Ðiều giản dị

Một người bạn trong nước gửi cho tôi cuốn video thu hình toàn cảnh một lễ cưới cử hành với màu sắc Phật Giáo hết sức lộng lẫy và sang trọng. Tấm bảng nhỏ có hai hàng chữ Lễ Hằng Thuận (trên) Budhism Wedding Ceremony (dưới) trình bày trang nhã với màu xanh thiên lý tươi mát bên cạnh khóm hoa Tú Cầu để ngay cửa vào.

Máy bay chụp từ trên không trung. Ðoàn xe rước dâu mang các nhãn hiệu đắt giá chạy qua các đường phố Hải Dương, từ tư gia nhà trai, nhà gái tới chùa. Cả thành phố hay khu vực này của thành phố chừng như mới tân trang. Những con đường rải nhựa thẳng tắp, sạch bóng, cây kiểng xanh tươi cắt xén mỹ thuật ngăn đôi hai chiều xe cộ lưu thông.

Chùa tọa lạc trên thửa đất ngoại thành. Không ảnh từ trên cao nhìn xuống cho thấy lều vải cất san sát trong khuôn viên chùa, chuẩn bị tiếp đón nhân sự cho lễ cưới. Dưới đất, dọc hai bên lối vào chánh điện trang hoàng với nhiều chậu hoa tươi trình bày rất nghệ thuật.

Khách mời ngoài quan viên hai họ, đông hàng trăm người, có sử gia Lê Văn Lan và ngót nghét ít nhất chừng trên dưới 30 vị thượng tọa, đại đức, tăng ni trong sa y màu vàng, nâu, xám tro, tràng hạt đeo cổ, đeo tay, đi thành hàng một tiến vào nơi hành lễ trước Phật đài.

Ngoài địa phận nhà là Hải Dương, tăng đoàn từ nhiều ngôi chùa ở nhiều nơi Bắc Ninh, Nghệ An, Hạ Long, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Sài Gòn,… cùng vân tập về đây để cử hành hay tham dự hôn lễ của đôi uyên ương trẻ, chắc hẳn xuất thân từ hai gia đình Phật tử có hằng tâm và thanh thế lớn trong xã hội nên mới có sự quen biết rộng rãi nhường ấy.

Tam Bảo với bốn pho tượng Phật uy nghi sáng choang ánh đèn điện. Những chậu lan tím hoa rủ, lạ mắt và sang cả, được bày theo hàng dọc từ thấp lên cao. Không có hoa sen hay hoa huệ ta trên bàn thờ nhưng hoa tươi đủ loại ở khắp nơi trong đại điện rộng rãi.

Tám vị tăng sĩ quỳ theo hàng ngang bắt đầu khai kinh. Tiếng tụng niệm qua loa khuếch âm lan tỏa khắp chánh điện. Tất cả khách mời an tọa trên những hàng ghế đặt san sát hai bên lối đi trải thảm xanh ở giữa. Những đôi tay thành kính chắp ngang ngực, những khuôn mặt càng trang nghiêm hơn trong khung cảnh trầm mặc tràn ngập đạo vị.

Xong phần kinh kệ cầu an cho đôi tân hôn, sân khấu thay cảnh với mỗi bên tả hữu một chiếc bàn dài trải khăn trắng, rực rỡ hoa tươi, bốn vị sư an vị ở mỗi bàn. Giữa hai bàn này là một chiếc bàn nhỏ, vuông vức, vừa đủ cho vị thượng tọa chủ hôn ngồi chứng kiến và chứng giám buổi lễ kết hợp nhân duyên vợ chồng cho cô dâu và chú rể.

Vị tỳ kheo làm MC cho buổi lễ xuất hiện phía sau cái bục nhỏ đặt ở góc phía trong, cũng được trang hoàng với một chậu hoa thật đẹp, giới thiệu chương trình gồm mười tiết mục, bắt đầu bằng phần giới thiệu quan khách có mặt, phần nghi lễ, phần thuyết trình ý nghĩa của chiếc nhẫn cưới, phần cô dâu chú rể trao nhẫn, đọc lời thề hứa, phần huấn từ của thượng tọa chủ hôn, phần phát biểu đặc biệt của sử gia Lê Văn Lan và cuối cùng, lời cảm tạ của đôi vợ chồng mới đại diện hai họ.

Tiệc cưới diễn tiến trong căn lều thiết kế thật sự “hoành tráng,” cổng vào bề thế, màn cửa voan mỏng tung bay trong gió. Cô dâu, chú rể thay bộ áo dài cưới giống hệt nhau, may bằng lụa tơ tằm màu trắng thêu những vòng mây tròn ôm lấy hai chữ song hỷ màu xanh da trời trên ngực, trên vạt áo, trên hai cổ tay.

Ðể cắt bánh, chú rể mặc âu phục, cô dâu mặc áo dài thời trang. Rượu champagne bốc khói tràn trề trên những chiếc ly xếp theo hình kim tự tháp, trong tiếng hát và tiếng đệm guitar của hai nhạc sĩ trẻ giúp vui. Ghế ngồi của quan khách phủ bọc ghế mới tinh, thắt thành cái nơ lớn sau lưng, xếp đều đặn xung quanh các bàn tiệc.

Nhìn chung, đây là tiệc cưới hoặc của con cái nhà giàu, được cha mẹ đứng ra bao biện hoặc do chính sự thành công của cô dâu, chú rể trong việc tạo dựng sự nghiệp riêng với tài chánh dồi dào cho phép chi tiêu mạnh tay đi kèm với khả năng tổ chức thật hoàn hảo.

Nếu không đặt vào bối cảnh một xã hội còn nhiều người nghèo đói hay trong tinh thần Phật Giáo với ngụ ý của đám cưới, đối với tôi, đây là một đám cưới đẹp, thể hiện phần nào các giá trị cốt lõi của nền văn hóa trọng lễ nghĩa lâu đời của người Việt Nam: đức tin, sự hiếu thuận với cha mẹ, tình cảm với quyến thuộc, bằng hữu, sự tương kính và trách nhiệm thủy chung giữa vợ chồng…

Ðiều khiến tôi băn khoăn là lời phát biểu của sử gia Lê Văn Lan, được ban tổ chức lễ cưới đặc biệt giới thiệu là khách quý của gia đình hai họ. Tôi thực sự không biết ông có được tham khảo ý kiến trước khi nhà trai nhà gái quyết định cử hành đám cưới theo cách mọi người đã được thấy, “một đám cưới Phật Giáo, gọi theo ngôn ngữ Phật Giáo và Phật học, là lễ Hằng Thuận, và vẫn theo lời ông, là biểu tượng tiên phong của xu hướng này” hay không (?) hay ông chỉ nhân danh nghĩa vụ là người bạn thân tín của gia đình và vỗ tay vào để có niềm vui đồng thuận?

Theo sử gia Lê Văn Lan, đại ý “đạo Phật từ Ấn Ðộ du nhập vào Việt Nam sớm nhất, trước nhất trong toàn vùng Ðông Nam Á cách nay hai ngàn năm so với Công Giáo mãi sau này ở thế kỷ thứ 15. Nho Giáo vào Việt Nam thời gian đầu công nguyên đã lập tức chú trọng đến tính cách hệ trọng của hôn nhân trong đời sống của đôi lứa, của gia đình, của dân tộc, thể hiện qua bốn chữ Quan, Hôn, Tang, Tế, bao gồm trọn chu kỳ của đời người, đã chiếm lĩnh địa phận quan trọng này của xã hội, của dân tộc trước khi Công Giáo vào Việt Nam và ý thức rất nhanh, biết khai thác, chiếm lĩnh cái trận địa quan trọng là hôn nhân, là cuộc sống lứa đôi, hình thành cả một văn hóa hôn nhân nhà thờ còn tồn tại tới ngày nay. Phật Giáo từ hai ngàn năm trước, không hiểu vì sao, có lẽ sau này chúng ta sẽ tìm hiểu cặn kẽ, lại bỏ qua cái trận địa hôn nhân quan trọng này của đời người và xã hội?”

Ðến đây, ông “chúc mừng Phật Giáo và giáo hội đã kịp thời tham gia, cập nhật, không bỏ lỡ trận địa quan trọng này của dân tộc, của giáo hội. Từ nay, đứng trước hôn nhân, người Phật tử không còn bơ vơ nữa mà đã có chỗ rồi.” Ông ước mong “đám cưới hôm nay sẽ nhân rộng lên, sẽ có tiền đồ rực rỡ đưa đến việc hình thành nền văn hóa hôn nhân Phật Giáo.”

Tôi còn nhớ rõ, khoảng gần hai thập niên trước tại một ngôi chùa lớn ở quận Cam, đã thấy có vài gia đình Phật tử tổ chức lễ cưới về mặt tôn giáo cho con cái trước Tam Bảo song song với lễ cưới đời thường ở quy mô lớn hơn. Khi được hỏi, cô dâu cười hồn nhiên trả lời: “Thấy lễ cưới ở nhà thờ chụp hình đẹp quá, em cũng muốn có hình cưới ở chùa.” Tuy nhiên, hỏi tứ thân phụ mẫu đôi bên thì câu trả lời nhuốm niềm tin vào ơn gia hộ của chư Phật: xin một tương lai êm đẹp cho đôi tân hôn.

Thực tế cho thấy khuynh hướng này đã không “nhân rộng” (chữ của sử gia Lê Văn Lan) có lẽ vì thêm một hình thức tổ chức nữa khiến mất nhiều thời gian sắp đặt cho hai họ vốn đã rất bận rộn với nghi lễ hôn nhân truyền thống.

Tuy nhiên, theo thiển ý kẻ viết bài này, bị giới hạn bởi sự hiểu biết bình thường, sở dĩ người Ki Tô Hữu cử hành lễ cưới tại nhà thờ là vì theo giáo lý Thiên Chúa Giáo, hôn nhân là một trong bảy bí tích màu nhiệm mà người tín đồ phải tuân thủ khi sống trọn vẹn đức tin. Cô dâu, chú rể đưa nhau ra trước Cung Thánh xin Chúa làm chứng cho họ “hai nên một” theo thánh ý ngài, cùng nhau nhắc lời thề hứa như Kinh Thánh đã dạy để sống đẹp tinh thần phúc âm khi Chúa tạo dựng con người, “Cái gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân chia.”

Mỗi tôn giáo có cách hành đạo và sống đạo riêng, khác nhau từ căn bản tín lý xây dựng trên đức tin. Do vậy, không thể so sánh hay sao chép. Ví dụ: tín hữu Công Giáo ăn chay chỉ kiêng thịt, không kiêng cá tôm, với thành ý bày tỏ lòng ăn năn thống hối và hiệp thông với khổ nạn của Chúa chịu chết trên Thánh giá, rất khác với Phật Giáo ăn chay phải kiêng tất cả các loài động vật vì tránh sát sinh. Cho nên, Thiên Chúa Giáo không chiếm lĩnh, khai thác “trận địa” đám cưới quan trọng của đời người để hình thành nền văn hóa hôn nhân nhà thờ còn tồn tại tới ngày nay như lời của sử gia Lê Văn Lan.

Hôn nhân nhà thờ là một thực thể luật buộc, sẽ mãi còn tồn tại cùng với thời gian và tôn giáo đã khai sinh ra nó, hiện hữu song song và ở ngoài quy định hành chánh của xã hội. Một đôi vợ chồng ly hôn trước tòa án vẫn là một đôi vợ chồng trong sự quan phòng của Thiên Chúa cho tới khi nào họ được giáo hội cao nhất cho phép tiêu hôn vì những lý do phù hợp với giới răn.

Trong khi đó, có lẽ Phật Giáo đã không hề bỏ lỡ “trận địa” quan trọng này bởi chính đức Phật đã chủ động nén lòng bước ra khỏi hôn nhân sau khi chiêm nghiệm được đây là một trong những nguồn gốc đưa tới khổ đau phiền não cho con người và muốn đi tìm phương hướng giải thoát. Bên cạnh ảo ảnh thoáng giây, hôn nhân có thể trở thành mảnh đất màu mỡ cho những xúc cảm tiêu cực: vị ngã, tham ái, giận hờn, ghen tức, tranh đoạt, sân si, dối trá, thù hận.

Một cuộc hôn nhân đẹp nhất cũng dễ trở thành bi kịch vì sinh ly hay tử biệt. Ngay cả khi con cái không bình yên, cha mẹ sẽ gánh chịu sầu đau vô lượng. Tất nhiên nhân loại trên Ðịa Cầu không ngừng sinh sản và tăng trưởng trong luân hồi của kiếp người nhưng theo Phật, nếu con đường đi bớt chông gai, không bị nghiệp chướng dẫn dắt, thì cuộc sống sẽ đáng sống và có ý nghĩa hơn.

Mở lòng ra như thiên nhiên với vạn vật, làm lành, nghĩ lành, biết thương yêu thật sự và biết san sẻ, thấy người trong ta và ta trong người, chỉ chừng đó thôi là đủ tràn trề hạnh phúc. Chỉ chừng đó thôi thì dù ở đâu, với ai, mặt đất này cũng là cảnh giới niết bàn.

Kêu gọi minh triết và khuyến khích tự do tư duy để làm chủ bản thân, Phật không buộc chúng sinh đi con đường của Phật, ngay cả hệ phái Cổ Sơn Môn với pháp tu cho phép nhà sư ăn mặn và có vợ, thiển nghĩ không ai nên vì lý cớ gì bắt Phật phải chứng minh việc kết hợp đôi lứa là điều Phật đã từ bỏ.

Một lúc nào đó, nhà chùa có thể dâng sớ cầu an theo niềm tin và thỉnh nguyện của tín hữu nhưng tiến hành đám cưới trước Tam Bảo, nhất là với sự xa hoa hết mực như thấy trong cuốn phim, là đi ngược lại nếp sống giản dị, thanh bần của Phật khi tại thế, có lẽ chúng ta cần xem lại.