trong bài phát biểu dài hơn 2,000 từ đọc tại Vườn Hồng tòa Bạch Ốc hôm Thứ Năm loan báo quyết định rút khỏi thỏa hiệp Paris, Tổng Thống Donald Trump không phản bác quan niệm khoa học về tình trạng Trái Ðất nóng dần và cũng không cáo buộc Trung Quốc lừa bịp trong chuyện này như ông đã từng nói trước kia. Trái lại ông tỏ ra đồng ý với sự cần thiết bảo vệ môi trường.

Theo lời ông: “Nước Mỹ dưới chính quyền Trump sẽ tiếp tục là quốc gia trong sạch và có điều kiện môi trường tốt nhất thế giới.”

Lý do chính yếu trong việc rút khỏi thỏa hiệp Paris, như sự trình bày của Tổng Thống Trump, tập trung quanh lập luận là với thỏa hiệp này nước Mỹ bị thiệt thòi và tổn hại nặng về kinh tế.

Ông nói, “Cái chính của thỏa hiệp Paris không phải là về khí hậu mà là để cho các quốc gia khác có lợi thế tài chính đối với Mỹ,” “một sự tái phân phối tài sản của nước Mỹ đến những nước khác,” “nước Mỹ không được quyền khai thác số lượng tài nguyên thiên nhiên đứng đầu thế giới của mình.” Ông tố cáo chính quyền Obama đã nhượng bộ quá nhiều và phải đóng góp vào việc viện trợ cho các quốc gia khác là bất công.

Viện dẫn một dự đoán của NERA (National Economic Research Associates), tổng thống nói rằng nếu Mỹ thi hành thỏa hiệp Paris, tới năm 2040 GDP sẽ thiệt $3,000 tỷ và mất 6.5 triệu việc làm trong nhiều ngành kỹ nghệ. Các con số dự đoán ấy thật ra không đủ tin cậy vì NERA là một hãng tư vấn được tài trợ bởi hai tổ chức có nhiều quyền lợi lớn trong kỹ nghệ dầu khí và chống chính sách môi trường của chính quyền Tổng Thống Obama.

Tổng Thống Trump cũng chỉ trích lãnh đạo các quốc gia từ Châu Âu đến Châu Á rằng họ không thể lo cho kinh tế Mỹ hơn là công dân và giới chức dân cử Mỹ. Do đó “Rút khỏi thỏa hiệp Paris là sự tái xác định chủ quyền của nước Mỹ.”

Sau bài phát biểu, tổng thống giới thiệu giám đốc cơ quan bảo vệ môi trường EPA lên nói chuyện tiếp. Ông Scott Pruitt là người có những quan niệm ngược với giới chủ trương bảo vệ môi trường, ngay ngày hôm trước ông cho lệnh ngưng thi hành quy định hạn chế methane thoát ra ở các mỏ khai thác dầu khí, methane là một loại khí nhà kính có tác động mạnh hơn khí carbonic tới 25 lần.

Trong lời phát biểu dài khoảng 5 phút, ông Pruitt, nói là nước Mỹ đã giảm lượng khí thải CO2 từ năm 2000 đến 2014 hơn 14% không do sự sự cưỡng bách bới các quy định mà do sáng tạo và cải tiến kỹ thuật tư nhân. Ông ca ngợi quyết định rút khỏi thỏa hiệp Paris là một phần trong chủ trương “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại của Tổng Thống Donald Trump.”

Những điều Tổng Thống Donald Trump trình bày chỉ là một cách giải thích, ông đã chịu áp lực từ nhiều phía trước khi đi đến quyết định này và không dễ để xác nhận yếu tố nào là quan trọng nhất.

Rút khỏi thỏa hiệp Paris chưa hẳn là có lợi cho Mỹ về kinh tế và việc làm. Giám Ðốc Môi Trường Liên Hiệp Quốc Erik Solheim cho rằng rút khỏi thỏa hiệp Paris, nước Mỹ sẽ mất nhiều việc làm trong ngành năng lượng sạch, quan điểm này được sự tán đồng của nhiều phân tích gia độc lập. Trong tình hình hiện nay của ngành năng lượng, hỗ trợ cho công nghiệp dầu lửa và than ở Mỹ là quan niệm và chủ trương lỗi thời không còn thích hợp. Từ nhiều năm gần đây số công việc trong ngành khai thác than đá ngày càng giảm vì tự động hóa và máy móc thay thế thợ mỏ cho các công việc vất vả và nhiều nguy hiểm. Năng lượng sạch là ngành đang phát triển ở nhiều nước không chỉ riêng tại Mỹ như người ta thường chú ý dưới chính quyền Obama. Các công ty năng lượng hiểu rằng chiến lược lâu dài của họ là phải chuyển dần sang lãnh vực này nếu không sẽ bị lạc hậu và thua thiệt trong tương lai.

25 công ty, trong số có Apple, Google, Facebook, Intel, Levi Strauss, PG & E, Unilever ký trong một thư ngỏ đăng trên trang quảng cáo trả tiền của hai tờ nhật báo lớn New York Times và Wall Street Journal hôm Thứ Năm, đề nghị Tổng Thống Trump đừng rút khỏi thỏa hiệp khí hậu Paris.

Theo nhận định của ông Stephen Harper, giám đốc toàn cầu về môi trường và năng lượng của Intel thì: “Nước Mỹ không là thành phần tham gia thỏa thuận quốc tế về khí hậu sẽ đưa đến nhiều khó khăn trên thị trường cho các công ty Mỹ hoạt động trong nền kinh tế toàn cầu.”

Trước đó 16 đại công ty bao gồm Wallmart, công ty dầu khí Shell và công ty khai thác hầm mỏ Rio Tinto đã gởi thư đến Tổng Thống Trump cho biết họ tán thành thỏa hiệp khí hậu Paris. Ngược với thái độ mà trước kia người ta vẫn hiểu, tổng giám đốc các đại công ty dầu khí như Exxon Mobil, Shell, BP không chống mà công khai tuyên bố ủng hộ thỏa thuận khí hậu ở Paris. Nhưng Hiệp Hội Hầm Mỏ Mỹ và không ít công ty khác như Caterpillar, Komatsu viết thư đề nghị tổng thống rút khỏi thỏa hiệp Paris.

Tổng Thống Donald Trump được xem là người rất tự tin, ít khi nghe lời góp ý của ai, nhiều lần ông quyết định hành động mà những cộng sự viên và cố vấn thân cận nhất không biết trước. Vì vậy giữa quá nhiều các ý kiến mâu thuẫn, bênh vực hay chống thỏa hiệp Paris, ông Trump cũng khó có thể quyết định ngả về phía nào. Jared Krushner, con rể và cố vấn thân cận nhất của ông đứng về phía bênh cùng với chủ tịch hội đồng kinh tế tòa Bạch Ốc Gart Cohn, trong khi con gái Ivanka không có ý kiến. Nhưng Steve Bannon cố vấn quan trọng nhất của ông Trump có thể là người có ảnh hưởng nhất trong quyết định này.

Về mặt chính trị, quan trọng hơn hết có lẽ là văn thư của thủ lãnh khối đa số Thượng Viện Mitch McConnell cùng 21 thượng nghị sĩ Cộng Hòa cho rằng tổng thống phải dứt khoát rời bỏ thỏa thuận Paris. Cần thỏa mãn Quốc Hội Cộng Hòa là một trong những nhu cầu thiết yếu đối với ông Trump trong tình hình nhiều chuyện khó khăn rắc rối gần đây.

Mặt khác không thể gạt bỏ yếu tố cá nhân ở ông Trump. Từ trước đến nay ông Trump không ngừng phê phán chỉ trích người tiền nhiệm và cố gắng xóa bỏ tất cả những gì chính quyền Obama đã làm, sai hay đúng, xấu hay tốt. Hơn nữa ông luôn luôn muốn nắm vững được khối cử tri đã ủng hộ ông, bằng cách chứng tỏ là ông giữ đúng lời hứa khi tranh cử, và có lẽ đây là yếu tố chủ yếu để ông Trump quyết định.

Vậy thì, dù với những nguyên nhân hay lý lẽ gì, sự rút khỏi thỏa hiệp Paris của Tổng Thống Donald Trump rõ ràng chỉ chú trọng vào nhu cầu giải quyết những vấn đề trước mắt và tạm thời gác chuyện tương lai lâu dài qua bên.

Ít nhất hàng chục năm nữa ông chưa làm cho Trái Ðất nóng thêm và những người ở thế hệ đương thời đến lúc đó hầu hết cũng không còn sống sót để phải quan tâm. Vả lại không phải mọi ai cũng nhìn xa được rằng việc cố gắng bảo vệ hành tinh Trái Ðất là một bổn phận mang tính cách đạo lý, một trách nhiệm đối với các thế hệ con cháu họ, chứ không nên chỉ nghĩ đến lợi ích hiện hữu cho riêng họ.

—————-
Liên lạc tác giả: [email protected]

 

MỚI CẬP NHẬT