Hạnh phúc

Bùi Bích Hà

Phật Giáo, Thánh Kinh, Hiến Pháp nhiều quốc gia chủ trương/ủng hộ quyền mưu cầu hạnh phúc của con người. Dường như sống trên đời, không ai không mong muốn nắm được hạnh phúc, cho bản thân và cho cả tha nhân. Các bậc tu hành tài cao, đức trọng, một đời hoằng dương đạo pháp; hàng giáo phẩm xả thân làm việc tông đồ; lãnh đạo quốc gia muốn được lòng dân, thảy đều lấy sự an vui của đại chúng làm mục tiêu hành động. Thậm chí như xứ Bhutan, thay chỉ số GDP quốc gia tính trên tổng sản lượng người dân làm ra bằng chỉ số hạnh phúc họ được hưởng.

Thế nhưng trong thực tế, chúng ta lại thường nghe nói hạnh phúc chỉ là ảo ảnh, kể cả những ai từng có lúc chứng nghiệm điều ngược lại cũng vẫn tin vào nhận xét trên, xem là chân lý. Sự thật, không cần biết hạnh phúc đến với một người, ở lại với người đó bao lâu nhưng đã tới, đã được nhận biết, thì nó không hề là ảo ảnh.

Thập niên 1960 thế kỷ trước, phong trào Hiện Sinh bùng nổ ở Châu Âu khi giới trẻ ý thức được sự mong manh của đời sống, thoắt còn thoắt mất, của hạnh phúc chợt đến chợt đi. Họ muốn nắm bắt hiện tại, tận hưởng nó ở giây phút tràn đầy nhất, huy hoàng nhất, thật nhất trong những cảm xúc nó khơi gợi. Phong trào dùng niềm vui thể xác để chứng nghiệm hạnh phúc nên chủ yếu thu hút giới trẻ, không lấy được mỹ cảm và sự chú ý của thành phần bảo thủ trong xã hội. Phật Giáo ứng dụng đầu thế kỷ 21 với Thiền Sư Nhất Hạnh quảng bá giáo pháp Hiện Pháp Lạc Trú, dùng phép kiểm soát hơi thở đem tâm về với hình hài để thân tâm là một và giây phút ấy, con người thực sự có mặt trong hiện tại, sẽ tiếp xúc được mầu nhiệm của cuộc sống để thưởng thức trời xanh, mây trắng, hoa nở, trăng lên, v.v…

“Nhiều người trong chúng ta tin rằng hạnh phúc chưa thể có được trong hiện tại và cần phải có nhiều điều kiện hơn nữa thì ta mới thực sự hạnh phúc. Ðó là lý do tại sao chúng ta cứ tiếp tục chạy theo những đối tượng mà mình cưỡng cầu. Làm như vậy thì chúng ta khổ. Bụt khuyên chúng ta nên trở về với giây phút hiện tại để tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống đang có sẵn cho ta ngay trong giây phút này. Trong nhiều kinh, Ðức Thế Tôn đã dạy rằng quá khứ đã đi qua, tương lai thì chưa tới; chỉ có duy nhất một giây phút mà ta có thể thực sự sống, đó là giây phút hiện tại.” (Trích pháp thoại tại Làng Mai)

Khác với Hiện Sinh chủ trương buông thả, Hiện Pháp Lạc Trú kêu gọi ý thức khổ đau, đối diện nó để giải trừ. Tựu trung, hành trình nào cũng nhắm mưu cầu hạnh phúc. Thực tế, kinh nghiệm sống giản dị cho thấy trong đa số trường hợp, hạnh phúc thường hiện ra lúc chúng ta không ngờ nhất, có khi trong khoảng khắc hay sau một ngày dài, ai đó trong chúng ta chợt nhận ra đã trải qua những giây phút sung sướng. Chính cái vẻ huyễn hoặc này khiến cho hạnh phúc mang bộ mặt huyền bí. Thêm nữa, chúng ta thường ý thức về những sự kiện đem đến khổ đau hơn là những sự kiện đem đến hạnh phúc trong khi phút giây biết mình đang sống tự nó đã là hạnh phúc vô biên. Phần đông nhân loại nghĩ rằng họ sẽ hạnh phúc khi có được mối tình với người mình yêu, cưới được nhau; khi đỗ đạt cao và thăng quan, tiến chức; khi thành công trong thương trường tiền vào như lũ. Ðiều này không có gì lạ, chỉ tiếc rằng ngày mưa ngày nắng theo nhau, ít lâu sau, khi sự hứng khởi nhạt dần, người trong cuộc lại cảm giác như hạnh phúc cũng trôi tuột đi theo sự mãn nguyện thường không kéo dài.

Người thích thú vui mua sắm, đổ xô vào các cửa hàng thời trang, săm soi chọn mua quần áo để được thấy mình trong một dung mạo mới; người thích xe hơi đẹp đuổi theo các nhãn hiệu xe cải tiến mỗi năm, không quản ngại tốn kém thực hiện sở thích của họ, biết đâu mọi thỏa nguyện đều thoảng qua như dòng đời trôi chảy. Cảm giác vui sướng sẽ lắng chìm, người ta lại lao đầu vào một chu kỳ tìm kiếm mới y như người nghiện rượu quên cơn say đã qua. Ðược hay không được gì thường là đầu mối của hạnh phúc cặp kè với phiền muộn như bóng với hình, như thủy triều lên xuống.

Có một lý thuyết cho rằng càng tập trung sự chú ý vào bản thân, con người càng ít có hạnh phúc thay vì nhìn ra xung quanh để nhận biết những ai quá chú trọng đến thân thể họ, y phục họ mặc, nghề nghiệp họ làm, chiếc xe họ lái, cái nhà họ ở& thì đều không thoải mái được. Lấy mình làm tâm điểm của vũ trụ là tự làm khổ mình vì tham vọng không tưởng. Hạnh phúc dễ mà khó, đơn giản hay phức tạp tùy thuộc sự lựa chọn cách sống của mỗi người. Hãy thử đừng thắc mắc mình đẹp hay xấu, vui hay không vui, công việc lên hay xuống; tạm quên mình và tập trung vào một điều gì khác có thể giúp tránh được mọi xung động tình cảm vô ích thường quấy nhiễu mình. Những ai hay giúp đỡ thân nhân hay bè bạn, những người phục vụ công ích và lý tưởng chính trị, sẵn lòng tương trợ kẻ kém may mắn hơn mình, thường là những người dễ tìm được hạnh phúc trong cái tâm phấn chấn và an lạc của mình.

Tuy nhiên, cũng không thể chối cãi ý nghĩa súc tích trong hai câu thơ của cụ Nguyễn Công Trứ:

Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe,
Trần có vui đã chẳng cười khì.

Quan tâm đến người khác, xả thân vì một động cơ lớn hơn bản thân không có nghĩa là chúng ta sẽ sống một đời vui thỏa. Không một ai mang thân phận làm người có được diễm phúc tuyệt đối để cảm nhận hạnh phúc trong mỗi phút giây. Không có đêm đen, làm sao biết mừng ngày rạng? Không có phiền não, sao biết quý sự an vui? Chỉ là như căn phòng mở cửa để nắng, gió và mặt trời, mặt trăng vào ra thong dong, sống hỷ xả và chan hòa với tha nhân thì dễ có niềm vui hơn những ai coi mình là cái rốn của vũ trụ, những kẻ lúc nào cũng bôn ba, lặn lội theo đòi hỏi của đám đông, thậm chí, những người già trước tuổi soi gương tìm tóc bạc, than thở thời gian không chờ đợi ai mà mình thì phung phí rồi tiếc nuối.

Thế giới xung quanh chúng ta rộng lớn bao la, là buổi tiệc tràn đầy vẻ đẹp và sự quyến rũ, luôn chào đón, mời mọc con người tham dự, lộng lẫy gấp bội cái khoảnh ánh đèn sân khấu rọi vào một cá nhân ở một cái sân khấu dù vĩ đại cỡ nào cũng nhỏ thôi trong vũ trụ. Hãy tiết chế cảm xúc. Hãy quên những điều không cần nhớ và đừng quan trọng cái tôi. Ai là người trải qua những kinh nghiệm xử thế quý giá này và chia sẻ lại? Các bậc chân tu lỗi lạc? Các thức giả thông tuệ hiếm hoi? Người nghệ sĩ lớn đi qua cuộc đời với tâm thế nhẹ như mây? Hay đông hơn, là những bệnh nhân bên bờ sinh tử? Quả nhiên thường phải đợi đến cuộc chia tay cuối cùng, con người mới mau chóng nhận thức được các ưu tiên cần thiết đem lại hạnh phúc. Trong muộn màng.

Không một ai, trên giường bệnh, lại ước ao được làm việc thêm ít ngày ở văn phòng để có thêm lợi nhuận, mua thêm một ngôi nhà, một chiếc xe, viên kim cương đắt giá. Ðiều quan trọng được nhận diện lúc bấy giờ là gia đình, bằng hữu, các tương quan xã hội gồm điều gì chúng ta đã cho đi và điều gì chúng ta nhận lại, chúng ta đã giúp được những ai và những ai là ân nhân đã giúp chúng ta cách này hay cách khác? Cuộc tính sổ sau cùng này, nếu còn kịp, chính là hạnh phúc chúng ta mang theo vào chuyến đi mới tới một hành tinh bình yên khác với quả đất chúng ta đã chạy giáp vòng và sắp sửa từ giã.

Dẫu sao, ngoài sự kiếm tìm hạnh phúc với nhiều lý luận và công trình tu tập khó khăn như nói trên, nhiều người chia sẻ rằng hạnh phúc tới với họ rất tình cờ và bất ngờ. Có người cho biết một buổi sáng nào đó sau một đêm khó ngủ, mộng mị chập chờn vì mối tình tan vỡ, chị thức dậy vì tiếng chim hót bên ngoài cửa sổ. Tiếng chim trong trẻo, tươi tắn, như những nốt nhạc nhảy múa đón chào bình minh, dội vào không gian tĩnh lặng của khu vườn nhỏ, dội vào trái tim buồn bã của chị, lay động nó, khua thức nó, khiến chị mở mắt, nằm yên lắng nghe sự chuyển động ấm áp trong tâm hồn, trong thân thể, nhắc chị nhớ chị đang có một hình hài để đón nhận biết bao thanh âm đến từ nhịp đời rộn rã niềm vui, đâu phải chỉ có tiếng bi ai? Và, chị “ngộ” ra, nhớ lại một câu của Thiền Sư Nhất Hạnh chị có lần nghe qua và bỏ qua: “Chính là khi thở vào mà ta biết ta có một hình hài quý giá!” Chị tung chăn, bước xuống giường. Chị nói: “Kể từ giây phút ấy, tôi thường nghe tiếng chim hót trong tim mình, như một bản nhạc với những âm vui không dứt.”

Hóa ra, hạnh phúc không ở đâu xa mà rất gần. Ðặt bàn tay mình lên ngực, chỗ trái tim đang đập, khe khẽ, nhịp nhàng, kiên trì, đều đặn. Khi ta thức. Khi ta ngủ. Mọi nơi. Mọi lúc. Cứ thế. Cứ thế nhé trái tim ngoan hiền, thủy chung của ta ơi, món quà em cho ta không mỏi mệt, quý báu, to tát là thế, lặng lẽ, khiêm nhượng là thế, em là nguồn gốc ban phát sự sống, ban phát yêu thương, ban phát hạnh phúc nhưng em dễ bị lãng quên, dễ bị dày vò giữa dòng đời huyên náo.

Tài năng siêu việt, trí khôn vượt bậc của con người làm nên những tiến bộ tốt đẹp của xã hội nhưng giai điệu yêu thương của trái tim mới biến cõi nhân gian thành một miền hoan lạc, cuộc sống trên mặt đất này đáng sống hơn và con người hạnh phúc hơn.