Ðịa Tạng Sám

Bùi Bích Hà

Ở cái thời đại mà phần lớn tin tức nghe được hay xem được trên các đài phát thanh, truyền hình, Internet và báo giấy, thường là tin xấu: khủng bố, chặt đầu con tin, tàn sát hàng loạt nạn nhân vô tội, vợ chồng giết nhau, cha mẹ giết con cái, con cái giết cha mẹ, người tình bạc đãi hay phụ phàng, đồng loại thù oán,… mọi người dường như chợt tìm ra chân lý: thiên đàng/địa ngục không ở đâu xa mà ở ngay trong bản thân mỗi người.

Như vậy, tu tập là vấn đề lo cho mình trong kiếp hiện tiền, trong giây phút hiện tại và trong từng sát na mình đang thở, đâu phải đợi tới đời sau?

Thầy Hằng Trường, Hội Từ Bi Phụng Sự, đã cho ấn hành và phổ biến rộng rãi cuốn Ðịa Tạng Sám. Ðây là một công trình tâm huyết, được kiến tạo hết sức công phu và tuyệt đẹp, hướng chúng sinh đến tâm nguyện sám hối chuyện đã qua để khai mở thiện tánh bị bỏ quên trong cõi lòng tăm tối. Người hành giả dâng hiến đời mình phục vụ đại tâm từ bi của chư bồ tát bằng pháp giới ngôn từ siêu việt, hiểu rằng ý tốt lành này phải cần đến đại hùng lực của đức Ðịa Tạng mới mong chuyển hóa được chúng sinh từ bỏ ác nghiệp, thoát khỏi bờ mê bến lú để tới được miền an lạc.

Chữ có câu: “Tâm động quỷ thần tri,” chú tâm cầu phước cho người của hành giả, hy vọng khởi được duyên lành trong bá tánh dẫu biết rằng công việc này không khác nào đội đá vá trời, hà hơi mong làm lay động vạn lý trường thành.

Lời lẽ trong Ðịa Tạng Sám diễm lệ như ngọc châu, thơm ngát trầm hương, long lanh tỏa sáng. Người đọc bồi hồi, ôm ngọc trong hai bàn tay cạn, dễ nắm, dễ buông, ngắm nghía cho thỏa nhưng không có chỗ đeo. Là bởi vì tâm chưa mở, trí huệ chưa mở, cảm xúc chưa thấm, sách gối đầu giường hay bày lên án thư cũng tựa như cẩm nang xem qua rồi gấp lại, để thời gian phủ bụi lãng quên.

Hành giả đi trao truyền Phật pháp, lời nói hay nhất thị hiện ngay chính trong cuộc đời mình: ta đâu còn là ta nữa? Phần quý giá nhất, tinh nhuệ nhất của ta thuộc về chúng sinh. Hình hài, thân tứ đại, có hợp có tan, có sạch có dơ, phải tự mình gạn lọc, vun trồng, cấy hái mỗi ngày, mỗi giờ để có trái quả tốt tươi mà ban tặng thập phương.

Hành giả miệt mài gõ đến chảy máu mười đầu ngón tay những cánh cửa đóng. Cửa nhà giàu bằng gỗ quý, khóa đồng, khóa sắt. Cửa nhà nghèo tuy dễ mở nhưng nội thất trống trơn. Chỗ không vào được, chỗ vào khoảng không. Ðành sấp mình đảnh lễ, cầu nguyện, xin ơn. Cho nhà giàu mở cửa, ít nhất là cửa ngoài. Cho nhà nghèo mải tha phương cầu thực quay về. Ước chi họ thâm nhập được vào tâm hành giả, như căn nhà bốn bề rộng mở nhưng người đi qua lãnh đạm, có khi ghé mắt nhìn vào rồi vội vã ra đi. Giàu nghèo, tâm thế có khác, cảm nghĩ có khác nhưng cái đích tới thì chung: giàu đi tìm thêm những cái đang có. Nghèo đi tìm những cái chưa có. Tiền bạc thế gian tưởng là thật vì mua được mọi thứ, hóa ra mua toàn hàng giả. Chả thế mà Bill-Melinda Gates, Warren Buffet lại sẵn lòng cho đi hết của cải để có được những thứ mà tài sản của họ, to lớn nhường nào, cũng không mua được: sự an vui trong tâm hồn, là phước báu của đời người, tới từ nhiệm ý biết thế nào là đủ và biết làm cho số phận hẩm hiu của những kẻ kém may mắn xung quanh họ được sáng sủa hơn.

Thái Tử Tất Ðạt Ða muốn nhìn thấu cốt cách thực sự của bản ngã, biết rằng phải rũ bỏ màn che trướng rủ, phải ra khỏi hoan lạc như ly rượu uống tới cặn, phải nhỏ xuống bằng một hạt bụi trên đường đi. Ngài từ bỏ ngai vàng, cung điện, vợ đẹp con khôn, tự mình bước ra khỏi ảo ảnh những vinh hoa tạm bợ, là xiềng xích óng ánh giam hãm thân tâm, thần thức, để giải phóng mình, đạt đến cái thức cao cả nhất, to lớn đến vô biên, vượt qua cả Ðại Ngã và tan vào Vô Ngã. Tới được chỗ này, hai chữ Tự Do đi với Vô Úy sáng lòa, chói chang.

Liễu đạo rồi, đức Phật khuyến dụ chúng sinh: ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành. Quãng đường giữa hai thì động từ “đã” và “sẽ” ngắn hay dài, dễ hay khó tùy thuộc người tu tập hấp thụ bài học của đấng Thế Tôn nhanh hay chậm.

Nhỏ xuống như một hạt bụi để không còn chỗ cho hệ lụy trần gian bám vào. Nhỏ xuống như một hạt bụi để không có gì án ngữ được nó trên đường bay. “Nhu thắng cương, nhược thắng cường,” nhiều người không áp dụng được triết lý này vì không tin, vì không chấp nhận mình thua trước khi thấy mình thắng. Nhỏ mạnh hơn lớn, trong mắt người thường, càng huyễn hoặc hơn nữa. Nghĩ được như thế, nếu không có căn cơ, ắt cần có Ðức Tin.

Tu tập là đi tìm sự hoàn chỉnh, cho mình trước, cho người sau. Tục ngữ có câu: “Thương người như thể thương thân.” Nói như vậy vì ông bà chúng ta sống ở một thời đại mà nội lực trong nội tâm mỗi người chưa bị xoi mòn, hư hao; mà của cải tổ tiên để lại còn dồi dào, nguyên vẹn, như những cái chum chứa đầy nước mưa trong trẻo từ trời.

Ðến thời chúng ta đang sống, văn minh càng cao, nhu cầu càng nhiều, càng tiêu xài hoang phí tài sản cha ông để lại, túi cạn kiệt, lòng cạn khô, lấy gì mà thương người? Nên phải đổi lại: tích lũy cho mình trước, nhiên hậu mới có của mà trao tặng tha nhân. Nghĩa là “biết thương thân, sẽ khắc biết thương người.”

Trong thực tế, chưa trọn với mình, khó mà trọn với người. Miễn là trọn với mình, hưởng hết ân sủng may mắn này thì biết nghĩ đến người mà san sẻ, để cái trọn riêng mình ngày càng tràn trề hơn, sung mãn hơn do không ngừng được nhân lên và phát triển đến vô cùng. Hẳn đây cũng là suy nghĩ của bậc hành giả: trong ta có người, trong người có ta.

Không nhận ra anh chị em mà ganh ghét, thù oán, hãm hại, triệt hạ nhau là vì bức màn vô minh dày đặc quá. Thêm một khía cạnh tâm lý trong góc tối vô thức của con người là con người muốn làm khổ nhau, thích làm khổ nhau, bày mưu tính kế làm khổ nhau vì cứ ngỡ người kia sung sướng hơn mình, quên rằng đời là bể khổ, nhân loại trầm luân ở những khúc sông khác nhau nhưng không ai sung sướng cả, không ai khô ráo cả, có chăng là những ai sớm biết thương thân để biết bỏ của chạy lấy người, leo lên bờ giác, dang tay vẫy gọi người còn mải mê lặn hụp giữa dòng.

Nhân sinh quan “bỏ của chạy lấy người” là một hình thức đối kháng tiêu cực nhưng ở mặt khác, đó là bước chân khôn ngoan trên hành trình đi tìm hạnh phúc viên mãn. Giữa người và của (đều phù du cả) hãy chọn lấy người vì người làm ra của. Của đây bao gồm của cải thế gian hay của là phước báu do tâm thế an lạc mà có.

Thầy Hằng Trường biên soạn Ðịa Tạng Sám là muốn kêu cầu tới sức đại gia trì của Bồ Tát Ðịa Tạng, đã tinh tấn thành tựu qua vô lượng kiếp tu của Ngài, cùng sự hiệp lực của cả đạo tràng cất lời van xin Ngài xuống oai thần, giúp cho mọi ai trong Ðạo Tràng chuyển họa thành phước, giải thoát nghiệp tiền thân, chấm dứt ốm đau bệnh hoạn. Hành vi này do từ tâm của bậc hành giả trên đường hành đạo, từng va chạm, nhìn rõ, thấu hiểu nghiệp lực sân si của đại chúng và cũng tự biết một sức mình không thể nào làm lay chuyển hay hóa giải nó nên trải hết tâm thành, một mặt thiết lập trai đàn kêu gọi đại chúng khiêm cung dọn mình nhập sám, một mặt xin mười phương chư Phật, chư đại bồ tát và đức Bồ Tát Ðịa Tạng dùng oai lực tiếp trợ. Tri thức hữu hạn của con người cần đến lễ vật và nghi thức hành đạo trang nghiêm để thức tỉnh mình, để làm cho mình biết sợ và biết trông cậy, thiết tưởng sự sắp đặt này không thừa.

Tuy nhiên, triết lý Phật Giáo nhằm khai mở và mọi công trình tu tập phải bắt đầu từ cá nhân. Một hay một số người không lo cho tỷ tỷ nhân loại được nhưng mỗi chủng tử trong nhân loại tự lo cho mình thì mặt đất này sẽ dần dần thánh hóa.

Những tâm thái tốt lành, ai ai cũng sẵn có” (Sách Ðịa Tạng Sám, trang 05). Tựa như hạt thóc giống đã được gieo trong đất, con người muốn có lương thực nuôi sống mình, phải dầm mưa giãi nắng, cày bừa, cấy hái mới nhận được hạt ngọc từ Trời. Trông cả vào nhà nông, như một câu ngạn ngữ đã nói: Hết gạo chạy rông… Công khó của ai, thành quả thuộc về người đó. Làm thay, tu hộ, là tâm lý ỷ lại, là đi đường vòng, là có ngọn, không có gốc. Nhà buôn quanh năm miệt mài làm ăn, thâu lợi. Lâu lâu nhớ tới các bậc xuất gia sớm tối kinh kệ cầu an, cầu phước cho mình, bèn lái xe chở phẩm vật tới thiền môn hay cúng dường tịnh tài vào chùa mà nghĩ là mình đã tu, xin được gọi đây là Pháp Môn Ủy Nhiệm. Nếu như bản thân các thí chủ đại gia này không hề dâng cúng hương hoa từ cõi lòng tinh tấn của họ thì lễ vật cũng bằng không. Trên thang điểm từ 1 đến 10, quý vị ở mức thấp nhất, để bắt đầu.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 8 tháng 2 năm 2017

Suy cho cùng, kiến thức là những gì còn lại sau khi đã đọc qua, đã chiêm nghiệm thiên kinh vạn quyển. Cũng vậy, bản đồ gấp lại nhưng nếu đã ghi nhận, đã thông thuộc đường đi thì lộ trình thuộc về ta. Con đường đạo không có gì phức tạp, chỉ vỏn vẹn gom vào hai chữ Từ Bi. “Yêu em, lòng chợt từ bi bất ngờ...” Cây từ bi sinh trái yêu thương. Muốn yêu thương người khác, hãy thấy ta trong họ. Muốn tôn trọng người khác, hãy thấy ta trong họ. Muốn giúp đỡ người khác, hãy thấy ta trong họ. Muốn tha thứ người khác, hãy thấy ta trong họ. Muốn chấp nhận, tránh soi mói lỗi lầm của người khác, hãy thấy ta trong họ.

Ở đâu có yêu thương, ở đó có hòa bình và hạnh phúc. Ở đâu có hòa bình, hạnh phúc, ở đó có phát triển và phồn thịnh.

Con đường đạo không cản trở, không làm chậm lại sự tiến bộ của nhân loại. Trái lại, nó ban cho những công trình xây dựng của loài người vẻ đẹp sống động của một nền văn minh nhân bản.