Tuesday, April 16, 2024

Vị thế của Ngoại Trưởng Rex Tillerson đang lu mờ?

Nguyễn Văn Khanh

Ông Rex Tillerson đã đảm nhiệm vai trò ngoại trưởng hơn sáu tuần lễ.

Ông cũng đã đại diện cho quốc gia và chính phủ dự hai cuộc họp quan trọng: Đến Đức để cùng những nước trong nhóm G-20 thảo luận về tình hình kinh tế thế giới và những điểm Hoa Kỳ có thể làm để mọi châu lục đều phát triển, sau đó sang Mexico để bàn thảo về an ninh biên giới, về kế hoạch xây bức tường ngăn đôi biên giới cũng như về kế hoạch bắt giữ người nhập cư lậu mà Tổng Thống Donald Trump đã hứa với cử tri, bàn thảo cả về kế hoạch cần thực hiện để nâng mức trao đổi thương mại giữa hai nước.

Cả hai chuyến công du của ông đều được ca ngợi, vì giúp thế giới thấy phần nào chính sách ngoại giao của tân chính phủ Hoa Kỳ, đồng thời chứng tỏ khả năng lãnh đạo của ông, của một người xuất thân và thành công trong thương trường cho tới ngày nhận lời mời để bước vào chính trường điều khiển ngành ngoại giao. Chỉ một điều ông chưa làm được: vẫn chưa tìm được dàn phụ tá, một số người ông đề cử vẫn chưa được Tòa Bạch Ốc trả lời, khiến không ít nhân viên của ông nói đùa, cho rằng “Sếp được mời làm tướng, đưa ngay ra chiến trường đánh giặc nhưng… chưa có quân.” Điều này được một viên chức ngoại giao cao cấp từng làm việc dưới thời Tổng Thống George W. Bush gọi là “trường hợp quá lạ lùng,” giải thích thêm “cũng như tất cả các vị ngoại trưởng khác, ông Tillerson cần có dàn cố vấn, không có người phụ tá thì làm sao ông Ngoại Trưởng có thể làm việc?”

Một tuần lễ trước ngày tuyên thệ nhậm chức, Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump yêu cầu tất cả những người được chính phủ Obama đề cử làm việc tại Bộ Ngoại Giao phải từ chức, chỉ giữ lại dàn nhân viên ngoại giao chuyên nghiệp đang phục vụ tại Washington D.C. và những cơ sở ngoại giao khắp thế giới. Với quyết định đó, tân chính phủ Trump có cơ hội để cử cả trăm người vào những vị trí quan trọng, nhưng cho tới nay chỉ mới có ba người được chọn để giữ chức đại sứ tại Trung Quốc, Anh và Israel (cộng với tin ông Cựu Thống Đốc Jon Huntsman sẽ lãnh trách nhiệm đại sứ ở Nga), những chức vụ khác “đều phải chờ” vì “quyết định cuối cùng vẫn nằm trong tay dàn cố vấn đặc biệt của tổng thống, những người hàng ngày tiếp xúc với ông Trump.”

Tin đồn chính trị tại thủ đô cho hay ngay sau ngày được chọn làm ngoại trưởng, ông Tillerson đã có ý muốn mời ông Elliot Abrams làm thứ trưởng, dựa vào lý do cần có người kinh nghiệm giúp điều hành công việc (ông Abrams từng giữ nhiều chức vụ khác nhau dưới thời Tổng Thống Ronald Reagan và Tổng Thống George W. Bush). Đề nghị của ông không được Tòa Bạch Ốc chấp thuận vì ông Abrams “từng lên tiếng chỉ trích ông Trump rất mạnh mẽ lúc cuộc tranh cử chưa ngã ngũ,” nhắc lại hồi Tháng Năm, 2016, ông Abrams từng viết bài chê bai ông Trump, cho rằng “đảng Cộng Hòa đã chọn người không thể thắng cử và không xứng đáng làm tổng thống.” Theo đồn đãi ở thủ đô, người lớn tiếng phản đối ý kiến chọn ông Abrams “chính là ông Cố Vấn Tối Cao Stephen Bannon” kèm theo lời bàn mang tính mỉa mai “ông Cố Vấn Bannon gặp tổng thống mỗi ngày trong khi ông Ngoại Trưởng Tillerson khi nào được gọi mới vào Tòa Bạch Ốc.”

Ngoài ra – vẫn theo đồn đãi – người ông Trump muốn đưa vào nắm chức vụ này là Cựu Đại Sứ John Bolton, nhà ngoại giao chia sẻ lập trường bảo thủ cứng rắn với người đang lãnh đạo quốc gia. Ông Bolton từng nằm trong danh sách có triển vọng được chọn làm ngoại trưởng và mới tuần trước, chính Tổng Thống Trump cho hay “sẽ được tôi giao phó một vai trò quan trọng” trong chính quyền, nhưng không nói vài trò quan trọng đó là vai trò gì.

Không có thứ trưởng, ông Tillerson cũng không có cả dàn chín vị phụ tá ngoại trưởng, những người giúp ông quyết định những chuyện liên quan tới khu vực hoặc những vấn đề bao quát khác, như nhân quyền, lao động, tôn giáo hay cắt giảm binh bị. Ngay cả người sẽ giữ chức phát ngôn viên cũng chưa có, xuất hiện trước giới truyền thông là ông Mark Tonner được tân chính phủ tạm thời lưu nhiệm. Theo cánh nhà báo chuyên săn tin ngoại giao, trong sáu tuần lễ đầu tiên của bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton, “Bộ Ngoại Giao họp báo cả thảy 18 lần,” bây giờ “có thắc mắc không biết hỏi ai.”

Hai tuần trước đây có tin nói ông Mark Tonner sẽ chính thức được giữ lại làm phát ngôn viên, nhưng ngay sau đó có người cho rằng điều đó khó có thể xảy ra vì “chính phủ Trump chủ trương không dùng người của chính phủ Obama.” Sau đó có tin nói vai trò phát ngôn viên đang được cân nhắc giữa bà Jennifer Hazelton, người điều hành ban vận động tranh cử cho Tổng Thống Trump ở tiểu bang Georgia, và ông Robert Hammond, từng là phát ngôn viên của ông Cựu Chủ Tịch Hạ Viện Cộng Hòa Newt Gingrich. Cũng cần nói thêm: không một viên chức nào của Tòa Bạch Ốc lẫn Bộ Ngoại Giao xác nhận hoặc phủ nhận tin này, chỉ cho biết “mọi chuyện đang được sắp xếp để chọn đúng người vào đúng vị trí, để người được chọn có cơ hội chứng tỏ khả năng.”

Trước những trở ngại Ngoại Trưởng Rex Tillerson đang gặp phải, ông Stephen Hadley, Cố Vấn Hội Đồng An Ninh Quốc Gia thời George W. Bush cho rằng “có thể lúc đầu ông ngoại trưởng gặp một vài khó khăn, nhưng trách nhiệm của người điều khiển ngành ngoại giao là phải vạch ra và hoàn tất kế hoạch đường dài” tin tưởng “không ai làm được điều đó giỏi hơn ông Tillerson.”

Lời phát biểu mang tính trấn an đó có thể đúng trong tương lai, nhưng dường như không đúng ngay trong lúc này.

Thứ Năm tuần rồi khi sang Washington, DC, Ngoại Trưởng Luis Vegedaray của Mexico được mời vào thẳng Tòa Bạch Ốc nói chuyện với ông Cố Vấn (kiêm con rể tổng thống) Jared Kushner, sau đó chính phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao xác nhận: “Tôi không hay biết chuyện ông ngoại trưởng Mexico sang đây.” Tháng trước, theo tin phát xuất từ Tòa Bạch Ốc, cũng chính hai ông cố vấn Bannon và ông Kushner là những người thuyết phục Tổng Thống Trump khi nói chuyện qua điện thoại với Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình “nên nhắc đến việc Hoa Kỳ luôn luôn tôn trọng chính sách chỉ có một nước Trung Hoa mà Bắc Kinh là đại diện chính thức.”

Đề nghị nêu trên được Tổng Thống Donald Trump chấp thuận và thực hiện, tạo cơ hội cho không ít người mang ra đùa cợt, cho rằng tổng thống chọn ông Rex Tillerson làm ngoại trưởng, nhưng lại chọn ông cố vấn kiêm con rể Jared Kushner điều hành chính sách ngoại giao, phụ tá đặc biệt cho anh con rể là ông Cố Vấn Tối Cao Stephen Bannon.

MỚI CẬP NHẬT