Ðời cây

Bùi Bích Hà

Tôi có thói quen học từ một người bạn đã khuất, mỗi khi có dịp đi tới một thành phố lạ, bao giờ nơi đầu tiên lấy sự chú ý của tôi cũng là những cửa hàng bán quà lưu niệm. Quý hơn nữa, những cửa hàng trông bề ngoài cũ kỹ, trương cái bảng hiệu “Antiques,” nhỏ thôi, khiêm tốn, nhưng khơi mở cả một thế giới sinh động luôn khiến tôi bồi hồi mường tượng ra vẻ đẹp bí ẩn, quyến rũ, phảng phất mùi thời gian, của những căn nhà một thời ấm cúng, những bàn tay một thời nâng niu, những ánh mắt một thời yêu đương có lẽ bây giờ không còn nữa,… Do một nguyên cớ gì đấy, nhiều kỷ vật phải rời bỏ tổ ấm của chúng vì phong ba, bão táp bất ngờ, trôi dạt ra chợ đời, đi tìm “mắt xanh” cho chúng nơi ẩn náu khác.

Trong một chuyến đi như thế với vài người bạn, tôi lạc vào một tiệm bán quà lưu niệm ở cửa vào một khu công viên nhỏ, tiểu bang Virginia. Trên cái cột quay vòng có những khuôn ảnh gắn nam châm phía sau, gọi là magnet, thường được người chọn mua đem về gắn lên cửa tủ lạnh ở nhà để nhắc nhở một nơi nào đó đã đi qua, tôi chú ý một tấm hình chữ nhật, dài cỡ 7cm, rộng 5cm, bên góc trái là ảnh một cây xanh với những tán lá rộng, thân gốc vững chãi, in lên nền trời màu lam nhạt. Càng xuống dưới, màu lam nhạt chuyển sang màu lục non mênh mông, êm ái, của “cỏ non xanh rợn chân trời” trong Kim Vân Kiều. Ở cái khoảng trống trời đất thênh thang ấy, tôi đọc được mấy câu của một nghệ nhân nào đó (trong số nhiều nghệ nhân thuộc lãnh vực này và tôi rất khâm phục) là tác giả chuyên viết những lời lẽ tuyệt đẹp in trên các tấm thiệp đáp ứng hầu như không thiếu một trường hợp nào, vô cùng phong phú, giúp nói lên một cách trọn vẹn sở thích, nguyện cầu hay tâm tư của mỗi người và mọi người, áp dụng chính xác cho từng cảnh ngộ.

Những câu viết bằng Anh ngữ trên tấm magnet tôi mua, như sau:

Advice from a Tree
Stand tall and proud.

Sink your roots into the earth.
Be content with your natural beauty.
Drink plenty of water.
Enjoy the view!

Chữ nghĩa giản dị, dễ hiểu, không một chút cầu kỳ hay khoa trương nhưng nội dung của những câu viết thâm thúy làm sao, sâu sắc làm sao! Xin tạm dịch Việt ngữ như dưới đây:

Lời khuyên của cây
Hãy đứng dáng hùng vĩ và tự hào.

Hãy cắm sâu rễ vào lòng đất.
Hãy bằng lòng với vẻ đẹp tự nhiên của mình.
Hãy uống thật nhiều nước cho thỏa thuê.
Hãy thưởng thức cảnh trí mỹ quan trong tầm mắt.

Nếu ví đời người với đời cây, có lẽ không còn lời khuyên nào khác chí lý hơn, hình ảnh nào phản chiếu nhau đầy đủ hơn cho cả hai. Cây lớn hay cây bé. Cây trẻ hay cây già, vài chục năm hay trăm năm, ngàn năm. Trong một góc vườn nhỏ hay trong rừng bạt ngàn, kể cả thân tầm gởi. Tất cả đều là những tấm gương sống cho loài người soi chung.

Từ một hạt giống may mắn nẩy mầm, hữu ý hay vô tình. Từ một nhánh nhỏ ai đó tiện tay giâm xuống đất. Ðợi tưới tẩm. Ðợi chăm chút. Tốt số được cưng chiều hay bạc phận bị bỏ bê. Trước sau cốt lõi một mình cây chịu đựng nắng mưa, sương gió bất thường. Một mình oằn thân phấn đấu chống chọi thiên tai bao gồm khô hạn, lũ lụt, sấm sét, sâu rầy. Ðể lớn lên tươi tốt, cho nhân gian trái lành quả ngọt. Cho vỉa hè nắng cháy bóng mát bao dung. Cho võng trưa tiếng ru của lá cành tình tự. Cho cửa nhà những vật dụng từ vạt giường thô sơ đến phòng ngủ mỹ miều, tinh tế. Im lặng, nhẫn nại, chứng kiến từng ngày qua, từng đêm vui, hạt giống đời được gieo trong hoan lạc để tiếp nối tương lai. Ngẫm nghĩ kỹ, đời người và đời cây tuy mỗi mỗi có khác nhau về hình thái, vóc vạc, về nơi chốn sinh ra song quả có chỗ giống nhau khi suốt một đời cống hiến. Ngẫm nghĩ lại, cuộc đời những người đàn bà như mẹ tôi chẳng khác nào cây khô mọc giữa đồng, không biết vì sao có mặt, tự tồn bằng chút khí trời ít ỏi vào ra hai lá phổi nuôi sống hai bàn tay lam lũ, đôi ba lần nhọc nhằn cho đời trái quả ngọt có, chua có rồi lặng lẽ mục rã và ngã xuống không một tiếng động khẽ. Cùng một kiếp người nhưng những người đàn bà như mẹ tôi không bao giờ có vinh dự biết ví von mình là “cây sậy biết suy nghĩ” như triết gia Blaise Pascal, càng không bao giờ biết tự do giữa trời cao, đất rộng là gì để mơ ước như cụ Nguyễn Công Trứ, “Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo.” Mẹ tôi như rừng sâu thâm u, lá trân mình không biết thở dài. Mẹ tôi như núi non câm nín, đá không chịu vỡ ra dưới trời giông bão.

May mắn hơn mẹ, tôi sinh ra và lớn lên trong một khu vườn quá rộng, quá đẹp, quá nhiều màu sắc và hương thơm cho tuổi thơ một đứa bé. Tôi yêu cây cỏ quanh mình bằng trực cảm hồn nhiên, không suy nghĩ. Như yêu mẹ, vô tâm và vụng dại. Như yêu đời, cả tin và khờ khạo. Ngây ngô ca tụng cả đớn đau.

Tháng Giêng đầu năm nay, bạn tôi ở Sacramento thương tiếc báo tin cây cổ thụ ước đoán hàng ngàn năm tuổi, The Beloved California Giant Sequoia, The Pionneer Cabin Tree, The Tunnel Tree, trong rừng quốc gia Calaveras Big Trees State, California, sau cùng, đã quỵ ngã trong buổi chiều Chủ Nhật mùng 8 Tháng Giêng khi trận bão lớn nhất thập kỷ kéo qua đây, chấm dứt hơn một trăm năm “thân đau muốn nằm” thật tội nghiệp vì con người từ cuối thế kỷ 19, đã có sáng kiến cưa cắt, đục đẽo nó làm thành vòm cổng cho người, ngựa, xe đạp và cả ô tô đi qua để mua vui. Bạn cũng gởi cho tôi bản tin đầy xúc cảm về cái gốc cây còn lại được nhìn thấy ở Oakland, cắt theo hình dạng cái đôn có dựa lưng. Một người qua đường nào đấy hình dung ra chính ở chỗ “cái ghế” này, một thời trước đây, đã có một thân cây tươi tốt, nguyên vẹn. Ðối cảnh sinh tình, dùng ngay cái tựa lưng phẳng phiu làm khung vẽ, người ấy viết xuống mấy câu trích từ cuốn sách hồng với số in hàng chục triệu ấn bản, nhan đề The Giving Tree, ra đời hơn 50 năm trước, của tác giả Shel Silverstein, kể câu chuyện về một cái cây đã cho cậu bé mà nó yêu thương mọi thứ nó có với không một chút dè sẻn hay tiếc xót.

Cậu bé (giờ đã già): “Bây giờ tôi không cần gì nhiều nữa, chỉ muốn một chỗ yên ả để ngồi nghỉ. Tôi mệt quá!”

Cây cố vươn mình đứng thẳng, trả lời: “Ðược thôi. Cái gốc cây cũ kỹ này thật tốt để ngồi nghỉ mệt. Con tới đây, ngồi xuống, ngồi xuống mà nghỉ ngơi.”

Và cậu bé/ông già đã làm theo.

Hình ảnh vừa mô tả được phóng lên mạng xã hội Reddit, thu hút hàng ngàn người góp ý. Nhiều người coi đây là bài ai điếu khóc thương những gì đã mất, họ thú nhận không ngăn được nước mắt và cho biết tuổi thơ của họ đã chịu ảnh hưởng sâu đậm từ cuốn sách của Shel Silverstein, đề cao sự hy sinh. Cái cây trong truyện được nhân cách hóa với đại danh từ She, hẳn là ngụ ý bà mẹ. Khi cậu con trai còn bé, thích leo trèo, cây cho cậu cành của nó. Khi cậu bắt đầu muốn có tiền, cây cho cậu trái quả để bán. Khi cậu đến tuổi cần cất nhà, cây cho cậu gỗ từ mình nó. Khi cậu muốn đóng thuyền rong chơi sông nước, cây cho cậu toàn thân nó. Chỉ còn lại mỗi cái gốc trơ trụi, nó là ghế cho cậu nghỉ ngơi tấm hình hài mệt mỏi.

Phe đồng cảm với tác giả coi The Giving Tree là tác phẩm minh họa vẻ đẹp của lòng quảng đại, của khả năng đem cho tạo nên sự gắn bó giữa hai con người. Ngược lại, phe phản biện cho rằng cuốn sách đưa ra một câu chuyện kể vô trách nhiệm, phía này ca tụng đức hy sinh của bà mẹ, phía kia hủy hoại cả chân dung bà. Cực lực cưa cắt cái cây để chỉ còn lại cái gốc nhưng cuốn sách đã hân hoan kết thúc bằng câu: “The tree was happy,” khiến các bà mẹ không khỏi chau mày, ngỡ ngàng nhìn lại thân phận.

Tôi đứng giữa, không chia phe, bản thân may mắn sống ở thời đại không bị đòi hỏi hy sinh như cái cây trong cuốn The Giving Tree nhưng hơn 50 năm trước, tôi chứng kiến mẹ tôi và nhiều bà mẹ cùng thời với bà, cả đời hy sinh tới mức không còn gì để hy sinh nữa ngoài cái xác thân còm cõi thuộc về mọi người, thuộc về một nền văn hóa có những điều kỳ dị, khó hiểu, không bao giờ thuộc về chính họ. Sống cực nhọc, lam lũ, hèn mọn, oan khuất, chưa một lần được soi gương để biết mình có một chân dung, chưa bao giờ được nghe những đứa con mình rút ruột sinh ra gọi mình bằng mẹ nhưng tôi biết nếu có ai hỏi mẹ tôi có hạnh phúc không, bà sẽ phải hỏi lại hạnh phúc là gì để trả lời là có. Những buổi chiều bà một mình hát sa mạc giọng cao vút trong căn bếp ám khói, thổi nấu bữa ăn cho các con dù không một lần được ngồi cùng bàn với chúng; những buổi trưa khi bà về chợ, mặt đẫm mồ hôi, mắt long lanh, dấm dúi cho tôi quả na, cái bánh nậm hay nửa củ sen nhồi nếp, tôi biết mẹ tôi đang vui sướng trong lòng. Hạnh phúc của bà chỉ giản dị là biết mình được làm mẹ, là một Bí Ẩn chỉ có Thượng Ðế tạo sinh bà hiểu rõ. “The tree was happy.” Yes. Câu chuyện kể trong The Giving Tree không vô trách nhiệm, cũng không hoang đường vào cái thời của nó tuy giờ đây nó trở thành huyền thoại. Chỉ tội nghiệp các bà mẹ suốt dòng lịch sử cho tới nay, mãi còn mải miết cho mà ít khi được đánh giá đúng, nhất là ở thời đại thực dụng này, khi của cho từ trái tim thì trừu tượng, tuy bao la nhưng không đo lường được bằng con số nên không có quyền lực.

Phần thưởng cuối cùng của người mẹ không khác gì cái gốc cây ở Oakland, dù đã thịt nát, xương tan, vẫn ngậm cười biết mình còn để lại chút gì làm chỗ nghỉ ngơi cho “tấm thân héo mòn, đau nhức” của đứa con khi nó cần.