Cuộc hí trường

Bùi Bích Hà

“Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,” câu thơ đầu trong bài “Thăng Long Thành Hoài Cổ” của Bà Huyện Thanh Quan đã khắc ghi đậm nét trong trí nhớ tôi từ những năm ngồi ghế trung học Ðệ Nhất cấp, giờ cổ văn với cô Hòe lớp Ðệ Ngũ trường Ðồng Khánh.

Ðối với tôi ngày ấy, câu thơ không chỉ thuần là câu thơ nổi tiếng của một bài thơ nổi tiếng trong văn học sử nước nhà, được một bậc nữ lưu thi tài lỗi lạc ngẫu hứng viết xuống khi về qua cố đô một buổi chiều phai nắng, nhìn cảnh vật tiêu điều qua bao lớp sóng phế hưng: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.”
Mà hơn thế, câu thơ còn diễn đạt nỗi ngậm ngùi trước những cảnh đời đổi thay hệt như những màn kịch trên sân khấu, khiến tôi không khỏi ngạc nhiên và thầm cảm phục nhân sinh quan đầy đạo vị của nhà thơ ngày ấy.

Sau này khôn lớn, bản thân chứng kiến thế sự thăng trầm, tôi vẫn đọc thơ bà để suy ngẫm. Bị bứng khỏi đất lề quê thói như một cái cây trốc gốc trôi theo cơn lũ thời cuộc ra đại dương, nhiều khi tôi chạnh lòng nhớ về hoàng thành cổ kính ở Huế, nơi bắt đầu và chấm dứt triều đại nhà Nguyễn qua 13 đời vua và 143 năm trị vì trên ngai vàng.

Bến Thương Bạc, lầu Ngọ Môn, điện Thái Hòa, cung An Ðịnh, phủ Bà Chúa Nhất, cửa Ðông Ba, cửa Thượng Tứ, hồ Tịnh Tâm, đức Từ Cung, Hoàng Ðế Bảo Ðại, Hoàng Hậu Nam Phương, Hoàng Thái Tử Bảo Long. Những phương danh quen thuộc, những địa danh ghi dấu một giai đoạn lịch sử với nhiều biến thiên làm nên một Việt Nam minh châu trời Ðông rạng ngời gần hai thế kỷ, nay đâu rồi những người muôn năm ấy? Nay đâu rồi những áo mão, cân đai, lọng vàng, xa mã, một thời lung linh sắc màu và hạnh phúc, một thời vinh quang và một thời tủi nhục?

Tất cả xóa đi, chỉ còn trơ lại cái bàn cờ cũ kỹ xếp vào trầm hương cổ tích. Chỉ còn linh hiển một vầng trăng xanh biếc không nơi nào tôi đi qua trên mặt đất này có một màu trăng “gọi hồn Thục Ðế” huyền ảo như thế.

Vở kịch đã hạ màn. Nhân vật đã ra khỏi sân khấu. Ðể lại một hậu trường ngổn ngang hoài niệm, hoen ố và buồn bã. Ðể lại những khán giả hậu sinh như tôi lạc loài phương trời, đem theo mình nỗi u hoài khiến nhìn đâu cũng tưởng chừng chan chứa biệt ly.

Hôm Chủ Nhật, 14 Tháng Năm, 2017, dưới bầu trời Paris trong xanh và nắng vàng trải lụa khắp nơi, lễ nhậm chức của Tổng Thống Emmanuel Macron diễn ra trang trọng tại điện Elysée với tất cả vẻ đẹp của một nước Pháp cổ kính.

Ông rời nhà riêng để tới nơi hành lễ trên chiếc công xa bóng loáng, được đoàn mô tô của cảnh sát hộ tống rầm rộ, chạy theo đội hình trên đại lộ Champs Elysée sạch như vừa được giội nước, qua những vòm cây xanh mướt bên lề đường trang hoàng nhiều cờ tam tài tung bay trong gió.

Dân chúng vui vẻ tụ tập phía sau cái rào gỗ thấp để vẫy chào tổng thống mới của họ. Trên các bao lơn những ngôi nhà gần khu vực hành lễ, nhiều gia đình tề tựu, người lớn tay cầm biểu ngữ viết lời chúc mừng.

Thảm đỏ trải từ chỗ xe dừng bánh tới tận thềm điện Elysée. Tân tổng thống đắc cử đi những bước dài, chững chạc, tự tin, gót giầy chạm đất trước, mũi giầy nhấc cao, đều đặn, là cách đi của người muốn làm việc khó và làm thành công, bền lòng, tự chủ, kỷ luật, chăm chỉ.

Tổng thống mãn nhiệm Francois Hollande đứng chờ người kế vị trên thềm cao, nét mặt căng thẳng, đôi lông mày khẽ cau không biết vì nắng chói hay vì những giây phút đợi chờ bao giờ cũng dài quá. Họ bắt tay nhau, mở ra cánh cửa phân định vị thế của mỗi bên. Họ cùng đi một chặng đường thật ngắn để tới nơi bàn giao chính quyền rồi cánh cửa đóng lại sau lưng một người.

Chiếc công xa đổi vị trí. Mũi xe bây giờ hướng ra cổng. Hai tổng thống một cũ, một mới từ biệt nhau ở cuối cái thảm đỏ, một chút buồn vội vàng trong mắt người rời đi, một chút bâng khuâng trong mắt người quay lại cái chỗ họ vừa bắt tay chào nhau và tân tổng thống thấy mình đang ở ngày thứ nhất trong vị thế của người ông vừa từ giã.

Trong đại sảnh điện Elysée, đông đảo khách mời tham dự lễ nhậm chức của tân tổng thống kiên nhẫn đứng hàng giờ đồng hồ chờ ông xuất hiện sau nghi thức bàn giao.
Nước Pháp từng trải qua chiến tranh, từng bị đoàn quân chiến thắng chiếm đóng nhưng may mắn làm sao, các đền đài, cung điện ở Paris vẫn giữ nguyên kiến trúc lộng lẫy mang dấu ấn của nền văn minh cổ đại La Hy. Trần nhà cao, chạm trổ tinh vi. Những hình tượng điêu khắc tuyệt kỹ. Những chùm đèn trần pha lê lấp lánh sáng.

Khung cảnh tráng lệ của triều đình Pháp hiện diện nhiều thế kỷ hôm nay mở màn phiên bản mới với dàn diễn viên mới, vở kịch đã diễn ra nhiều lần ở đây. Những toán quân lính trực thuộc phủ tổng thống bồng súng gắn lưỡi lê sáng bóng dàn chào trong quân phục thời Nã Phá Luân, giầy ống cao, quần chẽn, nón chóp với chùm lông ngất ngưởng, nón sắt kiểu La Mã hoặc mũ nồi kiểu thuộc địa, ngù vai, dây biểu chương, trông rất đẹp mắt trong ngày hội lớn.

Quả nhiên, khung cảnh lễ nhậm chức của tổng thống thứ tám trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Pháp có đủ tình tiết và các yếu tố thẩm mỹ của một vở kịch lớn. Tôi bâng khuâng tự hỏi liệu cái sân khấu ở điện Elysée sáng nay có liên quan nhân quả gì tới cái sân khấu nhỏ ở ngôi trường trung học tỉnh Amiens, nơi cậu học trò 15 tuổi Emmanuel Macron được cô giáo môn kịch nghệ cố vấn trong một vai diễn khiến cậu khám phá cùng một lúc vừa tư chất bản thân vừa tài năng của cô giáo ra đời trước cậu 24 năm? Emmanuel gọi mối tình của ông và cô giáo là sự bí ẩn lạ thường, có nghĩa là chỉ một mình ông biết nguyên do để tự giải thích với mình.

Ở khắp nơi, người ta thấy không ít những cuộc hôn nhân so le tuổi nhưng chúng có những động lực bắt nguồn từ vài nguyên nhân đời thường: nhan sắc, dục tình, lợi lộc, danh vọng, tiếng sét, sự thách đố… Hầu như không một đôi lứa nào trong cảnh ngộ bất thường ấy gắn kết vào nhau bền chặt và đạt tới một sự nghiệp chung lẫy lừng như tân Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron và Ðệ Nhất Phu Nhân Brigitte Trogneux.

Hình như tạo hóa trớ trêu tạo ra người này cho người kia nhưng bắt họ, những con người ngoại khổ, phải trả một cái giá không dễ dàng. Cả hai có 15 năm để tự vấn về tình yêu của họ, trong sự sáng suốt tuyệt đối.

Trả lời phỏng vấn của báo chí, ông Macron nói: “Chúng tôi quyết định không có con vì sự chênh lệch tuổi tác, tôi còn quá trẻ…” Về phần bà Trogneux, bà ý thức rõ sự già nua của mình trên hai cánh tay để trần, trên khuôn mặt đầy dấu vết thời gian, không cần đi mỹ viện, không cần bất cứ hình thái che đậy nào. Bà nói với ông: “Nếu ông định ra ứng cử tổng thống thì đừng chần chờ nữa, 10 năm tới ông sẽ có vấn đề với khuôn mặt của tôi đấy!”

Rõ ràng ông Macron không nhìn vợ bằng con mắt của những người đứng ngoài sự bí ẩn của họ. Trong mắt ông, bà là hiện thân hoàn hảo những gì ông muốn có, cần có trong cuộc đời. Không già. Không trẻ. Không xấu. Không đẹp. Là giấc mơ kỳ lạ nhất, khó nhất, trở thành hiện thực. Cả hai không chỉ kề cận, cũng không chỉ là hai nửa ghép lại.

Họ thẩm nhập vào nhau liền lặn, toàn vẹn, tuyệt đối, không có chỗ cho bất cứ thứ gì ở giữa. Với họ, trở thành vợ chồng là trong ý nghĩa ấy. Người đàn bà có thể kháng cự với cám dỗ hay đe dọa nhưng rất khó từ chối định mệnh lạ thường khi nó gõ cửa.

Xử sự trước đám đông của tổng thống và vợ ông biểu tỏ sức mạnh phi thường của niềm tin, của tình yêu có lựa chọn, cam kết và trách nhiệm, một thứ hạnh phúc tín thác trong bình an giúp họ vượt qua mọi dị nghị, đàm tiếu vốn thường xảy ra với mọi đôi lứa không chỉ vì một lý do chênh lệch tuổi tác.

Các thủ tục và nghi lễ chuyển giao quyền hành tại điện Elysée giữa cựu và tân tổng thống chấm dứt khi bầu trời bên ngoài thả xuống Paris những hạt bụi nước của cơn mưa nhẹ cuối Xuân. Theo phong thủy, là dấu hiệu phát triển phồn thịnh cho sự nghiệp chính trị của tổng thống với các tiêu chí ông theo đuổi: phục hồi tư thế của một nước Pháp vững mạnh trong khối Liên Âu, an ninh và đoàn kết tiến bước trong thời đại toàn cầu!

Khách dự lễ lác đác ra về dưới những cái ô xinh xắn và cơn mưa “làm phép” nhanh chóng tạnh, trả lại nắng vàng trên đại lộ Champs Elysée, Khải Hoàn Môn uy nghi, ngọn lửa thiêng trên nấm mộ người chiến sĩ vô danh tổng thống vừa thắp lên, vòng hoa vinh danh tổng thống để lại với lòng biết ơn và cuộc diễn binh theo truyền thống có những con tuấn mã gõ móng xuống mặt đường, là hình ảnh của hàng hàng lớp lớp tuổi trẻ sẵn sàng bước ra khi tổ quốc kêu gọi.

Xin chúc lành đến tổng thống, gia đình và sự nghiệp của ông. Ở bước ngoặt lịch sử này, rồi ra tổng thống sẽ phải một mình một ngựa xuất hiện ở nhiều nơi, bắt đầu với chuyến công du Ðức quốc nhưng chúng tôi biết, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, người đàn bà của ông vẫn hiện diện trong tim ông, nồng ấm và chói lòa như đã thế suốt những năm tháng qua.

Mời độc giả xem phóng sự triển lãm tranh họa sĩ Lương Trường Thọ “50 năm cầm cọ”