Escape

Bùi Bích Hà

Công việc viết lách ở Mỹ thỉnh thoảng nhắc tôi sự khác biệt văn hóa sâu đậm giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Khi muốn mô tả một chuyến đi ngắn để tìm sự thư giãn giữa dòng sống bề bộn lo toan, tôi cố tìm một chữ gì tương đương với chữ Escape nhưng nghĩ nát óc không ra một từ nào cho thật ổn thỏa. Sực nhớ trong cuộc sống đã thành nếp ở quê nhà trước 1975, cả đàn ông lẫn đàn bà không có ai thỉnh thoảng tự cho phép mình tạm rời bỏ gia đình hay nơi làm việc để đi đâu đó, một mình, gọi là để thoát khỏi những bổn phận hàng ngày hầu làm mới lại tâm hồn/thể xác mệt mỏi của mình. Như vậy, phải chăng vì sự hiểu biết của tôi kém cỏi hay tự điển Việt ngữ đã không lường trước nhu cầu này để có một từ thích hợp?

Tôi thường làm việc về đêm nên thức khuya và sáng dậy muộn. Vài khi có dịp đi xa, phải ra đường khi chân trời đàng đông mới hừng hừng ánh hồng, cả thành phố thường ngày nhộn nhịp còn đang ngái ngủ đằng sau những cánh cửa đóng im ỉm, cho tôi cảm giác đi trong một thị trấn yên bình nào lạ. Xe cộ thưa thớt. Cả không gian còn mát rượi hơi đêm, dường như trong trẻo hơn với cây cối hai bên đường sạch sẽ tựa như vừa được tắm gội. Tiếng chim hót ríu rít nghe rõ trong những tàng cây cao ánh lên màu lục biếc. Trong phút giây, tôi cảm nhận được hạnh phúc như một đặc ân, tràn dâng từ những buổi sớm mai đất trời tinh khôi mà tôi bỏ qua nhiều năm vì những giờ ngủ muộn, tự nhủ lòng sẽ phải thay đổi để lấy lại cái niềm vui đầu ngày tuyệt thú này.

Thật ra, trong 30 năm định cư ở Mỹ, tôi đã trải qua gần hai mươi năm đi ngủ lúc nửa đêm và thức dậy vào lúc 4 giờ sáng để kịp chu toàn mọi bổn phận với gia đình gồm mẹ già gần 90 tuổi, hai con còn niên thiếu và bản thân tôi là một công nhân phải có mặt ở sở lúc 6 giờ kém 15 phút để bắt đầu ca làm. Buổi sáng đối với tôi luôn là cảm giác miễn cưỡng vì thiếu ngủ, vội vàng và lo lắng; là cảm giác sợ hãi khi cầm cái túi giấy đựng phần cơm trưa, đứng bơ vơ trước cổng nhà một bạn gái đồng nghiệp tốt bụng cho tôi quá giang miễn phí tới nơi làm việc, nhìn qua cái hàng rào sắt và vui mừng nếu thấy sau cái cửa sổ nhỏ, phòng tắm nhà chị đã sáng đèn, biết chị đang sửa soạn và sẽ chạy xe ra trong ít phút. Ngược lại, cực hình của tôi sẽ kéo dài với tiếng bước chân nặng nề của những bóng người to lớn di chuyển trên lề con đường vắng khu tôi ở, không biết họ là ai, lành hay dữ, họ đi đâu và làm gì trong lúc còn tối trời này? Thời chân ướt chân ráo đến thành phố Santa Ana, tôi không có quyền lựa chọn những buổi sớm mai nên thơ để ra đường. Mùa Hè khô ráo đã vậy, mùa Ðông ướt át và giá lạnh, ngày vẫn tối mịt khi chưa tới 6 giờ sáng. Gió làm rụng hàng loạt lá cây tàn úa xuống hè đường và lòng phố chật, nằm chen với rác rưởi dưới cơn mưa lất phất, khiến cho ngày của tôi luôn bắt đầu bằng cảnh tượng u ám và buồn bã. Ký ức tôi vẫn khắc ghi đậm nét những ngày phải rời bỏ quê hương bản thổ, lao mình vào một tương lai chưa biết sẽ ra sao ngoại trừ chút hy vọng tìm kiếm cho con cái tôi một đời sống đàng hoàng, có phẩm giá hơn những gì tôi chứng kiến trong 12 năm kẹt lại Sài Gòn thay tên, đổi chủ.

Sáng sớm hôm nay, tôi có dịp đi một chuyến du ngoạn ngắn từ Orange County, theo đường 101 qua Oxnard Harbor là trạm nghỉ chân đầu tiên, qua Santa Barbara rồi thẳng đường tới Solvang, ngôi làng nhỏ của người Ðan Mạch, nhắc tôi bài hát dễ thương Phạm Duy phổ nhạc từ thơ của nhà thơ yểu mệnh Vũ Hữu Ðịnh: “Ði dăm phút đã về chốn cũ, một buổi chiều nào lòng vẫn bâng khuâng…” Thật ra, những địa danh này tôi đã đi qua một lần nhưng chỉ hẹn sẽ trở lại Solvang lần nữa có lẽ vì bên cạnh những thắng cảnh khiêm nhượng của thành phố, yếu tố trời đất và con người ở nơi này gồm cư dân địa phương và du khách, cho tôi ít nhiều lưu luyến khi chạnh lòng tự hỏi có bao giờ, ở đâu trên đất nước này, chúng ta sẽ có cơ hội ghi lại dấu chân mình với một làng Việt Nam hay không?

Chiếc xe buýt dài ngoằng, cao lênh khênh, chở theo chừng 50 du khách, đậu lại ở cuối con đường chính của thành phố. Mọi người tản ra theo ý thích riêng về những hướng khác nhau, có người nhìn sang góc đối diện bãi đậu xe và thảng thốt kêu lên: “Có tiệm phở của người Việt mình kìa!” Không ai bảo ai song chắc mỗi người trong đoàn đều lấy cái bảng hiệu xinh xắn, bất ngờ kia làm điểm mốc để quay về. Dưới nắng xế trưa một ngày ấm áp, chúng tôi chen vai với du khách nhiều sắc tộc, thả bước chân nhàn tản trên vỉa hè lát gạch. Thành phố nhỏ, cửa hàng hai bên đường cũng nhỏ, tường mái sơn mầu xanh dương và đỏ đậm mang dáng vẻ Âu Châu cổ trong những tấm bưu thiếp, trông vui mắt. Cuối con phố chính, cái cối xay gió với bốn cánh quạt thật lớn gắn trên cái mái vòm của tòa tháp tròn chỉ còn là biểu tượng, đứng im phắc, thách đố thời gian cuốn đi và mây bay qua đầu.

Chúng tôi đi thành từng đôi, từng gia đình hay từng nhóm vài ba thân hữu. Máy ảnh chụp lia lịa, nhất là các phóng viên truyền thông sử dụng ảnh cụ chụp selfie ở một tầm ngắm đủ làm cho hình rất đẹp và nghệ thuật. Công viên thành phố quá nhỏ để được gọi là công viên, nằm ở đoạn giữa con đường xương sống, gọn ghẽ, râm mát, im ắng như một bức tiểu họa đủ để giới thiệu chân dung văn hào Hans Christian Andersen, tác giả truyện thần thoại Nàng Tiên Cá, được xem là nét văn hóa đặc thù của vương quốc Ðan Mạch. Không xa công viên, tượng Nàng Tiên Cá bằng đồng ngồi trên mỏm đá ở hải cảng Copenhagen trên một thế kỷ qua, được mô phỏng với quy mô kém bề thế hơn, đặt giữa hồ nước, thu hút du khách bằng huyền thoại do nàng tạo ra làm mê đắm lòng người hơn tất cả những nàng tiên cá của thế giới. Ngắm nàng xinh đẹp với cồn ngực thanh xuân, dáng ngồi khép nép như muốn giấu phần thân thể bất toàn của mình, tôi nhủ thầm nếu có khi nào làng Việt Nam được dựng lên đâu đây, chúng ta có nhiều hơn một huyền thoại Nàng Tiên Cá để du khách say mê…

Tôi để ý tìm một tiệm cà phê để thưởng thức không khí lãng đãng buồn vui ở cái thành phố nên thơ này nhưng không thấy. Những tiệm bán quà lưu niệm không có gì hấp dẫn, khiến tôi ngạc nhiên nhưng họ có mấy con gà cả trống lẫn mái bằng kim loại mỏng, bằng đất nung, bằng vải sặc sỡ. Không biết có phải vì năm nay là năm Dậu, cầm tinh con gà và chủ tiệm biết có nhiều du khách Á Ðông thường qua đây nên đón ý? Có một tiệm đề bảng đại hạ giá áo ngủ nhưng khi bước vào, thấy mẫu mã, kích cỡ không “Ðan Mạch” như tôi hình dung. Chỉ có tiệm bán kẹo, ngọt ra tới vỉa hè, cho tôi gặp lại hương vị lúc tuổi thơ ở những vỉ Nougat thơm mùi đậu phụng rang vừa tới trộn lẫn mùi sữa béo ngậy. Cũng có tiệm kem được du khách phụ nữ và nhi đồng chiếu cố khá đông trong buổi trưa khá nóng. Thong dong, nhàn nhã, đi những bước nhẹ như mây hết hai hàng phố, chúng tôi nhìn đồng hồ và quyết định quay lại nơi xe chờ, tính còn đủ thời gian để ghé vào bất cứ tiệm nước nào gần đó nhất để không trễ hẹn lên xe.

Bàn ghế bày ra lối đi, vui tươi, mời mọc, gia vị nhà bếp thoảng bay trong không gian nghe chừng hấp dẫn nhưng không có tác dụng với chúng tôi vừa xong bữa ăn trưa quá thịnh soạn do ban tổ chức chuyến đi đãi đằng. Ở đây, họ chỉ bán thức ăn và bia. Không có lựa chọn nào khác, chúng tôi rẽ vào một tiệm của người Nhật, bán vài món đặc biệt và có cà phê. Ông chủ trẻ tuổi rất tự hào giới thiệu cà phê của tiệm, thuyết phục được chúng tôi gọi hai ly café latté. Quả nhiên cà phê ông pha rất ngon, mùi vị thanh, dịu và lạ tuy ông pha theo kiểu espresso cappuccino. Ðược thể, ông bạn đồng hành với tôi gọi một món gì đó nhìn hình trên tấm thực đơn tựa như những viên thịt bằm trong món mì Ý thế nhưng sau khi nếm thử, ông mỉm cười thay cho lời phê bình chắc là khó diễn tả.

Cho tới nay, cả hai lần ghé qua Solvang đều để lại trong tôi chút ấm ức phải rời bỏ nó trong cùng ngày. Dường như thành phố nào cũng đẹp về đêm nên tôi muốn nhìn Solvang một đêm mùa Hè trăng sáng hoặc ít nhất, một đêm những người nghệ sĩ trong thành phố tấu nhạc dưới bầu trời đầy sao và nhà hàng dọn những bữa ăn tối cổ truyền đầy nghệ thuật.

Ai đã từng qua đêm ở tiểu bang Vermont sẽ không thể nào quên những bữa ăn tối phải đặt chậm nhất vào buổi sáng để có cá hương thật tươi mới câu từ hồ Champlain và rau quả chỉ lấy từ vườn thực vật vừa đủ cho bữa ăn ấy. Những con đường nhỏ ở Vermont ban đêm đèn không thật sáng nên đêm dịu dàng, êm đềm và thân mật, rất riêng biệt so với những nơi khác, hệt như tiệm ăn không trưng bảng hiệu lớn và bữa ăn dọn trong những phòng ăn như ở tư gia. Ai từng thức dậy lúc sáng sớm trong khu khách sạn mênh mông, mở cửa sổ ra để thấy những con hummingbird xinh xắn, mỏ dài và nhọn, nhanh như mũi tên rúc đầu vào mấy bụi hoa, chiếc tổ chim tròn ủm trên chạc ba một cái cây ngang tầm mắt và tầm tay, phất phơ mấy sợi rơm vàng óng ánh. Cả một thiên nhiên tinh khiết, thinh lặng, lung linh dưới ánh mặt trời bát ngát đổ xuống con đường mòn dành cho người chạy bộ, khiến du khách tưởng chừng thở được vào phổi mình cả mùi cỏ cây cũng đang rạo rực thở ở khắp xung quanh.

Tôi đặc biệt thèm những khoảnh khắc đầu ngày ở những nơi ghé chân vì nó hứa hẹn niềm vui và cả sự bất ngờ. Tôi cũng đặc biệt thích những buổi chiều sắp hết ở những nơi này vì nó gần giống với sự chia ly chờ tôi ở cuối đường, cho tôi sớm biết lưu luyến và tiếc nhớ để sống trọn vẹn hơn giờ khắc đang có.

Ðược những nhà giáo dục người Mỹ gốc Ðan Mạch thành lập từ năm 1911 trên một diện tích 9,000 mẫu tây đất trong thung lũng Santa Ynez, Solvang nay thuộc Santa Barbara County nổi tiếng với trường đại học UC Santa Barbara cỏ xanh như lụa và tu viện cổ Santa Ines. Hơn một thế kỷ vật đổi sao dời, trong số trên 5,000 cư dân hiện sinh sống trong làng, không biết còn bao nhiêu là hậu duệ đích thực của những người tạo dựng ban đầu? Hay thời gian ngưng đọng trên cái cối xay gió nhưng đời người như chiếc lá giữa dòng theo sóng trôi đi? Dẫu sao, Solvang mãi mãi là dấu tích sinh động của người Ðan Mạch, đóng góp phần đáng ngưỡng mộ vào lịch sử di dân của nhân loại từ thời biên cương giữa các quốc gia còn là một lựa chọn liều lĩnh và đầy nước mắt.