Tuesday, April 16, 2024

Dấu chân để lại

Bùi Bích Hà

Nhà thơ Phùng Quán hạ bút viết mấy câu: “Có những lúc ngã lòng, tôi vịn câu thơ mà đứng dậy.” Thi sĩ yêu thơ, thơ là tình yêu của thi sĩ. Vịn câu thơ là vịn vào tình yêu. Sách vở, thi phú, kinh nghiệm truyền khẩu kể lại quá nhiều những cơ hội hồi sinh do (sức mạnh) tình yêu. Tình yêu vượt qua nỗi chết. Kỳ diệu như thế, quyền lực như thế, sao vẫn có người xua đuổi tình yêu? Nhổ vào mặt nó. Vùi dập nó. Ném nó vào thùng rác. Xong lại cầy cục, mò mẫm đi tìm. Tìm được tình yêu mới, ba bẩy hai mươi mốt ngày, như người uống xong nước trà đầu tiên đem bã trà đi đổ, rồi mọi việc lại tái diễn theo chu kỳ cố hữu. Cũ/mới, mới/cũ. Kịch bản y hệt nhau. Lần sau kém nồng nhiệt hơn lần trước, chóng phai tàn hơn lần trước vì đã lẩn quẩn chút hồ nghi.

May mắn thay, cuộc sống muôn màu. Cũng có những lứa đôi yêu nhau toàn vẹn. Hai người là những sợi tơ quấn quyện dệt vào vuông lụa đẹp như mây, ấp ủ, dịu dàng, êm ả, “tay anh em hãy tựa đầu, em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây.”

Cuộc hôn nhân của cụ ông Patrick Roach và cụ bà Rose Scott đã vượt qua lễ kim hôn 13 năm. Họ cưới nhau trong một ngày đẹp trời cuối tháng 6 năm 1952, khi Nữ Hoàng Elizabeth Ðệ Nhị của Anh Quốc vừa mới lên ngôi và nước Mỹ đang dưới thời Tổng Thống Harry Truman. Con đường hạnh phúc của đôi uyên ương có vẻ lên thác xuống ghềnh, đi tìm rơm rạ xây tổ từ Bắc Mỹ qua Ireland rồi bay tuốt tới Nam Phi. Họ dọn nhà nhiều lần và nơi này tới nơi kia xa quá, chắc là tay xách nách mang nên một lúc nào đó, cuốn album bìa bọc da giữ trọn bộ hình cưới của họ bị thất lạc trước khi họ định cư tại Staffordshire.

Trong suốt thời gian họ nuôi dạy hai đứa con khôn lớn, trưởng thành, lấy vợ lấy chồng và sanh cho họ 4 đứa cháu, cuốn album quý giá của hai ông bà, không biết vì duyên cớ nào, lại tìm tới nằm nghỉ ngơi trong cái thùng chứa đồ phế thải của một công ty luyện thép trong vùng Birmingham để rồi cuối cùng, lọt vào tay bà Tina Bradley, 56 tuổi, nhân viên tiếp thị. Khi bắt đầu việc dò tìm chủ nhân của cuốn album, bà Bradley nói với tờ báo địa phương Birmingham Mail như sau: “Tôi nghĩ là bố tôi đã lượm được cuốn album trong cái thùng chứa xà bần và có lẽ ông nghĩ chủ nhân của nó chắc phải khổ tâm lắm vì đã đánh mất nó nên ông đem nó về nhà với ý định sẽ hoàn trả cho khổ chủ một dịp nào đó, cũng y như mong muốn của tôi giờ này đây.”

Bà Bradley tìm thấy cuốn album khi dọn dẹp các di vật của thân phụ, một cựu chiến binh Thế Chiến II, sau khi cụ qua đời ở tuổi 83 và cho biết bà cần trao nó lại cho người sở hữu nó để vinh danh cụ, một người sinh tiền luôn luôn làm điều phải.

Ngày 28 Tháng Sáu năm 2011 vừa tròn 61 năm ngày cưới của ông bà Roaches, tờ Mail khởi sự đăng tải vài tấm hình chụp hôn lễ của họ kèm với lời rao tìm tung tích hai ông bà. Một tháng sau, nhờ cô con gái của một trong mấy cô phù dâu ngày vui năm xưa nhận ra, cuốn album được trao trả tận tay chủ nhân của nó.

Với lòng biết ơn và tâm trạng buồn vui lẫn lộn, đôi uyên ương đầu bạc vẫn hạnh phúc bên nhau trong tuổi già lần dở từng tấm ảnh cũ, kiểm điểm người còn kẻ mất, thấy nước mắt dâng lên mi. Cụ ông Patrick ở tuổi 84, nói với BBC News: “Chúng tôi không còn chữ nào đủ để cảm ơn vị ân nhân đã tìm được kỷ vật quý giá này cho chúng tôi.” Cụ bà Rose Scott phụ họa thêm với chồng: “Thật hết sức cảm động trước công khó bà ấy đã bỏ ra để đi tìm chúng tôi.”

Nhờ vào sự phát triển của Internet và truyền thông, người ta ghi nhận nhiều bức hình kỷ niệm bị thất lạc vì nhiều lý do, đã được thu hồi. Trong trận bão Sandy năm 2012, một phụ nữ ở Connecticut bắt gặp cuốn album cưới năm 1962 tấp vào gần nhà. Sau đó, được biết nó thuộc về cụ bà Betty Elio, 82 tuổi, tài sản bị lũ cuốn trôi sạch sành sanh, thế nhưng “của tin còn một chút này.” May mắn châu đã về Hiệp Phố nhờ một người bà con của cụ nhận ra cuốn album khi tờ báo địa phương đưa hình ảnh lên mạng. Trong cuộc phỏng vấn với cơ quan truyền thông này, cụ Elio vừa ngắm nghía những tấm ảnh ghi lại ngày vui trọng đại của đời mình vừa nói: “Như thể tôi đang đi ngược lại thời quá khứ vậy.”

Ông bà mình ngày xưa đã nói (và hẳn là đã thực chứng): “Tâm động quỷ thần tri,” đồ vật thất lạc mà duyên may vẫn còn thì cố nhân sẽ có ngày tìm lại được nhưng ngoài duyên may, liệu tâm thành tưởng nhớ, mong cầu của đi không đi mất có khiến cho cái ngỡ mất sẽ quay về không? Tôi đặt câu hỏi này vì mới đọc cuốn The Secret của bà Rhonda Byrne nói về định luật hấp dẫn trong vũ trụ. Giả dụ cuốn album cưới trong hai trường hợp trên thuộc về hai cuộc nhân duyên tan vỡ, không còn ai mong đợi, chúng nó đâu có địa chỉ nào để tìm về?

Sống ở Mỹ gần 30 năm, có nhiều dịp đi nhiều tiểu bang vì nhiều lý do. San Jose chỉ cách quận Cam một giờ bay hay nửa ngày lái xe thì với tôi vẫn rất xa lạ. Một lần đi gần tới, rẽ về Sacramento trong ngày cưới của cậu em họ. Vài lần đi qua để chạy thẳng lên San Francisco thăm con gái đang học ở đấy rồi chạy tuốt lên Reno ngắm hồ nước ven đường và thưởng thức bình minh ửng hồng trên những đỉnh cây nhìn xuống thung lũng. Vẫn chưa lần nào đặt chân xuống San Jose. Nay nhân dịp cần đi thăm một người bạn thân lâm trọng bệnh, thay vì đáp máy bay, TD từ San Diego đề nghị hai chị em lái xe tàn tàn lên Bắc Cali, vừa đi vừa ngắm những khu vườn cây trải mình hai bên xa lộ 5 rồi lượt về ngắm biển dài theo xa lộ 101. Lâu lắm tôi mới có lại cái thú vào những quán ăn giữa chuyến đi, cảm giác sự tạm bợ vừa lôi thôi vừa đượm chút buồn vui của gặp gỡ và chia tay không hẹn hò. Chị TD cười cười: “Ðúng là cơm hàng cháo chợ nhé!”

Ðến Milpitas gần 6 giờ chiều. Nắng cuối ngày vàng nhạt trên dãy hành lang khách sạn lác đác người vào ra. Mấy bụi chuối dại. Vài khóm hoa không tên nở đó đây. Tôi chắc cảnh trí này bình thường như mọi ngày thôi nhưng có lẽ nỗi buồn trong lòng tôi lúc này đã khiến nó trông ủ ê tội nghiệp.

Sáng hôm sau, TD thức dậy sớm. Chắc chị đi một vòng thể dục như thường lệ. Trở về phòng, chị khoe: “Tìm được đường đi tới Vườn Tre rồi, chỉ chừng 20 dặm về phía Nam, tiện lắm!” Không nghe chị nhắc nhở gì về bữa điểm tâm Continental do nhà hàng hứa khoản đãi khách mướn phòng. Hỏi. Chị lắc đầu: “Mình ăn nửa cái bagel rồi! Có mỗi một cô vừa làm nhiệm vụ tiếp tân, vừa lo ăn sáng, chẳng ra làm sao cả! Thảo nào trông con bé không thân thiện chút nào ngay từ đầu.” Hóa ra chân lý “Hiểu để Thương” do thầy Nhất Hạnh rao giảng muôn đời đúng (tuy để “hiểu” được, lắm khi phải bửa cái đầu ra!)

Buổi sáng mùa Hè ở một thành phố lạ, tự nhiên có nét quyến rũ riêng. Của cảnh quan mới thấy lần đầu. Của hứa hẹn những điều chưa biết. TD và tôi đồng ý sẽ ăn sáng ở nơi nào muốn dừng chân trên đường đến làng Saratoga, nơi có Vườn Tre cả hai đang muốn tới thăm. Khởi đi từ năm 1915 với một đôi vợ chồng cư dân San Francisco có tấm lòng nhân ái, ông Oliver và bà Isabel Stine, khi họ chọn mua khu đất 18 acres này để làm nơi lui tới di dưỡng tinh thần cho gia đình, các nhân sĩ trên thế giới và bằng hữu yêu chuộng nghệ thuật. Bà Stine thân hành đáp tàu thủy qua Nhật, lưu lại đây gần trọn năm 1916 để đi chiêm ngắm các khu vườn Nhật, đặc biệt trong vùng Fuji-Hakone National Park. Trở về Mỹ, bà cho mời các kiến trúc sư người Nhật chuyên vẽ kiểu nhà và chuyên vẽ kiểu vườn để khởi công xây cất khu lâm viên này theo lối đồng quê Nhật, được bà đặt tên là Hakone.

Gần một thế kỷ trôi qua với rất nhiều thăng trầm và thử thách, quyền sở hữu cũng qua tay nhiều người mãi cho tới năm 2000, chi phí bảo trì khu vườn trở thành gánh nặng quá lớn khiến cho sự sống còn của nó bị đe dọa nghiêm trọng. May mắn thay, Quỹ tài trợ của ông bà David & Lucile Packard đã rót vốn ban đầu giúp thành lập ngân sách bảo trì riêng cho khu vườn. Với chế độ tự quản như hiện nay, hy vọng trong tương lai, Hakone sẽ mãi còn là thắng cảnh rất nên ghé lại dành cho khách du lịch và vãng lai đến từ khắp nơi trên địa cầu.

Ngoài các kiến trúc khác trong khu lâm viên, vườn tre được thêm vào trong một dịp đại trùng tu năm 1987, dưới sự giám sát của ông Kiyoshi Yasui, thế hệ thứ 14 của một giòng họ chuyên về kiến trúc của hoàng gia Nhật.

Bỏ đồng token vào cái khe của chiếc hộp sắt ở cổng và lách mình vào trong, dù trời đang nắng chang chang giữa trưa hè, sự yên tĩnh mênh mông xung quanh lập tức cho tôi cảm giác thư thái cũng mênh mông không kém. Cũng bầu trời chung, cao thăm thẳm ấy nhưng sao như gần gũi, thân thiện và hiền hòa hơn. Cũng con đường đất cát như mọi nơi nhưng sao mỗi bước đi như có tiếng thì thầm êm đềm ngân dội. Tôi đoán là do những cái cổng gỗ kiểu Nhật mang đầy thiền vị. Tôi cũng nghiệm ra có lẽ vì dân Nhật chịu nhiều thảm nạn từ miền đất và thổ ngơi họ sinh sống, thiên nhiên và con người có những lúc hung hãn đến điều nên, như phượng hoàng thoát thai từ lửa đỏ qua hai trái bom nguyên tử rót xuống Hiroshima và Nagazaki, kết thúc Ðệ Nhị Thế Chiến, người Nhật tái sinh một kiếp mới và có một nền văn hóa khác. Hơn ai hết, họ thực chứng nguyên tắc sống lấy nhu trị cương vì cứng chọi với cứng là gẫy. Phải như xe hơi cần lắp hệ thống ống nhún để đi qua con đường mấp mô hầm hố. Phải như dòng nước mềm chảy qua ghềnh thác để tung tăng reo vui. Phải như những hạt mưa để làm nguội mặt đất cho cỏ cây nhú mầm và xanh lộc. Phải buông lơi cảm xúc, thư giãn hình hài để nương theo cơn đau và làm chủ hơi thở. Lịch sử của dân tộc đã tôi luyện cho người Nhật bản năng hay kỹ năng sinh tồn tuyệt diệu.

Ðộng mà tĩnh. Tĩnh mà động. Tôi đứng trong khu vườn Hakone, cảm nhận cả tâm hồn và châu thân bung nở, từng tế bào thấm đượm rào rạt, no nê, khí uyên nguyên trong trời đất, ngỡ mình như quả bong bóng sắp bay lên tầng không. Lầu Vọng nguyệt bốn bề trống trải nhưng tôi biết trăng sẽ rất đẹp, rất huy hoàng trên cái hành lang gỗ nhìn xuống hồ nước này. Những dây hoa wisteria chờ đến mùa nhắc tôi vạt áo lụa mát rất Huế ơi của Trần Thị Lai Hồng. Bước vào khu vườn tre xanh nghít, thẳng tắp, yên lặng tuyệt đối, thỉnh thoảng lắm mới nghe một tiếng chim trong trẻo như ngọc rơi, tôi hỏi TD đang thoăn thoắt tả xung hữu đột với máy ảnh trên tay: “Sao tre ở đây không kẽo kẹt như ở vườn nhà mình ngày xưa nhỉ?” Chị trả lời không cần một giây nghĩ ngợi: “Nhìn đi. Những thân tre thanh mảnh, thẳng tắp như thế kia, làm sao cọ vào nhau thành tiếng được? Vườn Nhật mà kẽo kẹt suốt ngày thì sốt ruột quá!”

Quả nhiên, tôi xem lại lịch sử khu vườn, thấy mãi tới năm 1987, bậc thầy của ngành kiến trúc thuộc Hoàng Gia Nhật là ông Kiyoshi Yasui, mới thêm công trình kén chọn này vào. Thời đó, tôi đã định cư ở Mỹ được hơn một năm rồi, đang cặm cụi làm thợ trong một xí nghiệp sản xuất y cụ ở Irvine. Trẻ con lớn lên trong gia đình, trong lớp học, trong xã hội. Vườn tre xanh biếc, cao vút, lớn lên giữa thiên nhiên. Tôi chợt nghĩ mình có già đi cũng đành!

Tôi đã đi thăm vườn Nhật ở thành phố Bellevue, WA và nhiều vườn Nhật lớn nhỏ đó đây, có khi ở tư gia bạn hữu. Những không gian ấy có khác nhau về kích cỡ nhưng các họa tiết tạo nên khung cảnh đều theo một công thức chung, mang đến cho người chiêm ngắm sự tĩnh lặng. Riêng ở Hakone, diện tích quá lớn để được gọi là vườn. Cũng thú vị khi được biết Hakone từng được sử dụng để thực hiện phần lớn ngoại cảnh cho cuốn phim Memoirs of a Geisha đoạt tới 3 giải Academy Awards.

Ngoài khu Vườn Tre, làng Saratoga còn có suối ôn tuyền và khu phố xá thương mại ở đầu con dốc thật xinh xắn và thơ mộng. Trên đường ra, TD hỏi bâng quơ: “Bao giờ người Việt Nam mình để lại đất nước này những dấu chân như vậy?” Khi không có câu trả lời, tôi hay đổ thừa cho duyên số. Mãi về sau, tôi mới nhớ ra tin tức về một triệu phú Việt Nam, ông Phạm Ðình Nguyên 39 tuổi, cách nay vài năm, đã mua thành phố Buford của tiểu bang Wyoming với giá $900,000 Mỹ kim và giữ luôn chức thị trưởng từ người chủ cũ. Tuy nhiên, đến từ một xứ sở nghèo khó vì chiến tranh và giờ đây hãnh tiến chen chân vào thương trường quốc tế để làm giàu, nghe nói ông ta dự tính biến Buford thành trung tâm phân phối cà phê Việt Nam.

Sắp sang Tháng Bảy âm lịch rồi! Ở đây không có mưa ngâu nhưng chiều tối ở quận Cam thời tiết giữa mùa Hè mà sao dịu dàng đến lạ. Có người bạn gởi cho tôi mấy tấm ảnh chụp trời mưa ở Huế, làm tôi buồn muốn khóc, thương nhớ biết bao những mùa mưa thời thơ ấu ở nơi xa xôi ấy, với cha, với mẹ, với anh, với chị, với mộng mơ ngập lòng. “Gió bao lần từng trận nhớ thương đi, mà kỷ niệm ơi, còn gọi ta chi?” (Xuân Diệu)

MỚI CẬP NHẬT